TCCSĐT - Tình hình tài chính tiền tệ ở Argentina trong những ngày gần đây đã khơi dậy những lo ngại sâu sắc về nguy cơ bùng phát khủng hoảng kinh tế mới ở quốc gia mới nổi này.

Argentina nỗ lực tìm giải pháp ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: Getty Images

Mặc dù chính phủ Argentina đã nỗ lực nhằm ổn định tình hình, song nền kinh tế nước này đang đứng trước mối đe dọa về một đợt suy thoái mới khi thị trường tài chính tiền tệ Argentina tiếp tục phải hứng chịu một đợt lao dốc mới trong năm 2018 với việc đồng peso mất giá trong ngày thứ 7 liên tiếp và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Kết thúc phiên giao dịch ngày 30-8, đồng peso tiếp tục giảm hơn 13% và thiết lập kỷ lục mới ở mức 38,20 peso/USD bất chấp việc Ngân hàng Trung ương Argentina (BCRA) tăng lãi suất cơ bản từ mức 45% lên 60% và bán ra thị trường 500 triệu USD. Tính từ đầu năm 2018, đồng peso đã mất hơn 40% giá trị.

Trên thực tế, tháng 4-2018 là thời điểm đầu tiên của những biến động kinh tế Argentina khi tăng trưởng giảm 0,9% sau 13 tháng tăng liên tiếp. Tiếp đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong tháng 5 và tháng 6 đã bước vào giai đoạn suy giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2017 ở mức tương ứng là 5,8% và 6,7%. Trước việc tăng trưởng kinh tế của Argentina giảm 0,6% trong nửa đầu năm 2018, giới phân tích dự báo mức suy giảm sẽ vào khoảng 1% vào cuối năm 2018. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát trong 7 tháng của năm 2018 đã vọt lên 19,6% và mục tiêu kiềm chế tỷ lệ lạm phát ở mức 15% cho cả năm 2018 có thể không đạt được. Thậm chí, tỷ lệ lạm phát của Argentina dự báo sẽ vượt ngưỡng 30% vào cuối năm 2018.

Mối đe dọa về một đợt suy thoái mới đối với nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh xảy ra trong bối cảnh chính phủ của Tổng thống M. Macri vẫn đang “loay hoay” với những điều chỉnh trong chính sách kinh tế vĩ mô nhằm thúc đẩy tăng trưởng, đưa Argentina ra khỏi “vũng lầy” của một trong những nền kinh tế được coi là “mong manh” nhất khu vực. Kể từ khi chính thức lên nắm quyền điều hành đất nước vào tháng 12-2015, Tổng thống M. Macri đã thay đổi một loạt các chính sách điều hành kinh tế với tham vọng đưa quốc gia Nam Mỹ này đạt mục tiêu “xóa nghèo”. Chính phủ Argentina đã quyết định mở cửa và điều chỉnh từng bước nền kinh tế để đạt được sự cân đối tài chính và thu hút sự trở lại của các nguồn đầu tư sau hơn một thập niên theo đuổi chính sách bảo hộ.

Một trong những trọng tâm của kế hoạch điều chỉnh mà Chính phủ Argentina theo đuổi nhằm giải quyết tình trạng lạm phát luôn ở mức hai chữ số trong nhiều năm qua là việc tăng lãi suất ở mức cao để khuyến khích việc gửi tiết kiệm và tạo sự cuốn hút của đồng nội tệ. Trong hai năm 2016 và 2017, Argentina đã trở thành một địa chỉ thu hút đầu tư tài chính hấp dẫn. Người dân bắt đầu tích lũy tiết kiệm bằng đồng peso. Năm 2017, GDP của Argentina đã tăng 2,8% và xu hướng này tiếp tục trong quý I/2018 với mức tăng 3,6%. Tuy nhiên, tình hình biến động bất ngờ khiến mọi thứ đảo lộn kể từ cuối quý I/2018 khi chính phủ quyết định áp dụng mức thuế mới đối với trái phiếu của chính phủ. Ngoài ra, việc Mỹ tăng lãi suất cơ bản khiến cho nguồn vốn bị rút ồ ạt khỏi thị trường. Những yếu tố này là một phần nguyên nhân khiến cho thị trường tài chính tiền tệ Argentina liên tục lao dốc và dự báo tăng trưởng kinh tế của Argentina ở mức 3,5% trong năm 2018 khó thành hiện thực.

Thủ tướng Anh thăm châu Phi: Bước đệm quan trọng cho thời kỳ hậu Brexit

 
 Thủ tướng T. May và Tổng thống Nam Phi C. Ramaphosa. Ảnh: Getty Images

Trong ba ngày từ ngày 28 đến 30-8-2018, Thủ tướng Anh T. May đã thực hiện chuyến công du tới ba nước châu Phi, gồm Nam Phi, Nigeria và Kenya. Đây là chuyến công du châu Phi đầu tiên kể từ khi bà T. May nhậm chức Thủ tướng Anh hồi tháng 7-2016 và nằm trong chương trình nghị sự thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài của Anh thời kỳ hậu Brexit.

Tại chặng dừng chân đầu tiên ở Nam Phi, Thủ tướng T. May đã có cuộc gặp với Tổng thống Nam Phi C. Ramaphosa. Theo đó, Thủ tướng T. May cam kết Anh sẽ giữ nguyên mức viện trợ của nước này cho các nước đang phát triển ở mức 0,7% GDP, đồng thời nêu rõ những khoản viện trợ này cần phải đáp ứng mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, giải quyết những thách thức trên toàn cầu và phục vụ cho lợi ích quốc gia của Anh. Kế hoạch này của Thủ tướng T. May được cho là nhằm đáp ứng đề nghị của phe cánh hữu trong đảng Bảo thủ cầm quyền rằng, việc chi tiền viện trợ cho nước ngoài cần phải đáp ứng cả mục tiêu an ninh lẫn chính trị của nước Anh.

Với Nigeria, Thủ tướng T. May đã có cuộc hội kiến với Tổng thống Nigeria M. Buhari nhằm thúc đẩy hợp tác về an ninh và thương mại. Thủ tướng T. May đã kêu gọi các doanh nghiệp Nigeria khai thác các thị trường vốn và các dịch vụ tài chính của London; bày tỏ mong muốn sẽ có nhiều đầu tư của Anh vào Nigeria trong thời gian tới, mang lại công việc cho người dân bản địa, cũng như lợi ích kinh tế cho người Anh.

Tại Kenya, Thủ tướng T. May đã hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà U. Kenyatta. Thủ tướng T. May khẳng định, nước Anh cam kết sẽ tiếp tục trao đổi thương mại tự do với Kenya sau khi London rời khỏi Liên minh châu Âu (EU); bày tỏ mong muốn nước Anh trở thành nhà đầu tư lớn nhất trong Nhóm G7 tại châu Phi.

Trước thềm chuyến thăm ba nước châu Phi gồm Nam Phi, Nigeria và Kenya, Thủ tướng T. May đã khẳng định, đây là “cơ hội đặc biệt, trong thời khắc đặc biệt với nước Anh”. Sự “trở lại” châu Phi của Anh nằm trong chính sách tổng thể mang tên Chiến lược đối tác toàn cầu của nước Anh, theo đó London nỗ lực tìm các đối tác thay thế các đối tác truyền thống đặc biệt trong bối cảnh chỉ còn hơn 7 tháng nữa nước Anh sẽ chính thức rời EU. Và không khó để nhận ra yếu tố “đặc biệt” mà nhà lãnh đạo Anh nhấn mạnh khi cả Nam Phi, Nigeria và Kenya đều là các thành viên và là những quốc gia “đầu tàu” trong Khối Thịnh vượng chung, từng được xem như “sân sau” của Anh. Thế nhưng, trong nhiều năm qua, Anh được cho là đã “lơ là” với chính những quốc gia mà ở đó tầm ảnh hưởng của London vẫn còn rất lớn. Hiện tại, tiến trình Brexit đang tạo ra những thay đổi sâu sắc cả về chính trị, kinh tế và xã hội đối với nước Anh. Do vậy, mở rộng quan hệ đối ngoại, tìm kiếm các đối tác mới, trong đó có cả nỗ lực chinh phục lại chính “vùng ảnh hưởng cũ” là mục tiêu lớn nhất trong chuyến công du châu Phi của Thủ tướng T. May nhằm khôi phục, củng cố vai trò, tầm ảnh hưởng của Anh ở khu vực hạ Sahara của châu Phi, rộng hơn là các quốc gia thuộc Khối Thịnh vượng chung.

Uy tín của Tổng thống Mỹ vẫn ổn định trước các rắc rối pháp lý

 
 Cựu luật sư M. Cohen và cựu Chủ tịch chiến dịch tranh cử P. Manafort. Ảnh:
nypost.com

Trong những ngày qua, mối lo ngại về khả năng Tổng thống D. Trump phải đối mặt với pháp luật ngày càng gia tăng sau khi ông M. Cohen, cựu luật sư riêng lâu năm của Tổng thống D. Trump đã nhận tội vi phạm luật tài chính trong chiến dịch tranh cử liên bang hồi năm 2016 cùng nhiều tội danh khác và đang đối mặt với khả năng bị kết án tù.

Cụ thể, ngày 21-8 tại tòa án liên bang Manhattan, ông M. Cohen, 51 tuổi, đã nhận 8 tội danh, trong đó có 5 tội danh về trốn thuế, 1 tội danh về thông báo sai đối với một tổ chức tài chính, 1 tội danh về cố ý tạo ra một khoản đóng góp bất hợp pháp của công ty và 1 tội danh về tạo ra một khoản đóng góp quá mức cho chiến dịch tranh cử. Ông M. Cohen cũng thừa nhận đã có những khoản thanh toán để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2016 theo chỉ đạo của một ứng cử viên tranh cử cấp liên bang.

Không chỉ chịu sức ép lớn từ vụ việc của cựu luật sư Cohen, uy tín của Tổng thống D. Trump còn bị ảnh hưởng bởi ông P. Manafort, cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử của Tổng thống D. Trump năm 2016. Cũng trong ngày 21-8, một bồi thẩm đoàn liên bang ở Virginia đã kết tội ông P. Manafort với 8 tội danh liên quan đến những gian lận thuế và ngân hàng, cũng như không khai báo các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài.

Điều đáng nói, việc xét xử các ông M. Cohen và ông P. Manafort đều nằm trong cuộc điều tra đầu tiên đối với đội ngũ cố vấn tranh cử của Tổng thống D. Trump của công tố viên đặc biệt R. Mueller về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ, điều mà chính quyền Moscow luôn bác bỏ. Trong khi đó, lâu nay, ông chủ Nhà Trắng và các cộng sự thân thiết trong Quốc hội Mỹ thường coi cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ mang động cơ chính trị. Không ít lần, Tổng thống D. Trump đã công kích cuộc điều tra, thậm chí đưa ra những chỉ trích trực diện vào công tố viên R. Mueller. Tuy nhiên, diễn biến mới đây đã đưa cuộc điều tra của ông R. Mueller sang ngã rẽ mới, khi lời nhận tội của ông M. Cohen có thể dẫn tới cuộc điều tra thứ hai nhằm vào người đứng đầu nước Mỹ.

Trước tình hình có phần bất lợi, Tổng thống D. Trump đang đặt mục tiêu tái triển khai chiến lược “thắng lớn hoặc về nhà” trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Theo đó, trong khoảng thời gian từ nay tới trước ngày bầu cử ngày 06-11 tới, Tổng thống D. Trump sẽ dành ít nhất 40 ngày để tới các bang vận động cho các ứng cử viên đảng Cộng hòa tranh cử tại cả Hạ viện, Thượng viện và ghế Thống đốc tại các bang. Tổng thống Mỹ dự định thực hiện các chuyến đi này như những “cơn lốc” nhằm ngăn chặn khả năng trỗi dậy của “làn sóng màu xanh” (màu sắc tượng trưng cho đảng Dân chủ) trong kỳ bầu cử Quốc hội sắp tới. Tuy nhiên, khả năng duy trì thế đa số tại Hạ viện đang rất mong manh khi một số ứng cử viên Dân chủ đã giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử gần đây tại những bang “màu đỏ”, vốn là các khu vực truyền thống ủng hộ đảng Cộng hòa. Hiện đảng Dân chủ đang dẫn trước 8% so với đảng Cộng hòa trong cuộc đua giữa kỳ vào Hạ viện khi tỷ lệ ủng hộ hai đảng lần lượt là 50% và 42%. Đảng Dân chủ cần giành được 23 ghế để chiếm đa số trong Hạ viện. Chắc chắn rằng, các ứng cử viên của đảng Dân chủ sẽ không bỏ qua cơ hội hiếm hoi này để đảo ngược tình thế sau thất bại cay đắng của mùa bầu cử cách đây 2 năm.

Nỗ lực đạt thỏa thuận về hiệp định NAFTA mới

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: Getty Images

Ngày 27-8, quá trình đàm phán căng thẳng giữa Mỹ, Canada và Mexico nhằm sửa đổi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), một văn kiện “lâu đời” vốn định hình quan hệ thương mại 3 nước láng giềng Bắc Mỹ suốt hơn 20 năm qua, lần đầu tiên đã có một bước tiến tích cực khi Mỹ và Mexico đạt được một thỏa thuận sơ bộ.

Theo thỏa thuận mới vừa đạt được giữa Mỹ và Mexico, hai nước đã tìm được tiếng nói chung về vấn đề “gai góc” nhất trong đàm phán lại NAFTA, đó là các quy tắc mới liên quan tới ngành sản xuất ô tô. Hai bên phải bảo đảm tỷ lệ phụ tùng ô tô sản xuất tại Mỹ hoặc Mexico đạt 75%, tăng so mức 62,5% được quy định trong NAFTA hiện nay. Ngoài ra, thỏa thuận cũng quy định, từ 40% đến 45% số lượng phụ tùng ô tô phải do các công nhân có thu nhập ít nhất 16 USD/giờ sản xuất.

Mặc dù những gì Mỹ và Mexico vừa đạt được là một thành công đáng kể trong bối cảnh tiến trình tái đàm phán lại NAFTA trong vòng 1 năm qua hầu như không có đột phá và bị đình trệ từ hồi tháng 6-2018, nhưng điều này chưa thể là điều kiện đủ để sửa đổi NAFTA. Bởi việc sửa đổi NAFTA phải bao gồm cả Canada, một bên tham gia NAFTA song không tham gia các vòng đàm phán trong những tuần gần đây tại Mỹ.

Trong bối cảnh Mỹ và Mexico đã thành công trong việc đạt được một thỏa thuận sơ bộ, ngày 29-8, Canada và Mỹ đã chính thức nối lại vòng đàm phán lại NAFTA. Hiện Canada vẫn đang bày tỏ quan ngại về những điểm vướng mắc trong tiến trình đàm phán lại NAFTA, đặc biệt là về thị trường bơ sữa của nước này cũng như quy chế giải quyết tranh chấp giữa các bên. Trong khi nhiều người hy vọng thỏa thuận đã được Mỹ và Mexico thống nhất có thể tạo áp lực với Canada để quốc gia này chấp nhận những điều khoản mới, từ đó mở đường cho một thỏa thuận ba bên, thì cũng không ít ý kiến hoài nghi rằng, Ottawa sẽ không chấp thuận một cách dễ dàng khiến NAFTA sửa đổi ba bên có nguy cơ thành hai thỏa thuận thương mại riêng rẽ. Dư luận Canada từ nhiều tuần nay đã bắt đầu lo lắng về khả năng Mỹ và Mexico “gạt” Ottawa ra khỏi quá trình đàm phán, và nguy cơ nước này bị đẩy vào thế cô lập đang lộ rõ. Hội đồng Canada cho rằng, đây là dấu hiệu khởi đầu cho việc ra đời một thỏa thuận vì “Nước Mỹ trên hết”. Bằng việc đổi tên thỏa thuận đã 24 năm tuổi, Tổng thống D. Trump có thể biến phiên bản NAFTA mới theo hướng có lợi hơn cho Mỹ và Mexico. Thủ tướng Canada J. Trudeau từng nhiều lần tuyên bố rằng, một “NAFTA xấu còn tệ hơn không có NAFTA”, bởi vậy Ottawa sẽ theo đuổi một “NAFTA sửa đổi cùng thắng” cho tất cả các bên.

Cho tới nay, “ngã rẽ” từ thỏa thuận sơ bộ Mỹ - Mexico tuy chưa được kiểm nghiệm sẽ hướng NAFTA tới tương lai hay vào ngõ cụt, nhưng tác động đầu tiên đã xuất hiện khi Ngoại trưởng Canada lập tức cắt ngắn chương trình làm việc tại châu Âu để trở lại đàm phán NAFTA tại Washington vào ngày 28-8. Và ngày 31-8, Thủ tướng Canada J. Trudeau tuyên bố “rất có khả năng” đạt một thỏa thuận tốt đẹp trong đàm phán thương mại với Mỹ và Mexico, khi các cuộc tái đàm phán NAFTA tại Washington đang đi tới hồi kết. Như vậy, sau nhiều tuần không tham gia các cuộc đàm phán tại Washington, Canada đã trở lại cuộc chơi và đây hoàn toàn có thể là cú hích tạo ra đột phá trong quá trình đàm phán đã trì trệ bấy lâu./.