Toàn cảnh phiên họp Quốc hội ngày13-6_Ảnh: TTXVN

TCCSĐT - Ngày 13-6-2019, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 19 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Các đại biểu đã biểu quyết thông qua ba luật: Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Kiến trúc với đa số đại biểu Quốc hội tán thành. Các đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận tại Hội trường lần đầu về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) và Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Về dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 16, Điều 85 và toàn văn Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Kết quả: Về biểu quyết thông qua Điều 16: Số đại biểu tham gia biểu quyết: 453 (bằng 93.60% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 446 (bằng 92.15%); Số đại biểu không đồng ý: 3 (bằng 0.62%); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 4 (bằng 0.83%). Về biểu quyết thông qua Điều 85: Số đại biểu tham gia biểu quyết: 452 (bằng 93.39% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 428 (bằng 88.43%); Số đại biểu không đồng ý: 16 (bằng 3.31%); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 8 (bằng 1.65%). Về biểu quyết thông qua toàn văn Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Số đại biểu tham gia biểu quyết: 453 (bằng 93.60% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 442 (bằng 91.32%); Số đại biểu không đồng ý: 7 (bằng 1.45%); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 4 (bằng 0.83%). Như vậy, đa số đại biểu Quốc hội đã biểu quyết tán thành thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 17, Điều 34 và toàn văn Luật Đầu tư công (sửa đổi). Kết quả: Về biểu quyết thông qua Điều 17: Số đại biểu tham gia biểu quyết: 454 (bằng 93.80% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 446 (bằng 92.15%); Số đại biểu không đồng ý: 5 (bằng 1.03%); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 3 (bằng 0.62%). Về biểu quyết thông qua Điều 34: Số đại biểu tham gia biểu quyết: 451 (bằng 93.18% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 436 (bằng 90.08%); Số đại biểu không đồng ý: 10 (bằng 2.07%); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 5 (bằng 1.03%). Về biểu quyết thông qua toàn văn Luật Đầu tư công (sửa đổi): Số đại biểu tham gia biểu quyết: 450 (bằng 92.98% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 439 (bằng 90.70%); Số đại biểu không đồng ý: 7 (bằng 1.45%); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 4 (bằng 0.83%). Như vậy, đa số đại biểu Quốc hội đã biểu quyết tán thành thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Về dự thảo Luật Kiến trúc, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kiến trúc. Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội biểu quyết thông qua Điều 5, Điều 14 và toàn văn Luật Kiến trúc. Kết quả: Về biểu quyết thông qua Điều 5: Số đại biểu tham gia biểu quyết: 446 (bằng 92.15% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 429 (bằng 88.64 %); Số đại biểu không đồng ý: 10 (bằng 2.07%); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 07 (bằng 1.45%). Về biểu quyết thông qua Điều 14: Số đại biểu tham gia biểu quyết: 442 (bằng 91.32% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 430 (bằng 88.84 %); Số đại biểu không đồng ý: 07 (bằng 1.45 %); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 05 (bằng 1.03 %). Về biểu quyết thông qua toàn bộ Luật Kiến trúc: Số đại biểu tham gia biểu quyết: 442 (bằng 91.32% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 429 (bằng 88.64%); Số đại biểu không đồng ý: 07 (bằng 1.45 %); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 06 (bằng 1.24%).

Về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), Quốc hội thảo luận tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ. Trong quá trình thảo luận đã có 18 đại biểu phát biểu ý kiến và 04 đại biểu tranh luận. Quy định về dân quân tự vệ trên biển là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm trong phiên thảo luận. Các ý kiến cho rằng để thực hiện tốt chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp là xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, thì cần bảo đảm điều kiện cho dân quân tự vệ nói chung và dân quân tự vệ trên biển nói riêng. Nhiều ý kiến tán thành với quy định về phụ cấp đặc thù đi biển đối với dân quân tự vệ khi làm nhiệm vụ trên biển; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực trên địa bàn biên giới, ven biển, đảo, trọng điểm quốc phòng. Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội), việc quy định phụ cấp cho lực lượng dân quân tự vệ làm nhiệm vụ trên biển là cần thiết, phù hợp với tính chất hoạt động quân sự, quốc phòng. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, dân quân tự vệ biển có vai trò rất quan trọng trong đấu tranh bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển đảo, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh trên biển.

Sau phần thảo luận, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan, đơn vị hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật, gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Quốc hội thảo luận tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Trong quá trình thảo luận đã có 19 đại biểu phát biểu ý kiến. Đa số đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cho rằng việc sửa đổi Luật Chứng khoán hiện hành là cần thiết, góp phần thể chế hóa đường lối của Đảng, phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, nhất là cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch; tiếp cận chuẩn mực và thông lệ quốc tế; khắc phục những tồn tại, khó khăn của Luật Chứng khoán hiện hành, thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển, trở thành kênh huy động vốn trung dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị việc chuyển Ủy ban Chứng khoán nhà nước từ Bộ Tài chính thành cơ quan thuộc Chính phủ là vấn đề cần cân nhắc và đánh giá kỹ tác động. Các ý kiến phân tích cho rằng xét về quy định của pháp luật hiện hành cơ bản đã đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính độc lập của Ủy ban chứng khoán. Nếu giữ như mô hình hiện nay của Bộ Tài chính sẽ đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đồng thời cũng đảm bảo tính nhất quán trong việc thực thi các chính sách tài khóa…

Sau phần thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan, đơn vị hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật, gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Cùng với đó, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng đang cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương. Một quan điểm xuyên suốt là không làm tăng thêm biên chế, tăng bộ máy./.