Áp mức thuế suất mới với thép và nhôm: Liệu có phải là bước đi đầy rủi ro của Tổng thống Trump
Áp mức thuế mới và nguy cơ chiến tranh thương mại
Theo quyết định của Tổng thống Trump, các quy định mới về thuế sẽ bắt đầu có hiệu lực trong vòng 15 ngày. Mỹ là nước nhập khẩu thép lớn nhất thế giới với lượng nhập khẩu gấp 4 lần so xuất khẩu, trong khi lượng nhôm nhập khẩu cao gấp 5 lần sản lượng nhôm sản xuất tại Mỹ năm 2016. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng chính sách tăng thuế thép và nhôm là cần thiết để bảo vệ ngành chế tạo và tầng lớp lao động Mỹ, vốn chịu nhiều thiệt hại do các hành động thương mại "gây hấn" của nhiều đối tác nước ngoài.
Canada là đối tác xuất khẩu thép lớn nhất tại thị trường Mỹ, tiếp sau là Trung Quốc, Nga và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Ông Trump đã không ngần ngại chỉ ra các sản phẩm thép và nhôm của Trung Quốc, Nga và ngay cả đối tác thân cận là Liên minh châu Âu (EU) đã gây phương hại đến an ninh quốc gia Mỹ. Như vậy, ông Trump đã hiện thực hóa một cam kết nữa trong chính sách "Nước Mỹ trước tiên" mà ông theo đuổi, trong đó có việc ưu tiên khôi phục ngành công nghiệp thép của nước Mỹ.
Trước khi quyết định này chính thức được thông qua, "chiến tranh thương mại" là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong các cảnh báo, từ chính giới Mỹ đến các quan chức quốc tế. Bộ Thương mại Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ việc Mỹ áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu, cho rằng động thái này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho môi trường thương mại quốc tế. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định các cuộc chiến thương mại đều gây ra thiệt hại cho tất cả các bên. WTO cảnh báo nguy cơ gia tăng các rào cản thương mại trên toàn cầu, sau khi các nước lần lượt đưa ra những cảnh báo đáp trả kế hoạch tăng thuế đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu của Mỹ. Theo Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo, hành động "ăn miếng trả miếng" sẽ đẩy thế giới vào suy thoái. Trong khi đó, hành động của Tổng thống Trump cũng gây bất đồng trong nội bộ Mỹ khí một số nhà lập pháp Mỹ hoài nghi chính sách bảo hộ thương mại của ông Trump sẽ gây cản trở sự tăng trưởng của nền kinh tế đàu tàu thế giới. Sau khi quyết định trên được công bố, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan là quan chức đảng Cộng hòa chỉ trích mạnh mẽ nhất kế hoạch áp thuế của ông Trump, cho rằng quyết định nêu trên sẽ gây ra những "hậu quả không mong muốn. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Jeff Flake đến từ bang Arizona cho rằng mức áp thuế mới là sự kết hợp "tai hại" giữa chủ nghĩa bảo hộ và sự bất ổn, gây tác động tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế. Ông Flake cam kết sẽ đưa ra một dự thảo luật nhằm bác bỏ chính sách thuế mới.
Động thái này của Tổng thống Trump nhận được sự tán dương của các nhà sản xuất nhôm thép trong nước. Tập đoàn U.S. Steel vui mừng cho rằng bước đi này xây dựng một sân chơi công bằng hơn cho các công ty sản xuất thép trong nước, qua đó tạo động lực sản xuất cũng như tăng cường an hinh quốc và an ninh kinh tế. Công ty này đã để ngỏ khả năng mở lại một phần nhà sản xuất ở Granite City, Illinois, mang lại việc làm cho khoảng 500 lao động.
Trái ngược với sự hồ hởi trên, các nhà sản xuất trong các lĩnh vực liên quan hai ngành trên lại không vui vẻ khi đón nhận thông tin này. Ông Gary Shapiro, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội Cộng nghệ người tiêu dùng - đơn vị đại diện cho hơn 2.200 công ty của Mỹ, mô tả chính sách mới là mối đe dọa với nền kinh tế Mỹ và hệ thống giao thương toàn cầu. Việc áp thuế này có thể để lại hậu quả lớn hơn so với số việc làm mà chính sách mới hứa hẹn mang lại. Ông khẳng định các ngành công nghiệp khác của Mỹ chắc chắn sẽ không tránh khỏi các "đòn trả đũa" của các đối tác thương mại nước ngoài. Một số tổ chức đại diện cho ngành sản xuất thép và nhôm cho rằng chính sách này là không cần thiết và về lâu dài sẽ gây sức ép giá cả tăng do chi phí sản xuất tăng, tác động đến những lĩnh vực liên quan, trong đó ngành sản xuất ô tô.
Ngành sản đồ uống đóng lon nói chung và sản xuất bia nói riêng của Mỹ được dự báo chịu tác động dây chuyền từ chính sách bảo hộ này. Tổ chức đại diện cho các nhà sản xuất bia lớn nhất Mỹ đánh giá nhôm nhập khẩu để sản xuất bia lon không phương hại đến an ninh quốc gia Mỹ, điều mà Tổng thống Trump liên tục nhấn mạnh, và việc áp thuế 10% đối với nhôm nhập khẩu sẽ kéo chi phí sản xuất tăng thêm 348 triệu USD mỗi năm và đe dọa hơn 20.000 người lao động trong lĩnh vực này.
Xét cho cùng, người tiêu dùng mới là những đối tượng phải hứng chịu tất cả. Theo Trung tâm nghiên cứu máy tự động, việc tăng thuế nhôm và thép sẽ khiến mỗi chiếc ô tô "đội" thêm trung bình khoảng 300 USD. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội bán lẻ Mỹ Matthew Shay đưa ra cái nhìn gần thực tế và đầy đủ hơn khi gọi chính sách này đồng nghĩa với việc đánh thuế đối với người dân. Ông cho rằng người tiêu dùng Mỹ đang hưởng lợi từ kế hoạch cải cách thuế của Nhà Trắng, song sớm muộn họ sẽ "hụt hẫng" khi giá cả hàng hóa đều tăng.
Doanh nghiệp Mỹ chỉ trích chính sách thuế mới
Hầu hết các doanh nghiệp Mỹ đều không hài lòng với những mức thuế mới mà chính phủ nước này mới áp đặt đối với mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu, đồng thời cảnh báo những biện pháp này cuối cùng sẽ gây tổn hại tới chính người tiêu dùng Mỹ và đe dọa thị trường việc làm của quốc gia này.
Một số tổ chức thương mại trong nước đã lên tiếng phản đối cho rằng mức thuế mới sẽ đẩy chi phí sản xuất của các doanh nghiệp lên cao và có thể châm ngòi cho cuộc chiến thương mại trên diện rộng. Hiệp hội khách hàng công nghệ đại diện cho 2.200 công ty cho rằng số người mất việc làm vì chính sách này có lẽ sẽ còn cao hơn cả số người tìm thêm được cơ hội tuyển dụng như lời Tổng thống Trump khẳng định.
Các doanh nghiệp chế tạo ô tô sẽ chịu ảnh hưởng mạnh nhất khi đây là lĩnh vực tiêu thụ tới 38% nhôm và 15% thép trên toàn quốc. Liên minh các nhà sản xuất ô tô Mỹ cảnh báo những mức thuế mới sẽ khiến giá thép sản xuất trong nước tăng cao, đẩy giá thành các loại phương tiện lên cao, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người tiêu dùng. Ngành sản xuất bia cũng được cho là phải lãnh một phần hậu quả. Đại diện cho những nhà sản xuất bia hàng đầu thế giới ước tính thuế nhập khẩu nhôm tăng 10% sẽ khiến hầu hết các công ty bia tăng giá thành với tổng mức tăng khoảng 348 triệu USD hàng năm và đe dọa khoản 20.000 việc làm trong ngành sản xuất này. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội các lãnh đạo ngành bán lẻ Hun Quach cho rằng ảnh hưởng của chính sách thuế mới có thể vươn tới cả những ngành mà nhiều người không ngờ tới như nội thất và đèn trang trí. Hiệp hội bán lẻ quốc gia (NRF) đại diện nhiều chuỗi cửa hàng, rau củ và nhiều nhà bán lẻ trên toàn thế giới cho rằng đây là mức thuế giáng vào toàn thể người dân Mỹ, khi người tiêu dùng chưa kịp hân hoan vì những biện pháp cải cách thuế mới thì lập tức đã phải đối mặt với nguy cơ giá cả sản phẩm leo thang vì chi phí sản xuất tăng. Các hiệp hội thương mại nhà ở cũng không khỏi băn khoăn khi cho rằng các mức thuế nhập khẩu này sẽ đẩy chi phí lên cao, kìm hãm sự phát triển trong thời điểm quốc gia này đối mặt mới cuộc khủng hoảng thiếu nhà ở trầm trọng.
Phản ứng của châu Âu
Nhiều doanh nghiệp châu Âu đã lập tức phản đối sắc lệnh của Mỹ. 4 hiệp hội công nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn tại Đức gồm DIHK, BDA, BDI và ZDH đã cùng lên tiếng chỉ trích chính sách của Mỹ mang màu sắc bảo hộ và kêu gọi chính phủ nước này cũng như Liên minh châu Âu duy trì cam kết tôn trọng tự do thương mại.
Tối ngày 08-3, Ủy viên phụ trách thương mại của Liên minh châu Âu, Cecilia Malmstroem cho rằng EU là một đồng minh thân cận của Mỹ và khối này muốn được miễn trừ khỏi các biện pháp đánh thuế mới với các mặt hàng thép và nhôm. EU cũng kêu gọi Mỹ phải làm rõ vấn đề này trong những ngày tới, đồng thời khẳng định lựa chọn trước tiên của khối này là đối thoại với phía Mỹ đề có đặc quyền miễn trừ khỏi các biện pháp mới.
Phía EU đã đưa ra một danh sách những sản phẩm then chốt của Mỹ sẽ là đối tượng trả đũa nếu các biện pháp đánh thuế của Mỹ được thực thi. Mỗi năm, EU xuất khẩu khoảng 5 tỉ euro thép và 1 tỉ euro nhôm sang thị trường Mỹ và Ủy ban châu Âu đánh giá rằng các mức thuế mới có thể làm EU thiệt hại khoảng 2,8 tỉ euro.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo kế hoạch của Mỹ nâng thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu có nguy cơ khơi mào một cuộc chiến thương mại mang tính hủy diệt lẫn nhau.
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Trump, Tổng thống Macron bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về nguy cơ mức thuế mới của Mỹ tạo ra một cuộc chiến thương mại mà trong đó các quốc gia bị ảnh hưởng đều thua trận. Ông Macron cho rằng các biện pháp của Mỹ nhằm vào các quốc gia đồng minh, vốn tôn trọng các quy tắc thương mại quốc tế, sẽ không đem lại hiệu quả trong cuộc chiến chống các hành vi gian lận thương mại. Ông nêu rõ EU sẽ phản ứng "rõ ràng và tương xứng" đối với tất cả các hành vi gian lận và vi phạm quy định thương mại quốc tế.
Những trường hợp miễn trừ…
Lo ngại làn sóng trả đũa từ các nước đối tác thương mại gần gũi, chính quyền Washington cũng có sự nhượng bộ nhất định. Mỹ miễn trừ Mexico và Canada khỏi danh sách áp thuế, coi đây là những "trường hợp đặc biệt". Tuy nhiên, việc hai nước láng giềng này có được hưởng ưu đãi trên hay không phụ thuộc vào tiến trình tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA, gồm Mỹ, Canada, Mexico), vừa kết thúc vòng đàm phán thứ 7 mà không có nhiều khả quan. Bên cạnh đó, Tổng thống Trump mời tất cả các nước có “mối quan hệ an ninh” với Mỹ có thể ngồi lại thảo luận với chính quyền Washington về "những cách thức thay thế" nhằm giải quyết mối đe dọa đối với an ninh quốc gia do hoạt động xuất khẩu các mặt hàng thép và nhôm vào thị trường Mỹ.
Ngày 10-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ đang làm việc để không áp mức thuế mới với các mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu từ đồng minh Australia dựa trên hình thức của một thỏa thuận an ninh song phương.
Phát biểu sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, Tổng thống Trump cho hay nhà lãnh đạo Australia "cam kết có một mối quan hệ quốc phòng và thương mại rất công bằng và đối ứng". Tổng thống Mỹ cho biết thêm giới chức nước này đang làm việc rất nhanh chóng về một thỏa thuận an ninh để không phải phải áp đặt thuế thép hoặc nhôm với đồng minh Australia. Hiện chưa có thông tin chi tiết về cái gọi là một "thỏa thuận an ninh" này.
Về phần mình, Thủ tướng Turnbull cho biết Tổng thống Trump "đã xác nhận rằng sẽ không áp đặt thuế lên thép và nhôm của Australia", và hiện thủ tục sẽ được thực hiện "để triển khai theo hướng đó". Ông Turnbull khẳng định ông đã có một cuộc thảo luận hiệu quả với nhà lãnh đạo Mỹ.
Australia và Mỹ đã tham gia Hiệp ước an ninh Australia-New Zealand-Mỹ (gọi tắt là liên minh ANZUS) có hiệu lực từ năm 1952. Australia chủ yếu xuất khẩu quặng sắt và chỉ xuất khẩu rất ít thép, và Mỹ không phải là bạn hàng lớn của quốc gia châu Đại Dương này. Tuy nhiên, Canberra cho rằng mức áp thuế mới của Mỹ sẽ tác động tới thương mại của nước này và dẫn tới tình trạng người lao động Australia bị mất việc làm.
Trong ngày 09-3, Tổng thống Trump có cuộc điện đàm với người đồng cấp Argentina Mauricio Macri, trong đó nhà lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ bày tỏ lo ngại về những tác động tiêu cực của việc Mỹ áp thuế cao đối với thép và nhôm nhập khẩu.
Tuyên bố từ Phủ Tổng thống Argentina cho biết, trong cuộc điện đàm, ông Trump cam kết sẽ xem xét đề nghị của Tổng thống Macri đưa Argentina vào danh sách miễn trừ các biện pháp hạn chế có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu thép và nhôm vào Mỹ.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao và Bộ Sản xuất Argentina đã gửi công hàm tới Bộ Thương mại Mỹ trình bày lý do vì sao Argentina cần được miễn trừ trong chính sách áp thuế của Mỹ. Theo số liệu thống kê, xuất khẩu thép và nhôm của Argentina chỉ chiếm tương ứng 0,6% và 2,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Mỹ.
Trong khi đó, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố Anh sẽ làm việc với Liên minh châu Âu để yêu cầu Mỹ miễn thuế đối với mặt hàng kim loại của Anh và EU.
Bộ trưởng Thương mại quốc tế của Anh Liam Fox cho biết ông sẽ sang Mỹ vào tuần tới để thuyết phục Mỹ miễn áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm của Anh. Ông Fox bày tỏ tin tưởng Mỹ sẽ có các biện pháp giải quyết vấn đề trên cơ sở đa phương.
Các công ty thép của Anh hiện xuất khẩu khoảng 350.000 tấn thép sang Mỹ mỗi năm, chiếm khoảng 7% tổng sản lượng thép sản xuất của Anh.
Ngày 09-3, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã có các cuộc điện đàm với hai nhà lãnh đạo lưỡng viện Quốc hội Mỹ nhằm thảo luận về các vấn đề thương mại song phương, đặc biệt nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc duy trì phi thuế trong ngành công nghiệp nhôm, thép của hai nước.
Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan, hai nhà lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì thương mại song phương mở và công bằng, đồng thời hợp tác giải quyết tình trạng dư thừa và bất công bằng thương mại trên toàn cầu. Hai bên cũng lưu ý tới những vấn đề quan trọng trong tái đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), nhất là về ngành nông nghiệp và đầu tư; đồng thời nhấn mạnh đến bản chất bổ sung và tích hợp của ngành sản xuất nhôm, thép hai nước.
Còn trong cuộc điện đàm với lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell, Thủ tướng Canada nêu rõ tầm quan trọng của các ngành công nghiệp nhôm, thép đối với cả hai nền kinh tế. Canada là nhà tiêu thụ thép lớn nhất của Mỹ, chiếm gần 50% tổng lượng thép xuất khẩu của Mỹ. Ở chiều ngược lại, Canada cũng là nhà cung cấp thép và nhôm thô an toàn, đảm bảo nhất cho quốc gia láng giềng phía Nam, đồng thời nằm trong Tổ hợp Công nghiệp công nghệ quốc gia liên quan đến lĩnh vực an ninh quốc phòng của Mỹ. Mỹ là đồng minh thân thiết nhất và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Canada. Hiện có tới 75% xuất khẩu của Canada là sang thị trường Mỹ. Trong quyết định công bố tuần này về việc áp 25% thuế nhập khẩu đối với thép và 10% thuế nhập khẩu đối với nhôm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý cho Canada và Mexico được miễn trừ tạm thời trong thời gian tái đàm phán NAFTA. Tuy nhiên, ông không quên cảnh báo Canada và Mexico không được biến mình thành cửa ngõ trung chuyển sản phẩm nhôm thép của các nước thứ ba tràn vào thị trường Mỹ.
Phía Canada một mặt hoan nghênh quyết định của Tổng thống Trump, mặt khác cho rằng quyết định miễn trừ tạm thời là chưa đủ, cần phải được chuyển thành vĩnh viễn và không nên gắn với kết quả tái đàm phán NAFTA. Chủ tịch kiêm CEO Phòng Thương mại Canada Perrin Beatty nêu rõ: “Canada nên được miễn trừ các loại thuế nhôm thép, một cách đầy đủ và phi điều kiện… Việc gắn vấn đề nhôm thép với các cuộc tái đàm phán thương mại tự do sẽ chỉ làm chệch hướng và gây khó khăn hơn cho việc đạt được mục tiêu chung về hiện đại hoá NAFTA”.
*
* *
Quyết định tăng thuế nhập khẩu với thép và nhôm của chính quyền Mỹ đã lập tức vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia và nhiều người nhận định rằng, kế hoạch trên sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với nhiều đối tác kinh tế.
Cuộc chiến thương mại mới sẽ xảy ra nếu như các nước đối tác của Mỹ đồng loạt áp đặt các biện pháp trả đũa. Khi đó, các biện pháp đáp trả tiếp theo sẽ được Mỹ áp đặt và như vậy, cuộc chiến thương mại sẽ đi tới các biện pháp trả đũa lẫn nhau được áp đặt liên tục, từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác, từ nước này sang nước khác, đe dọa xu hướng tự do hóa thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, nhìn vào danh sách các nước, tổ chức được miễn trừ theo cái gọi là có “mối quan hệ an ninh” với Mỹ thì thấy Canada, Mexico, Australia, Argentina, tuy còn phải đàm phán thêm nhưng về cơ bản đã ở trong danh sách miễn trừ. Anh, EU là những đối tác truyền thống và có “mối quan hệ an ninh” chặt chẽ với Mỹ, tuy hiện đang lời qua tiếng lại với nhau nhưng nhất định sẽ đạt được thỏa hiệp theo điều khoản miễn trừ. Còn lại những ai? Đó là Trung Quốc, Nga,… Có lẽ đấy mới là đích ngắm trong chính sách áp thuế mới với nhôm và thép của ông chủ Nhà trắng! Và như vậy, việc áp mức thuế suất mới với thép và nhôm là bước đi đầy rủi ro nhưng có tính toán của Tổng thống Trump./.
Sự kiện trong nước nổi bất tuần qua (từ ngày 05 đến ngày 11- 3 năm 2018)  (11/03/2018)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp Chủ tịch Liên đoàn Cờ vua thế giới  (10/03/2018)
Thêm 500 cây hoa anh đào được trồng tại Công viên Hòa Bình, Hà Nội  (10/03/2018)
ASEAN - Australia sẽ cùng bàn thảo các định hướng phát triển lớn  (10/03/2018)
Khai mạc Lễ hội Xuân hồng lần thứ XI năm 2018  (10/03/2018)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay