Ngày 09-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017. Trao đổi bên lề Kỳ họp, các đại biểu đánh giá cao chính sách điều hành của Chính phủ trong thời gian qua để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì lạm phát thấp. Nhiều đại biểu đề nghị, để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, Chính phủ cần có những giải pháp đột phá, đồng bộ trong nhiều lĩnh vực.

Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) nhận định: Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017 của Chính phủ khá sâu sắc, đầy đủ, toàn diện, nêu bật được nhiều vấn đề nổi cộm trong thời gian qua. Báo cáo cũng thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc xử lý vấn đề liên quan đến công tác cán bộ, phát hiện vụ án tham nhũng. Tuy nhiên, đại biểu Cao Đình Thưởng cho rằng, việc cơ cấu lại nền kinh tế chưa có bước chuyển biến đột phá, nợ công còn ở mức cao, nợ đọng và thất thu thuế lớn, nợ xấu của ngân hàng vẫn là vấn đề nhức nhối. Đặc biệt, các cơ quan chức năng còn lúng túng trong việc xử lý biến đổi khí hậu và sự cố môi trường. Để khắc phục tình trạng này, theo đại biểu Cao Đình Thưởng, trong thời gian tới, Chính phủ cần hoàn thiện chính sách, pháp luật, đồng thời có những hành động quyết liệt hơn nữa. Đại biểu Cao Đình Thưởng nhấn mạnh, Chính phủ cần tập trung cơ cấu lại nền kinh tế, có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt xác định việc đầu tư cho đúng hướng, phù hợp với thực tế, chống thất thoát lãng phí. Ngoài ra, Chính phủ cần tập trung xử lý những vấn đề tồn đọng trong thời gian qua, trong đó có các dự án thất thoát thua lỗ kéo dài và có báo cáo cụ thể trước Quốc hội. “Sau khi có Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu, Chính phủ phải tập trung chỉ đạo, hiện thực hóa, đề ra giải pháp hữu hiệu để xử lý nợ xấu, chống thất thu thuế. Làm được việc này sẽ giải quyết được điểm nghẽn, khơi thông mạch nguồn nền kinh tế”, đại biểu Cao Đình Thưởng phân tích.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% đã đề ra là thách thức rất lớn, đòi hỏi những giải pháp đột phá. Đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần tập trung gỡ bỏ nút thắt của nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, các thành phần kinh tế sản xuất, kinh doanh. Theo đại biểu Trần Văn Lâm, đề ra giải pháp mới là bước đầu, quan trọng hơn cả là vấn đề thực thi để đạt kết quả tốt.

Góp ý vào nội dung này, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng, dư luận và cử tri cả nước đang quan tâm đến hiệu quả hoạt động trong đầu tư dự án, tình trạng thua lỗ tại các công trình trọng điểm quốc gia, nợ đọng thuế, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng… Vì thế, cơ quan chức năng phải thanh tra để đưa ra kết luận, chỉ rõ thua lỗ xuất phát từ nguyên nhân nào, quy cụ thể trách nhiệm các bên có liên quan, từ đó đưa ra giải pháp xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Đại biểu Trần Văn Mão kiến nghị, trong thời gian tới, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng, tạo cơ sở pháp lý minh bạch, đủ mạnh để phòng, chống tham nhũng./.