Hướng tới Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII
Phong trào tiết kiệm giúp nhau thoát nghèo
Phong trào học tập và làm theo gương Bác Hồ vĩ đại về thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo đã được các cấp Hội phụ nữ tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai và tạo bước chuyển biến tích cực về nhận thức, tư tưởng, hành động của cán bộ, hội viên; góp phần hiệu quả trong công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Năm 2015, để giúp đỡ hội viên phụ nữ nghèo ổn định cuộc sống, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vinh Thái, huyện Phú Vang đã triển khai phong trào “Tiết kiệm tặng lợn cho phụ nữ nghèo”. Theo đó, Hội đã vận động mỗi hội viên tiết kiệm 5.000 đồng/tháng để mua lợn giống tặng chị em có hoàn cảnh khó khăn. Khi lợn phát triển và sinh sản tốt, trong 3 lứa đầu, chị em nộp lại cho Hội một con lợn giống để tặng lại các chị có hoàn cảnh khó khăn khác. Chính nhờ vậy, nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn đã dần ổn định cuộc sống.
Chị Phan Thị Thiết, là một trong những hộ nghèo ở xã Vinh Thái được Hội phụ nữ xã tặng 1 con lợn giống. Chồng chị Thiết mất mấy năm nay, một mình chị nuôi hai đứa con nhỏ. Khi nông nhàn, chị đi phụ hồ hay làm thuê, kiếm sống qua ngày, do công việc không ổn định, cuộc sống của chị trở nên khó khăn hơn. Từ phong trào “Tiết kiệm tặng lợn cho phụ nữ nghèo”, Hội phụ nữ xã Vinh Thái đã tặng cho chị Thiết một con lợn giống. Nhận lợn giống, chị Thiết cần cù chăn nuôi, đến nay, lợn đã sinh được 3 lứa, mỗi lứa từ 10 - 14 con. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi lứa chị Thiết thu lãi từ 5 - 6 triệu đồng. Chị Thiết chia sẻ: Nhờ các chị em trong chi Hội quan tâm, giúp đỡ mà cuộc sống của mấy mẹ con tôi vơi bớt phần khó khăn. Đây cũng là động lực để bản thân tôi cũng như nhiều chị phụ nữ ở đây nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Từ số tiền tiết kiệm nhỏ, nhưng với sự đoàn kết của cả chi Hội đã "gỡ khó" cho rất nhiều phụ nữ khó khăn như chị Thiết ổn định cuộc sống. Đến nay, các hội viên đã tiết kiệm được hơn 20 triệu đồng, trao 13 con lợn giống cho 13 phụ nữ nghèo khác. Dự kiến, trong năm 2017, Hội sẽ tặng lợn giống cho thêm 25 chị có hoàn cảnh khó khăn. Hội phụ nữ xã Vinh Thái cũng đã triển khai hiệu quả mô hình “Tiết kiệm tự nguyện tại chi Hội” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động. Mỗi tháng các hội viên trong các tổ, nhóm tiết kiệm tự nguyện ở xã Vinh Thái đóng từ 5.000 - 20.000 đồng để tạo lập nguồn vốn, chủ động giúp phụ nữ nghèo vay vốn với lãi suất thấp hoặc không có lãi để đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế. Hiện nay, Hội đã tiết kiệm được hơn 500 triệu đồng, tạo điều kiện cho 143 chị vay vốn với lãi suất ưu đãi và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cũng như xã Vinh Thái, hiện nay, 100% chi Hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xây dựng tổ tiết kiệm. Phong trào đã thu hút đông đảo phụ nữ tham gia, vừa tạo không khí học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại một cách sôi nổi, từng bước xây dựng văn hóa tiết kiệm trong đời sống hàng ngày của mỗi gia đình, cộng đồng xã hội. Các địa phương cũng xây dựng các mô hình tiết kiệm phù hợp với đơn vị của mình, như : “Ống tiết kiệm”, “Nuôi heo đất”, “Hũ gạo tình thương”, "hùn vốn xoay vòng", "Quỹ tiết kiệm tại chi hội"...
Đến nay, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh xây dựng được gần 20 loại mô hình tiết kiệm làm theo lời Bác, thực hành tiết kiệm được hơn 127 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 36.000 phụ nữ vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế; qua đó giúp hơn 4.000 hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo bền vững. Riêng trong năm 2016, các cấp Hội đã thực hiện hiệu quả các mô hình tiết kiệm, trên 181.000 hội viên phụ nữ tham gia các phong trào, đã tiết kiệm được gần 15 tỷ đồng, hơn 1.500 lon gạo và vận động trên 4,5 tỷ đồng tiết kiệm giúp phụ nữ và trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng đẩy mạnh phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế với nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả và bền vững, đóng góp tích cực vào thực hiện các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và xây dựng đô thị văn minh. Trong đó, 100% Hội phụ nữ xã, phường đã xây dựng kế hoạch giúp đỡ phụ nữ nghèo có địa chỉ và đã giúp hàng nghìn chị em phụ nữ thoát nghèo;...
Chị Lê Thị Hồng Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ Thừa Thiên - Huế cho biết: Phong trào tiết kiệm đã đem lại hiệu quả thiết thực; giúp đỡ, hỗ trợ hội viên về vốn vay để phát triển kinh tế gia đình, từ đó, nhiều hội viên phụ nữ đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, đồng thời giúp chị em biết lập kế hoạch chi tiêu một cách hợp lý. Đến nay, 9/9 huyện, thị, thành phố đã xây dựng hiệu quả phong trào thực hành tiết kiệm theo tấm gương Bác Hồ.
Thời gian tới, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia các mô hình tiết kiệm; nhân rộng những mô hình tiết kiệm hay, có hiệu quả đến các cấp hội nhằm tạo cơ hội cho hàng nghìn phụ nữ khó khăn vươn lên thoát nghèo bên vững, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động phong trào của Hội phụ nữ.
Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, làm giàu cho gia đình và địa phương
Không chỉ đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, chị Nguyễn Thị Chiếm ( sinh năm 1964, ở thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) còn cho hàng trăm chị em khó khăn vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật để cùng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Là tấm gương sáng trong phong trào làm kinh tế ở địa phương, chị Chiếm vinh dự được chọn là một trong số 100 phụ nữ tiêu biểu được tôn vinh trong chương trình “Tự hào Phụ nữ Việt Nam” vào ngày 07-3 tới tại Hà Nội.
Kể về con đường dẫn đến thành công, chị Chiếm cho biết đã trải qua rất nhiều gian khó, nhất là áp lực tâm lý khi “dám” bỏ cây vải là cây truyền thống của địa phương để trồng cam, bưởi… Đó là vào năm 2009, cả xã Tân Mộc nhà nào cũng có một vườn vải. Tuy nhiên, cây trồng chủ lực của địa phương ngày càng giảm sản lượng, giá cả bấp bênh, lúc lên lúc xuống không ổn định. Sau khi đi khắp nơi tìm hiểu, trồng thử nghiệm, chị Chiếm nhận ra cây cam rất hợp với thổ nhưỡng của địa phương. Chị đã đưa ra một quyết định rất “táo bạo”, đó là phá bỏ toàn bộ 2 ha vải của gia đình (lúc ấy đang cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm) để trồng cam. Nói là làm, chị thuê xe đi Hưng Yên mua gần 2.000 cây cam giống về trồng thay thế cây vải.
Cách làm này của chị bị bà con trong làng không ủng hộ. Chị Chiếm ngày đêm lăn lộn trên đồi cam, mời chuyên gia nông nghiệp về hướng dẫn, tư vấn…Cuối cùng, đất không phụ công người, ngay năm đầu tiên trồng thử nghiệm, đồi cam nhà chị đã có lãi gần 400 triệu đồng, gấp 4 lần so với trồng vải. Bà con trong xã dần dần đã thay đổi suy nghĩ, một số người đã đến hỏi kinh nghiệm để làm theo.
Chị Chiếm dùng tiền lãi tiếp tục đầu tư mua thêm đất đồi mở rộng diện tích. Hợp đất và khí hậu, cây cam năm nào cũng tươi tốt và được mùa... Đến nay, gia đình chị có khoảng 7,5 ha cây ăn quả các loại, trong đó có 2 ha cam vinh, 1,5 ha cam đường canh và 4 ha bưởi da xanh, mỗi năm cho thu nhập hơn 2 tỷ đồng.
Chứng kiến những thành công của chị, bà con trong làng đã dần tin tưởng và làm theo. Đến nay, toàn xã có tới 70% hộ trồng cam, nhiều gia đình giàu lên. Cái tên của chị được bà con nhắc đến với lòng ngưỡng mộ, nể phục.
Chủ tịch UBND xã Tân Mộc Vũ Duy Giáp cho biết: Cả xã hiện có khoảng hơn 400 ha cam và bưởi da xanh. Đời sống của người dân đã cải thiện rõ rệt, nhiều gia đình đã xây nhà lầu, mua xe hơi…Thành quả đó có sự đóng góp công sức chị Chiếm với vai trò tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cấu cây trồng của địa phương. Từ hiệu quả này, xã sẽ xây dựng Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng có quy mô, tiến tới mở rộng diện tích trồng cam trên toàn xã.
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Mộc Nguyễn Thị Nụ đánh giá, chị Chiếm không chỉ năng động, nhạy bén trong việc phát triển kinh tế, mà còn là một phụ nữ có tấm lòng bao dung. Đó là tấm gương sáng về tình đoàn kết cho chị em trong xã học tập, noi theo. Với những thành công đó, chị Nguyễn Thị Chiếm được nhiều nông dân các trong và ngoài tỉnh tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Chị vinh dự nhận được tặng thưởng nhiều Bằng khen của UBND tỉnh và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Phụ nữ huyện biên giới Chưprông-Gia Lai với vai trò nòng cốt giữ gìn an ninh, trật tự xã hội
Tình hình an ninh, trật tự xã hội ở địa bàn huyện biên giới Chưprông (Gia Lai) luôn ổn định, người dân ngày càng nâng cao ý thức và chấp hành tốt chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Kết quả này có vai trò của phụ nữ - một trong những lực lượng nòng cốt của công tác tuyên truyền, vận động dân cư.
Bà Phan Thị Tố Hải - Chủ tịch Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai khẳng định, những hoạt động của phụ nữ huyện biên giới Chưprông được coi là điểm sáng trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và đang được nhân rộng.
Chưprông là một trong 3 huyện biên giới của tỉnh Gia Lai có chung đường biên với nước bạn Campuchia. Dân số của huyện hơn 100.000 người, trong đó có gần 50% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người J'rai. An ninh chính trị và trật tự xã hội ở Chưprông trước đây còn nhiều phức tạp, kẻ xấu lợi dụng vào các buôn làng dân tộc để xúi giục, kích động bà con gây rối trật tự công cộng, tổ chức vượt biên trái phép... Bên cạnh đó, do tập tục và trình độ dân trí của bà con thấp dẫn đến nhiều vấn đề khác như không cho con đến trường học, sinh đẻ không có kế hoạch, ăn uống và sinh hoạt kém vệ sinh...
Xác định những vấn đề "nóng" của địa bàn, phụ nữ huyện đã chủ động xây dựng các giải pháp phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, lực lượng quân đội giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội. Các cấp hội phụ nữ phối hợp với 3 đồn Biên phòng đóng chân tại 3 xã Ia Lốp, Ia Mơr và Ia Puch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong cộng đồng dân cư, nhất là chị em phụ nữ thực hiện tốt các chính sách pháp luật của nhà nước. Cụ thể, mở lớp tập huấn truyền thông về phân giới cắm mốc giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia với hàng trăm phụ nữ tham gia; tổ chức ký cam kết không để người thân và con em trong gia đình vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế biên giới; kiên quyết đấu tranh tố giác các phần tử xấu lôi kéo, kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc...
Phụ nữ huyện đã xây dựng các phong trào phù hợp với thực tế, được hầu hết chị em đồng tình ủng hộ và tích cực hưởng ứng. Thiết thực và hiệu quả nhất là hình thành 3 câu lạc bộ tại 2 xã biên giới Ia Púch, Ia Mơr và một xã Ia Piơr với chủ đề "Phụ nữ tham gia phòng chống vượt biên" và "Phụ nữ tham gia phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới". Ba Câu lạc bộ có gần 100 phụ nữ tham gia và duy trì hoạt động đều đặn từ nhiều năm nay. Mỗi quý, Câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt 1 lần để tuyên truyền, vận động cũng như kiểm tra lại thực tế, nếu có hộ vi phạm sẽ giúp đỡ và giải quyết kịp thời. Vào những thời điểm "nóng", các Câu lạc bộ thường xuyên tổ chức sinh hoạt đột xuất, có khi mỗi tháng từ 1 - 2 lần. Thông qua hoạt động Câu lạc bộ, tại địa bàn 3 xã Ia Puch, Ia Piơr và Ia Mơr đã có sự chuyển biến rõ nét trên mọi lĩnh vực, không còn tình trạng vượt biên và buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới.
Cũng tại địa bàn 2 xã biên giới Ia Puch và Ia Mơr, các chiến sĩ Biên phòng đã phối với chính quyền địa phương tích cực giúp phụ nữ biết cách làm mới trong trồng trọt và chăn nuôi, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Tổng diện tích gieo trồng của 2 xã biên giới có gần 1.000ha và tổng đàn bò có hơn 1.000 con; trong đó có hàng trăm ha lúa rẫy được chuyển sang trồng lúa nước 2 vụ và ứng dụng các biện pháp thâm canh cho năng suất cao, bình quân mỗi ha lúa nước đạt 3 - 4 tấn/vụ. 150 chị em phụ nữ trong độ tuổi lao động được vận động vào làm công nhân trồng và chăm sóc cây cao su của các Công ty Hoàng Anh Gia Lai, Bình Dường và Quang Đức đã có mức thu nhập ổn định. Con em trong độ tuổi đều được đến trường, không còn tình trạng theo cha mẹ lên nương rẫy. Bà con đau ốm có ý thức đến cơ sở y tế, không còn tình trạng mời thầy "mo" đến cúng./.
Bộ trưởng Tô Lâm dự kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập cảnh sát Belarus  (05/03/2017)
Nga: Quá sớm bàn về gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ  (05/03/2017)
Trung Quốc hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong 25 năm  (05/03/2017)
Trung Quốc hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong 25 năm  (05/03/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay