Gia Lai cần tiếp tục tăng độ che phủ rừng

Theo: TTXVN
23:00, ngày 30-11-2018

Chiều 30-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với tỉnh Gia Lai - địa phương có diện tích rừng lớn nhất Tây Nguyên, đứng thứ 3 toàn quốc và nằm trong Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Theo lãnh đạo tỉnh Gia Lai, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách nhưng tỉnh Gia Lai đã triển khai khá toàn diện, đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ năm 2018 và đạt được nhiều kết quả khả quan, dự kiến 20/20 chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, tổng sản phẩm trong tỉnh (theo giá so sánh năm 2010) tăng 8%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ, ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng cao. Tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP) đạt 45,36 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên Gia Lai vẫn là tỉnh có tình hình sản xuất ở một số lĩnh vực còn khó khăn; giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực giảm sâu, chất lượng nguồn nhân lực thấp, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp...

* Năng lực sản xuất chưa bền vững

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những thành tích mà Đảng bộ Gia Lai đạt được trong thời gian qua. Tỉnh đã xây dựng được một số mô hình sản xuất hàng hóa hiệu quả, bước đầu ứng dụng công nghệ cao trong chế biến. Quá trình xây dựng nông thôn mới triển khai quyết liệt và có kết quả tích cực. Y tế, giáo dục, việc làm, chăm lo cho đối tượng người chính sách, người có công được quan tâm.

Mặc dù tốc độ giảm nghèo của tỉnh tuy đã giảm 3%, song Thủ tướng cho rằng, tỷ lệ hộ nghèo của Gia Lai còn cao, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có những làng 100% thuộc diện nghèo. Tăng trưởng và năng lực sản xuất của tỉnh chưa bền vững, chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế trong một số ngành nhất là ngành nông nghiệp công nghệ cao, trồng cây công nghiệp và chế biến sâu, sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp còn ít (khoảng 4.900 doanh nghiệp) và phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm khoảng 98% số doanh nghiệp toàn tỉnh); 306 người dân trên doanh nghiệp (bình quân cả nước là 150 người dân trên doanh nghiệp).

Chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh còn thấp, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 xếp thứ 3/5 tỉnh khu vực Tây Nguyên; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2017 tụt 6 hạng so với năm 2016 từ hạng 51/63 xuống hạng 57/63 ...

* Biện pháp khoa học và hành động quyết liệt

Tại buổi làm việc, Thủ tướng nhắc lại chiến lược phát triển của Tây Nguyên mà Thủ tướng đã nêu ra: Đó là đưa Tây Nguyên trở thành cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về vốn văn hóa. Chìa khóa cho sự vươn lên giàu có của Tây Nguyên là phát triển ngành chế biến nông lâm nghiệp, dược liệu theo hướng đề cao bản sắc, tính độc đáo trong chuỗi giá trị nông sản thế giới. Đồng thời Tây Nguyên phải là một biểu tượng phát triển du lịch Việt Nam mang đậm sắc thái huyền thoại và di sản châu Á trong thế kỷ XXI.

Thủ tướng cho rằng, muốn triển khai định hướng chung này tại địa bàn Gia Lai, thì tỉnh phải có biện pháp khoa học và thực sự quyết liệt.

Đề cập những nhiệm vụ trong tâm trong thời gian tới, Thủ tướng giao cho các bộ, ngành liên quan trong đó có Uỷ ban Dân tộc, Bộ Tài chính...phối hợp với tỉnh Gia Lai bố trí ngân sách để di dời, tạo điều kiện về nơi ăn, chốn ở cho hơn 100 hộ đồng bào dân tộc tại huyện Krông Pa đang sống trong khu vực nguy hiểm (khu vực nằm trong vùng ngập, thường xuyên xảy ra sạt lở) về nơi an toàn.

“Đây là việc quan trọng cần triển khai, thực hiện ngay để bảo đảm đời sống cho đồng bào bào nơi đây”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng tán thành với mục tiêu của tỉnh là tự cân đối được ngân sách. Tuy nhiên, với việc hiện mới tự chủ được khoảng 1/3 ngân sách, Thủ tướng cho rằng, tỉnh còn phải quyết tâm rất lớn.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng gợi ý Gia Lai hướng phát triển của Gia Lai tập trung vào 3 hướng chính: Kinh tế nông - lâm sản chế biến ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ du lịch; phát triển một ngành công nghiệp có chọn lọc trên nền tảng lợi thế so sánh vượt trội của địa phương như năng lượng gió và mặt trời, công nghiệp chế biến. Đi liền với đó là tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng để phát huy các thế mạnh này.

Cùng với đó, tỉnh cần triển khai quyết liệt Kế hoạch hành động thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

“Từng sở, từng cơ quan, huyện, xã theo phân cấp phải làm tốt hơn nữa, nhất là tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát huy thế mạnh của tỉnh”.

Thủ tướng đề nghị Gia Lai cần tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, công khai minh bạch tốt hơn nữa, cải thiện năng lực cạnh tranh và hiệu quả quản trị hành chính công. Đẩy mạnh thu hút và tạo điều kiện hiện thực hoá các dự án công nghệ cao cho phát triển nông nghiệp, trồng cây công nghiệp ngắn ngày, chế biến sâu. Phát huy thế mạnh về tài nguyên đất đai và vị trí Trung tâm tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.

Thủ tướng lưu ý Gia Lai cần chú ý phát huy lợi thế về du lịch để lĩnh vực này thực sự là ngành kinh tế quan trọng tạo công ăn, việc làm cho người dân, góp phần xoá đói giảm nghèo. Song song với đó là thực hiện tốt an sinh xã hội, các chế độ chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội; chú ý giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, bảo đảm an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần rà soát quy hoạch kết cấu hạ tầng; quản lý chặt chẽ, đúng quy định của Nhà nước, sử dụng hiệu quả ngân sách. Trong đó, xã hội hóa mạnh mẽ, đa dạng hoá nguồn lực đầu tư trong tất cả các hệ thống kết cấu hạ tầng.

Thủ tướng chỉ đạo, hướng chiến lược của Tây Nguyên và Gia Lai vẫn là tăng độ che phủ rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp, giữ gìn môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa đặc sắc của địa phương. Trong phát triển phải giải quyết đồng thời 4 bài toán kinh tế; xã hội; môi trường và bảo vệ di sản, không gian văn hóa.

* Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đã đến thăm và tặng quà 2 gia đình chính sách là ông Nguyễn Trọng Đông ở phường Ia Kring và gia đình bà Lê Thị Hiến, số 44 Phan Đình Giót, Phường Hoa Lư, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai./.