Tỉnh Trà Vinh quan tâm thực hiện chính sách phát triển văn hóa trong đồng bào dân tộc Khmer
Trà Vinh ban hành và triển khai nhiều quyết định về công tác trong vùng đồng bào dân tộc
Thực hiện Chỉ thị số 68-CT/TW ngày 18-4-1991, của Ban Bí thư về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, từ 1992 đến nay, Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành Nghị quyết quan trọng về công tác trong vùng đồng bào dân tộc Khmer như: Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 13-10-1992, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10-10-2003, Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 09-9-2011, kết luận số 01-KL/TU ngày 16-6-2016 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy khóa IX để chỉ đạo phát triển toàn diện vùng đồng bào dân Khmer, tạo sự chuyển biến trong đồng bào dân tộc Khmer trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng nâng lên, nhiều chính sách phát triển văn hóa được triển khai thực hiện, văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy.
Văn hóa trong sản xuất vật chất
Trước đây, đồng bào Khmer ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và ở tỉnh Trà Vinh nói riêng, đa số có tập quán cư trú ở những vùng có những điều kiện sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt khó khăn, như vùng ngập mặn, ven biển, vùng sâu, vùng xa các trục giao thông lớn. Đa số thuộc thành phần lao động nghèo, làm nông nghiệp mà cây lúa là chủ yếu. Do đó việc thay đổi tập quán sản xuất và sinh hoạt trong đồng bào dân tộc để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc Khmer luôn được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền.
Cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp ở Trà Vinh luôn quan tâm đến việc thực hiện chính sách kinh tế gắn với phát triển văn hóa, trong đó chú trọng việc thay đổi tập quán sản xuất trong đồng bào Khmer. Từ khi tái lập tỉnh, do điều kiện tự nhiên còn khó khăn, đa số đồng bào Khmer sinh sống trong vùng chưa được toàn diện, nhiều nơi chưa chủ động sản xuất, còn lệ thuộc thiên nhiên, hiệu quả sử dụng đất chưa cao, vẫn còn tồn tại nhiều cây tạp có giá trị kinh tế thấp, chăn nuôi và hoa màu phát triển chậm. Kiến thức văn hóa, tập quán sản xuất lạc hậu, ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, tinh thần phấn đấu chưa cao. Để phát triển kinh tế, chủ yếu là ngành nông nghiệp nâng cao đời sống vật chất trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo thực hiện phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, mở rộng diện tích tăng vụ, thâm canh; chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng cường ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất. Từ đó, đời sống vật chất của đồng bào Khmer không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người 1,2 triệu đồng/người/năm (1992) lên 43,65 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2018; tỉ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc Khmer giảm trung bình 4%/năm, năm 2018 giảm 4,49%.
Năm 1992, trong vùng đồng bào Khmer và đa số người Khmer chủ yếu là độc canh cây lúa, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng Khmer chiếm 50% so tổng số hộ nghèo chung, hàng ngàn hộ Khmer thiếu đói vào lúc giáp hạt phải cứu tế. Triển khai thực hiện các nghị quyết phát triển diện vùng đồng bào Khmer với hàng trăm mô hình, dự án hỗ trợ trong phát triển sản xuất, hỗ trợ đất sản xuất với số tiền hàng trăm tỉ đồng thuộc các chương trình, dự án của Trung ương và địa phương. Theo chuẩn nghèo đa chiều, đến cuối năm 2018, toàn tỉnh còn 10.079 hộ nghèo dân tộc Khmer chiếm 11,27% tổng số hộ Khmer; có 11.892 hộ cận nghèo dân tộc Khmer chiếm 13,3% tổng số hộ dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh.
Nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển cho người dân tộc Khmer, như các chương trình 135, 134, 176, 74, 167 của Chính phủ đã được triển khai thực hiện. Từ đó, hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế trong vùng có đông đồng bào Khmer được ưu tiên đầu tư xây dựng. Năm 1992, tỷ lệ hộ Khmer dùng điện chỉ đạt 10%, đến cuối năm 2018 đạt 98,87%; năm 1992, tỷ lệ hộ Khmer sử dụng nước hợp vệ sinh đạt dưới 50%, đến cuối năm 2018 đạt 96,7%.
Chính sách hỗ trợ về nhà ở cũng được triển khai thực hiện, để đồng bào Khmer an cư lập nghiệp. Năm 1992, có 28,12% trên tổng số hộ người Khmer có nhà tường, nhà kê. Triển khai Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg hàng chục ngàn căn nhà kiên cố được đầu tư xây dựng. Năm 2010, tỉnh đã bàn giao hơn 40.000 căn nhà tình thương cho hộ đồng bào Khmer và hộ nghèo trong tỉnh. Đến nay, chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người Khmer tiếp tục được thực hiện với hàng chục ngàn căn từ nhiều chương trình hỗ trợ khác nhau. Từ đó, nhiều hộ người Khmer đã vươn lên khá, giàu, mua sắm được tư liệu sản xuất, phương tiện sinh hoạt gia đình, bộ mặt nông thôn trong vùng đồng bào dân tộc ngày càng khởi sắc.
Thực hiện các chính sách giáo dục
Khi tái lập tỉnh, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh gặp không ít khó khăn, vấn đề giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc có những đặc điểm: thiếu giáo viên dạy song ngữ Khmer, toàn tỉnh chỉ có 120 giáo viên dạy chữ Khmer chỉ dạy ở cấp 1; nhiều giáo viên trình độ còn hạn chế, nên chất lượng giáo dục trong đồng bào Khmer thấp. Học sinh Khmer đi học ít, chiếm 28,29% so với học sinh toàn tỉnh, hơn 9 người mới có 1 người đi học; số học sinh bỏ học hằng năm từ 7% - 10%. Để thực hiện tốt công tác giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc, Tỉnh ủy chỉ đạo “tích cực chỉ đạo bổ túc văn hóa trong đồng bào nông thôn, tiếp tục đào tạo giáo viên dạy song ngữ và Khmer ngữ”(2). Từ đó đến nay công tác giáo dục - đào tạo cho đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục được quan tâm thực hiện.
Việc xây dựng, phát triển văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer
Khi tái lập tỉnh “việc xây dựng nền văn hóa mới trong vùng rất hạn chế; các hình thức vui chơi giải trí còn giản đơn, Nhân dân ít có điều kiện thưởng thức văn hóa, nghệ thuật, sách báo, phim ảnh... nhiều thủ tục lạc hậu, nhiều lễ hội tốn kém tồn tại; tệ cờ bạc, đá gà, mê tín dị đoan khắc phục chậm”.
Để thực hiện tốt chính sách phát triển văn hóa trong vùng đồng bào Khmer, Tỉnh ủy đã chỉ đạo: cần có kế hoạch bảo tồn khai thác và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc, tiếp tục xây dựng, hoàn chỉnh nhà truyền thống và một số trung tâm văn hóa tiêu biểu; bảo vệ kiến trúc văn hóa ở các chùa chiền; nghiên cứu phát triển những phong tục tập quán và đặc điểm tốt của đồng bào Khmer, phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại, khôi phục lại các hoạt động nghệ thuật mang tính chất phong trào và văn nghệ dân gian, chỉ đạo sáng tác các thể loại ca, nhạc, kịch phù hợp với dân tộc, có nội dung lành mạnh, gắn với nhiệm vụ chính trị địa phương.
Kết quả thực hiện một số chính sách văn hóa trong vùng đồng bào Khmer
Xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội
Tỉnh ủy Trà Vinh ban hành văn bản số 47/CT-TU ngày 17-01-1998 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị, đưa nội dung Chỉ thị số 27-CT/TW, Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 04/1998/TT-BVHTT, ngày 11-7-1998 của Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội vào tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, ấp - khóm, xã phường - thị trấn văn hóa. Từ đó, các lễ hội đều được tiến hành dưới sự quản lý của chính quyền các cấp, các địa phương không kéo dài thời gian, tiết kiệm chi phí, có hiệu quả cao với tinh thần là phần lễ trang trọng, phần hội được tổ chức vui tươi bằng nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao mang tính truyền thống lành mạnh, và người dân đều có ý thức chấp hành tốt quy chế lễ hội. Các lễ hội dần dần có sự thay đổi phù hợp với cuộc sống hiện đại, người tổ chức và người tham gia lễ hội cũng ngày càng hiểu rõ hơn tính chất của lễ hội nên đã có thêm những yếu tố mới mà vẫn giữ được nét đặc sắc trong văn hóa dân tộc, lễ hội được tổ chức gắn kết với phát triển du lịch.
Sự vận hành trong việc cưới, việc tang, lễ hội trong đời sống xã hội ở Trà Vinh vừa biết kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa đấu tranh chống sự xâm nhập, những xu hướng sùng ngoại, lai căng, mất gốc, những hủ tục không còn phù hợp với thuần phong mỹ tục của nhân dân địa phương; vừa ra sức tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để hình thành lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh, nâng cao chất lượng về đời sống vật chất và tinh thần trong đồng bào dân tộc, các hiện tượng tiêu cực không lành mạnh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được đẩy lùi, hình thành các lễ thức mới, đơn giản hoặc lược bỏ các hủ tục rườm rà, hình thức, tiết kiệm nhưng vẫn bảo đảm tính trang trọng, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; lối sống văn hóa có bước tiến rõ rệt, mức sống gia tăng, mặt bằng dân trí được nâng cao, nhận thức của người dân trong việc giữ gìn bản sắc truyền thống văn hóa ngày một nâng cao.
Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer
Tỉnh ủy Ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU, ngày 17-9-1998, về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó chú trọng việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer, như văn học, văn nghệ Khmer, văn nghệ dân gian, nghệ thuật; đầu tư kinh phí cho công tác sưu tầm, bảo tồn các hình thức văn hóa vật thể và phi vật thể, bổ sung hiện vật cho nhà bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer. Duy trì và từng bước cải tiến các sinh hoạt lễ hội cổ truyền của đồng bào Khmer, bảo đảm tính văn hóa và mang nội dung tiến bộ, lành mạnh, vui tươi và thật sự tiết kiệm. Việc bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc, phát triển ngôn ngữ, chữ viết dân tộc luôn được coi trọng. Đặc biệt, phục hồi lại các loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ bị mai một, như ngũ âm, sa dăm, rô băm... Bên cạnh đó, cần sáng tạo các giá trị văn hóa mới phù hợp với thời đại.
Đến nay, đồng bào Khmer có 03 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: Nghệ thuật Chầm riêng Chà Pây, lễ hội Ok Om Bok và Nghệ thuật Rô-Băm; 14 chùa Khmer được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cách mạng cấp tỉnh và di tích lịch sử văn hóa kiến trúc cấp quốc gia. Nhà Bảo tàng Văn hóa Khmer tỉnh được duy tu, sửa chữa và trưng bày trên 1.000 hiện vật có giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer. Các chùa Khmer luôn quan tâm duy trì lối kiến trúc cổ, bảo vệ và lưu giữ các di sản văn hóa đặc trưng. Nghệ thuật múa Rô-băm, nghệ thuật sân khấu dù kê, sa tra - chữ viết trên lá buông của đồng bào Khmer được bảo tồn.
Văn hóa truyền thống và các lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục được bảo tồn và phát huy; phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc luôn được tôn trọng, giữ gìn và phát triển.
Tỉnh luôn chú trọng việc duy trì các ngành, nghề thủ công truyền thống cùng với việc phát triển, mở rộng thêm các ngành, nghề mới phù hợp với điều kiện thực tế, luôn tạo điều kiện phát triển tiểu thủ công nghiệp và thương mại với quy mô, hình thức phù hợp với đặc điểm, khả năng và trình độ của đồng bào Khmer, từ đó đời sống của đồng bào Khmer được nâng lên.
Thực hiện chính sách văn hóa đối với tôn giáo: Quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XI “Về công tác tôn giáo”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng Chương trình hành động số 18, trong đó có nêu các tôn giáo được hoạt động đúng pháp luật, phát huy các nhân tố tích cực, giá trị văn hóa, tính ngưỡng tốt đẹp của các tôn giáo để... tôn giáo có những đóng góp cho phong trào đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tham gia giáo dục, cảm hóa người lầm lạc.
Phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trong vùng có đông đồng bào Khmer. Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân.
Khi tái lập tỉnh, điều kiện kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào Khmer còn nhiều khó khăn, mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào thấp. Để nâng cao mức hưởng thụ văn hóa trong vùng đồng bào, Tỉnh ủy đã chỉ đạo mở các điểm ti vi công cộng trong vùng đồng bào Khmer để phục vụ cho đồng bào và sư sãi. Chỉ đạo “nâng cao chất lượng báo chữ Khmer, nâng cao chất lượng và tăng thời gian phát thanh, truyền hình tiếng Khmer tiếng Khmer, đồng thời chú ý phát hành thêm các loại sách, nội san văn nghệ chữ Khmer”(3). Đến nay, trong vùng đồng bào hầu hết đều có thiết bị nghe nhìn. Báo chữ Khmer phát hành 2 kỳ/tuần, phát hành đến 143/143 chùa Khmer trong tỉnh; Chương trình phát thanh - truyền hình bằng tiếng Khmer được đầu tư nâng cấp và tăng thời lượng phát sóng, phát hình với nhiều nội dung đổi mới khá phong phú, nhiều xã, ấp vùng có đông đồng bào Khmer được quan tâm hỗ trợ đầu tư trạm truyền thanh, tủ sách pháp luật, điểm truy cập in-tơ-nét công cộng.
Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách phát triển văn hóa trong vùng đồng bào Khmer, Tỉnh ủy Trà Vinh đưa ra chủ trương: Phấn đấu đến năm 2020 xây dựng huyện Trà Cú trở thành một trong những huyện điểm văn hóa dân tộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long; Đến năm 2020 có 80% hộ gia đình dân tộc Khmer đạt tiêu chuẩn hộ gia đình văn hóa; xây dựng nếp sống tiến bộ, văn minh trong đồng bào dân tộc, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Luôn chú trọng những đặc thù trong việc xây dựng đời sống văn hóa vùng đông đồng bào dân tộc Khmer. Từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng trong tỉnh để góp phần đưa tỉnh Trà Vinh trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long(4)./.
----------------------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 70
(2) Tỉnh ủy Trà Vinh (2016): Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy (khóa IX) về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer giai đoạn 2011 – 2015
(3) Tỉnh ủy Trà Vinh (2015): Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 9-9-2011 về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer giai đoạn 2011 – 2015
(4) Tỉnh ủy Trà Vinh (2014): Chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 19-5-2014 về thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về việc xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”Phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc  (13/06/2019)
Thúc đẩy hợp tác chiến lược Việt Nam - Australia  (13/06/2019)
Quốc hội thông qua 03 luật: Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Kiến trúc; thảo luận 02 dự án Luật  (13/06/2019)
Họp báo về Giải báo chí quốc gia lần thứ XIII - năm 2018  (13/06/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển