TCCSĐT - Nhằm xây dựng quan hệ đối tác vững chắc hơn với Mỹ, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã thực hiện chuyến thăm chính thức Mỹ kéo dài 6 ngày từ 21 đến 26-10-2017. Chuyến thăm này đã đưa ông Lý Hiển Long trở thành nhà lãnh đạo thứ tư của Đông Nam Á tới thăm Washington kể từ khi Tổng thống D. Trump nhậm chức.

Mỹ - Singapore khẳng định đối tác chiến lược

 
 Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuteurs

Tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Nhà Trắng, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Tổng thống Mỹ D. Trump đã thảo luận về hợp tác kinh tế và quốc phòng song phương cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm như bảo đảm tự do hàng hải, tình hình trên bán đảo Triều Tiên, quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong thời gian tới, cuộc chiến chống khủng bố, tăng cường năng lực thực thi pháp luật và an ninh mạng…

Về các vấn đề hợp tác song phương, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế với chính quyền của Tổng thống D. Trump. Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định, Singapore từ lâu đã là đối tác truyền thống của Washington và mối quan hệ này sẽ tiếp tục “đơm hoa kết trái” trong thời gian tới, bất chấp những khác biệt về quan điểm khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Singapore cũng chứng kiến lễ ký kết hợp đồng mua bán máy bay giữa hãng hàng không quốc gia Singapore Airlines và hãng Boeing của Mỹ trị giá gần 14 tỷ USD. Ngoài vấn đề hợp tác kinh tế, hai bên cũng mong muốn đẩy mạnh hợp tác chiến lược trong lĩnh vực quốc phòng. Mỹ là nhà cung cấp vũ khí và các chương trình đào tạo quân sự cho quân đội Singapore, trong khi quốc đảo này là đối tác quan trọng của Washington trong nhiều vấn đề khu vực, từ chống khủng bố đến an ninh hàng hải.

Liên quan đến các vấn đề khu vực và quốc tế, Tổng thống D. Trump cho biết, Washington đang phối hợp với Singapore để đối phó với mối đe dọa Triều Tiên và bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực. Về phần mình, Thủ tướng Lý Hiển Long bày tỏ Singapore phản đối mạnh mẽ chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và lên án các hành động của Bình Nhưỡng, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ các nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tuy nhiên, Thủ tướng Singapore hối thúc Mỹ và CHDCND Triều Tiên đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân ngày càng leo thang ở châu Á.

Mỹ và Singapore thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1966. Trải qua hơn 50 năm, quan hệ giữa Singapore và Mỹ do Thủ tướng đầu tiên của Singapore Lý Quang Diệu đặt nền móng, đã không ngừng được củng cố và phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Singapore là một đối tác chiến lược thân cận, chủ chốt của Mỹ về kinh tế và an ninh tại châu Á. Về kinh tế, hoạt động thương mại và đầu tư của Singapore tạo ra 250.000 việc làm tại Mỹ. Hiện Mỹ là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Singapore, với tổng cộng 3.700 công ty Mỹ đang đặt trụ sở tại Singapore, chủ yếu trong các lĩnh vực văn phòng, tài sản trí tuệ, nghiên cứu và phát triển, phát minh công nghệ cao. Trong khi đó, Singapore là nhà đầu tư châu Á lớn thứ ba vào Mỹ. Trong lĩnh vực thương mại, kim ngạch thương mại song phương với Mỹ tương đương 20% GDP của Singapore. Việc hai nước ký Thỏa thuận tự do thương mại song phương (USSFTA) đầu những năm 2000 đã giúp thay đổi đáng kể bộ mặt kinh tế Singapore, góp phần vào sự phát triển nhanh và mạnh của đảo quốc Sư tử.

Trong khi đó, về an ninh Singapore là đối tác châu Á duy nhất đóng góp về nhân sự và phương tiện quân sự cho cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng của liên quân do Mỹ đứng đầu. Đặc biệt, trong năm 2018, Singapore sẽ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch luân phiên của ASEAN và năm 2018 cũng được coi là một năm bản lề trong các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC). Với những ý nghĩa đó, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long lần này đã tiếp tục cho thấy nỗ lực thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược, hướng đến một tầm nhìn chung vì một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển.

Thêm cơ hội cho Thủ tướng Nhật Bản S. Abe

 
 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Reuteur

Không nằm ngoài dự đoán, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản S. Abe đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Hạ viện trước thời hạn. Chiến thắng này đã giúp liên minh cầm quyền giữ vững vị trí là liên minh chưa có đối thủ trên chính trường Nhật Bản.

Theo kết quả chính thức được công bố ngày 23-10, đảng Dân chủ tự do (LDP) của Thủ tướng S. Abe giành được 283 ghế, vượt xa mục tiêu 233 ghế quá bán mà ông S. Abe đề ra trong chương trình tranh cử. Với nền tảng này, LDP có thể sẽ kiểm soát tất cả các ủy ban lập pháp tại Hạ viện. Đảng Công Minh trong liên minh cầm quyền được 29 ghế. Như vậy, liên minh cầm quyền giành được tổng cộng 312 ghế/465 ghế tại Hạ viện, vượt mức đa số 2/3 cần thiết để có thể dễ dàng thông qua các quyết sách của chính phủ.

Chiến thắng lần này được đánh giá củng cố cơ hội của Thủ tướng S. Abe tiếp tục đứng đầu LDP trong cuộc bầu cử Chủ tịch đảng vào tháng 9-2018, mở đường cho kỷ lục là Thủ tướng cầm quyền lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản. Theo kế hoạch, ông S. Abe sẽ được chọn tiếp tục làm Thủ tướng trong phiên họp đặc biệt của Hạ viện, dự kiến diễn ra vào ngày 01-11 tới.

Sự vững vàng của liên minh cầm quyền trong những ngày qua cho thấy, Thủ tướng S. Abe đã có một nước cờ sáng suốt để xây dựng lại cơ sở chính trị tại Hạ viện, cơ quan lập pháp có quyền thành lập chính phủ. Đảng LDP đã khẳng định là một chính đảng lớn, có nền tảng vững chắc, có thực lực và đặc biệt là một chủ tịch đảng dày dặn kinh nghiệm điều hành đất nước. Về đối ngoại, chính quyền của Thủ tướng S. Abe thắt chặt quan hệ đồng minh với Mỹ, củng cố và mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước nhằm phát huy cao nhất lợi ích của đất nước. Với tình hình khu vực, việc đối phó với vấn đề Triều Tiên khi cam kết sẽ tăng sức ép nếu Bình Nhưỡng không chấm dứt chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa là bằng chứng rõ nhất về năng lực xử lý tình huống khủng hoảng của chính quyền Thủ tướng S. Abe. Những phản ứng mạnh mẽ và rõ ràng liên quan đến vấn đề này đã ghi thêm điểm cho lãnh đạo đảng cầm quyền.

Bên cạnh lợi thế về năng lực xử lý an ninh đối ngoại, những thành tựu về đối nội cũng tạo thuận lợi cho LDP. Thủ tướng S. Abe tiến hành nhiều đợt cải tổ chính phủ, trong đó cuộc cải tổ chính phủ hồi tháng 8 vừa qua với trọng tâm nhấn mạnh tính ổn định và chuyên nghiệp của chính quyền được dư luận hoan nghênh. Lĩnh vực kinh tế cũng là một điểm sáng, mang lại lợi thế cho liên minh cầm quyền. Bất chấp một số tranh cãi và vấp phải không ít khó khăn nhưng chính sách kinh tế Abenomics do Thủ tướng S. Abe khởi xướng từ năm 2012, khi ông trở lại nắm quyền lãnh đạo chính phủ, đã đưa nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới phục hồi khả quan.

Rõ ràng, cùng với việc liên minh cầm quyền đang chiếm đa số tại Thượng viện, chiến thắng của LDP tại cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản lần này đã chứng tỏ sự ủng hộ của đa số cử tri dành cho Thủ tướng S. Abe tiếp tục duy trì các chính sách đối nội và đối ngoại, cải cách Hiến pháp, gia tăng lập trường vốn đã cứng rắn với CHDCND Triều Tiên cũng như chấn hưng nền kinh tế.

Nguy cơ tiềm ẩn sau những cuộc trưng cầu ý dân đòi quyền tự trị ở châu Âu

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: dw.com

Tiếp nối sau cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của chính quyền vùng Catalunya (Tây Ban Nha), chính quyền hai khu vực Lombardy và Veneto ở phía Bắc Italia cũng đã tiến hành trưng cầu ý dân về mức độ tự trị của khu vực.

Không giống như cuộc trưng cầu ý dân ở Catalunya, vốn bị chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố là trái phép, các cuộc trưng cầu ở hai vùng trên của Italia được tổ chức phù hợp với Hiến pháp nước này. Tuy nhiên, kết quả chỉ mang tính chất tham khảo. Và theo kết quả được công bố, đã có hơn 90% người dân ở Lombardy và Veneto, dưới sự dẫn dắt của đảng Liên minh phương Bắc (Lega Nord) đã chọn bỏ phiếu “đồng ý” về mức độ tự trị.

Italia hiện có 20 vùng, trong đó có 5 vùng đang được hưởng quy chế tự trị đặc biệt. Các hội đồng vùng Sardinia, Sicily, Trentino-Alto Adige/Südtirol, Aosta Valley và Friuli-Venezia Giulia đã được chính phủ Italia trao cho các thẩm quyền đặc biệt liên quan đến vấn đề quản lý và lập pháp.

Theo các nhà phân tích, việc đòi quyền tự trị của hai vùng Lombardy và Veneto của Italia được cho là do ảnh hưởng từ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và cuộc khủng hoảng chính trị ở Tây Ban Nha hiện nay khi vùng tự trị Catalunya đòi độc lập. Tuy nhiên, tự trị hay ly khai sẽ là một vấn đề khá nhạy cảm và không được ủng hộ tại châu Âu với lo ngại về nguy cơ hiệu ứng dây chuyền có thể xảy ra. Đối với các nhà lãnh đạo EU, diễn biến tại Catalunya và miền Bắc Italia khiến họ phải đau đầu. Sau khi người Anh bỏ phiếu “ủng hộ” cho tiến trình Brexit, những thành viên còn lại của EU đang nỗ lực tăng cường sự đoàn kết nhằm bảo vệ “ngôi nhà chung” khỏi viễn cảnh tan rã. Song, những tác động từ Tây Ban Nha và Italia có thể thổi bùng ngọn lửa ly khai vốn đang âm ỉ trên khắp châu lục.

Tại Bỉ, những người nói tiếng Hà Lan ở vùng Flander thịnh vượng không muốn tiếp tục chi tiêu phúc lợi cho những người nói tiếng Pháp ở miền Nam. Đảo Corse cũng có ý định ly khai khỏi Pháp. Và Scotland không ủng hộ Brexit, mong muốn tách khỏi Anh để ở lại EU. Ngay cả ở Đức, vùng Bavaria đã manh nha ý muốn ly khai, với kết quả từ cuộc khảo sát gần đây cho thấy, 1/3 người dân muốn rời khỏi Đức. Tại Đan Mạch, quần đảo Faroe tự trị cũng có thể đòi độc lập. Tất cả những điều này giải thích tại sao đa số thành viên EU phản đối việc Catalunya nỗ lực giành độc lập và đã kêu gọi Catalunya tuân thủ Hiến pháp Tây Ban Nha, đồng thời cảnh báo những hệ quả mà Caratalunya có thể phải đối mặt. Hiện chính quyền vùng Catalunya đang bị đặt vào “thế khó”, với nguy cơ “trắng tay” khi chính phủ Tây Ban Nha đã quyết định hạn chế quyền lực nghị viện của vùng, sa thải chính quyền và kêu gọi một cuộc bầu cử mới để thành lập chính quyền mới. Trong khi đó, về khía cạnh kinh tế, các khu vực muốn tự trị hay ly khai đều là những nơi có thế mạnh kinh tế. Tuy nhiên với Catalunya là một điển hình, chính vùng này cũng đang đối mặt với khó khăn khi hàng loạt ngân hàng và tập đoàn lên kế hoạch rút khỏi khu vực. Từ thực tế này cho thấy, hai khu vực phía Bắc Italia đòi quyền tự trị cũng sẽ không nằm ngoài tình trạng nguy cơ gây chia rẽ đất nước, cũng như tạo thêm gánh nặng kinh tế cho chính những người dân trong vùng.

Chính vì thực tế này mà trong thời gian trước mắt, dưới sức ép của chính quyền trung ương, các khu vực có ý tưởng tách ra độc lập chưa thể thực hiện được giấc mơ của mình. Song, không ai có thể lường hết được họ sẽ thực hiện những bước đi nào nếu các nhà lãnh đạo EU không đưa ra được những biện pháp cụ thể. Giống như nước Anh, hai năm trước, không ai sẽ nghĩ ra viễn cảnh về “cuộc chia tay” tốn kém và ồn ào nhưng cuối cùng Brexit vẫn xảy ra. Rõ ràng, EU đang đứng trước một thách thức không nhỏ, có thể đe dọa vận mệnh của một liên minh đã tồn tại hơn 6 thập niên.

APEC - động lực tăng trưởng toàn cầu

 
 Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Ảnh: baoquocte.vn

Trên chặng đường hơn 1/4 thế kỷ đã đi qua, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) luôn khẳng định vị thế là một diễn đàn đối thoại khu vực và một cơ chế hợp tác hàng đầu thế giới với những tác động đáng kể và một tầm ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình kinh tế thế giới.

Trong xu thế chung trên thế giới hình thành các mô hình liên kết khu vực như EU, Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Liên minh châu Phi (AU), việc thành lập APEC vào tháng 11-1989 đã đánh dấu một bước ngoặt phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, góp phần vào xu thế đối thoại, hợp tác trên toàn cầu. APEC được thành lập nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng trong khu vực, đồng thời thắt chặt các mối quan hệ trong cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương. Các biện pháp APEC được thực hiện là cắt giảm thuế và các rào cản thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu và xây dựng các nền kinh tế hiệu quả.

APEC là diễn đàn mở, hoạt động theo nguyên tắc cùng có lợi đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc, tập trung vào 3 trụ cột chính: tự do hóa thương mại và đầu tư; thuận lợi hóa kinh doanh; hợp tác kinh tế kỹ thuật. Hợp tác APEC hướng tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, đẩy mạnh tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực thông qua việc thực hiện các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư.

APEC cũng là diễn đàn duy nhất cam kết cắt giảm các rào cản thương mại và tăng cường đầu tư mà không đòi hỏi sự ràng buộc pháp lý về mặt thực thi đối với các thành viên. Nhờ đó, 28 năm qua, các “hàng rào” đối với thương mại, đầu tư và dịch vụ đã giảm đi đáng kể, nhất là thuế quan. Chỉ trong giai đoạn 1996 - 2015, thuế quan trung bình giảm hơn một nửa, từ 11% xuống còn 5%. Những nỗ lực đó đã đưa APEC trở thành khu vực năng động nhất thế giới về thương mại và đầu tư, với những con số ấn tượng về tăng trưởng và cải thiện mức sống. Từ năm 1989 đến nay, GDP thực tế của khu vực đã tăng từ 15.700 tỷ USD lên hơn 30 nghìn tỷ USD; GDP bình quân đầu người tăng 36%. Thương mại hàng hóa nội khối tăng 7 lần.

Hiện nay, APEC ưu tiên thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực và tăng trưởng chất lượng, thị trường lương thực khu vực, quốc tế hóa doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, phát triển nhân lực... Nắm bắt những xu thế mới, APEC luôn đi đầu khởi xướng thúc đẩy các ý tưởng liên kết kinh tế. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế và thương mại suy giảm, trong khi thời hạn hoàn thành các Mục tiêu Bogor đang đến gần, APEC tiếp tục cải cách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Trước những thách thức ngày càng gia tăng của các vấn đề khu vực và toàn cầu, từ ba trụ cột hợp tác ban đầu, APEC đã không ngừng mở rộng nội dung hợp tác nhằm đáp ứng các yêu cầu về phát triển trong từng giai đoạn.

APEC có vai trò đi đầu trong tự do hóa nền kinh tế toàn cầu và sẽ tiếp tục là một diễn đàn kinh tế đa phương không thể thiếu trong cấu trúc khu vực đang định hình, ngày càng được tăng cường bởi lợi ích chung về duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác vì phát triển bền vững và thịnh vượng. Để duy trì vai trò và vị thế APEC, các nền kinh tế thành viên cam kết mạnh mẽ đạt mục tiêu xây dựng một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương ổn định, phát triển và thịnh vượng.

Không thể từ bỏ biện pháp ngoại giao trong vấn đề hạt nhân Iran

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: iranreview.org

Quan hệ Mỹ - Iran đã hướng sang ngã rẽ mới với việc Tổng thống Mỹ D. Trump vào trung tuần tháng 10-2017 không chứng thực trước Quốc hội Mỹ việc Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân ký với Nhóm P5+1. Điều này khiến cộng đồng quốc tế quan ngại liệu thỏa thuận này có bị đình trệ hay không.

Giới phân tích chính trị cho rằng, trên thực tế, chính quyền Mỹ có quyền đưa ra một chiến lược toàn diện đối với Iran. Tuy nhiên, trong lúc tìm cách khắc phục những thiếu sót của Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân, chính quyền Mỹ lại gây ra các rủi ro chính trị không đáng có với việc chuyển trách nhiệm cho Quốc hội.

Theo các nhà quan sát, Quốc hội Mỹ có thể từ chối áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Iran, tránh làm xáo trộn tình hình hơn nữa. Một kịch bản khác sẽ là Quốc hội áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Lựa chọn thứ ba sẽ là Quốc hội cố tình trì hoãn việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới, nhưng đơn phương đưa vào các điều kiện mới, hay cái gọi là những điểm tới hạn. Nói cách khác, điểm tới hạn có thể quy định rằng, nếu thời gian Iran cần để tích lũy đủ nguyên liệu phân hạch cho một vũ khí hạt nhân nằm dưới mức ước tính hiện nay là 1 năm thì các biện pháp trừng phạt sẽ được áp đặt tự động. Các nhà đầu tư quốc tế có thể lo sợ trước khả năng sự đồng thuận về JCPOA tan rã và không muốn theo đuổi các cơ hội đầu tư ở Iran nữa, đây là điều khiến Iran tin rằng các bên ký kết JCPOA không thực sự nghiêm túc trong việc mở ra cơ hội cho Iran để đổi lấy việc tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. Iran không phải là một quốc gia có quan điểm thống nhất và giống như Mỹ, họ cũng có các trung tâm quyền lực và quan điểm trái ngược nhau.

Xét về phương diện lịch sử, một chiến lược chỉ tập trung vào sức ép quốc tế chỉ khiến Iran hợp nhất quan điểm phản kháng. JCPOA đã cho thấy ngoại lệ, nhờ chiến lược kép đa quốc gia gồm đưa ra sức ép và các khích lệ, điều buộc Iran đồng ý kiềm chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc gỡ bỏ trừng phạt kinh tế dần dần dưới sự giám sát và xác minh của quốc tế. Việc kết hợp giữa sức ép và các biện pháp khuyến khích theo trình tự, dựa trên các bước đi được định rõ mà Iran thực hiện trước, sẽ là bước đi hiệu quả nhất. Việc đề ra chiến lược này có thể đòi hỏi sự cam kết trở lại của Mỹ với biện pháp ngoại giao và hủy bỏ cái được coi là chiến lược không tập trung vào công cụ ngoại giao./.