TCCSĐT - Sáng 08-10 (theo giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dự Diễn đàn Kinh doanh và Đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ - Việt Nam được tổ chức tại thành phố Istanbul, với sự tham dự của khoảng 200 doanh nghiệp hai nước.

Cùng dự có Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt; Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải; Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến…

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ có Phó Tỉnh trưởng Istanbul Hikmet Dengesik; Chủ tịch Hội đồng Kinh tế đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ Nail Opak; Chủ tịch Hội đồng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ-Việt Nam Ali Tezolmez; đại diện Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ, lãnh đạo tỉnh Istanbul và khoảng 160 doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ - Việt Nam khẳng định đây là sự kiện quan trọng, giúp Hội đồng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ - Việt Nam và các nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ nắm bắt được các cơ hội đầu tư kinh doanh với Việt Nam trong thời gian tới.

Phát biểu chào mừng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu tham dự diễn đàn, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ Nail Opak nhấn mạnh, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đều đang phải đối mặt với những thách thức từ các cuộc chiến tranh thương mại trên toàn cầu.

Trong bối cảnh này, doanh nghiệp, cộng đồng kinh doanh hai nước phải tăng cường hợp tác chặt chẽ để tận dụng được các cơ hội kinh doanh, cùng phát triển quan hệ kinh tế, thương mại hai nước.

Chủ tịch Hội đồng Nail Opak nêu rõ, ngoại giao thương mại và tự do thương mại có sức mạnh rất lớn, làm nền tảng cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh doanh; khẳng định, quan hệ kinh doanh Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải dựa trên nguyên tắc này.

Ông Nail Opak cho rằng diễn đàn lần này là bước tiến rất quan trọng để thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại hai nước; tin tưởng quan hệ hợp tác thương mại đầu tư sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao việc Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ, Hội đồng Kinh tế đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, các cơ quan hữu quan đã phối hợp tổ chức diễn đàn kinh doanh và đầu tư hai nước.

Diễn đàn được tổ chức vào thời điểm rất ý nghĩa, đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 40 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, cùng chứng kiến những bước phát triển vững chắc trên nhiều lĩnh vực hợp tác song phương.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam liên tục duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, quy mô GDP đạt 240,5 tỷ USD, giá trị thương mại hơn 475 tỷ USD và dân số 95 triệu người với cơ cấu dân số vàng, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh.

Dân số Việt Nam vừa là thị trường tiêu thụ hấp dẫn vừa cung cấp lực lượng lao động chất lượng. Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam không ngừng được cải thiện, chi phí đầu tư cạnh tranh, hạ tầng giao thông đang được đầu tư mạnh mẽ với tính kết nối quốc tế thuận lợi, những chính sách phát triển kinh tế hấp dẫn...

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), năm 2017, năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016, lên vị trí 55/137.

Báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy thứ hạng của Việt Nam đã tăng 14 bậc so với năm 2016, lên vị trí thứ 68/190.

Việt Nam đang chuyển mình thành điểm sản xuất chiến lược của nhiều tập đoàn quốc tế trong khu vực, nhờ những chính sách ưu đãi hấp dẫn và tính thân thiện của môi trường đầu tư.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng giới thiệu về tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang phát triển sâu rộng với mạng lưới các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia đã định hình không gian kinh tế mới cho hợp tác và phát triển.

Việt Nam là nền kinh tế mở với quy mô thương mại hai chiều 475 tỷ USD, gần gấp 2 lần GDP, hiện có quan hệ thương mại với 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, có 26 mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên một tỷ USD với tiềm năng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu rất rộng lớn.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, là thành viên trách nhiệm và tích cực của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), với độ mở kinh tế cao, Việt Nam luôn chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Bên cạnh 10 Hiệp định Thương mại tự do đã được ký kết và triển khai, trong thời gian tới, các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dự kiến cũng sẽ sớm được phê chuẩn và chính thức có hiệu lực.

Với hai Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này, hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng ưu đãi cao từ thị trường rộng lớn của gần 40 quốc gia phát triển. Việt Nam cũng đang tham gia tích cực trong tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Nhằm sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Việt Nam đặt mục tiêu duy trì tốc độ phát triển kinh tế đến năm 2020 GDP bình quân khoảng 6,5-7%/năm, quy mô GDP đạt 320-350 tỷ USD, quy mô thương mại 600 tỷ USD. Nâng cao chất lượng tăng trưởng dựa trên nền tảng là năng suất và đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, ổn định và tăng trưởng xanh.

Đánh giá về quan hệ hợp tác thương mại đầu tư giữa Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hai nước thiết lập quan hệ thương mại chính thức từ tháng 8-1997 thông qua việc ký kết “Hiệp định hợp tác Thương mại, Kinh tế và Kỹ thuật”.

Từ đó tới nay, thương mại song phương đã chứng kiến nhiều bước nhảy vọt. Từ mức chỉ vài trăm nghìn USD những năm 1990, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức vượt mốc 2 tỷ USD vào năm 2017. Tại khu vực Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ hiện là đối tác thương mại phi dầu mỏ lớn nhất của Việt Nam.

Về đầu tư, tính đến hết tháng Tám vừa qua, các nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ có 18 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký khoảng 708 triệu USD, xếp thứ 26 trong tổng số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Đánh giá “đây là con số đáng khích lệ nhưng vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng hợp tác và mong muốn của hai nước,” Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn, hai nước cần phát huy những thành quả hợp tác trong những năm qua, tiến tới chủ động xây dựng định hướng, kế hoạch, giải pháp và lĩnh vực hợp tác cụ thể với nhằm phát huy tối đa thế mạnh của mỗi nước.

Chủ tịch Quốc hội mong rằng, trong quá trình này, cộng đồng doanh nghiệp hai nước không chỉ là chủ thể của tiến trình hợp tác kinh tế, mà cần đóng vai trò khởi xướng các ý tưởng mới, tạo động lực mới trong thương mại và đầu tư, góp phần củng cố và làm phong phú hơn mối quan hệ tốt đẹp giữa Nhà nước và nhân dân hai nước.

"Việt Nam cam kết xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện với doanh nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế và các nước OECD - tổ chức mà Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những thành viên sáng lập,” Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Nhấn mạnh phương châm “Thành công của các bạn chính là thành công của chúng tôi,” Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Việt Nam luôn rộng mở chào đón các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đến hợp tác, đầu tư kinh doanh.

Tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước.

Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu đã nghe giới thiệu về các tiềm năng hợp tác kinh doanh đầu tư giữa hai nước; giới thiệu sáng kiến Quỹ Đầu tư vào Việt Nam; trao đổi, tìm hiểu về các lĩnh vực hợp tác cụ thể mà hai bên có thế mạnh...

** Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp ông Nail Olpak, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ (DEIK). Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng lần đầu tiên đến đất nước Thổ Nhĩ Kỳ tươi đẹp có bề dày lịch sử và giàu lòng mến khách đúng vào dịp hai nước có nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Chủ tịch Quốc hội nhận định trong lĩnh vực thương mại-đầu tư, hai nước có nhiều bước phát triển, nhất là từ năm 1997 khi hai nước thông qua việc ký kết “Hiệp định hợp tác Thương mại, Kinh tế và Kỹ thuật,” đến nay kim ngạch thương mại song phương đã đạt mức cao.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ cảm ơn ông Nail Olpak cũng như Hội đồng Kinh tế Đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ Nail đã phối hợp cùng cơ quan hữu quan Việt Nam tổ chức Diễn đàn; cho rằng hiện nay giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đã có đường bay thẳng thuận tiện cho việc thúc đẩy các hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch… giữa hai đất nước.

Với sự tham dự của những bộ, ngành, doanh nghiệp Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ, Diễn đàn là dịp để các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh tại mỗi nước, từ đó góp phần thúc đẩy lĩnh vực hợp tác này ngày càng phát triển trong tương lai.

Ông Nail Olpak nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã có chuyến công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ; tới thành phố Istanbul dự Diễn đàn kinh doanh và đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ-Việt Nam.

Diễn đàn thu hút khoảng 160 doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ tham dự. Điều đó cho thấy doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ rất quan tâm tới tìm hiểu cơ hội đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nhân kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, tại thành phố Istanbul diễn ra Diễn đàn kinh doanh và đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ - Việt Nam và dự kiến vào cuối tháng 10 này, tại Việt Nam, đoàn doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tới Việt Nam tham dự Tuần lễ thời trang, Tuần lễ ẩm thực.

Giới thiệu chức năng, nhiệm vụ của DEIK, ông Nail Olpak chia sẻ DEIK được thành lập năm 1985 quản lý 144 hội đồng kinh doanh Thổ Nhĩ Kỳ trên thế giới. Riêng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 9 chi nhánh hội đồng kinh doanh.

DEIK có nhiệm vụ điều phối các hoạt động kinh doanh Thổ Nhĩ Kỳ trên khắp thế giới, cũng như chịu trách nhiệm về các đoàn kinh tế-thương mại nước ngoài đến Thổ Nhĩ Kỳ làm việc./.