Phê duyệt tổng biên chế công chức năm 2019

BTV (tổng hợp từ chinhphu.vn)
21:38, ngày 15-08-2018

TCCSĐT - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1016/QĐ-TTg phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2019.

Theo đó, tổng biên chế công chức năm 2019 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã), biên chế công chức dự phòng và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước là 259.598 biên chế.

Cụ thể, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước là 258.163 biên chế, trong đó: Các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập 105.189 biên chế; các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện 151.906 biên chế; các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài 1.068 biên chế.

Biên chế công chức dự phòng là 749 biên chế. Tổng biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước là 686 biên chế.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm giao biên chế công chức đối với từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong số biên chế công chức nêu trên; giao biên chế đối với từng Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước trong tổng biên chế quy định nêu trên.

Các bộ, ngành và địa phương thực hiện điều chuyển, sắp xếp trong tổng biên chế được giao khi thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới và thực hiện tinh giản biên chế theo quy định.

Nâng cao chỉ số Chính phủ điện tử


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về việc nâng cao chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam theo phương pháp đánh giá của Liên hợp quốc.

Xét báo cáo của Văn phòng Chính phủ về một số nội dung trong Báo cáo phát triển Chính phủ điện tử năm 2018 của Liên hợp quốc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai nghiêm túc và hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 09-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương năm 2017 và Quyết định số 877/QĐ-TTg ngày 18-7-2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để các bộ, ngành, địa phương thực hiện trong các năm 2018 - 2019; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó ưu tiên các dịch vụ công thiết yếu; triển khai hiệu quả Nghị định 61/2018/NĐ-CP ngày 23-4-2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có một Cổng dịch vụ công tập trung, thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp khai thác và sử dụng.

Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện rà soát, đánh giá chỉ số thành phần hạ tầng viễn thông của Việt Nam theo phương pháp đánh giá Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc và đề xuất các giải pháp để cải thiện chỉ số này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01-9-2018.

Bộ Giáo dục và Đào tạo kịp thời cung cấp đầy đủ thông tin mới nhất về chỉ số thành phần nguồn nhân lực của Việt Nam cho các tổ chức quốc tế liên quan theo phương pháp đánh giá Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc; tiếp tục triển khai các giải pháp để nâng cao chỉ số này.

Cơ cấu, chức năng mới của Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 35/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải.

Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam là tổ chức trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về giao thông vận tải đường bộ trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện các dịch vụ công về giao thông vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật.

Tổng cục Đường bộ có nhiệm vụ xây dựng các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, chiến lược, quy hoạch, đề án phát triển giao thông vận tải đường bộ trong phạm vi cả nước... để Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền; xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ, trình Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền hoặc để Bộ trưởng đề nghị cơ quan có thẩm quyền thẩm định, công bố; tổ chức xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ.

Đồng thời, chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình quốc gia, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án về giao thông vận tải đường bộ sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc ban hành.

Tổng cục Đường bộ có nhiệm vụ về quản lý đầu tư xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; quản lý đường bộ cao tốc; quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (trừ phương tiện và người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh); quản lý vận tải đường bộ; an toàn giao thông đường bộ...

Long An: Chuyển 2 đơn vị sự nghiệp công lập thành Cty cổ phần


Thủ tướng Chính phủ đồng ý chuyển 2 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh Long An thành công ty cổ phần theo quy định tại Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22-6-2015, trong đó Nhà nước giữ dưới 50% vốn điều lệ hoặc không nắm giữ cổ phần.

Hai đơn vị chuyển đổi gồm: Trung tâm Kiểm định xe cơ giới, Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình giao thông.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Long An chỉ đạo thực hiện việc rà soát, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các đơn vị sự nghiệp công lập nói trên trước khi thực hiện cổ phần hóa theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31-12-2017; nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các Bộ để thực hiện việc chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần theo đúng quy định tại Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22-6-2015, Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg ngày 17-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan.

Đồng thời, tiếp tục rà soát để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép thực hiện chuyển thành công ty cổ phần đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đủ điều kiện theo quy định./.