TCCSĐT - Sáng 06-5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban chỉ đạo (Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động) Trung ương phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động lần thứ hai năm 2018.

Đây là chương trình hành động cấp quốc gia do Thành phố Hồ Chí Minh đăng cai tổ chức. Dự Lễ gồm có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Trưởng Ban chỉ đạo Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động Trung ương; cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế và lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Phát biểu tại Lễ phát động, đồng chí Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, với chủ đề “Chủ động các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”, để Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2018 đạt mục tiêu đề ra, Ban chỉ đạo Trung ương đề nghị các bộ, ngành, đơn vị, địa phương trong cả nước tập trung thực hiện tốt các nội dung trọng tâm như: Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ đạo theo tinh thần Chỉ thị 29-CT/TW, ngày 18-9-2013 của Ban Bí thư về an toàn lao động vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp, hóa hiện đại hóa. Đẩy mạnh công tác thông tin trong công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; nâng cao chất lượng công tác huấn luyện kỹ năng phân tích, đánh giá, nhận diện và đề ra giải pháp ngăn ngừa các nguy cơ, rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Coi đây là bước đột phá nhằm thay đổi từ ý thức, nhận thức thành các hành động cụ thể, thiết thực của từng doanh nghiệp và người lao động. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác chỉ đạo, trách nhiệm quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra; xử lý nghiêm các vi phạm; rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân. Đối với các doanh nghiệp, cơ sở cần tăng cường đầu tư, đổi mới sử dụng công nghệ, máy thiết bị tiên tiến, rà soát, bổ sung các nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn, phòng, chống cháy nổ; tự kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc để chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại tại doanh nghiệp. Đối với người lao động, trước hết vì sức khỏe, tính mạng và lợi ích của chính mình cần tuân thủ đúng các nội quy, quy trình làm việc; chủ động trang bị kiến thức, các kỹ năng làm việc an toàn.

Báo cáo tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết: Trong năm 2017, trên cả nước đã xảy ra gần 9.000 vụ tai nạn lao động, làm 928 người chết, 1.915 người bị thương nặng. So với năm 2016, vụ tai nạn lao động ở khu vực có hợp đồng lao động tăng 2%, số người bị tai nạn lao động tăng 1%, nhưng số vụ tai nạn làm chết người lại giảm hơn 6% và nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn lao động do chủ quan của con người chiếm 60%. Cũng trong năm 2017, cả nước cũng phát hiện 3.802 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp, tăng 500 người so với năm 2016. Tuy nhiên, điều đáng nói là số cơ sở quan trắc môi trường lao động còn ít, số người lao động khám sức khỏe định kỳ chưa cao. Đáng chú ý, những tháng đầu năm 2018, số vụ tai nạn lao động, hỏa hoạn, cháy nổ tăng cao, một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người vẫn xảy ra. Do vậy, thách thức và nguy cơ mới trong công tác an toàn, vệ sinh lao động gia tăng; số doanh nghiệp và lao động tham gia thị trường lao động ngày càng nhiều, các ngành, nghề mới, yếu tố nguy hiểm có hại do công nghệ, thiết bị, vật liệu, hóa chất mới ngày càng tăng, trong khi đó nhiều người lao động chưa được đào tạo nghề, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn và tác phong công nghiệp còn hạn chế.

Trong lời phát biểu hưởng ứng tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu chia sẻ: Thành phố rất vui mừng là đơn vị đăng cai Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động. Chủ đề tháng hành động năm nay rất rõ ràng, dễ hiểu. Nhưng, quan trọng nhất là chúng ta phải thực hiện với tâm niệm đây là việc cần thiết cho bản thân đơn vị mình, chứ không phải để đối phó với công tác thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng, quản lý. Theo đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã kêu gọi mọi người cần chung tay hành động thiết thực, hiệu quả vì lợi ích cho đơn vị mình và cho chính bản thân mình.

Tại buổi Lễ, lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã trao cờ luân lưu cho lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội, tỉnh Quảng Nam sẽ là đơn vị đăng cai tổ chức tháng hành động năm 2019. Trong dịp này, 11 tập thể thực hiện tốt về an toàn vệ sinh lao động được các cấp khen thưởng.

Trước đó, thực hiện chương trình công tác của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, đêm mùng 5 rạng sáng 06-5-2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đi thị sát, kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối nông sản Bình Điền thuộc Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi ghi nhận những kiến nghị từ các tiểu thương, Phó Thủ tướng cho rằng: Thực phẩm đang tiêu thụ ở Thành phố Hồ Chí Minh là một lượng rất lớn đến từ nhiều tỉnh, thành và có cả của nước ngoài. Do vậy, thực hiện tốt việc kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc không chỉ góp phần bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng mà còn tác động tích cực, làm thay đổi cung cách sản xuất nông sản tại các địa phương.

Theo Chương trình, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2018 sẽ kéo dài hết tháng 5-2018./.