TCCSĐT - Chiều 31-5-2017, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo thông tin về Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI - 2017 và một số nét lớn về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và năm tháng đầu năm 2017.
Tại buổi họp báo, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Đinh Hài, cho biết: Tiếp nối thành công của những kỳ tổ chức Festival Di sản trước, năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam tiếp tục phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017, diễn ra từ ngày 07-6 đến hết ngày 14-6-2017 tại thành phố Tam Kỳ, thành phố Hội An và một số huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Đây là dịp để quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hóa Việt Nam và đặc trưng văn hóa Quảng Nam; trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa giữa các địa phương trong nước, giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Qua đó giới thiệu hình ảnh, thu hút đầu tư vào Quảng Nam và thúc đẩy phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo Giám đốc Đinh Hài, đến thời điểm này, đã có 33 quốc gia, vùng lãnh thổ, 03 tổ chức quốc tế và 35 tỉnh, thành phố trên cả nước có đoàn nghệ thuật, nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân... đăng ký tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Festival.

Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017 có hơn 23 hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Trong đó, có các hoạt động chính như: Chương trình Khai mạc và Bế mạc Festival; Hội thi Hợp xướng quốc tế; Festival Diều quốc tế; Festival tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam và thế giới; Giải Lướt ván buồm vô địch thế giới và giải Đua thuyền buồm Việt Nam mở rộng; Liên hoan Ẩm thực quốc tế; Triển lãm “Di sản văn hóa biển, đảo Việt Nam”; Liên hoan Hô hát Bài chòi và Trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh; Festival thuyền Kayak; Trưng bày Chuỗi di sản văn hóa tháp Chăm các tỉnh miền Trung và Chương trình nghệ thuật Huyền thoại Apsara; Ngày hội Trình diễn nghi thức dựng cây Nêu và giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam; Lễ hội sâm núi Ngọc Linh; Hội thảo về bảo tồn, phát huy giá trị các đô thị di sản.

Ngoài ra, Festival lần này còn có các hoạt động: “Diễn đàn du lịch miền Trung - Tây Nguyên”, “Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch”, “Hội chợ Festival Di sản Quảng Nam 2017”; “Giải golf Festival Di sản Quảng Nam”… .và khai trương một số tuyến, điểm du lịch mới.

Cũng theo đồng chí Đinh Hài, Festival Di sản lần này có nhiều điểm mới hơn so với các Festival Di sản trước. Đó là, tập trung giới thiệu về biển, đảo và văn hóa biển; đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch về phía Nam; các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia vào hoạt động đưa đón khách tham quan, du lịch đến các điểm diễn ra hoạt động Festival; có nhiều chương trình khuyến mãi dành cho du khách; Festival được xã hội hóa, phần lớn các hoạt động đều do doanh nghiệp đứng ra tổ chức và thực hiện…

Cùng với thông tin về Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam còn cung cấp cho các nhà báo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và năm tháng đầu năm 2017.

Nhìn chung, 5 tháng đầu năm, tình hình kinh tế Quảng Nam có nhiều chuyển biến tích cực; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1,33% so cùng kỳ. Về sản xuất nông nghiệp, vụ Đông Xuân được mùa hơn năm trước, giá một số mặt hàng nông sản ổn định và có tăng. Thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển, nổi bật trong đó là lĩnh vực du lịch. Cộng dồn 5 tháng đầu năm, có khoảng 2.270 nghìn lượt khách đến tham quan và lưu trú, tăng 38% so cùng kỳ; doanh thu hoạt động khách sạn, nhà hàng gần 4.090 tỉ đồng, tăng 18%. Công tác đầu tư và xây dựng được chú trọng triển khai.

Tính đến ngày 20-5-2017, toàn tỉnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2017 được 34%, cao hơn cùng kỳ. Trong đó, nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung giải ngân 36% kế hoạch; nguồn bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương 28%. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 10 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 92,9 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh lên 143 dự án, tổng vốn đăng ký 5,5 tỷ USD. Cấp phép 20 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký gần 10.100 tỉ đồng, tăng 53,8% so với cùng kỳ.

Tại buổi họp báo, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh còn trả lời nhiều câu hỏi do các nhà báo đặt ra. Nổi bật trong đó, là vụ việc làm giả Quyết định số 1193 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam về việc gia hạn cấp phép giấy phép khai thác cát tại xã A Tiêng, huyện Tây Giang nhằm hợp thức hóa nguồn cát cung cấp cho việc thi công Khu đô thị quốc tế Đa Phước, thành phố Đà Nẵng.

Theo Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang, Cơ quan Công an bước đầu xác định đối tượng làm giả Quyết định 1193, là Ngô Thị Thanh Vân, 32 tuổi, trú tại phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, là thủ quỹ Công ty Cổ phần Kim Toàn kiêm kế toán Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Tây Trường Sơn. Phó Chủ tịch Thường trực Huỳnh Khánh Toàn cho biết, hiện tại vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ và quan điểm của Ủy ban nhân dân tỉnh là kiên quyết xử lý đúng người, đúng tội, sai đến đâu xử lý đến đó./.