Mức độ hài lòng của người dân là tiêu chí quan trọng đo hiệu quả xây dựng nông thôn mới
TCCS - Ngày 17-8-2019, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ giai đoạn 2010 - 2020, định hướng xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020.
Tham dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và đại diện của 17 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ là nơi hội tụ những điểm sáng nhất, những sáng tạo đột phá nhất, những cách làm hiệu quả nhất về xây dựng nông thôn mới của cả nước trong những năm qua. Đây là nơi khởi nguồn cho việc đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách mới đã và đang triển khai rất hiệu quả, như: chương trình mỗi xã một sản phẩm xuất phát từ Quảng Ninh; xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu xuất phát từ Hà Tĩnh; xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản ở những địa bàn khó khăn xuất phát từ Nghệ An, Thanh Hóa; công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn xuất phát từ Nam Định…
Hiện nay, khu vực này đang là nơi tìm tòi những vấn đề mới, làm tiền đề để nghiên cứu nội dung xây dựng nông thôn mới cho giai đoạn sau năm 2020 (đó là du lịch nông thôn, phân loại chất thải rắn sinh hoạt và xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư, xây dựng mã vùng sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu…).
Với quan điểm nông thôn mới là căn bản, tái cơ cấu nông nghiệp là then chốt, người nông dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới, trong những tháng còn lại của năm 2019 và năm 2020, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ cần tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những những hạn chế, khó khăn, chỉ đạo triển khai thực hiện để đạt những mục tiêu cao hơn.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân trong xây dựng nông thôn mới, với tinh thần: xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc, tránh tư tưởng thỏa mãn, tự bằng lòng, nhất là ở những xã, những huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới có thể dẫn đến sao nhãng công việc. Mỗi địa phương phải xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, trên cơ sở đó, phát huy dân chủ và vai trò chủ thể của các cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới.
Mỗi địa phương phải thường xuyên rà soát từng mục tiêu, tiêu chí để có kế hoạch, lộ trình nâng về chất các tiêu chí sau đạt chuẩn, nhất là các tiêu chí liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, như: nâng cao thu nhập; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp; xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống ở khu dân cư...
Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo tiêu chí quy định hiện hành, đồng thời, xác định nội dung, giải pháp thực hiện, hướng tới phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; tiếp tục có bước đột phá trong ban hành khung chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy các xã miền núi, khó khăn tiệm cận với quy định đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới hiện hành.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương cần đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các nông sản chủ lực ở địa phương, trên cơ sở áp dụng công nghệ thông minh, cơ giới hóa vào sản xuất; thúc đẩy liên doanh, liên kết hình thành chuỗi giá trị, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn. Các địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, trong đó, lấy sản xuất nông nghiệp hữu cơ và an toàn sinh học, thân thiện với môi trường làm nền tảng, gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch nông thôn; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP gắn với lợi thế của từng địa phương, nhằm góp phần gia tăng nhanh thu nhập cho người dân nông thôn. Đẩy mạnh các tour, tuyến du lịch nông thôn mới gắn với các địa danh lịch sử, cách mạng cũng như các điểm nhấn về du lịch biển để tạo giá trị lan tỏa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch của từng địa phương, từ đó, góp phần tăng nhanh số lượng du khách trong nước cũng như quốc tế đến thăm các vùng nông thôn, để thực sự được trải nghiệm nông thôn bình yên, đáng sống của Việt Nam.
Phó Thủ tướng lưu ý, cần phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới, nhưng phải để người dân tự nguyện, tự giác. Cần chú ý công tác xem xét, thẩm định, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trên tinh thần không chạy theo thành tích; đo lường kết quả đạt được là mức độ hài lòng của người dân…
Các địa phương tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn nông thôn, bảo đảm đồng bộ, kết nối với các vùng, các địa phương xung quanh; đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng không gian xanh ở nông thôn, nhất là đẩy mạnh phong trào trồng cây xanh bóng mát, trồng hoa trên các trục đường giao thông thôn, xã.
Phó Thủ tướng đồng tình với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ giai đoạn sau năm 2020. Trên cơ sở các ý kiến trao đổi, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu, làm rõ nội dung để đưa vào định hướng chương trình xây dựng nông thôn mới cả nước giai đoạn 2021 - 2030; tập trung nghiên cứu, đánh giá Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới cấp xã và cấp huyện, tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, từ đó tính toán điều chỉnh, bổ sung để bảo đảm mức độ phù hợp cho giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, 10 năm qua, các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ đã linh hoạt, sáng tạo đưa ra nhiều cơ chế, chính sách đặc thù tạo nên tiền đề quan trọng để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiều quyết định trong quá trình triển khai thực hiện nông thôn mới ở cơ sở. Đó cũng là bước chuyển quan trọng để đến nay, vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ có tới gần 70% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 48% so với cuối năm 2015, là mức tăng trưởng cao nhất trong cả nước, cao hơn nhiều so với mức đạt chuẩn của cả nước là 50,26%.
Bình quân số tiêu chí/xã của cả vùng đạt 17,4 tiêu chí, cao hơn mức trung bình cả nước là 15,26 tiêu chí/xã. Cả vùng đã có 41 đơn vị cấp huyện (thuộc 13 tỉnh/thành phố) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, chiếm 48,8% số đơn vị cấp huyện của các nước đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh cho biết, tỉnh Nghệ An có nhiều giải pháp sáng tạo, kiên trì xây dựng nông thôn mới theo 5 nguyên tắc, trong đó nhấn mạnh xây dựng nông thôn mới gắn liền với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; ưu tiên cho đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân, từng bước xóa đói, giảm nghèo; đầu tư cho hạ tầng, cơ sở vật chất theo thứ tự hợp lý, tránh lãng phí và nợ đọng xây dựng cơ bản; nâng cao dân trí cho người dân, bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông và đào tạo nghề; xây dựng môi trường sạch, đẹp, xanh tươi, mang bản sắc truyền thống của địa phương, gắn với phát triển du lịch ở những nơi có điều kiện...
Tại hội nghị, các nhà khoa học, các chuyên gia và đại diện các tỉnh trong vùng đã có nhiều tham luận, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục triển khai thành công, hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020./.
BTV/TTXVN
Bế mạc Phiên họp thứ 36 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội  (16/08/2019)
Sàng nhưng phải… lọc  (16/08/2019)
Nhận diện sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên qua công tác cán bộ  (16/08/2019)
Hiến máu cứu người - Hành Bồ Tát đạo  (16/08/2019)
Bước phát triển mới của y học biển Việt Nam  (16/08/2019)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên