Nhiều ý kiến đóng góp vào dự án Luật Thủy sản (sửa đổi)
TCCSĐT - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, sáng 20-6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi).
Cân nhắc việc cho người nước ngoài thuê mặt nước nuôi trồng thủy sản
Các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật để phát triển ngành thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững. Nhiều ý kiến nhấn mạnh, nguồn lợi thủy sản không phải là một nguồn tài nguyên vô tận, cần phải được bảo vệ và có chiến lược phát triển bền vững, nhất là trong tình hình hiện nay khi nguồn lợi thủy sản đang có xu hướng suy giảm nghiêm trọng, nhất là ở một số vùng ven biển do tình trạng khai thác thủy sản quá giới hạn cho phép, sự suy giảm của hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu...
Về thẩm quyền giao, cho thuê, thu hồi đất, mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản, các đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc giao Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giao, cho thuê mặt nước biển bởi vì việc này khó khả thi đối với các dự án có quy mô đầu tư trên diện tích lớn, ảnh hưởng đến nhiều tỉnh. Mặt khác, đối với mô hình nuôi khơi (nuôi xa bờ), theo Nghị định 51/2014/NĐ-CP về quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh chỉ có thẩm quyền giao, cho thuê từ vùng biển 3 hải lý trở vào; trong khi đó, do đặc thù của mô hình này là xa vùng bờ nên khó kiểm soát và ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, cần có sự đánh giá tổng hợp của các cơ quan chuyên ngành Trung ương. Các đại biểu Quốc hội đề nghị quy định thẩm quyền giao, cho thuê đối với những trường hợp này cho Chính phủ, bộ và cần quy định chi tiết trách nhiệm của Chính phủ, các bộ liên quan trước khi giao, cho thuê mặt nước.
Ngoài ra, việc thu hút vốn đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam là một chủ trương đúng đắn để phát triển đất nước. Tuy nhiên, việc quy định cho cá nhân, tổ chức nước ngoài thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản là phương thức mới, diện tích vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam rộng lớn với gần 1 triệu km2, tiếp giáp với nhiều quốc gia. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng một số vấn đề về quốc phòng - an ninh để bảo đảm hài hòa lợi ích phát triển kinh tế và an ninh quốc gia.
Đại biểu Vương Văn Sáng (Lào Cai) đề nghị không quy định cá nhân, tổ chức Việt Nam chuyển nhượng, cho thuê lại với tổ chức, cá nhân nước ngoài để tránh tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) cũng đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương các cấp đối với các tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê mặt nước biển đề nuôi trồng thủy sản cũng như các hoạt động thủy sản diễn ra tại địa phương. Việc thu hồi mặt nước biển đã giao, cho thuê để nuôi trồng thủy sản cũng cần được quy định rõ hơn việc Nhà nước thu hồi diện tích mặt nước biển đã giao, cho thuê, nếu trong quá trình sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản mà các tổ chức, cá nhân được xác định là có biểu hiện gây ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, quốc phòng an ninh. “Đề nghị cần nghiên cứu trong dự án Luật để hạn chế giao mặt nước biển cho tổ chức, cá nhân là người Việt Nam nhưng trong quá trình hoạt động sản xuất lại do các tổ chức, cá nhân nước ngoài đứng sau để chỉ đạo, điều hành, thao túng”, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà nhấn mạnh.
Góp ý về thời hạn giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng, thời gian giao, cho thuê tối đa 20 năm và gia hạn thời gian thuê theo quy định tại khoản 5 Điều 44 mà không quy định thời gian tối thiểu là phù hợp với thực tiễn. Theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, đối với ngành nuôi trồng thủy sản, 20 năm là đủ cho nhà đầu tư yên tâm đầu tư cơ sở hạ tầng.
Băn khoăn về việc thành lập lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh
Tại phiên thảo luận, một trong những nội dung được các đại biểu tập trung cho ý kiến là chế định về lực lượng kiểm ngư. Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng, chiến lược biển Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Vì vậy, việc nuôi trồng, khai thác thủy sản phải gắn với an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển. Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy chỉ rõ, thời gian qua, lực lượng kiểm ngư trên biển còn thưa thớt, lực lượng thanh tra chuyên ngành hoạt động chưa hiệu quả vì thiếu kinh phí, giới hạn về quyền hạn, phương tiện cũ kỹ, lạc hậu. Vì vậy, cần có lực lượng kiểm ngư thường xuyên tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và phối hợp với các lực lượng khác hỗ trợ ngư dân. Trên cơ sở đó, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng, cần thành lập kiểm ngư cấp tỉnh, ở một số tỉnh có biển và một số tỉnh biên giới có sông lớn chảy qua, có nguồn lợi thủy sản phong phú để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản kết hợp với bảo vệ an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, để tránh tình trạng thành lập ồ ạt các chi cục kiểm ngư cấp tỉnh, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị, Chính phủ cần phân cấp cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh chỉ thành lập kiểm ngư cấp tỉnh theo phương án không tăng biên chế theo Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thành lập theo lộ trình, chỉ thành lập khi đã đủ điều kiện và thực sự cần thiết. Đồng thời, khi đã thành lập thì địa phương phải bảo đảm điều kiện cho lực lượng kiểm ngư hoạt động. Đối với các tỉnh chưa thành lập lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh thì kiểm ngư vùng sẽ hỗ trợ để bảo đảm tính liên tục.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng, bên cạnh lực lượng Kiểm ngư trung ương, cần thành lập thêm hệ thống Kiểm ngư tại 28 tỉnh ven biển. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc đánh giá, trong những năm qua, với mô hình tổ chức từ trung ương đến vùng, mặc dù kiểm ngư Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm trên biển song với phạm vi ngư trường rộng lớn, lực lượng mỏng nên hoạt động kiểm ngư còn có những khó khăn nhất định.
Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc, một trong những vấn đề mà cử tri rất bức xúc là việc sử dụng ngư cụ để khai thác thủy sản mang tính tận diệt đang ngày càng gia tăng. Do vậy, cần thiết có lực lượng thực thi pháp luật đủ mạnh như kiểm ngư để bảo vệ nguồn lợi thủy sản một cách hiệu quả. Tuy nhiên, để bảo đảm được sự thống nhất trong quản lý, huy động lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ ngư dân trên biển thì lực lượng kiểm ngư này sẽ được chuyển đổi từ lực lượng thanh tra chuyên ngành về thủy sản.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) đề nghị tiếp tục duy trì lực lượng kiểm ngư trung ương (có các chi cục tại các vùng gọi là kiểm ngư vùng) như hiện nay, không thành lập thêm hệ thống kiểm ngư cấp tỉnh; nhưng có chính sách tăng cường nguồn lực, chế độ cho thanh tra chuyên ngành thủy sản, luật hóa các quy định về tổ chức và hoạt động của kiểm ngư trong dự thảo Luật. Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, nếu thành lập lực lượng kiểm ngư ở cấp tỉnh có thể làm tăng biên chế./.
Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự  (20/06/2017)
Thông qua dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) và Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)  (20/06/2017)
Giá viện phí mới với người bệnh chưa có thẻ bảo hiểm y tế áp dụng tại 50 bệnh viện  (20/06/2017)
Báo chí cách mạng Việt Nam: Cội nguồn, đặc trưng, trọng trách  (20/06/2017)
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 12 đến 18-6-2017)  (20/06/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay