Cuộc đời hoạt động, cống hiến to lớn của đồng chí Ngô Gia Tự
Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự (03-12-1908 - 03-12-2018), ngày 30-11, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Ngô Gia Tự - Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam”.
Hội thảo được tổ chức nhằm ôn lại cuộc đời hoạt động, những cống hiến to lớn của đồng chí Ngô Gia Tự đối với Đảng và cách mạng Việt Nam; đồng thời, bày tỏ sự tri ân của Đảng và nhân dân ta đối với người Cộng sản mẫu mực Ngô Gia Tự.
Hội thảo cũng là dịp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang, khơi dậy niềm tự hào về lịch sử đấu tranh kiên cường của các thế hệ cha anh trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ, từ đó, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo không khí thi đua sôi nổi, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến; Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Lê Quốc Lý đồng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu đề dẫn, Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh hội thảo khoa học “Đồng chí Ngô Gia Tự - nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam” là dịp để chúng ta tri ân và tưởng nhớ về một người Cộng sản kiên trung, mẫu mực, với phẩm chất đạo đức cách mạng cao quý, cuộc đời hoạt động cách mạng hết sức vẻ vang, mãi là tấm gương sáng để các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo, học tập”.
Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng khẳng định hội thảo là hành động thiết thực để tuyên truyền, động viên các ngành, các cấp, cổ vũ cán bộ, đảng viên, đồng bào và chiến sĩ cả nước, hăng hái thi đua lao động sáng tạo, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tấm gương của những chiến sỹ cộng sản tiền bối; giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng vẻ vang cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay.
“Nhớ về đồng chí Ngô Gia Tự, chúng ta tự hào về một người Cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của dân tộc; bày tỏ lòng biết ơn về những cống hiến to lớn của đồng chí Ngô Gia Tự đối với đất nước, quê hương; nguyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của đồng chí; quyết tâm phấn đấu xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nói.
Tham luận tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến cho biết đồng chí Ngô Gia Tự đã trực tiếp chỉ đạo thành lập Đông Dương Cộng sản Bắc Ninh - Bắc Giang vào ngày 04-8-1929 tại núi Hồng Vân (núi Lim, huyện Tiên Du) đặt nền móng cho sự nghiệp phát triển phong trào cách mạng. Đồng thời, đây cũng là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của phong trào cách mạng hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.
Các tham luận tại hội thảo đều khẳng định đồng chí Ngô Gia Tự có những cống hiến to lớn với Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng chí là người sớm giác ngộ cách mạng, tích cực truyền bá Chủ nghĩa Marx - Lenin vào Việt Nam.
Với nhãn quan chính trị nhạy bén và tầm nhìn chiến lược, đồng chí Ngô Gia Tự đề xuất chủ trương, khởi xướng phong trào “vô sản hóa” đặt tiền đề cho sự ra đời của các tổ chức cộng sản của Việt Nam. Đồng chí là một trong những người sáng lập Đông Dương Cộng sản Đảng - tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam và là người đã đề xuất và đấu tranh kiên quyết cho việc thành lập một chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam.
GS, TS. Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu ý kiến nêu cao tinh thần trách nhiệm cũng đi liền với nêu tấm gương tận tụy với công việc, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tổ chức của Đảng. Đồng chí Ngô Gia Tự chính là tấm gương sáng ngời như thế. Trong tình hình hiện nay, chỉ có tấm lòng Cộng sản với tinh thần, trách nhiệm đầy đủ thì người Cộng sản có chức, có quyền mới thoát được mọi cám dỗ, nhất là cám dỗ về quyền lực, vật chất, tiền tài.
Đồng chí Ngô Gia Tự sinh ra trong một gia đình nhà Nho tại làng Tam Sơn, Từ Sơn, xứ Kinh Bắc, nay là xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Năm 1922, đồng chí Ngô Gia Tự thi đỗ học trường Bưởi, Hà Nội. Giữa năm 1926, đang học năm thứ tư, Ngô Gia Tự tham gia phong trào đấu tranh đòi trả tự do cho nhà yêu nước Phan Bội Châu.
Trở về quê hương, đồng chí tiếp tục tự học, vừa dạy học, vừa hoạt động cách mạng. Cuối năm 1926, sau những ngày sôi động cùng các tầng lớp nhân dân để tang và truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh, tại ngôi nhà số 47, phố Trần Nhân Tông, Hà Nội, đồng chí Ngô Gia Tự được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Tại Đại hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên toàn quốc họp ở Hương Cảng (Trung Quốc) tháng 5-1929, đồng chí Ngô Gia Tự và các đại biểu Bắc Kỳ kiên quyết đấu tranh, nêu yêu cầu thành lập ngay Đảng Cộng sản ở Việt Nam nhưng không đạt kết quả. Đoàn đại biểu Bắc Kỳ tuyên bố thoát ly Đại hội ra về.
Về nước, đồng chí Ngô Gia Tự cùng các đồng chí tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng, tuyên truyền vận động ủng hộ việc thành lập Đảng Cộng sản. Ngày 17-6-1929, tại số nhà 312, Khâm Thiên, Hà Nội, Đông Dương Cộng sản Đảng chính thức ra đời.
Đồng chí Ngô Gia Tự tham gia Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Ngay sau đó, đồng chí đã về Bắc Ninh lập ra Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh gồm 3 đảng viên là Hồ Ngọc Lân, Phạm Văn Chất và Nguyễn Hữu Căn.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí, ngày 04-8-1929, Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Bắc Ninh - Bắc Giang ra đời, kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng hai tỉnh.
Sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Ngô Gia Tự được cử là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, phong trào phát triển mạnh mẽ. Xứ ủy Nam Kỳ mở nhiều lớp huấn luyện ngắn ngày cho cán bộ, đảng viên. Đồng chí Ngô Gia Tự trực tiếp giảng dạy một số lớp. Giữa lúc phong trào cách mạng cả nước và Nam Kỳ phát triển mạnh mẽ, đêm 31-5-1930, trong một trận truy lùng của giặc Pháp, đồng chí Ngô Gia Tự bị bắt ở xóm Phú An, bên sông Thị Nghè, Sài Gòn.
Trước đó, ngày 08-3-1930, Tòa án thực dân ở Bắc Ninh xét xử và kết án tử hình vắng mặt Ngô Gia Tự. Ngày 27-10-1931, từ Sài Gòn, chúng đưa đồng chí về Bắc Ninh và vẫn y án tử hình.
Đồng chí kiên quyết chống án tới Tòa Thượng thẩm Hà Nội. Thực dân Pháp buộc phải giảm án thành tù chung thân và giam cầm đồng chí ở các nhà tù như Hỏa Lò (Hà Nội), Khám Lớn (Sài Gòn) và cuối cùng là đày đi Côn Đảo. Những năm tháng bị giam cầm trong nhà tù, đồng chí Ngô Gia Tự luôn kiên trì tinh thần cách mạng, không chỉ chịu đựng đòn roi và chế độ lao tù khắc nghiệt của kẻ thù mà còn lạc quan, tin tưởng vào tương lai tất thắng của cách mạng bằng việc biến nhà tù thành trường học của những người cộng sản.
Đồng chí Ngô Gia Tự đã trở thành người thầy giáo cách mạng xuất sắc giữa lòng nhà tù đế quốc. Đầu năm 1935, Chi bộ Đảng Nhà tù Côn Đảo quyết định cử đồng chí Ngô Gia Tự và một số đồng chí khác vượt ngục trở về đất liền để tiếp tục hoạt động. Nhưng cuộc vượt ngục không thành, đồng chí Ngô Gia Tự cùng một số đồng chí khác đã hy sinh giữa biển khơi. Năm đó đồng chí Ngô Gia Tự mới 26 tuổi.
Đồng chí Ngô Gia Tự là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; thể hiện phẩm chất đạo đức cách mạng cao đẹp của người đảng viên cộng sản: tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, suốt đời phấn đấu hi sinh vì lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân.
Trong những năm tháng hoạt động bí mật, cũng như lúc bị địch bắt, tra tấn, tù đày, đồng chí luôn nêu cao tinh thần bất khuất, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ Cộng sản kiên cường, vượt qua mọi gian nguy, thử thách. Trong công tác, đồng chí luôn suy nghĩ tìm tòi, khắc phục khó khăn, vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn, hoàn thành xuất sắc mọi trọng trách được Đảng giao phó.
Đồng chí Ngô Gia Tự chính là người Cộng sản mẫu mực, tấm gương đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, người Cộng sản kiên trung hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng./.
Thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn Hà Nội tăng 189%  (30/11/2018)
Ghi nhận những đóng góp của Việt Nam tại khu vực  (30/11/2018)
Về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035  (30/11/2018)
Thủ tướng dự Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018  (30/11/2018)
Những mô hình, cách làm mới trong tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp  (30/11/2018)
Những mô hình, cách làm mới trong tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp  (30/11/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển