Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại tỉnh Kiên Giang
TCCSĐT - Ngày 29-7, tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang năm 2019; dự Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng nhân dân và cán bộ tỉnh Kiên Giang.
Kiên Giang không được phá vỡ môi trường vì tầm nhìn ngắn hạn
Với chủ đề: “Kiên Giang - Tiềm năng và cơ hội đầu tư bền vững”, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang năm 2019 đã diễn ra sáng 29-7 tại thành phố Rạch Giá với sự tham dự của gần 500 đại biểu là các nhà đầu tư trong và ngoài nước để tìm hiểu thế mạnh, cơ chế, chính sách, danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu tại Hội nghị. Dự Hội nghị còn có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long.
Kiên Giang là tỉnh ven biển thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên lớn nhất và dân số đứng thứ 2/13 tỉnh, thành trong khu vực. Với vị trí là cửa ngõ phía ây thông ra vịnh Thái Lan, nằm trên Hành lang kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng Mekong mở rộng, Kiên Giang có vùng biển rộng hơn 63.000km2, gấp gần 10 lần diện tích đất liền; tiếp giáp biên giới trên bộ và trên biển với một số quốc gia trong khu vực ASEAN, cùng một cửa khẩu quốc tế và một cửa khẩu quốc gia.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2019, Kiên Giang giới thiệu 118 danh mục dự án lớn. Tỉnh kêu gọi đầu tư phát triển bốn vùng du lịch trọng điểm, gồm: Phú Quốc; Hà Tiên - Kiên Lương và vùng phụ cận; Rạch Giá - Kiên Hải và vùng phụ cận; khu du lịch sinh thái U Minh Thượng.
Tỉnh còn kêu gọi tập trung đầu tư vào chế biến, nhất là chế biến nông, lâm, thủy sản; phát triển các khu đô thị ven biển. Tỉnh cũng khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và chú trọng chất lượng là chính để tăng giá trị của nông nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng chứng kiến quy mô đầu tư vào Kiên Giang lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, bên cạnh các nhà đầu tư lớn cũng đã xuất hiện nhiều nhà đầu tư mới tại tỉnh trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục - đào tạo, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp chế biến, du lịch… Không chỉ có các nhà đầu tư nước ngoài mà có rất nhiều nhà đầu tư trong nước và ngay tại tỉnh Kiên Giang cũng có hoạt động đầu tư lần này. Thủ tướng cũng chỉ rõ một điểm mới là các nhà đầu tư không chỉ tập trung vào Phú Quốc mà còn tìm đến với Hà Tiên, Rạch Giá, coi đây là những địa bàn đầu tư tiềm năng.
Nhắc đến những lợi thế riêng có của Kiên Giang - vùng đất được xưng tụng là “trăng cũng đẹp, đất cũng đẹp và sao đâu đâu cũng đẹp”, Thủ tướng nhấn mạnh, Kiên Giang đang "thay da đổi thịt" từng ngày, mang trong mình khát vọng trở thành tỉnh giàu mạnh toàn diện.
Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, Thủ tướng nhận xét, trong những năm qua, Kiên Giang tăng trưởng toàn diện, sản lượng lương thực đứng đầu cả nước với nhiều mô hình sản xuất trong nông nghiệp tiên tiến. Thương hiệu du lịch Phú Quốc - Kiên Giang đã mang tầm quốc tế. Phú Quốc được bình chọn là một trong 19 điểm đến tốt nhất châu Á 2019, TOP 5 điểm đến mùa thu hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương.
Khái quát tiềm năng, thế mạnh của Kiên Giang, Thủ tướng đề cập đến vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng, rất thuận lợi để phát triển nền kinh tế hướng ngoại và hội nhập, là cửa ngõ quan trọng ra quốc tế của đất nước; là tỉnh hiếm hoi có hai sân bay là Rạch Giá và sân bay quốc tế Phú Quốc. Đặc biệt, Kiên Giang có tài nguyên biển quý giá, hệ sinh thái đa dạng với ngư trường rộng lớn, trữ lượng thủy sản phong phú; có 145 hòn đảo, 5 quần đảo và 2 huyện đảo, trong đó có 43 hòn đảo dân cư sinh sống.
Ngoài ra, Kiên Giang là nơi cư trú của hơn 15 dân tộc anh em, là nơi giao thoa và hội tụ văn hóa của nhiều vùng miền cả nước, bản sắc văn hóa của Kiên Giang thể hiện sự đặc sắc qua các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, lễ hội, làng nghề truyền thống... Văn hóa ẩm thực ở Kiên Giang rất nổi tiếng như cá nhông, nước mắm Phú Quốc, cháo môn, sò huyết Hà Tiên, bún cá Kiên Giang... Thủ tướng điểm lại những đặc sản Kiên Giang và nhắc đến câu nói nổi tiếng: “Lần đầu ăn tô bún cá/Chạy dìa Rạch Giá bỏ má theo em”.
Với tiềm năng sẵn có này, Thủ tướng cho rằng, nền kinh tế Kiên Giang có thể phát triển dựa trên ba trụ cột là nông nghiệp chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu; thủy sản sạch gắn với ngành công nghiệp chế biến được định vị ở phân khúc cấp cao; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Kinh tế biển sẽ giữ vai trò động lực tăng trưởng chính cùng với kinh tế cửa khẩu và sự phát triển bứt phá của Phú Quốc.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng đưa ra một tầm nhìn cho Kiên Giang trở thành một trong những tỉnh Tây Nam Bộ năng động, đổi mới và giàu có của cả nước dựa trên những lợi thế so sánh tự nhiên, nền kinh tế hướng biển; phát huy tốt nhất mọi tinh hoa của miền đất có nguồn tài nguyên nông nghiệp đặc sắc, một không gian trải nghiệm du lịch nhiệt đới độc đáo, đẳng cấp quốc tế, hướng tới phát triển du lịch bền vững và bao trùm.
“Chúng ta tập trung cho Phú Quốc phát triển không phải để cạnh tranh với các địa phương của Việt Nam trong thu hút nguồn lực và cơ hội phát triển mà để Phú Quốc cạnh tranh hiệu quả và sòng phẳng với các quốc gia khác”, Thủ tướng nói và gợi ý, Phú Quốc nên tập trung vào những lợi thế so sánh cốt lõi là tài nguyên biển và tài nguyên sinh thái. Trong quá trình đó cần giữ được vẻ đẹp tự nhiên, cảnh quan môi trường và bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống.
Đưa ra một số nhiệm vụ cần triển khai, Thủ tướng lưu ý Kiên Giang cần tăng tốc thứ hạng môi trường kinh doanh bởi đây là năm thứ năm liên tiếp PCI của Kiên Giang tụt hạng.
“Với định hướng phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng thì chất lượng môi trường chính là thứ tài nguyên vô giá”, Thủ tướng nói và yêu cầu Kiên Giang tuyệt đối phải bảo đảm chất lượng môi trường, từ chất lượng nguồn nước cho đến đất đai và không khí phải thực sự tinh khiết và trong sạch, “kiên quyết không phá vỡ môi trường, cảnh quan tự nhiên vì tầm nhìn ngắn hạn”.
Đáng chú ý, Thủ tướng đặt mục tiêu Kiên Giang phấn đấu tự chủ ngân sách và có đóng góp cho Trung ương bởi Kiên Giang hiện có nguồn thu ngân sách đứng thứ ba các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (sau Cần Thơ và Long An), là một trong số ít tỉnh có khả năng nhất của Vùng.
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác với các tổ chức, hiệp hội, nhà đầu tư và doanh nghiệp về đầu tư, phát triển trên một số lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, du lịch với tổng giá trị khoảng 150.000 tỷ đồng; trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho khoảng 20 nhà đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng.
Trong khuôn khổ của hội nghị, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành, Hãng hàng không Vietjet đã công bố kế hoạch khai thác sáu đường bay đến và đi Phú Quốc. Theo đó, Vietjet có kế hoạch khai thác hai đường bay nội địa mới kết nối các điểm đến du lịch, đầu tư hấp dẫn là Phú Quốc - Đà Nẵng, Phú Quốc - Vân Đồn với tần suất 7 chuyến khứ hồi/tuần từ cuối năm nay và giữa năm sau. Hai đường bay quốc tế mới là Phú Quốc - Thành Đô (Trung Quốc), Phú Quốc - Trùng Khánh (Trung Quốc) sẽ được khai thác ba chuyến khứ hồi mỗi tuần từ cuối năm 2019.
Đặc biệt, hai đường bay quốc tế mà Vietjet đang khai thác là Phú Quốc - Hong Kong (Trung Quốc), Phú Quốc - Incheon (Seoul, Hàn Quốc) sẽ tăng tần suất lên lần lượt sáu chuyến/tuần và 14 chuyến/tuần từ mùa đông năm nay để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong mùa cao điểm tại Đảo Ngọc - Phú Quốc.
Cùng ngày, Thủ tướng đã dự Lễ khởi động dự án Khu đô thị Phú Cường Hoàng Gia tại Quảng trường Trần Quang Khải, thành phố Rạch Giá.
Với quy mô 68,68ha cùng vốn đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng, Khu đô thị Phú Cường Hoàng Gia sẽ định hình tiêu chuẩn sống mới tại vòng cung ven biển 10km của thành phố Rạch Giá, cùng nhiều tiện ích khác tạo nên môi trường sống lý tưởng và đẳng cấp bậc nhất tại khu vực này. Khu đô thị này cũng là nơi diễn các hoạt động sự kiện, vui chơi giải trí, lễ hội nhạc hội, thu hút và tập trung dân cư của thành phố cũng như tất cả du khách từ các nơi đến với Kiên Giang.
Kiên Giang đã có những bước chuyển biến vượt bậc
Chiều cùng ngày, tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng nhân dân và cán bộ tỉnh Kiên Giang.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh và lãnh đạo các bộ, ngành cùng tham dự.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh những thành tựu đạt được trong thời gian qua của tỉnh là hết sức quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục thúc đẩy Kiên Giang phát triển nhanh hơn trong thời gian tới. Đó cũng là những kinh nghiệm để Kiên Giang tiếp tục vững bước đi lên trên con đường hội nhập và phát triển.
Chặng đường phía trước đang mở ra cho Kiên Giang nhiều thời cơ, thuận lợi mới, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức… Nhưng với niềm tin, khát vọng vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kiên Giang nguyện ra sức phấn đấu hơn nữa, phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tăng cường, giữ vững ổn định quốc phòng - an ninh để xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững như kỳ vọng của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân trong tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất rất có ý nghĩa bởi được tổ chức đúng dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang thực hiện rộng khắp nhiều chương trình hành động thiết thực kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2019).
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đất nước và nhân dân luôn khắc ghi công lao và gửi những lời tri ân sâu sắc nhất tới các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân anh hùng, liệt sĩ về sự hy máu xương của những người con ưu tú của dân tộc để đất nước được độc lập, tự do, thống nhất, đặt nền móng cho những thành tựu quan trọng có ý nghĩa của lịch sử trong cộng cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập sau này.
Thủ tướng nhấn mạnh, Kiên Giang có vị trí chiến lược, địa kinh tế quan trọng, là vùng đất phên giậu phía tây nam Tổ quốc, tọa lạc ngay giao điểm lưu thông quốc tế rất thuận lợi, có điều kiện tự nhiên, địa hình phong phú, phong cảnh đẹp bậc nhất của đất nước ta. Với truyền thống là vùng đất anh hùng, địa linh, nhân kiệt, có bề dày lịch sử cách mạng, nơi mà nghĩa quân của người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực xưa kia đã chiến đấu chống thực dân Pháp ở trận đánh cuối cùng với câu nói nổi tiếng: “Khi nào Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam chống Tây”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, diện mạo Kiên Giang đã có những bước chuyển biến vượt bậc, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, tăng trưởng kinh tế đạt khá, bình quân 13% năm, cao hơn bình quân chung cả nước, quy mô GDP của tỉnh nằm trong TOP các tỉnh đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với đó, đầu tư thu hút hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm, trong đó có nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng như dự án cầu Cái Lớn, Cái Bé và nhiều công trình khác được hoàn thành đưa vào sử dụng từng bước phát huy hiệu quả. Điện lưới quốc gia đã đưa về vùng sâu, vùng xa và hầu hết các vùng có dân cư sinh sống; đặc biệt, những bức xúc của nhân dân được quan tâm giải quyết. Thủ tướng nhấn mạnh, Kiên Giang có địa bàn đa dạng, xuất phát điểm thấp, lại bị tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, nhưng “dường như thử thách càng lớn thì phẩm chất, khí phách, tài hoa và bản sắc của người dân Nam Bộ nói chung, Kiên Giang nói riêng càng trở nên nổi bật”.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những kết quả, những thành tích xuất sắc của tỉnh góp phần vào thành tựu chung của đất nước.
Thủ tướng nêu rõ, Huân chương Độc lập hạng Nhất được Đảng, Nhà nước trao tặng Kiên Giang lần này là dấu ấn quan trọng, tô thắm thêm truyền thống cách mạng hào hùng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng và Tổng Biên tập Báo Người lao động Tô Đình Tuân đã trao tặng cờ Tổ quốc và thiết bị y tế đi biển cho các ngư dân Kiên Giang. Đây là một trong các hoạt động nằm trong chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” do Báo Người lao động thực hiện.
Nhân dịp công tác tại Kiên Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương trong nửa đầu năm 2019. Theo báo cáo của tỉnh, những năm qua, phát huy tiềm năng, thế mạnh và các yếu tố đặc trưng riêng có, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển nhanh, với nhiều điểm nhấn đáng chú ý. Trong đó, tăng trưởng kinh tế được duy trì ổn định với tốc độ khá cao, trung bình 7,17%/năm (giai đoạn từ 2016 - 2018).
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm hơn 41% cơ cấu kinh tế; tốc độ tăng bình quân khách du lịch trên 20%/năm, doanh thu từ du lịch tăng hơn 40,0%/năm; giải quyết việc làm cho hơn 35 nghìn lao động/năm, trong đó lao động qua đào tạo chiếm 60%. Các vấn đề an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt, đời sống của nhân dân từng bước được nâng cao, tạo cơ sở ổn định cho môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng hệ sinh thái cho phát triển kinh tế trong những giai đoạn tiếp theo.
Thủ tướng nhận xét tỉnh đã “dám nghĩ, dám làm”, từ đó đạt được những kết quả bước đầu ấn tượng cả về kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cũng được thực hiện tốt, đời sống nhân dân trong tỉnh không ngừng được nâng lên.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng Kiên Giang vẫn còn một số mặt tồn tại trong việc đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực, tiềm ẩn những nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường; an ninh, trật tự còn diễn biến phức tạp.
Nhắc lại kết luận trong buổi làm việc với tỉnh cách đây hai năm, Thủ tướng đề nghị Kiên Giang rà soát lại kết quả đã đạt được, bám sát định hướng, tầm nhìn phát triển. Thủ tướng cũng gợi ý tỉnh một số hướng đi mới, hiệu quả như phát triển đô thị, năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy hải sản xa bờ và một số mô hình hiệu quả khác mà Kiên Giang có thế mạnh, nhất là du lịch, dịch vụ theo hướng không chỉ tập trung ở Phú Quốc mà phát triển cả ở các khu giàu tiềm năng khác như: Rạch Giá, Hà Tiên… Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Kiên Giang làm tốt công tác quy hoạch và bảo vệ quy hoạch, chú trọng nhiệm vụ bảo vệ rừng, xử lý rác thải tốt để bảo đảm sinh thái, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa...
Tỉnh cũng cần làm tốt công tác an sinh xã hội và giảm nghèo để phấn đấu trong tương lai không xa trở thành một trong những địa phương giảm nghèo tốt nhất. Thủ tướng đề nghị Kiên Giang nỗ lực phấn đấu phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh để đến 2020 tự chủ được ngân sách; coi đây là mục tiêu quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Tỉnh đôn đốc các dự án đã cam kết đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này để tạo nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển địa phương; xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh.
Thủ tướng lưu ý Kiên Giang cần tập trung tạo điều kiện thuận lợi để phát triển khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp công nghệ để giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách bền vững. Đề cập bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Thủ tướng đề nghị Kiên Giang cần có khát vọng phấn đấu để đưa tỉnh nhà vươn lên đạt được nhiều thành tích quan trọng hơn nữa trong thời gian tới.
Cũng trong chuyến công tác tại Kiên Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hương tại Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ở thị xã Rạch Giá./.
BTV/TTXVN
Về sự nêu gương của người đứng đầu  (29/07/2019)
Phát triển nguồn nhân lực ngành y tế: Thực trạng và giải pháp  (29/07/2019)
Một số giải pháp hướng tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân  (29/07/2019)
Bệnh viện K điều trị u não bằng máy Gamma Knife thế hệ mới  (29/07/2019)
Phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế  (29/07/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển