Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp lãnh đạo và tọa đàm với các tập đoàn lớn của Trung Quốc
*Tại buổi tiếp lãnh đạo một số tập đoàn lớn của Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của các tập đoàn này tại Trung Quốc và trên thế giới.
Lãnh đạo các tập đoàn Trung Quốc đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam; đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, đầu tư, năng lượng, hạ tầng giao thông.
Các tập đoàn cũng bày tỏ mong muốn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ và các cơ quan hữu quan của Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để tham gia vào các dự án lớn tại Việt Nam.
Ông Tống Thành Lập, Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tài chính Bình An, cho biết, Bình An có thế mạnh trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, ngân hàng và đầu tư với tổng tài sản lên đến 6.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 870 tỷ USD).
Tập đoàn này nằm ở vị trí 29 trong Top 500 doanh nghiệp toàn cầu; đứng thứ bảy trong số các tập đoàn tài chính trên thế giới và đứng đầu danh sách các tập đoàn bảo hiểm thế giới.
Ông Tống Thành Lập bày tỏ quan tâm đến cơ chế của Việt Nam trong việc bảo vệ các doanh nghiệp tài chính nước ngoài khi tham gia thị trường Việt Nam, nhất là trong việc góp vốn vào các tổ chức tín dụng tại Việt Nam.
Chủ tịch Tập đoàn China Greenland Trương Ngọc Lương bày tỏ vui mừng gặp lại Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Thượng Hải.
Ông cho biết Greenland có hoạt động hợp tác với nhiều tập đoàn lớn trên thế giới và hiện có tổng tài sản lên đến 150 tỷ USD.
Ông Trương Ngọc Lương cho rằng Việt Nam là thị trường giàu tiềm năng với khung hợp tác lớn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông sản, thực phẩm và những sản phẩm này của Việt Nam cũng được thị trường Trung Quốc đón nhận rất tích cực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao kế hoạch đầu tư và mở rộng đầu tư của các tập đoàn này vào thị trường Việt Nam.
Thủ tướng tán thành với các lĩnh vực mà các tập đoàn quan tâm và mong muốn triển khai đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam như nông nghiệp, thực phẩm, tài chính và phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng đường cao tốc.
Thủ tướng giao lãnh đạo các bộ, ngành tiếp thu đề xuất của các doanh nghiệp tại buổi tiếp và có các buổi làm việc cụ thể, triển khai các ý tưởng đầu tư, kinh doanh này.
Thủ tướng cho biết với tốc độ phát triển như hiện tại, từ nay đến năm 2020, trung bình mỗi năm Việt Nam cần 25 tỷ USD cho phát triển cơ sở hạ tầng. Đây cũng là lĩnh vực giàu tiềm năng đối với các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có Trung Quốc, bởi đây là một trong những ưu tiên của Việt Nam trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng mong muốn các doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu nông-thủy-hải sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Trung Quốc, đầu tư vào Việt Nam thành công.
*Chủ trì buổi tọa đàm với một số tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc trong các lĩnh vực nông sản, tài chính, ngân hàng, xây dựng, giao thông, năng lượng và phân phối, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ Việt Nam và Trung Quốc đã tạo nền tảng cho phát triển kinh tế-thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc đạt nhiều thành quả tích cực.
Năm 2017, kim ngạch thương mại song phương, theo thống kê của Trung Quốc là trên 120 tỷ USD, cao hơn kim ngạch thương mại của Trung Quốc với nhiều nước châu Âu cộng lại. Việt Nam cũng duy trì được vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam là quốc gia có tình hình chính trị-xã hội ổn định, kinh tế tăng trưởng liên tục trong những năm qua. Trung bình mỗi năm Việt Nam cần 25 tỷ USD cho phát triển cơ sở hạ tầng và cần tới 138 tỷ USD vốn cho đầu tư nguồn và lưới điện vào năm 2030. Nguồn vốn đầu tư vào hai lĩnh vực này sẽ được huy động từ nhiều nguồn lực, trong đó có khu vực tư nhân.
Nhấn mạnh đến lĩnh vực nông nghiệp với 20 mặt hàng nông sản xuất khẩu trên 1 tỷ USD, Thủ tướng cho biết, Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn thứ 15 trên thế giới và đứng thứ hai trong các nước ASEAN.
Nhiều nông sản của Việt Nam giữ vị trí tốp đầu trên thế giới như lúa gạo, hồ tiêu, càphê, điều, cá basa, tôm… Nhiều chuỗi cung ứng trái cây như thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, bưởi, dưa hấu… thực hành theo quy trình nông nghiệp sạch, thông minh được xuất khẩu đi nhiều quốc gia có tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt như Mỹ, các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mặc dù Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của Việt Nam với nhiều mặt hàng được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng, song các mặt hàng nông sản của Việt Nam hiện mới được biết đến và tiêu thụ rộng rãi ở các địa phương phía Nam (các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam) của Trung Quốc mà chưa thâm nhập được sâu vào thị trường nội địa Trung Quốc.
Khẳng định chính phủ luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp đóng góp những ý tưởng, khuyến nghị đối với sự phát triển của Việt Nam và để phát huy tiềm năng thế mạnh của mỗi bên.
Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Trung Quốc hợp tác nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, hướng tới cân bằng cán cân thương mại song phương và mong các doanh nghiệp hai bên kết nối hợp tác để hai bên cùng thắng.
Đánh giá cao tiềm năng thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp Trung Quốc đều thể hiện mong muốn sẽ tiếp tục đầu tư và mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
Nhiều ý kiến đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, qua đó dòng vốn đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng lên.
Các doanh nghiệp Trung Quốc cho biết sẵn sàng hỗ trợ để sản phẩm Việt Nam xâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc.
Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng cho biết sẽ tăng cường đầu tư vào nhiều lĩnh vực tại Việt Nam như nông nghiệp sạch; thực phẩm; trong đó ngoài thương mại, chuyển giao kỹ thuật, hai bên có thể tính đến hợp tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam bởi Việt Nam có nhiều tiềm năng hợp tác về xây dựng các khu công nghiệp, cảng biển thông qua các hình thức hợp tác như BOT, EPC…./.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã  (04/11/2018)
Công bố Nghị quyết thành lập thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang  (04/11/2018)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược - Phải cẩn trọng, chắc chắn ngay từ ban đầu  (04/11/2018)
Một số chính sách mới của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 11-2018  (04/11/2018)
Hiệp định CPTPP sẽ chính thức có hiệu lực từ cuối năm nay  (04/11/2018)
Việt - Pháp cùng thúc đẩy hợp tác, đầu tư tăng cao hơn nữa  (03/11/2018)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên