Một số giải pháp hướng tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân
TCCSĐT - Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm được áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước bảo hộ và các đối tượng có trách nhiệm tham gia theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế. Để tăng sự hấp dẫn, cuốn hút ngày càng nhiều người tham gia bảo hiểm y tế, hướng tới mục tiêu bao phủ toàn dân, cần tổng thể các giải pháp từ phía các cơ quan bảo hiểm xã hội, các cơ sở khám chữa bệnh và công tác tuyên truyền, vận động của cả hệ thống chính trị.
Ngày 14-11-2008, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), đánh dấu bước phát triển và hoàn thiện chính sách pháp luật về BHYT, hướng tới mục tiêu bao phủ toàn dân và phát triển hệ thống y tế theo định hướng công bằng, hiệu quả. Luật có hiệu lực thực hiện từ 1-7-2009. Triển khai thực hiện Luật, Chính phủ và liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản nhằm quy định chi tiết và hướng dẫn tổ chức thực hiện.
Luật BHYT ra đời đã tạo bước chuyển biến mới trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT, thay thế cho các quy định dưới hình thức Nghị định của Chính phủ kể từ năm 1992 đến nay. Những quy định trong Luật tác động đến nhiều đối tượng, trên nhiều phương diện khác nhau, từ cơ sở khám chữa bệnh đến các doanh nghiệp, cũng như đời sống kinh tế, xã hội của mọi tầng lớp nhân dân.
Nội dung quan trọng của Luật quy định: Tham gia BHYT là bắt buộc, tiến tới mục tiêu bao phủ toàn dân; Nhà nước hỗ trợ kinh phí đóng BHYT cho nhóm bảo trợ xã hội, người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh, sinh viên.
Tiếp đó, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7-9-2009, về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”, trong đó xác định bảo hiểm y tế là một chính sách xã hội do Nhà nước tổ chức, nhằm huy động sự đóng góp tài chính của cộng đồng để tạo quỹ bảo hiểm y tế không vì mục đích lợi nhuận, giúp cho người tham gia bảo hiểm y tế có nguồn tài chính để chăm sóc sức khỏe, bảo vệ quyền lợi của mình theo luật định. Bảo hiểm y tế bắt buộc toàn dân với nguyên tắc mọi người dân đóng góp bảo hiểm y tế theo thu nhập cá nhân, người nghèo và người trong diện chính sách xã hội được Nhà nước hỗ trợ, nhưng khi khám bệnh, chữa bệnh hưởng theo quyền lợi đã được quy định dựa trên nhu cầu chữa bệnh. Việc tham gia bảo hiểm y tế là nghĩa vụ của mọi người dân, kể cả những người đang khoẻ mạnh. Trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo hiểm y tế là của các cấp uỷ đảng và các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.
Theo Quy định tại Điều 12 Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 được Quốc hội thông qua và ban hành ngày 13-6-2014, đối tượng tham gia BHYT bao gồm:
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.
- Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội đang tại ngũ; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, học viên công an nhân dân, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong lực lượng công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường quân đội, công an; cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước; người đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước; người có công với cách mạng, cựu chiến binh; đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp đương nhiệm; trẻ em dưới 6 tuổi; người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ; thân nhân của người có công với cách mạng; thân nhân của các đối tượng quy định; người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật; người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam được cấp học bổng từ ngân sách của Nhà nước Việt Nam.
- Người thuộc hộ gia đình cận nghèo; học sinh, sinh viên, được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần phí đóng bảo hiểm y tế.
- Nhóm tham gia BHYT tự nguyện theo hộ gia đình gồm những người thuộc hộ gia đình, nhất là các hộ gia đình ở nông thôn.
Từ khi Luật Bảo hiểm y tế ra đời, đối tượng tham gia được mở rộng, công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế được tăng cường, công tác tuyên truyền ngày càng có chiều sâu, số người tham gia BHYT gia tăng nhanh. Đến hết năm 2018, tỷ lệ tham gia BHYT đã đạt 87,7%. Trên 70% người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại y tế cơ sở. Gần 90% trạm y tế xã thực hiện khám chữa bệnh BHYT. Trong 5 tháng đầu năm 2019, số người tham gia BHYT là 84,005 triệu người, đạt 98,6% kế hoạch giao; đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 89%. Tổng số thu cùng thời điểm là 136.038 tỷ đồng, đạt 37,8% so với kế hoạch giao. Số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại y tế cơ sở chiếm khoảng 70% (xã khoảng 20%, huyện khoảng 50%).
Số người tham gia BHYT năm sau luôn cao hơn so với năm trước, song so với tiềm năng khai thác và phát triển mở rộng đối tượng tham gia BHYT, nhất là số đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình làm nông nghiệp, lao động tự do, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa tham gia BHYT còn nhiều. Số đối tượng tham gia BHYT chủ yếu thuộc các nhóm đối tượng: do người lao động và người sử dụng lao động đóng, do tổ chức Bảo hiểm xã hội (BHXH) đóng, do ngân sách nhà nước đóng, ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí tham gia và nhóm đối tượng thân nhân lực lượng công an, cơ yếu, quân đội. Đối tượng tham gia trong những năm qua được mở rộng, công tác quản lý nhà nước về BHYT được tăng cường, công tác tuyên truyền ngày càng có chiều sâu, số người tham gia BHYT gia tăng nhanh, số người tham gia BHYT năm sau luôn cao hơn so với năm trước. Tuy nhiên, đến năm 2019, vẫn còn hơn 11% dân số vẫn chưa tham gia BHYT, số đối tượng này chủ yếu là người lao động tự do, hộ gia đình, nhất là hộ gia đình lao động nông nghiệp.
Hiện nay, việc thực hiện bảo hiểm y tế theo lộ trình hướng tới bao phủ toàn dân, vì vậy, cần có giải pháp quyết liệt vận động, thuyết phục số đối tượng còn lại tham gia bảo hiểm y tế, nhưng phải dựa trên nhu cầu thật sự và khả năng tài chính của người dân, nếu không sẽ không đạt mục tiêu. Không chỉ dựa vào chế tài bắt buộc, mà quan trọng hơn chính là dựa trên sự hấp dẫn, lợi ích thiết thực mà BHYT mang lại.
Đánh giá về nhu cầu và khả năng tham gia BHYT theo một khảo sát tiến hành trên địa bàn tỉnh Hà Nam mới đây cho thấy, về nguyện vọng và mức độ tham gia BHYT, số liệu khảo sát chỉ ra, cơ bản người dân có nhu cầu tham gia BHYT đạt 77% (bao gồm cả người đã tham gia và sẽ tham gia thời gian tới). Trong đó, có 32% người (71 phiếu) trả lời có nhu cầu tham gia nhưng cần phải xem xét kỹ hơn trong thời gian tới. Không muốn tham gia BHYT chiếm 23% (50 phiếu). Về nguyên nhân chưa tham gia BHYT, 48% không tham gia do thu nhập thấp không có tiền đóng; 25,6% do thiếu thông tin về chính sách bảo hiểm y tế; 16,5% do việc thanh toán chế độ BHYT phức tạp dẫn tới người dân “ngại” tham gia. Cuối cùng, các lý do khác chiếm 9,9%.
Kết quả khảo sát là căn cứ để tiến hành các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân. Đây là một tổng thể các giải pháp, trong đó, để tăng sự hấp dẫn, cuốn hút ngày càng nhiều người tham gia, ngành Bảo hiểm xã hội cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính thực hiện chính sách BHYT, bảo đảm cấp thẻ BHYT và giải quyết kịp thời các chế độ đối với người tham gia BHYT; chủ động rà soát, phân loại đối tượng, xây dựng lộ trình và tổ chức thực hiện kế hoạch BHYT toàn dân; đẩy mạnh công tác khai thác, phát triển đối tượng; tăng cường công tác giám định BHYT; phân loại đối tượng đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu theo hướng giảm tỷ lệ đăng ký tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến trên; nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và tác nghiệp chuyên môn nghiệp vụ.
Từ phía các cơ sở y tế tham gia khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế cần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, xóa bỏ tâm lý khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế không chất lượng bằng khám chữa bệnh theo yêu cầu. Các cơ sở y tế cần tăng cường nhân lực, nâng cao y đức phục vụ người bệnh; nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, công chức; nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế tại bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh, đảm bảo quyền lợi người có thẻ BHYT; tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ tại các cơ sở khám, chữa bệnh; đầu tư trang thiết bị y tế, tăng cường phát triển các kỹ thuật mới để nâng cao chất lượng điều trị.
Mở rộng về đối tượng và tăng mức hỗ trợ của Nhà nước cho người dân tham gia bảo hiểm y tế. Hiện nay, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ đóng BHYT cho người nghèo, người cận nghèo, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội, một bộ phận người cao tuổi, hộ nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, mức hỗ trợ còn thấp, nhiều đối tượng dù rất muốn những vẫn không có kinh phí để tham gia. Hơn nữa, người lao động tự do, các hộ gia đình, đặc biệt là hộ gia đình trực tiếp làm nông nghiệp, lâm nghiệp chưa có cơ hội tham gia BHYT nhiều do mức đóng vẫn ở mức đóng khá cao so với thu nhập khi họ phải đóng BHYT cho tất cả các thành viên trong hộ gia đình.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chính sách bảo hiểm y tế ở tất cả các cấp, các ngành, các đoàn thể và các đơn vị, nhất là các doanh nghiệp; nhanh chóng khắc phục và xoá bỏ tình trạng không tham gia hay nợ đóng bảo hiểm xã hội - bảo hiểm y tế kéo dài của các doanh nghiệp. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát việc sử dụng bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế để xử lý nghiêm minh và hạn chế, ngăn chặn hiện tượng lạm dụng hoặc trục lợi từ bảo hiểm y tế.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an sinh xã hội; tiến hành nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, đa dạng về nội dung, có những minh chứng cụ thể để người dân đi từ chưa biết đến biết, từ biết ít đến biết nhiều và hiểu, tự giác tham gia bảo hiểm y tế. Tập trung tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ khi tham gia BHYT trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các cấp, các ngành và trong toàn dân, nhất là đối với đối tượng học sinh, sinh viên, người lao động làm việc trong các thành phần kinh tế tư nhân, hợp tác xã và nhân dân; tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chính sách BHYT.
Coi trọng hình thức tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các phương tiện truyền thông, truyền thanh ở quận, huyện, xã, phường, tại thôn, xóm, tổ dân phố; trên báo, đài truyền thanh, truyền hình. Tổ chức in ấn tờ rơi, tờ gấp chuyển đến tận tay đối tượng; xây dựng các cụm pa-nô, áp phích ở nơi tập trung đông dân cư, nơi có nhiều người qua lại.
Huy động sự vào cuộc tích cực của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cơ sở trong công tác tuyên truyền, lồng ghép việc tuyên truyền về bảo hiểm y tế trong các sinh hoạt thường kỳ, các hoạt động khác của các tổ chức này. Mỗi tổ chức cần chú trọng vận động hội viên của tổ chức mình tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế cho cá nhân và cho cả hộ gia đình./.
Bệnh viện K điều trị u não bằng máy Gamma Knife thế hệ mới  (29/07/2019)
Phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế  (29/07/2019)
Tiếp bước truyền thống vẻ vang 90 năm, tổ chức Công đoàn Việt Nam không ngừng đổi mới, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ  (28/07/2019)
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động công đoàn  (28/07/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay