Đồng bằng sông Cửu Long tăng cường các hoạt động chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em

Tin: Huy Vũ (tổng hợp) Ảnh: Quốc Thái
21:59, ngày 31-05-2018

TCCSĐT - Hòa cùng cả nước, những ngày cuối tháng 5 đầu tháng 6-2018, nhiều địa phương ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã phát động và triển khai nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng Hành động vì trẻ em năm 2018.

Với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”, các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em năm nay của các địa phương tập trung truyền đạt đến cộng đồng các thông điệp: Mùa hè an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em; Mùa hè không còn trẻ em đuối nước; Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động; Gọi Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để tố cáo mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; Công nghệ số - thông tin và tri thức lành mạnh, an toàn cho trẻ em phát triển; Sử dụng mạng xã hội vì cuộc sống an toàn, lành mạnh của trẻ em.

Cần Thơ: Trong Tháng hành động vì trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Thành đoàn Cần Thơ và chính quyền, đoàn thể các quận, huyện tổ chức nhiều hoạt động chăm sóc, giáo dục các kỹ năng cần thiết cho trẻ (dạy bơi, tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu, kỹ năng sinh tồn,…) nhất là đối với các trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua các hoạt động này, thành phố đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống cho trẻ em, góp phần hạn chế tình trạng trẻ em có nguy cơ rơi vào các tệ nạn xã hội, bị xâm hại, bạo hành,… Hướng đến mục tiêu “Mùa hè an toàn cho trẻ em”, Ban Thường vụ Thành Đoàn, Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Y tế và Ban An toàn giao thông thành phố đã ký kết kế hoạch phối hợp liên tịch triển khai các hoạt động phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích trẻ em, giai đoạn 2018 - 2022.

Trong tháng 6-2018, theo kế hoạch, các quận, huyện sẽ tổ chức nhiều diễn đàn với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường và gia đình trong việc phát huy các tác động tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của thế giới công nghệ số đối với sự phát triển toàn diện của trẻ em. Theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, các ngành chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra, phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn hoặc nguy cơ xảy ra tai nạn về đuối nước, giao thông để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ trong kỳ nghỉ hè, mùa mưa bão và mùa nước nổi.

Tiền Giang: Các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của các ngành, các địa phương trong tỉnh cùng hướng đến mục tiêu tăng cường và nâng cao hơn nữa nhận thức, tránh nhiệm của các cấp, các ngành, các trường học, gia đình và chính các trẻ em để thực hiện tốt Luật Trẻ em và công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và thế giới công nghệ số. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ tổ chức nhiều hội thi, diễn đàn để trẻ em có cơ hội thảo luận, đề xuất các kiến nghị, sáng kiến xây dựng cuộc sống an toàn, lành mạnh và giúp trẻ em biết tự bảo vệ mình trong thế giới công nghệ số. Các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các điểm truy cập internet, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử công cộng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến trẻ em.

Song song đó, trong Tháng Hành động vì trẻ em, các sở, ban, ngành và các địa phương tăng cường các hoạt động truyền thông, vận động xã hội tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tuyên truyền về “Đường dây nóng bảo vệ trẻ em” qua Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và số điện thoại đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em tỉnh (0273 388 3900); tổ chức các hội thi, diễn đàn trẻ em tại địa phương,...

Cà Mau: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục - Đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn Cà Mau vừa phối hợp đến thăm và tặng 178 suất quà (mỗi suất 200.000 đồng tiền mặt) cho các trẻ em đang được nuôi dưỡng, học tập tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật và mồ côi Nhân Ái, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Cà Mau. Ngoài việc tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, tặng quà cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ trẻ em như: Liên hoan tiếng hát trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; Trại hè thiếu nhi, Diễn đàn trẻ em, các sự kiện truyền thông tìm hiểu Luật Trẻ em, vẽ tranh, thi đá bóng, tổ chức nhiều lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em,...

Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở tỉnh Cà Mau nhiều năm qua. Năm 2017, Qũy Bảo trợ trẻ em tỉnh đã vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp, giúp đỡ trẻ em với số tiền hơn 3,6 tỷ đồng. Nguồn quỹ này đã giúp cho 4.435 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống, hỗ trợ phẫu thuật tim cho 19 trẻ em; phẫu thuật hở môi - hàm ếch cho 18 trẻ em; cấp học bổng cho 952 trẻ em cùng nhiều quà tặng khác như tập, sách giáo khoa, gạo, xe đạp,… Năm 2018, theo kế hoạch, Qũy bảo trợ trẻ em tỉnh phấn đấu vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp để giúp hơn 3.600 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Kiên Giang: Từ cuối tháng 5-2018, Hội đồng Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (Hội đồng Đội) tỉnh Kiên Giang đã tổ chức Lễ khai mạc các hoạt động hè hưởng ứng Tháng Hành động vì trẻ em năm 2018. Cùng với việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; Hội đồng Đội còn phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức Hội thi Tìm hiểu Luật Trẻ em tỉnh Kiên Giang năm 2018; phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Diễn đàn Trẻ em tỉnh Kiên Giang năm 2018 để thảo luận, đề xuất các sáng kiến xây dựng cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số.

Hội đồng Đội tỉnh cũng chỉ đạo Hội đồng Đội các cấp tăng cường các hoạt động truyền thông phổ biến nội dung Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật liên quan; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, gia đình tổ chức sinh hoạt hè cho các em; góp phần tạo sân chơi lành mạnh, thiết thực, bổ ích cho thiếu nhi ở địa bàn dân cư trong dịp hè, đặc biệt là thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Đồng Tháp: Thư viện tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Đoàn Khối các cơ quan tỉnh và Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố Cao Lãnh tổ chức khai mạc Chương trình Sinh hoạt hè năm 2018 cho trẻ em trong tỉnh với chủ đề “Hè vui đọc sách”. Chương trình diễn ra từ ngày 26-5 đến ngày 15-8-2018 với nhiều hoạt động phục vụ học sinh như: triển lãm giới thiệu sách, tô màu tranh vẽ, đọc sách trả lời câu hỏi, hướng dẫn kỹ năng kể chuyện sách, thi vẽ tranh theo sách với chủ đề an toàn giao thông, kỹ năng sử dụng máy tính và tìm thông tin trên internet, các trò chơi trí tuệ cho thiếu nhi,... Bên cạnh đó, tỉnh còn tạo điều kiện để trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được tham quan, du lịch, tham gia các sự kiện văn hóa, thể thao trong dịp hè.

Ở thị xã Cao Lãnh, song song với việc chọn đưa các em có hoàn cảnh đặc biệt tham dự Hội trại Thể thao - Văn hóa cấp tỉnh; Trại hè “Ước mơ hồng”, các địa phương mở nhiều lớp dạy bơi, trang bị các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, an toàn khi tham gia giao thông, kỹ năng cứu hộ và sơ cứu trẻ em bị tai nạn, thương tích để trẻ em có kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh. Các tổ chức Đoàn, Đội cũng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông định hướng, giáo dục trẻ em gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; không sử dụng, tham gia các trò chơi, đồ chơi có tính chất bạo lực, có chất độc hại, không thân thiện với môi trường.

An Giang: Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh An Giang đã chỉ đạo các tổ chức Đoàn, Đội trong trường học tăng cường các hoạt động giáo dục cho học sinh kỹ năng sống; kỹ năng ứng xử văn hóa học đường; bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền quyền của trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em và quyền được bảo vệ để không bị xâm hại trong công nghệ số;… Trong suốt thời gian nghỉ hè, khi tổ chức tham quan, du khảo, giao lưu, Ban Giám hiệu các trường, các tổ chức Đoàn, Đội phải tăng cường phối hợp với các phụ huynh nhằm đảm bảo các điều kiện an toàn cho học sinh; các trường cần phân công lực lượng giáo viên quản lý học sinh, thực hiện cam kết với phụ huynh học sinh về nội dung, thời gian, địa điểm, phương tiện tham quan và các nội dung khác có liên quan. Sở Giáo dục - đào tạo cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông, giới thiệu cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh về số điện thoại đường dây nóng tư vấn, hỗ trợ trẻ em, phòng, chống mua bán người 18008077 (miễn phí)./.