Phát triển nhanh và bền vững hơn, không để tụt hậu
Sáng 28-12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và có bài phát biểu quan trọng, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2018.
Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ và ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo một số địa phương, Tổng Bí thư vui mừng nhận thấy, trong năm 2017, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đất nước ta tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng trong toàn xã hội.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư lưu ý, không được chủ quan, thỏa mãn, say sưa với thành tích. Đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những hạn chế, yếu kém tích tụ, tồn đọng từ lâu của nền kinh tế và trong nhiều lĩnh vực xã hội còn nặng nề, gây hậu quả xấu, bức xúc xã hội nhưng không dễ một sớm một chiều có thể khắc phục, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, lộ trình phù hợp, sự chỉ đạo kiên quyết, kiên trì, chắc chắn, khoa học mới có thể giải quyết được. Đó là tình trạng làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí xảy ra ở nhiều doanh nghiệp, dự án; tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên bảo dưới không nghe”, kỷ cương phép nước bị buông lỏng còn diễn ra ở nhiều nơi. Thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, có xu hướng tác động nặng nề hơn đến sản xuất và đời sống của nhân dân…
Phát triển nhanh và bền vững hơn, không để tụt hậu
Tổng Bí thư chỉ rõ: Năm 2018 là năm bản lề quyết định thắng lợi của việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm do Đại hội XII của Đảng đề ra. Toàn Đảng, toàn dân và quân ta cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu để đất nước phát triển nhanh và bền vững, để không tụt hậu, từng bước theo kịp các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Tổng Bí thư nêu 6 việc cần tập trung thực hiện trong năm 2018. Trước hết là phải tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII. Trong quá trình xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, biện pháp, phải nhận thức đầy đủ, tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước trong từng giai đoạn; bảo đảm tính khoa học, đồng bộ và tính khả thi cao; gắn kết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Xác định rõ và thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng và mối quan hệ của Nhà nước - thị trường và xã hội phù hợp với kinh tế thị trường; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng cường và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh, cùng phát triển theo pháp luật. Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và bảo vệ tài nguyên, môi trường; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội.
Tổng Bí thư lưu ý, cần nhận thức, quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và triển khai quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Mô hình tăng trưởng mà nước ta xây dựng là mô hình tăng trưởng ngày càng dựa nhiều hơn vào việc tăng năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực theo tín hiệu và cơ chế thị trường; phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tài năng, trí sáng tạo của con người và mọi tiềm năng, lợi thế của các ngành, lĩnh vực, các địa phương và cả nước; tạo cơ hội cho mọi người dân tham gia và cùng hưởng lợi từ tăng trưởng; chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn môi trường sinh thái. Khai thác và phát huy tối đa nội lực kết hợp với thu hút và sử dụng hiệu quả ngoại lực. Không vì sức ép tăng trưởng, sức ép xử lý các vấn đề cấp bách mà coi nhẹ, không quan tâm việc giải quyết các vấn đề có tính nền tảng, lâu dài cho phát triển nhanh và bền vững.
Chăm lo phát triển văn hóa, con người Việt Nam
Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường tiềm lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ. Với lợi thế của một nước đang trong thời kỳ dân số vàng; con người Việt Nam cần cù lao động, thông minh, sáng tạo; để có thể nắm bắt những thời cơ, thuận lợi mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, cần nỗ lực hơn nữa, đề xuất, áp dụng những cơ chế, chính sách phù hợp, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ theo hướng hiện đại.
Tổng Bí thư lưu ý, cần quan tâm hơn nữa đến phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân; tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách đối với người có công; tập trung thực hiện các biện pháp giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; ưu tiên nguồn lực phát triển vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng bị thiên tai, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; thực hiện nghiêm quy định về an toàn, vệ sinh lao động; an toàn, vệ sinh thực phẩm; thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, phát triển phong trào toàn dân đoàn kết, xây dựng gia đình văn hóa mới.
Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Tổng Bí thư lưu ý, cần chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các đặc trưng cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo; xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng; phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế. Đồng thời, cần nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới, coi đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân là đầu tư cho phát triển.
Giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ
Tổng Bí thư nhấn mạnh, phải kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại toàn diện về quốc phòng, an ninh theo tinh thần “giữ nước từ xa”, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”; giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội… Chú trọng nâng cao chất lượng công tác dự báo, phân tích tình hình quốc tế; chủ động làm sâu sắc, thực chất hơn các mối quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, tăng cường quan hệ với tất cả các nước trên cơ sở nguyên tắc hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi. Tổ chức tốt các hoạt động song phương, đa phương; làm tốt hơn nữa công tác bảo hộ công dân, tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp xây dựng đất nước.
Xây dựng Chính phủ liêm chính, hiệu lực, hiệu quả
Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý, phải tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong hoạch định chính sách, chỉ đạo, điều hành, luôn chú ý cả hai mặt: Xử lý giải quyết vấn đề hiện tại, đồng thời tạo dựng môi trường và điều kiện để những năm tới phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Cùng với việc nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cần tích cực triển khai Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thực sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì Đảng, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước.
Tổng Bí thư nhắc nhở, cần kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn; phát huy dân chủ cơ sở, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần thực hiện nghiêm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tiếp công dân; rà soát, xử lý kịp thời, dứt điểm các khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài; tăng cường phòng, chống, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc nghiêm trọng, xã hội quan tâm...
Tổng Bí thư chỉ rõ: Thực hiện tốt những việc nêu trên sẽ không làm “chùn” sự chỉ đạo hay làm “chậm lại” sự phát triển, mà ngược lại sẽ giúp làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để Chính phủ và chính quyền các địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công mọi nhiệm vụ. Nhân dịp năm mới 2018 và Xuân Mậu Tuất sắp đến, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư chúc Chính phủ và chính quyền các địa phương tiếp tục phát huy những thành tích, kết quả và bài học kinh nghiệm đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hoạt động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả hơn, hoàn thành trọng trách được giao, đáp ứng sự kỳ vọng, đòi hỏi và trông đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Năm 2017: Kết quả toàn diện
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước năm 2017 tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ, về phát triển kinh tế, Chính phủ đã chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.
Giá tiêu dùng bình quân tăng 3,53%, lạm phát cơ bản tăng 1,41%. Tín dụng tăng khoảng 19%, cơ cấu chuyển dịch tích cực, chất lượng được nâng lên, an toàn hệ thống được bảo đảm. Mặt bằng lãi suất giảm 0,5 - 1%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 51,5 tỷ USD.
Đặc biệt, xuất khẩu ước đạt 214 tỷ USD, tăng 21,1%. Trong đó hàng nông, lâm, thủy sản đạt trên 36 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt 420 tỷ USD; xuất siêu 2,7 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung ước đạt 29,7 tỷ USD, tăng 44,2%; vốn thực hiện đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8%. Thị trường chứng khoán vượt mốc 950 điểm, cao nhất kể từ năm 2008. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước khoảng 33,3% GDP, tăng 12,1%.
Phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực với gần 127.000 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký tăng 45,4% và gần 26.500 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, lên thứ 55/137; Ngân hàng Thế giới xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tăng trưởng GDP đạt 6,81%; các ngành, lĩnh vực chủ yếu đều chuyển biến tích cực. Khu vực nông nghiệp ước tăng 2,9%, trong đó thủy sản tăng 5,54%. Khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 8%, riêng ngành chế biến, chế tạo tăng 14,4%. Khu vực dịch vụ tăng 7,44%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,9%; khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,9 triệu lượt, tăng 29,1%.
Đã thoái vốn Nhà nước tại Sabeco, Vinamilk, bảo đảm công khai minh bạch, chống thất thoát, lợi ích nhóm, thu về gần 120.000 tỷ đồng. Quyết liệt xử lý 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ, thất thoát và đạt được kết quả bước đầu.
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu phát huy hiệu quả, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu khí. Cơ cấu lại nông nghiệp được đẩy mạnh; khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng cường hợp tác, liên kết, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực; đến nay có 43 đơn vị cấp huyện và 32% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (mục tiêu kế hoạch đề ra là 31%).
Năm 2017, cả nước tạo việc làm cho khoảng 1,63 triệu người; đưa trên 128.000 người đi lao động ở nước ngoài. An sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn khoảng 6,9%. Số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 13,5 triệu, bảo hiểm thất nghiệp đạt 11,4 triệu./.
Phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương  (28/12/2017)
Gặp mặt các tài năng trẻ đạt Giải thưởng Quả cầu vàng và nữ sinh viên kỹ thuật tiêu biểu  (28/12/2017)
Tình hình kinh tế - xã hội năm 2017  (28/12/2017)
Khai mạc Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương  (28/12/2017)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển