Các hoạt động của Thủ tướng trong khuôn khổ Hội nghị Mekong - Nhật Bản
TCCSĐT - Ngày 09-10, tiếp tục các hoạt động tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 10 tại Tokyo (Nhật Bản), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nước Mekong đã tham dự họp báo quốc tế để thông tin về kết quả hội nghị, tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Mekong - Nhật Bản, yết kiến Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản, gặp mặt Liên minh nghị sỹ hữu nghị Mekong - Nhật Bản và Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren).
* Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongluon Sisoulith, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi đã tham dự hội nghị.
Sau khi kết thúc Hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và các Trưởng đoàn các nước Mekong đã cùng tham dự họp báo quốc tế để thông tin về kết quả hội nghị.
Thông tin đến các cơ quan báo chí, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh thành công của hội nghị mang lại nhiều ý nghĩa đối với hợp tác Mekong - Nhật Bản.
Theo Thủ tướng Shinzo Abe, khu vực Mekong có nhiều tiềm năng tăng trưởng và thịnh vượng. Chiến lược Tokyo 2018 được thông qua sẽ là một kim chỉ nam mới để các bên xây dựng một tương lai thịnh vượng chung.
Chiến lược này bao gồm 3 trụ cột, đó là kết nối linh hoạt và hiệu quả; xã hội lấy người dân làm trung tâm; hiện thực hóa mục tiêu Mekong xanh.
Các trụ cột kết nối linh hoạt và hiệu quả sẽ đẩy mạnh hơn sự kết nối hệ thống cơ sở hạ tầng khác nhau theo tiêu chuẩn quốc tế.
Theo Thủ tướng Shinzo Abe, để triển khai các trụ cột này, thì bước đầu tiên là xác định hơn 100 vấn đề khác nhau cần có sự hợp tác giữa các quốc gia; coi đây là nội dung chính trong chiến lược hợp tác Mekong - Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản cũng thông tin về việc sẽ tiếp tục đẩy mạnh huy động tư nhân để đầu tư phát triển kinh tế và thúc đẩy các dự án hợp tác trong hợp tác này.
Phát biểu tại họp báo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với những ý kiến của các nhà lãnh đạo các nước Mekong và Nhật Bản về những kết quả nổi bật của Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 10.
Chúc mừng Thủ tướng Shinzo Abe đã đảm nhiệm xuất sắc vai trò Chủ tịch hội nghị lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng gửi lời cảm ơn chân thành tới Chính phủ và nhân dân Nhật Bản về sự đón tiếp chu đáo, nồng hậu.
Thông tin về kết quả hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết các bên đã trao đổi hết sức chân thành thẳng thắn về những thành công, bài học kinh nghiệm cũng như những cơ hội và thách thức của các nước thành viên phải đối mặt trong môi trường phát triển biến động không ngừng. Từ đó thống nhất hướng đi cho hợp tác giữa 6 nước trong giai đoạn tới.
Các bên đánh giá hợp tác chung Mekong - Nhật Bản đã đạt được những thành tựu quan trọng trong thập kỷ qua, giúp mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại và giao lưu nhân dân giữa Nhật Bản và các nước Mekong, đem lại nguồn lợi về phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, tạo môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động của các doanh nghiệp và người dân vì mục tiêu hướng về người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh với hàng trăm dự án được triển khai thành công, hợp tác Mekong - Nhật Bản đã khẳng định vị trí là một trong những cơ hội hợp tác thiết thực và hiệu quả hàng đầu ở khu vực Mekong.
Những thành công này có được một phần quan trọng là nhờ sự hỗ trợ quý báu của Chính phủ và người dân Nhật Bản dành cho các nước Mekong nói chung, trong đó có Việt Nam.
Hội nghị cũng nhận định trong môi trường phát triển có nhiều biến động, việc tăng cường kết nối kinh tế Nhật Bản và Mekong mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác nhiều mặt là thực sự cần thiết vì lợi ích chung của tất cả các bên.
Chính vì vậy, quyết định nâng cấp hợp tác Mekong - Nhật Bản là hoàn toàn phù hợp, vừa phản ánh được nội dung và mục tiêu của mối quan hệ, đồng thời đặt cơ sở cho sự phát triển của hợp tác trong tương lai.
Thủ tướng tin tưởng rằng, những định hướng hợp tác quan trọng của Chiến lược Tokyo 2018 vừa được hội nghị thông qua sẽ tạo ra xung lực và khí thế mới hợp tác Mekong - Nhật Bản.
Lãnh đạo các nước cũng khẳng định quyết tâm chung cùng nhau triển khai hiệu quả các chương trình dự án trong cả ba trụ cột.
Hội nghị lần này cũng khẳng định sự cần thiết phải tăng cường phối hợp các khung hợp tác toàn cầu khu vực và tiểu vùng. Điều này xuất phát từ nhận thức rằng hợp tác Mekong-Nhật Bản sẽ mạnh mẽ hơn, thành công hơn khi kết hợp tiềm năng và thế mạnh của mình với những cơ chế hợp tác có cùng mục tiêu và tầm nhìn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hợp tác Mekong - Nhật Bản và đánh giá cao vai trò của Nhật Bản ở khu vực vì mục tiêu hội nhập phát triển bền vững bao trùm thịnh vượng, hòa bình.
“Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng Nhật Bản và các nước Mekong xây dựng hợp tác ngày càng thành công đáp ứng đúng mong mỏi của các nước thành viên góp phần đóng góp và hòa bình thịnh vượng chung của khu vực”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Trong phát biểu tại họp báo, các nhà lãnh đạo các nước Mekong đều đánh giá cao kết quả của Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 10; chia sẻ quan điểm nhất trí về rất nhiều lĩnh vực khác nhau tại hội nghị lần này.
Các nhà lãnh đạo cũng bày tỏ sự thống nhất cao trong việc thông qua sáng kiến Chiến lược Tokyo 2018; đánh giá cao và cảm ơn những hỗ trợ tích cực, có trách nhiệm của Nhật Bản đối với các nước Mekong thời gian qua.
Lãnh đạo các nước Mekong cùng cho rằng Chiến lược Tokyo 2018 sẽ đóng một vai trò nền tảng mạnh mẽ cho sự phát triển của các quốc gia khu vực Mekong; đồng thời sẽ đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác và mối quan hệ đối tác chiến lược giữa các quốc gia Mekong và Nhật Bản trong những năm tới.
Lãnh đạo các nước Mekong đều khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản trong việc hiện thực hóa Chiến lược Tokyo 2018 để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vì một mục tiêu chung: Xây dựng khu vực hòa bình, thịnh vượng.
Các nhà lãnh đạo cũng hoan nghênh sáng kiến của Nhật Bản về việc tổ chức Năm giao lưu Mekong - Nhật Bản vào năm 2019 và cho biết sẽ tích cực tham gia vào tất cả những hoạt động liên quan.
** Tiếp tục các hoạt động tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 10 tại Tokyo, chiều 09-10 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nước Mekong đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Mekong - Nhật Bản.
Diễn đàn với chủ đề “Trung tâm chuỗi giá trị khu vực Đông Nam Á năng động”, có sự tham dự của khoảng 600 doanh nghiệp đến từ 5 nước Mekong và Nhật Bản. Diễn đàn do Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) tổ chức.
Theo đánh giá của JETRO, trong những năm gần đây, khu vực sông Mekong đã và đang thay đổi nhanh chóng trong cả hai khía cạnh “cứng và mềm”. Cụ thể là trong phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn ở cấp quốc gia và không ngừng mở rộng các quy định tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp lớn, cải thiện hành lang kinh tế trong khu vực, xóa bỏ thuế quan và giảm thủ tục khu vực biên giới. Mekong là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trên thế giới, với mức bình quân trong khu vực năm 2017 là 6%.
Diễn đàn là sự khẳng định và lời kêu gọi của lãnh đạo các quốc gia Mekong và Nhật Bản trong việc thúc đẩy đầu tư, hợp tác giữa các doanh nghiệp. Diễn đàn cũng đem đến những cơ hội, sự hấp dẫn của từng môi trường đầu tư mỗi quốc gia Mekong trong xu hướng phát triển của khu vực nói chung.
Phát biểu trước các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp 5 nước Mekong và Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định nằm ở trung tâm châu Á phát triển năng động, khu vực Mekong đang trỗi dậy với tất cả quyết tâm, tiềm năng và sức mạnh của mình. Các nước Mekong đã thống nhất Tầm nhìn về một khu vực phát triển bền vững, hài hòa, cân bằng, phát triển bền vững, bao trùm.
Trong thực thi, cùng với vai trò kiến tạo phát triển của các Chính phủ, sự hỗ trợ hợp tác quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm - nơi khởi nguồn những ý tưởng sáng tạo mới, phát huy nội lực, góp phần quyết định vào quá trình tăng trường kinh tế.
Thông tin với các doanh nghiệp Mekong, Nhật Bản về Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ trong bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực có nhiều yếu tố bất ổn, phức tạp, Việt Nam vẫn duy trì môi trường chính trị xã hội ổn định, cùng với nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc. Đặc biệt, Việt Nam có vị trí địa chính trị, địa kinh tế, địa thương mại quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Trong 9 tháng đầu năm 2018, kinh tế Việt Nam tăng trưởng gần 7%, thuộc nhóm cao nhất trên thế giới. Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết CCPTPP, tiến gần đến RCEP và cùng là những quốc gia tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thủ tướng nói: “Việt Nam là cơ hội của các tập đoàn đa quốc gia đa dạng hóa, làm mới và tạo ra sự khác biệt. Quy mô dân số tiệm cận 100 triệu dân, nhưng Việt Nam có dân số trẻ, tuổi trung bình là 31, đa phần được đào tạo tốt, khéo léo và có khả năng thích ứng cao. Trung bình mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu và dự kiến đạt mức 33 triệu người, tương đương 33% dân số vào năm 2022. Hiện tại có 70% thuê bao di động tại Việt Nam đang sử dụng 3G hoặc 4G. 72% dân số Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh. Tỷ lệ sở hữu điện thoại trung bình là 1,7 máy/người. Tỷ lệ mua hàng online qua điện thoại chiếm 53%.
Đáng chú ý, tháng 9-2018, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN với chủ đề: “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4”. Đây là Hội nghị WEF về ASEAN thành công nhất trong 27 năm tổ chức, thu hút sự tham gia của hơn 1.000 doanh nghiệp và nhiều Lãnh đạo cấp cao, bao gồm cả 5 nước Mekong và Nhật Bản. Đến nay, Việt Nam đã thu hút gần 26.500 doanh nghiệp FDI từ 127 quốc gia, đối tác, với số vốn cam kết trên 330 tỷ USD, trong đó có nhiều tập đoàn hàng đầu Nhật Bản như Canon, Fujitsu, Toyota, Honda...
Theo báo cáo JETRO tháng 2/2018, có gần 70% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kinh doanh có lãi, khoảng 70% có kế hoạch 'mở rộng hoạt động.' Kỳ vọng đến năm 2020, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 nước, trong đó có 15 nước thuộc Nhóm G20”, Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam xây dựng Chính phủ liêm chính kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp để tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Việc thực hiện các cam kết tiêu chuẩn cao trong các FTA thế hệ mới làm cho môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến và mở ra cơ hội tiếp cận nhiều thị trường lớn của thế giới.
Việt Nam và Thái Lan là những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư công nghệ cao vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng; công nghiệp chế tạo; nông nghiệp chất lượng cao; tài chính, ngân hàng; y tế chất lượng cao...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chính phủ Việt Nam đặt ưu tiên về chất lượng của các dự án đầu tư hơn là số lượng”.
Đề cập đến mối quan hệ tốt đẹp của Việt Nam và Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất với sự phát triển toàn diện và thực chất trên nhiều lĩnh vực. Năm 2018 đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, nhưng trên thực tế, giao thương Việt Nam - Nhật Bản đã bắt đầu từ đầu thế kỷ 16, khi những thương nhân Nhật Bản là những nhà kinh doanh quốc tế thuộc thế hệ đầu tiên tới Hội An, một thương cảng ở tỉnh Quảng Nam, góp phần đưa nơi đây trở thành nơi buôn bán sầm uất, trên bến dưới thuyền ở châu Á.
Cho rằng Việt Nam với các nước Mekong và Nhật Bản có nhiều điểm đồng về văn hóa, là điều kiện thuận lợi để phát triển, hợp tác kinh tế thành công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông tin thêm năm 2017, Nhật Bản đã trở lại vị trí nhà đầu tư số một Việt Nam với tổng vốn FDI đạt 9 tỷ USD; thương mại hai chiều đạt hơn 33 tỷ USD.
Tới thời điểm hiện tại, có gần 4.000 dự án của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đạt trên 55 tỷ USD. Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác phát triển cho các doanh nghiệp Mekong và Nhật Bản.
Thủ tướng khẳng định các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản luôn được Chính phủ Việt Nam ghi nhận và giải quyết khá kịp thời. Việc thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản được khởi xướng năm 2003 đã tác động nhiều mặt, được cộng đồng các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao, góp phần cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Đây cũng là một trong những kênh thông tin hữu hiệu cho các cơ quan chức năng của Việt Nam trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách và giúp cho các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp nói chung được tham gia vào quá trình hoạch định chính sách của Chính phủ.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng với tiềm năng của khu vực Mekong và mối quan hệ tốt đẹp Mekong - Nhật Bản, khu vực Mekong nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư.
** Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cùng Lãnh đạo các nước Mekong yết kiến Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản, gặp mặt Liên minh nghị sỹ hữu nghị Mekong - Nhật Bản và Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren).
Tại buổi yết kiến của Lãnh đạo các nước Mekong, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa Nhật Bản và các nước Mekong; mong rằng Năm hữu nghị Mekong - Nhật Bản 2019 sẽ thúc đẩy hơn nữa giao lưu giữa các chính phủ và người dân sáu nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ trân trọng tình cảm thân thiết và sự quan tâm sâu sắc mà Nhà vua, Hoàng hậu cùng Hoàng gia Nhật Bản đã dành cho Việt Nam và mối quan hệ Nhật Bản - Việt Nam thời gian qua.
Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ và nhân dân Việt Nam đặt ưu tiên cao cho mối quan hệ hợp tác với Nhật Bản, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ngày càng mạnh mẽ, toàn diện và sâu rộng hơn nữa.
Gặp mặt Liên minh nghị sỹ hữu nghị Mekong - Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò của Liên minh nghị sỹ và mong muốn Liên minh tiếp tục có những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt và thực chất giữa Nhật Bản với các nước Mekong.
Chủ tịch Liên minh nghị sỹ hữu nghị Mekong - Nhật Bản Ryu Shionoya và Chánh văn phòng Nội các, Cố vấn của Liên minh nghị sỹ Yoshihide Suga bày tỏ vinh dự được đón tiếp Lãnh đạo các nước Mekong; khẳng định Liên minh nghị sỹ sẽ nỗ lực hết mình để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và các nước Mekong tiếp tục phát triển toàn diện trên các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư, thương mại, môi trường, đào tạo nguồn nhân lực và giao lưu nhân dân.
Tại buổi làm việc với Chủ tịch Liên đoàn kinh tế Nhật Bản Keidanren và các doanh nghiệp thành viên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò cầu nối của Liên đoàn trong thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản vào khu vực Mekong; thực tế kinh doanh thành công và những đóng góp của các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam; giới thiệu những thành tựu và tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam, định hướng của Chính phủ nhằm giữ vững ổn định chính trị-xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hội nhập quốc tế, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước thuộc nhóm đầu trong ASEAN và hướng tới tiêu chuẩn cao của OECD.
Thủ tướng nhấn mạnh sự tương đồng về văn hóa và những giá trị xã hội là nền tảng quan trọng kết nối hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản, tạo điều kiện cho các mối quan hệ kinh tế phát triển.
Chủ tịch Keidanren Nobuyuki Koga khẳng định Keidanren sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản tại Mekong, cùng hợp tác để xây dựng một khu vực thịnh vượng, phát triển bền vững./.
Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tiếp xúc cử tri tại Vĩnh Long  (09/10/2018)
Chủ tịch Quốc hội hội kiến Chủ tịch Duma quốc gia Liên bang Nga  (09/10/2018)
Việt Nam coi trọng quan hệ với đối tác chiến lược Indonesia  (09/10/2018)
Không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi  (09/10/2018)
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 10  (09/10/2018)
Việt Nam luôn coi trọng cơ chế hợp tác Mekong - Nhật Bản  (09/10/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển