TCCSĐT - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 13-11, các đại biểu Quốc hội nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung này.

*  Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định với quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp, sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, báo chí, nhân dân, công tác phòng, chống tham nhũng có bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các mặt.

Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 13 Luật, 15 Nghị quyết; ban hành 190 Nghị định, 185 Nghị quyết.

Thủ tướng Chính phủ ban hành 52 quyết định về quản lý, điều hành. Các bộ, ngành, địa phương ban hành 6.277 văn bản; sửa đổi, bổ sung 589 văn bản nhằm cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, góp phần hạn chế sơ hở, bất cập dễ làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực.

Cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành phổ biến, giới thiệu, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng cho hơn 3,7 triệu lượt cán bộ, công chức, viên chức, người dân. Các ngành, các cấp đã chủ động thông tin, công khai cho báo chí về kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xử lý các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; những vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc thực hiện các góp ý, phản biện xã hội, góp phần hoàn thiện cơ chế, pháp luật về phòng chống tham nhũng. Hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh. Các đơn vị chuyên trách chống tham những được kiện toàn tổ chức, nhằm thực thi có hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Phát hiện nhiều sai phạm

Trong năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo; các bộ, ngành, địa phương đã ban hành mới 4.128 văn bản, hủy bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung 2.135 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; tiến hành 3.441 cuộc kiểm tra việc thực hiện. Qua kiểm tra, phát hiện 443 vụ, việc vi phạm, số người vi phạm là 382 người, kiến nghị xử lý kỷ luật 89 người, kiến nghị thu hồi và bồi thường 92,9 tỷ đồng (đã thu hồi 74,08 tỷ đồng, đạt 79,7%).

Về minh bạch tài sản, thu nhập, số người đã kê khai, công khai tài sản, thu nhập đạt 99,8%; có 44 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện sáu trường hợp vi phạm; đã xử lý kỷ luật bốn trường hợp, kiểm điểm một trường hợp, đang xem xét xử lý kỷ luật một trường hợp.

Qua kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp tại 5.396 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm, trong đó số cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý là 97 người. Đã có 56 người đứng đầu bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó năm người bị xử lý hình sự, 45 người đã bị xử lý kỷ luật, sáu người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.

Toàn ngành thanh tra đã triển khai 7.379 cuộc thanh tra hành chính, 212.589 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; qua thanh tra phát hiện vi phạm 46.447 tỷ đồng, 41.560ha đất; kiến nghị thu hồi 27.173 tỷ đồng và trên 422ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 19.274 tỷ đồng, 41.138ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 893 tập thể và nhiều cá nhân; ban hành 119.412 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân, số tiền 9.831 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 108 vụ, 116 đối tượng.

Ngành thanh tra cũng đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 3.883 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, qua đó đã xử lý, thu hồi được 20.259 tỷ đồng (đạt 68%), 33ha đất; cơ quan chức năng xử lý hành chính 1.594 tổ chức, 5.681 cá nhân; khởi tố 22 vụ, 30 đối tượng.

Các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 27.583 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 83,7%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 213,2 tỷ đồng, 97,2ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 1.802 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm 462 người (đã xử lý 372 người), chuyển cơ quan điều tra chín vụ.

Qua việc tự kiểm tra nội bộ phát hiện 25 vụ, 27 đối tượng (giảm 43,2% số vụ); qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 78 vụ, 106 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng 14,7% số vụ); qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 40 vụ, 87 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng (tăng 66,7% số vụ).

Cơ quan điều tra của lực lượng Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 427 vụ án, 889 bị can phạm tội về tham nhũng; kết luận điều tra, đề nghị truy tố 212 vụ, 488 bị can. Thiệt hại trong các vụ án đã thụ lý, điều tra là hơn 4.764 tỷ đồng, trên 300.000m2 đất; đã thu hồi trên 2.267 tỷ đồng và nhiều tài sản.

Viện kiểm sát các cấp thụ lý giải quyết 278 vụ, 678 bị can (án mới 243 vụ, 599 bị can) tăng 23 vụ, 107 bị can so với cùng kỳ 2017; đã giải quyết 250 vụ, 595 bị can, đạt 90%, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 340 vụ với 827 bị cáo (giảm 1,5% số vụ, tăng 9,1% số đối tượng); đã xét xử sơ thẩm 200 vụ, 472 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,5% (giảm 8,2% so với cùng kỳ); đã tuyên phạt chín án tử hình, tù chung thân (tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2017).

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng

Mặc dù đã có chiều hướng thuyên giảm, nhưng tình hình tham nhũng vẫn còn biểu hiện diễn biến phức tạp. Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, người dân. Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để phòng, chống tham nhũng vẫn còn hạn chế. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa phát huy toàn diện. Tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả.

Số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, nhất là công tác phát hiện, xử lý ở địa phương. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ đáng kể nhưng còn thấp hơn nhiều giá trị tài sản bị chiếm đoạt, gây thiệt hại. Vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật...

Năm 2019, Chính phủ tiếp tục xác định phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Theo đó, Chính phủ tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng; hoàn thiện, trình Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), đảm bảo khả thi, hiệu quả; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng. Cùng đó, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ, kiểm tra công tác quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện...

Nhằm đẩy mạnh hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, Chính phủ kiến nghị Quốc hội tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát đối với công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là giám sát hoạt động của các cơ quan có chức năng; xem xét, thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng rà soát tổng thể hệ thống pháp luật để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, các cơ quan tố tụng tiếp tục chú trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng thông qua hoạt động tố tụng; kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; có biện pháp khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; theo dõi chặt chẽ kết quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, tổ chức xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các cơ quan báo chí và nhân dân tiếp tục phối hợp, đồng hành cùng Chính phủ, chính quyền các cấp tăng cường giám sát, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; nâng cao vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng.

** Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định báo cáo của Chính phủ được chuẩn bị nghiêm túc, phản ánh kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống tham nhũng; đề ra các giải pháp khắc phục.

Tuy nhiên, còn một số hạn chế, tồn tại trong công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa có giải pháp để khắc phục triệt để. Báo cáo vẫn chưa tách bạch được sai phạm về tham nhũng với các sai phạm khác được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế còn chậm, chồng chéo

Năm 2018, Chính phủ đã coi xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành mới, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật trên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cho rằng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong một số trường hợp vẫn còn chậm, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu; vẫn còn một số văn bản quy định chưa rõ ràng, thiếu khả thi, chồng chéo, dễ bị lợi dụng để tham nhũng nhưng chưa được kịp thời sửa đổi. Việc đánh giá tác động của chính sách còn hình thức; còn những quy định thiên về thuận lợi cho bộ, ngành, địa phương, mà chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Đáng lưu ý, qua kiểm tra của cơ quan chức năng, phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, cử tri cho thấy, còn nhiều văn bản ban hành trái pháp luật, vi phạm nội dung, căn cứ pháp lý, thẩm quyền ban hành... đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư, kinh doanh, quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Trong một số lĩnh vực, văn bản pháp luật được ban hành quá nhiều dẫn đến quy định tản mạn, chồng chéo, gây khó khăn cho việc áp dụng.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được các cấp, các ngành chú trọng, gắn với việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng. Chính phủ, các cơ quan hữu quan tăng cường công tác chủ động thông tin, công khai rộng rãi cho báo chí, nhân dân về kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội; báo chí, người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia giám sát, phản hồi, phát hiện, phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng...

Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những hạn chế, việc tuyên truyền thông qua hình thức phát huy tính nêu gương của cán bộ, đảng viên chưa phát huy hiệu quả tích cực; một bộ phận cán bộ, đảng viên nói vẫn không đi đôi với làm, nhũng nhiễu, đòi hối lộ... đã tác động tiêu cực, làm giảm đáng kể tác dụng của công tác tuyên truyền. Việc đăng tải thông tin trong một số trường hợp còn chưa đầy đủ, thiếu chính xác, vi phạm các quy định về hoạt động báo chí trong thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng.

Biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ về những chuyển biến tích cực trong triển khai thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tuy nhiên cũng chỉ rõ công tác này còn một số hạn chế. Điển hình như một số bộ, ngành, địa phương vẫn chậm cải cách thủ tục hành chính. Việc công khai, minh bạch hoạt động ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn hạn chế.

Về kê khai tài sản, thu nhập, năm 2018, số lượng bản kê khai là rất lớn. Cơ quan chức năng đã tiến hành xác minh đối với 44/1.136.902 người đã kê khai, nhưng chỉ phát hiện sáu trường hợp vi phạm (tăng một trường hợp so với năm 2017) cho thấy biện pháp này chưa phát huy hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng.

Mặc dù Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu không được tham gia thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp, không được để người thân kinh doanh trong các ngành nghề thuộc lĩnh vực mình trực tiếp phụ trách... nhưng qua giám sát, phản ánh của dư luận, cử tri, báo chí, cho thấy việc thực hiện các quy định này còn chưa nghiêm, có biểu hiện “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tạo “sân sau”, “công ty gia đình”, dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu cho các dự án, thâu tóm đất công...

Bên cạnh đó, tại một số bộ, ngành, địa phương, việc lập, phê duyệt đoàn đi nước ngoài còn chưa đúng quy định, nhiều đoàn đi nước ngoài với nội dung khảo sát, học tập kinh nghiệm nhưng chủ yếu là để tham quan, du lịch, giải quyết chế độ, chính sách... Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh tình trạng này.

Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong thời gian qua có tăng, nhưng vẫn chưa tương xứng với các vụ việc, vụ án tham nhũng bị phát hiện, xử lý, có dấu hiệu bỏ lọt việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng. Đánh giá cao kết quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng, tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, mô hình tổ chức thiếu ổn định đã ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của các cơ quan này.

Góp phần phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ về những kết quả tích cực trong công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp thanh tra, kiểm toán chồng chéo, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc kiến nghị xử lý hình sự qua hoạt động thanh tra, kiểm toán còn ít (Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 97.189,2 tỷ đồng, nhưng chỉ chuyển bốn vụ việc sang cơ quan điều tra). Những hạn chế trong việc kiến nghị xử lý hình sự qua công tác kiểm toán đã tồn tại nhiều năm, nhưng vẫn chưa được khắc phục (năm 2016, kiến nghị xử lý sai phạm 14.781,9 tỷ đồng nhưng không chuyển vụ việc nào sang cơ quan điều tra; năm 2017 kiến nghị xử lý tài chính 39.738 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ chuyển hai vụ việc sang cơ quan điều tra).

Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, một số bộ, ngành, địa phương, người đứng đầu chưa thực hiện nghiêm việc tiếp công dân theo quy định, dẫn đến việc người dân khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài. Công tác bảo vệ người tố cáo nói chung, tố cáo tham nhũng nói riêng mặc dù đã được tăng cường, nhưng vẫn có tình trạng ngăn cản, đe dọa người tố cáo làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, trật tự xã hội.

Ủy ban Tư pháp đồng tình với đánh giá của Chính phủ về những kết quả rất tích cực trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, theo đó số vụ việc tham nhũng được phát hiện, khởi tố tăng cao so với năm 2017.

Tuy nhiên, công tác tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị; công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng, kinh tế ở một số địa phương kết quả còn hạn chế. Một số trường hợp có biểu hiện bao che, tiếp tay cho sai phạm, tham nhũng. Số lượng các vụ án khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng.

Việc vi phạm thời hạn giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm chưa được khắc phục. Tiến độ điều tra, xử lý một số vụ án còn chậm; việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tư pháp dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết còn nhiều. Công tác giám định tài sản để xử lý tham nhũng là vấn đề còn vướng mắc trong nhiều năm, nhưng chưa có giải pháp khắc phục. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng qua công tác thi hành án còn rất thấp.

Cần giải pháp phòng, chống tham nhũng tương xứng

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng tham nhũng vẫn đang là thách thức và là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay; bên cạnh “tham nhũng vặt”, các vụ tham nhũng lớn dưới hình thức “nhóm lợi ích”, doanh nghiệp “sân sau”, “công ty gia đình”... đang dần bộc lộ, cần được nhận diện, đánh giá để có giải pháp phòng, chống tương xứng.

Tán thành với tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh một số nội dung cần được tập trung khắc phục trong năm 2019; đồng thời đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế trong giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán toàn diện việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công (đất đai, nhà...) tại các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước; kiểm tra, thanh tra, kiểm toán việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, tập trung phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng lớn dưới hình thức “nhóm lợi ích”, “sân sau”... để sát với tình hình tham nhũng đang diễn ra trong thực tế.

Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo toàn ngành tăng cường chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng phát hiện được qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định của pháp luật./.