TCCSĐT - Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Vân thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên về chế độ chính sách để khuyến khích cán bộ ngành y tế phát triển.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ nhận được chấn vấn của Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Vân với nội dung: Cử tri ngành y tế mong muốn được nâng mức lương khởi điểm và đặc biệt là được hưởng phụ cấp thâm niên nghề; Chính phủ có ý kiến như thế nào về chế độ chính sách khuyến khích cán bộ ngành y tế ngày càng phát triển.

Trả lời chất vấn, Thủ tướng Chính phủ cho biết, viên chức ngành y tế được áp dụng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, đồng thời được hưởng chính sách ưu đãi đặc thù ngành y tế.

Cụ thể, đó là phụ cấp ưu đãi theo nghề y tế quy định tại Nghị định số 56/2011/NĐ-CP; phụ cấp đặc thù quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg và chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn quy định tại Nghị định số 64/2009/NĐ-CP và phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trợ cấp lần đầu, trợ cấp chuyển vùng, trợ cấp tiền mua, vận chuyển nước ngọt, sạch; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu; thanh toán tiền tàu xe, trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định số 85/2012/NĐ-CP về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập thì các đơn vị sự nghiệp y tế được tự chủ về các khoản thu, mức thu theo quy định của cơ quan có thẩm quyền, được tự chủ trả lương cho viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý, được trích quỹ để chi trả tiền lương tăng thêm, chi trả cho chuyên gia, thầy thuốc giỏi.

Như vậy, viên chức ngành y tế đã được hưởng tổng thu nhập (bao gồm tiền lương theo bậc trong chức danh nghề nghiệp viên chức, các loại phụ cấp lương và thu nhập tăng thêm từ nguồn thu sự nghiệp) là có cải thiện hơn so với nhiều ngành, nghề khác, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với ngành y tế.

Chế độ tiền lương từ năm 2003 đến nay đã phát sinh nhiều hạn chế, chính vì vậy, Ban Cán sự đảng Chính phủ đã xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp trình Hội nghị Trung ương 7 khóa XII và đã thông qua tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó tại Khoản 3 Mục II của Nghị quyết đã xác định nội dung cải cách: "Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng".

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và chế độ tiền lương mới thực hiện từ năm 2021.

Giao kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ năm 2018 đợt 3

Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ năm 2018 (đợt 3) cho các Bộ, UBND các tỉnh theo ngành, lĩnh vực, chương trình và danh mục dự án.

Trong đó, giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2018 (đợt 3) cho Bộ Giao thông Vận tải là 320,01 tỷ đồng, 22 địa phương 5178,034 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ danh mục dự án và tổng số kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ năm 2018 (đợt 3), quyết định giao cho các Bộ và UBND các tỉnh danh mục và chi tiết mức vốn của các dự án; thực hiện các quy định tại khoản 1, Điều 4 Quyết định số 2131/QĐ-TTg ngày 29-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ năm 2018; chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tính chính xác của các thông tin, số liệu và mức vốn phân bổ cho các dự án.

Căn cứ kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ năm 2018 (đợt 3) được giao, các Bộ, UBND các tỉnh: Giao danh mục và mức vốn cụ thể của từng dự án cho các đơn vị trực thuộc để thực hiện; báo cáo kết quả giao, thông báo kế hoạch vốn đầu tư trái phiếu Chính phủ năm 2018 đợt 3 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 15-12-2018.

Đồng thời, định kỳ hằng tháng, quý và cả năm báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ năm 2018 theo quy định; chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin về các dự án đầu tư nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do Bộ, địa phương quản lý. Trường hợp phát hiện các thông tin không chính xác, phải kịp thời gửi báo cáo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ.

Thành lập Ủy ban Quốc gia chuẩn bị, thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN 2020

Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia chuẩn bị và thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 của Việt Nam. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh làm Chủ tịch Ủy ban.

Các Phó Chủ tịch gồm: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng làm Tổng Thư ký Ủy ban. Các Ủy viên của Ủy ban gồm đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành liên quan.

Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, điều phối, hướng dẫn các Bộ, cơ quan, địa phương về các lĩnh vực công tác có liên quan đến việc chuẩn bị và thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam năm 2020.

Cụ thể, Ủy ban có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết các vấn đề liên quan đến nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Đồng thời giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối, phối hợp giữa các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan trong việc giải quyết những vấn đề liên quan; giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ, vấn đề liên quan đến nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 gồm 5 Tiểu ban: Nội dung, Lễ tân, Tuyên truyền-Văn hóa, Vật chất-Hậu cần, An ninh-Y tế; và Ban Thư ký ASEAN Quốc gia 2020.

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ được giao; chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Ủy ban; triệu tập, chủ trì các cuộc họp của Ủy ban; ban hành quy chế làm việc và phối hợp của Ủy ban.../.