Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 10 đến 16-12-2018)
TCCSĐT - Với quyết tâm củng cố kế hoạch hành động nhằm ứng phó với những mối đe dọa từ tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp, từ ngày 02 đến 14-12, đại diện từ gần 200 quốc gia trên thế giới đã tụ họp tại thành phố Katowice (Ba Lan) để tham dự Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP 24).
Cộng đồng quốc tế nỗ lực đối phó với biến đổi khí hậu
COP 24 được đánh giá là sự kiện quan trọng nhằm giải quyết các thách thức về khí hậu. Ảnh: Reuters
Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), nhiệt độ Trái Đất đã tăng thêm 1 độ C chỉ trong 3 năm qua cùng với mực nước biển dâng cao, cháy rừng nghiêm trọng tại nhiều quốc gia, các hình thái thời tiết cực đoan như thiên tai gây thiệt hại nặng nề cả người và của, các đợt nóng kéo dài và các cơn bão hung dữ có sức tàn phá lớn cũng xuất hiện với tần suất ngày một dày hơn, diễn biến phức tạp và khó lường hơn.... Tất cả những điều ấy đã khiến biến đổi khí hậu trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại hiện nay. Các nhà khoa học cho rằng chưa bao giờ cư dân “Hành tinh Xanh” phải gánh chịu hậu quả của biến đổi khí hậu lớn như ngày nay.
Diễn ra trong bối cảnh Mỹ đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và hầu hết các nước còn lại tham gia thỏa thuận này vẫn chưa thể nhất trí về một nỗ lực chung, dù năm nay đã là thời hạn chót để thông qua chương trình thực thi các cam kết hành động, tiến tới việc Hiệp định Paris chính thức có hiệu lực vào năm 2020 để thay thế Nghị định thư Kyoto, COP 24 được đánh giá là sự kiện rất quan trọng nhằm giải quyết các thách thức về khí hậu. Những nội dung đàm phán tại COP 24 tập trung xây dựng và hoàn thiện các kế hoạch chi tiết về giảm nhẹ, thích ứng, tăng cường năng lực, hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ… đối với toàn bộ 195 quốc gia đã ký kết (trong đó 184 quốc gia đã phê chuẩn) Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Ngoài ra, đại diện các nước cũng thảo luận về cách thức nhằm giải quyết những mối đe dọa cấp bách như tình trạng biến đổi khí hậu, lượng khí nhà kính gây ra sự ấm lên toàn cầu, cải thiện chất lượng không khí, thiên tai gây thiệt hại nặng nề về người và của, như các trận cháy rừng, các đợt nóng kéo dài và các cơn bão hung dữ có sức tàn phá lớn đi kèm với mực nước biển tăng.
Một trong những tranh cãi tại Hội nghị COP 24 là ngân sách tài chính hỗ trợ cho các nước phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu khi mà cam kết xây dựng ngân sách trị giá 100 tỷ USD hằng năm (tới năm 2020) khó có thể được thực hiện sau khi Tổng thống Mỹ D. Trump quyết định rút nước này ra khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Nhân dịp này Ngân hàng Thế giới đã công bố khoản đầu tư vào kế hoạnh hành động chống biến đổi khí hậu trị giá 200 tỷ USD trong giai đoạn từ 2021 - 2025, đồng thời nhấn mạnh con số này gấp đôi so với khoản ngân sách 5 năm hiện nay.
Tại Hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres tuyên bố thế giới đang đi chệch hướng trong kế hoạch ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu. Ông A. Guterres nhận định các nước chứng kiến những tác động của thảm họa thiên nhiên dẫn tới sự tàn phá khắp thế giới, song con người vẫn chưa hành động đầy đủ và đủ nhanh để ngăn chặn tình trạng này. Ông A. Guterres đồng thời kêu gọi các quốc gia phát triển tăng ngân sách hỗ trợ các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biển đổi khí hậu. Trong khi đó, Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 73, bà M. Espinosa khẳng định, các nước sẽ phạm sai lầm nếu lựa chọn giữa các mục tiêu kiềm chế tốc độ ấm lên của Trái Đất và vấn đề việc làm.
Kết thúc Hội nghị, các nước cam kết xây dựng và hoàn thành chương trình nghị sự thực hiện Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu năm 2015. Đồng thời nỗ lực hoàn tất một bộ quy chuẩn nhằm kìm hãm sự tăng nhiệt của Trái Đất ở dưới mức 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, tiếp tục nỗ lực để hạn chế sự gia tăng nhiệt đến 1,5 độ C. Các nước tham dự cũng đã cam kết thúc đẩy những nỗ lực cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - một trong những nguyên nhân khiến nhiệt độ Trái Đất ấm lên - thông qua việc chuyển đổi sử dụng các nguồn năng lượng, chú trọng tới nguồn năng lượng tái tạo, xanh và sạch hơn.
EU - Nhật Bản khẳng định xu thế tự do hóa thương mại toàn cầu
Nhật Bản sẽ gỡ bỏ mức thuế lên tới 30% với các sản phẩm phomát của châu Âu. Ảnh: Bloomberg |
Với 474 phiếu thuận và 156 phiếu chống, kế hoạch thiết lập khu vực thương mại tự do lớn nhất toàn cầu giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã vượt qua những thử thách cuối cùng tại Nghị viện châu Âu ngày 12-12, qua đó mở đường cho hiệp định thương mại tự do song phương này chính thức có hiệu lực vào năm tới. Đây được coi là bước tiến lớn và mở ra nhiều cơ hội cho hợp tác thương mại giữa hai nền kinh tế chiếm 1/3 GDP thế giới, đồng thời khẳng định xu thế tự do hóa thương mại toàn cầu.
Nhật Bản và EU bắt đầu đàm phán thỏa thuận thương mại tự do từ năm 2013 và hoàn tất quá trình này vào tháng 7-2017. Sau 5 năm đàm phán, ngày 17-7-2018, EU và Nhật Bản chính thức khép lại các cuộc đàm phán thương mại bằng việc ký kết thỏa thuận thương mại tự do tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Ngày 08-12, Quốc hội Nhật Bản cũng đã phê chuẩn thỏa thuận này.
Thỏa thuận thương mại tự do EU - Nhật Bản sẽ cho phép loại bỏ 10% thuế nhập khẩu xe ô tô từ Nhật Bản và 3% cho hầu hết các phụ tùng, thiết bị xe ô tô. Phía Nhật Bản cũng gỡ bỏ mức thuế lên tới 30% với các sản phẩm pho mát và 15% với các loại rượu nhập từ EU, đồng thời nới rộng cơ hội cho các doanh nghiệp EU tiếp cận một số lĩnh vực công nhạy cảm tại Nhật Bản.
Việc thỏa thuận thương mại mới được thông qua kỳ vọng sẽ tăng đáng kể kim ngạch thương mại giữa EU và Nhật Bản, vốn đạt khoảng 152 tỷ USD trong năm 2017. Sau khi chính thức có hiệu lực, thỏa thuận này cũng sẽ tạo ra một trong những khu vực kinh tế tự do lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu với khoảng 600 triệu dân, tạo cơ hội cho cả hai bên cũng như có thể kết nối với các nền kinh tế khác. Trước mắt, Hiệp định thương mại tự do Nhật Bản - EU sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của hai bên.
EU và Nhật Bản thông qua Hiệp định thương mại tự do trong bối cảnh hai bên đều đang đối mặt với những biện pháp gia tăng căng thẳng thương mại từ Mỹ, trong đó có các mức thuế nhập khẩu nhôm thép mà Washington đã áp đặt với hầu hết các đối tác thương mại chính nhằm giảm mức thâm hụt thương mại với các quốc gia này. Chính vì vậy, việc Hiệp định thương mại tự do EU - Nhật Bản được ký kết và phê chuẩn có thể coi là lời khẳng định quyết tâm của hai bên trong việc thúc đẩy tự do hóa thương mại toàn cầu, chống lại chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ.
Hiệp định thương mại tự do Nhật Bản - EU còn mở đầu cho sự dịch chuyển trong mối quan hệ thương mại toàn cầu, đồng thời báo hiệu cho sự xuất hiện của nhiều thỏa thuận tự do thương mại khác trên thế giới. Việc Nhật Bản - EU cùng thúc đẩy hiệp định thương mại tự do song phương đã khẳng định dù không có sự hợp tác của Mỹ, tự do thương mại và mở cửa thị trường tiếp tục là xu thế chủ đạo của nhiều nền kinh tế trên thế giới.
Bước tiến tích cực đối với tiến trình hòa bình tại Yemen
Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres, Ngoại trưởng Yemen Khaled al-Yamani và đại diện phiến quân Houthi tại vòng đàm phán hòa bình ở Stockholm (Thụy Điển) ngày 13-12. Ảnh: THX/TTXVN
Kết thúc vòng hòa đàm do Liên hợp quốc làm trung gian tại Thụy Điển, diễn ra từ ngày 06 đến 13-12, Chính phủ Yemen và nhóm vũ trang Houthi đã nhất trí ngừng bắn ở Hodeidah. Vòng đàm phán này đánh dấu lần đầu tiên Chính phủ Yemen và lực lượng Houthi gặp nhau kể từ cuộc đàm phán năm 2016 bị đổ vỡ nhằm kết thúc cuộc xung đột tại Yemen.
Tại cuộc đàm phán, các bên xung đột tại Yemen nhất trí ngừng giao tranh tại Hodeidah vốn do phiến quân Houthi kiểm soát cũng như rút quân khỏi thành phố này. Đây là bước đột phá đầu tiên trong nỗ lực hòa bình do Liên hợp quốc dẫn đầu nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 5 năm tại Yemen. Nếu được triển khai, thỏa thuận trên có thể cứu trợ cho gần 14 triệu người đang ở trên bờ vực của nạn đói tại Yemen bởi cảng Hodeidah là một cửa ngõ quan trọng cho hoạt động viện trợ cũng như nhập khẩu lương thực.
Phát biểu trên kênh truyền hình Al Arabiya, Đại sứ Saudi Arabia tại Yemen Mohammed al-Jabir cho biết, tiến trình thực thi thỏa thuận ngừng bắn tại thành phố cảng Hodeidah giữa các bên xung đột tại Yemen bắt đầu từ ngày 14-12. Tuy nhiên, cuộc hòa đàm vẫn chưa giải quyết được một số vấn đề then chốt. Vòng đàm phán mới dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 01-2019.
Trước đó, các bên tham chiến tại Yemen đã nhất trí mở cửa trở lại sân bay quốc tế ở thủ đô Sanaa cũng như nhất trí nối lại hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, đồng thời trao cho nhau danh sách gồm 15.000 tù nhân để tiến hành một cuộc trao đổi tù nhân đã được nhất trí như một biện pháp xây dựng lòng tin.
Trong một tuyên bố đưa ra vài giờ sau khi các phe đối địch tại Yemen nhất trí lệnh ngừng bắn nói trên, Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo cho biết, Mỹ đánh giá các bên tham gia hòa đàm Yemen đã đạt tiến bộ ở nhiều sáng kiến quan trọng. Ngoại trưởng Thụy Điển M. Wallstrom thì đánh giá cuộc hòa đàm Yemen đã diễn ra với tinh thần tích cực và thiện chí”. Từ Dubai, Quốc vụ khanh phụ trách đối ngoại của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) A. Gargash đã lập tức bày tỏ hoan nghênh, cho rằng đây là một thỏa thuận mang tính “khích lệ”, một tiến bộ chính trị quan trọng và là một bước đột phá có ý nghĩa. Tại Iran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này B. Ghasemi cho biết, Tehran nhận thấy những bước tiến tích cực và các thỏa thuận sơ bộ cho cuộc hòa đàm tiếp theo đem đến “nhiều triển vọng”.
Trong bối cảnh Yemen đang đối mặt với sự suy thoái kinh tế, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương nước này S. Hobeishy cho biết khả năng ngân hàng này sẽ được viện trợ 3 tỷ USD từ các đồng minh Kuwait và UAE. Theo quan chức này, khoản viện trợ trên sẽ bao gồm 2 tỷ USD từ UAE và 1 tỷ USD từ Kuwait. Trước đó, Saudi Arabia đã đổ 2,2 tỷ USD vào ngân hàng trên do đồng riyal của Yemen trượt giá.
Trước những diến biến trên, theo các nhà phân tích, nếu không thể tìm ra giải pháp hòa bình, các cuộc xung đột có thể khiến Yemen chìm sâu vào bất ổn. Chính vì vậy, việc Chính phủ Yemen và nhóm vũ trang Houthi nhất trí ngừng bắn ở Hodeidah, nhất trí mở cửa trở lại sân bay quốc tế ở thủ đô Sanaa, nối lại hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, đồng thời ký kết thỏa thuận trao đổi tù nhân được coi là bước tiến tích cực đối với tiến trình hòa bình Yemen.
Nước Anh vẫn đối mặt với tương lai khó đoán định
Thủ tướng Anh T. May trong một buổi họp tại London (Anh). Ảnh: TTXVN
Vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của đảng Bảo thủ cầm quyền, Thủ tướng Anh T. May sẽ có thêm 12 tháng “an toàn” theo luật định để hoàn thành tiến trình Brexit. Tuy nhiên, tiến trình này vẫn được đánh giá là không hề dễ dàng với rất nhiều hệ quả khó lường.
Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm này là kết quả trực tiếp của việc Thủ tướng Anh quyết định hoãn việc đưa thỏa thuận Brexit ra thông qua tại Hạ viện vào ngày 11-12 như kế hoạch ban đầu, vì triển vọng thất bại là gần như chắc chắn khi có hơn 100 nghị sĩ trong Đảng Bảo thủ khẳng định sẽ bỏ phiếu chống. Đảng Bảo thủ của bà T. May chỉ chiếm 317 trong tổng số 650 ghế tại Hạ viện Anh sau cuộc bầu cử sớm năm 2016, và phải liên minh với Đảng Dân chủ Hợp nhất Bắc Ireland (DUP) (với 10 ghế tại Hạ viện) mới có thể thành lập chính phủ. Số nghị sĩ Bảo thủ phản đối thỏa thuận Brexit hiện tại là những người theo quan điểm ủng hộ Brexit cứng. Họ cho rằng thỏa thuận Brexit hiện tại của bà T. May sẽ khiến nước Anh tiếp tục bị ràng buộc với EU vô thời hạn và không được tự do đàm phán các thỏa thuận thương mại với những đối tác khác ngoài EU sau Brexit. Và sau khi Ủy ban 1922 nhận được đề nghị của ít hơn 15% số nghị sĩ trong đảng Bảo thủ, một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với bà T. May đã được tiến hành.
Với việc vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, Thủ tướng T. May sẽ tiếp tục là lãnh đạo của đảng Bảo thủ, đồng thời là Thủ tướng Anh. Trong khi đó, theo quy định của Ủy ban 1922, hiệu lực của cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm là 12 tháng. Điều đó có nghĩa là sẽ không có bất cứ cuộc bỏ phiếu nào thách thức vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ của Thủ tướng T. May trong 12 tháng tới. Kết quả này cũng được xem là một thắng lợi lớn đối với Thủ tướng Anh T. May. Chiến thắng này càng trở nên có ý nghĩa tại thời điểm khó khăn này đối với Thủ tướng Anh trong việc khẳng định uy tín của mình trước sức ép từ cả nội bộ lẫn bên ngoài những ngày qua, tranh thủ thêm sự ủng hộ của các nghị sĩ Bảo thủ đối với thỏa thuận Brexit đạt được giữa Anh và EU hồi tháng 11 vừa qua.
Dù đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong Đảng Bảo thủ, song dường như thắng lợi này không thay đổi một thực tế Thủ tướng Anh sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Nỗi lo lớn nhất hiện nay của Thủ tướng T. May là liệu có thuyết phục được các nghị sĩ tại Hạ viện bỏ phiếu thông qua thỏa thuận Brexit hay không. Đây là kịch bản mong chờ của Thủ tướng May vì hiện giờ bà vẫn đang đối mặt với những khó khăn bủa vây ở cả nội bộ lẫn bên ngoài từ các nghị sĩ trong đảng Bảo thủ cầm quyền, đảng DUP đến EU. DUP, đảng mà chính phủ dựa vào sự hậu thuẫn của đảng này tại Hạ viện đang yêu cầu Thủ tướng T. May đàm phán lại với EU phần kế hoạch dự phòng đối với vấn đề đường biên giới Ireland. Trong khi đó, về phía EU, khối này cho biết sẽ không đàm phán lại những nội dung đã thỏa thuận xong với London.
Một nỗi lo nữa là nguy cơ về một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm khác tại Hạ viện đối với Thủ tướng T. May và chính phủ của bà do Công đảng đối lập của ông J. Corbyn đang phát động. Với những khó khăn trên, con đường đi tới kịch bản thông qua thỏa thuận Brexit tại Hạ viện dường như còn quá xa.
Còn nhiều thách thức trong việc thực thi Hiệp ước Toàn cầu về di cư của Liên hợp quốc
Người di cư Trung Mỹ đổ xô tới khu vực biên giới Mexico để tìm cách tới Mỹ ngày 19-11. Ảnh: AFP
Hiệp ước Toàn cầu về di cư an toàn, có trật tự và thường xuyên đã chính thức được thông qua tại Hội nghị Liên hợp quốc diễn ra tại Marrakesh (Maroc) hồi đầu tháng 12-2018, với sự tham dự của của các nhà lãnh đạo và đại diện của khoảng 150 nước trên thế giới. Việc thông qua Hiệp ước Toàn cầu về di cư đã cho thấy nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết vấn đề di cư vốn đang gây ra nhiều quan ngại.
Hiệp ước toàn cầu về Di cư của Liên hợp quốc ra đời trong bối cảnh làn sóng người di cư đổ tới châu Âu với quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, trong đó đa số trốn chạy khỏi các cuộc xung đột và nạn nghèo đói ở Trung Đông và châu Phi.
Các con số thống kê cho thấy, số người di cư trên toàn thế giới đã tăng lên mức 250 triệu người, tương đương 3% dân số toàn thế giới. Đến nay, lượng người di cư qua đường biển đã giảm rõ rệt, nhưng “dư chấn chính trị” do làn sóng này gây ra vẫn rất nặng nề tại EU. Trong khi đó, hàng nghìn người di cư hiện cũng đang tập trung ở biên giới Mexico để tìm cơ hội xin tị nạn tại Mỹ, buộc nhà chức trách Mỹ phải triển khai binh sĩ tới biên giới và tiến hành trấn áp mạnh tay. Chính vì vậy, Hiệp ước được coi là văn kiện quốc tế đầu tiên về quản lý người di cư này đã đặt ra 23 mục tiêu bảo đảm di cư hợp pháp và quản lý dòng người di cư tốt hơn.
Theo Liên hợp quốc, dù Hiệp ước Toàn cầu về di cư không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, song có thể được xem như “kim chỉ nam” đối với các quốc gia đang phải giải quyết vấn đề di cư. Hiệp ước là cơ cấu khung cho sự hợp tác quốc tế, không mang tính ràng buộc về pháp lý và bao gồm một vài điều khoản cụ thể về chủ quyền, việc thực thi hiệp ước chỉ dựa vào thiện chí của những quốc gia ủng hộ.
Với mục tiêu tốt đẹp là thúc đẩy hợp tác giữa các nước nhằm giải quyết vấn đề người di cư trên thế giới, song hiệp ước này lại vấp phải sự chỉ trích nặng nề từ Mỹ, nước đã từ chối phê chuẩn hiệp ước này. Ngay trước thời điểm diễn ra Hội nghị, một loạt các nước cũng đã đồng loạt tuyên bố rút khỏi hiệp ước này, trong đó có Hungary, Áo, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Bulgaria, Australia, Israel, Ba Lan, Slovakia, Thụy Sĩ, Estonia, Latvia, Australia, Israel và Cộng hòa Dominicana. Mới đây nhất, ngày 9-12, Chile cũng đã tuyên bố rút khỏi hiệp ước và nước này đã không cử đại diện tham dự.
Trong khi đó, tại châu Âu, dù lượng người di cư qua đường biển đã giảm rõ rệt, nhưng làn sóng di cư đang gây chia rẽ trên chính trường nhiều nước. Tại Bỉ, ngày 09-12, chính phủ của Thủ tướng C. Michel đã rơi vào vị thế thiểu số sau khi một loạt các Bộ trưởng dân tộc chủ nghĩa thuộc đảng Liên minh Flemish mới (N-VA) từ chức vì bất đồng sâu sắc đối với Hiệp ước. Tại Đức, cũng trong ngày 09-12, tân Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) Annegret Kramp-Karrenbauer đã lên kế hoạch nhằm thay đổi các chính sách di cư của đảng trước cuộc bầu cử châu Âu vào năm 2019. Động thái này được xem là dấu hiệu cho thấy bà Annegret Kramp-Karrenbauer có thể “phá vỡ” cách tiếp cận tự do của Thủ tướng A. Merkel. Còn tại Hà Lan, một cuộc khảo sát gần đây đã chỉ ra 41% người được hỏi phản đối việc ký kết Hiệp ước Toàn cầu về di cư so với 34% ủng hộ. Trước thực trạng trên, đặc phái viên Liên hợp quốc phụ trách vấn đề di cư quốc tế, bà L. Arbour thừa nhận sẽ có nhiều thách thức trong quá trình thực thi Hiệp ước này./.
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 10 đến ngày 16-12-2018  (17/12/2018)
Thủ tướng dự Lễ công bố điều chỉnh quy hoạch Khu Kinh tế mở Chu Lai  (16/12/2018)
Trung Quốc-Việt Nam nỗ lực, nắm vững hướng lớn phát triển quan hệ  (16/12/2018)
Công tác dân vận là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị  (16/12/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển