TCCSĐT - “Chung tay tạo đổi thay, kết nối với toàn cầu” là chủ đề của ASEAN 2017 được Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) diễn ra trong hai ngày 20 và 21-02 tại Boracay (Philippines) thông qua, với cam kết thúc đẩy vị thế của ASEAN, đưa ASEAN trở thành đối tác giữ vai trò nòng cốt trong các cơ chế hợp tác với các nước, khu vực và các tổ chức quốc tế.

Hướng tới giai đoạn phát triển mới của ASEAN

 
 Các Ngoại trưởng ASEAN tại Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Boracay. Ảnh: EPA/TTXVN

Bằng việc nhất trí thông qua chủ đề “Chung tay tạo đổi thay, kết nối với toàn cầu”, 10 quốc gia thành viên ASEAN thể hiện cam kết đóng góp tích cực vào các mục tiêu chung về xây dựng Cộng đồng ASEAN và Tầm nhìn ASEAN 2025. Với việc nhấn mạnh yếu tố con người là trung tâm, các nước thuộc ASEAN tái khẳng định quyết tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân có cuộc sống chất lượng hơn về nhiều mặt, từ kinh tế, văn hóa, cho tới an ninh, trật tự xã hội, nhằm hướng tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh trên cả 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội.

Những định hướng ưu tiên trong năm 2017 mà nước Chủ tịch Philippines đề xuất, liên quan đến thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, tăng cường an ninh và hợp tác hàng hải, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và dựa trên sáng tạo, nâng cao năng lực tự cường của ASEAN và đưa ASEAN trở thành hình mẫu của hợp tác khu vực, đã nhận được sự ủng hộ của các nước thành viên. Các nước đều nhất trí thúc đẩy ASEAN với hơn 630 triệu dân thuộc 10 quốc gia với các điều kiện an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội khác nhau, trở thành một mô hình lý tưởng bảo đảm những lợi ích cốt lõi cho người dân. Các nước cũng nhất trí tiếp tục thúc đẩy đối thoại và hợp tác với các đối tác thông qua các cơ chế do ASEAN thành lập và dẫn dắt, từ đó tranh thủ thêm sự ủng hộ trong xây dựng cộng đồng, đóng góp cho hòa bình, ổn định trong khu vực. Các nước khẳng định sự cần thiết của việc duy trì đối thoại để làm dịu căng thẳng, thúc đẩy lòng tin, kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, đồng thời thúc đẩy các nỗ lực để ASEAN và Trung Quốc đạt khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong năm 2017, nhằm tạo thuận lợi sớm hoàn tất COC.

Đối với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), các nước thành viên khẳng định cùng chung quyết tâm xây dựng môi trường phát triển lành mạnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, coi sự phát triển của các doanh nghiệp này là động lực chính cho sự tăng trưởng toàn diện trong khu vực. Đối với Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASC), yếu tố con người và sức khỏe con người được đặc biệt chú trọng. Philippines kêu gọi các nước thành viên hợp tác nhằm hiện thực hóa một ASEAN không có tệ nạn ma túy, tăng cường khả năng đối phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, đẩy lùi chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan…

Với vai trò Chủ tịch luân phiên và là một trong những thành viên sáng lập ASEAN, Philippines sẽ có rất nhiều việc phải làm để cụ thể hóa các kế hoạch hành động của ASEAN. Philippines sẽ tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào các tháng 4 và tháng 11-2017 cùng với hơn 100 cuộc họp cấp bộ trưởng, quan chức cấp cao (SOM) và nhóm công tác. Kết quả của các hội nghị cấp cao và các hội nghị liên quan trong năm ASEAN 2017 sẽ phản ánh sự trưởng thành và vị thế của khối.

Sóng gió mới trong quan hệ Nga - Ukraine

 
 Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Ảnh: EPA/TTXVN

Quan hệ giữa Nga và Ukraine tiếp tục diễn biến căng thẳng khi ngày 22-02, Tổng thống Ukraine P. Poroshenko cáo buộc Moscow gia tăng sự hiện diện quân sự tại bán đảo Crimea, đồng thời cảnh báo mối đe dọa “chiến tranh toàn diện” với Nga.

Tổng thống P. Poroshenko nhấn mạnh tại phiên họp lãnh đạo Các lực lượng vũ trang Ukraine rằng, bất cứ lúc nào Lực lượng quân đội Nga hiện đang đóng tại vùng Transnistria của Moldova “đều có thể được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ và đe dọa đường biên giới của chúng ta. Mối đe dọa chiến tranh toàn diện với Nga không thể tránh khỏi”. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng tuyên bố Ukraine sẽ chi 333 triệu USD để chế tạo và mua sắm vũ khí mới trong năm 2017.

Ngay lập tức, Chính phủ Nga đã bác bỏ những cáo buộc này, đồng thời tuyên bố Nga không có mối liên hệ với cuộc xung đột tại Donabass. Trước đó, ngày 21-02, Nga và Ukraine đã thể hiện sự mâu thuẫn xung quanh việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bày tỏ lòng thương tiếc đối với cố Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin, khi ông đột ngột qua đời tại New York (Mỹ). Trong một tuyên bố, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bày tỏ sự đau buồn về sự qua đời của ông V. Churkin, nhưng Ukraine đã ngăn cản việc ra tuyên bố chính thức của Chủ tịch Hội đồng Bảo an về vấn đề này. Từ Moscow, Ngoại trưởng Nga S. Lavrov coi việc Ukraine từ chối ra tuyên bố Chủ tịch là việc làm “sai trái và không phải đạo”. Về phần mình, Ngoại trưởng Ukraine P. Klimkin cũng ra tuyên bố, “Chúng tôi có những cách nhìn nhận khác nhau về sự đóng góp cho đất nước của mình. Chúng tôi có sự khác biệt cơ bản và sự khác biệt lập trường với ông V. Churkin”.

Quan hệ giữa Nga và Ukraine vốn trở nên căng thẳng sau khi lực lượng thân phương Tây tiến hành cuộc đảo chính lật đổ chính quyền của Tổng thống Ukraine V. Yanukovych hồi tháng 02-2014, một nguyên nhân dẫn tới việc Bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga tháng 3-2014 và tiếp đó là cuộc xung đột nổ ra tại miền Đông Ukraine. Nga và Ukraine đã liên tiếp cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận hòa bình Minsk và đưa ra những lệnh trừng phạt nhằm vào nhau, khiến căng thẳng ngày càng leo thang. Hủy bỏ một thỏa thuận vốn đã kéo dài 22 năm về hợp tác sản xuất và khoa học kỹ thuật giữa các doanh nghiệp quốc phòng song phương; ngừng trao đổi mua bán khí đốt; tuyên bố đóng cửa không phận đối với các máy bay của hai bên; đình chỉ Hiệp định thương mại tự do (FTA), cấm nhập khẩu một số mặt hàng của nhau;…là những diễn biến không mấy êm ả giữa hai nước trong thời gian qua. Không chỉ có vậy, trong những động thái khác mới đây, những nỗ lực thảo luận về một tiến trình chính trị cho cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine của Nhóm Bộ tứ Normandy gồm Ukraine, Đức, Pháp, Nga cũng chưa có tiến triển đáng kể nào, ngoại trừ việc duy trì lệnh ngừng bắn tại đây. Các nhà phân tích cho rằng, sau những căng thẳng liên tiếp lần này, mối quan hệ vốn đã rạn nứt nghiêm trọng giữa Nga và Ukraine sẽ tiếp tục chìm sâu vào nghi kỵ và bất đồng. Hệ quả tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sự ổn định của hai nước, mà còn tác động đến an ninh và hòa bình khu vực.

Nối lại hòa đàm về Syria ở Geneva

 
 Cuộc hòa đàm về Syria. Ảnh: TTXVN

Các cuộc hòa đàm về Syria dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc đã được nối lại tại Geneva (Thụy Sỹ) ngày 23-02, 10 tháng sau khi đổ vỡ vì bạo lực leo thang đẫm máu tại quốc gia Trung Đông này. Đây là cuộc hòa đàm thứ 4 về Syria kể từ đầu năm 2016 đến nay.

Cuộc hòa đàm nằm trong nỗ lực mới nhất nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 6 năm qua tại Syria khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Tại các cuộc hòa đàm trước đây, vấn đề chuyển tiếp chính trị và yêu sách của phe đối lập đòi Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải từ bỏ quyền lực là vấn đề gây trở ngại lớn nhất. Chính phủ Syria khẳng định, số phận của Tổng thống B. Assad không thể được đưa ra thảo luận trong các vòng đàm phán.

Với cuộc hòa đàm lần này, đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura đã có cuộc họp với phái đoàn Chính phủ Syria; tiếp đó là cuộc gặp với người đứng đầu phái đoàn đối lập Syria là Yahya Kadamani và gặp Nasr Hariri, thành viên cấp cao của nhóm đối lập lớn nhất Syria. Theo đó, ông S. Mistura đã hối thúc phe đối lập Syria chấp nhận trách nhiệm “lịch sử” trong nỗ lực chấm dứt cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, ông De Mistura cũng cảnh báo, ông không trông đợi những điều kỳ diệu trong vòng đàm phán lần này do còn quá nhiều thách thức ở phía trước. Phát biểu tại buổi khai mạc phiên hòa đàm thứ 4 tại Geneva, ông De Mistura nhấn mạnh, các cuộc thương lượng đã được bắt đầu, một ngày sau các cuộc gặp song phương nhằm định hình cách thức và nội dung đàm phán, song việc đạt được bước đột phá không phải là dễ dàng. Theo ông De Mistura, tất cả các bên đều nhận thức những gì sẽ xảy ra nếu đàm phán một lần nữa thất bại, đó là đổ máu và tổn thất cả về người và của.

Trong khi đó, phe đối lập Syria cho rằng, các cuộc đàm phán do Liên hợp quốc bảo trợ trước hết phải tập trung bàn về tiến trình chuyển tiếp chính trị. Trưởng đoàn đàm phán của phe đối lập Syria Nasr al-Hariri nói: “Nếu đặc phái viên S. Mistura nghiêm túc, ông ta cần bám vào chủ đề đầu tiên của chương trình nghị sự, đó là một tiến trình chuyển tiếp chính trị có thể chấp nhận với người dân Syria”. Ông N. Hariri cho rằng, phái đoàn chính phủ Syria không muốn bàn về vấn đề này, đồng thời bày tỏ lo ngại về vai trò của Iran ở hậu trường. Theo ông, Tehran là rào cản lớn nhất cho bất kỳ thỏa thuận chính trị nào tại Syria. Kể từ vòng hòa đàm gần nhất tháng 4-2016, vị thế của phe đối lập đã yếu đi đáng kể cả về mặt quân sự và ngoại giao. Quân đội Syria đã giành lại thành phố chiến lược Aleppo ở phía Bắc Syria, trong khi đó, Washington tuyên bố đang xem xét lại chính sách về Syria dưới thời Tổng thống D. Trump. Một lệnh ngừng bắn đã được bộ ba Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí hồi tháng 12 năm ngoái ở Astana (Kazakhstan) và lệnh ngừng bắn này đã làm giảm đáng kể tình trạng bạo lực. Tuy nhiên, hiện giao tranh lại tiếp diễn ở Syria, đe dọa đối với nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc tìm ra giải pháp chính trị lâu dài cho Syria.

Hỗ trợ khẩn cấp người dân châu Phi đối phó với nạn đói

 
 Nạn đói đang từng ngày hoành hành "Lục địa đen". Ảnh: TTXVN

Nhằm ngăn chặn một thảm họa nhân đạo tồi tệ có thể xảy ra tại 4 nước châu Phi đang bị nạn đói hoành hành là Nigeria, Somalia, Nam Sudan và Yemen, 4,4 tỷ USD là con số mà Liên hợp quốc cần để hỗ trợ khẩn cấp những quốc gia này.

Phát biểu với báo giới ngày 22-02, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông A. Guterres nhấn mạnh, hiện có khoảng 20 triệu người dân tại các nước trên đang đối mặt với nguy cơ chết đói. Để tránh tấn thảm kịch này, Liên hợp quốc cần huy động khẩn cấp khoản hỗ trợ 4,4 tỷ USD trong khoảng thời gian từ nay tới cuối tháng 3-2017. Một thực trạng đáng lo ngại là đến nay, tổ chức đa phương này mới chỉ quyên góp được 90 triệu USD cho quỹ toàn cầu ứng phó với 4 báo động nạn đói đồng thời tại các nước trên - điều chưa từng xảy ra trong nhiều thập niên gần đây. Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Chương trình Lương thực thực thế giới (WFP) đồng công bố, cho biết nạn đói đã trở thành một thực tế bi thảm tại nhiều nơi ở châu Phi và những mối lo sợ nhất của các tổ chức nhân đạo đã trở thành hiện thực. Nhiều gia đình không còn bất kỳ phương tiện nào để sinh nhai. Cả ba cơ quan của Liên hợp quốc cùng đưa ra cảnh báo rằng, cần phải hành động khẩn trương để ngăn chặn có thêm người chết vì đói. UNICEF cảnh báo tình trạng đói kém tại Nigeria, Somalia, Nam Sudan và Yemen có thể cướp đi sinh mạng của gần 1,4 triệu trẻ em đang bị suy dinh dưỡng. Hiện trong 4 nước nói trên, Yemen là quốc gia có số lượng trẻ suy dinh dưỡng nghiêm trọng cao nhất (462.000 trẻ), tiếp theo là Nigeria (450.000 trẻ), Nam Sudan (270.000 trẻ) và Somalia (185.000 trẻ).

Cũng theo báo cáo của FAO, trong 30 năm qua, thế giới đã có những tiến bộ về việc giảm đói toàn cầu, tuy nhiên, tốc độ sản xuất lương thực như hiện nay không thể đáp ứng tốc độ gia tăng dân số, dự kiến sẽ đạt tới 10 tỷ người vào năm 2050. Nếu tình hình trên không được cải thiện, FAO cho rằng, đến năm 2030 sẽ có hơn 650 triệu người (khoảng 8% dân số thế giới) có thể bị suy dinh dưỡng, cho dù tỷ lệ thiếu đói toàn cầu có thể giảm. Để cung cấp lương thực bền vững cho thế giới, đòi hỏi những thay đổi lớn đối với các hệ thống sản xuất thực phẩm hiện nay. Vấn đề tăng sản lượng cần phải đi kèm với việc chống lãng phí thực phẩm và những hao hụt trong quá trình chế biến.

Liên quan tới tình trạng nghèo đói cùng cực ở châu lục này, ngày 20-02, Liên hợp quốc cũng đã chính thức công bố nạn đói tại Nam Sudan cùng với báo động rằng, chiến tranh và nền kinh tế sụp đổ đã khiến 100.000 người dân nước này rơi vào cảnh chết đói và hơn 10 triệu người khác bị xếp vào loại bên bờ vực nghèo đói. Theo đó, ngày 22-02, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí gói viện trợ trị giá 170 triệu bảng Anh (khoảng 212,5 triệu USD) trong năm 2017, nhằm cứu khoảng 40% dân số Nam Sudan. Trong đó, Anh sẽ chi 125 triệu USD và phần còn lại do EU đảm trách. Mỹ hiện là nước viện trợ nhân đạo lớn nhất cho Nam Sudan, với tổng số tiền là 2,12 tỷ USD kể từ năm 2014 đến nay.

Thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh và chiến tranh kéo dài đã khiến tình trạng nghèo đói ở khu vực châu Phi ngày càng nghiêm trọng hơn. Theo Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFDA), thế giới cần phải khẩn trương hành động để có thể huy động được khoảng 265 tỷ USD mỗi năm - số tiền cần thiết để đạt được hai mục tiêu phát triển bền vững đầu tiên nhằm hướng tới chấm dứt nghèo đói vào năm 2030.

Bầu cử Tổng thống Pháp: 5 ứng cử viên hàng đầu sẽ tranh luận trực tiếp trên truyền hình

 
 Năm ứng cử viên dẫn đầu các cuộc thăm dò trong cuộc đua vào Điện Élysée. Ảnh: TTXVN

Tại Pháp, 5 ứng cử viên dẫn đầu các cuộc thăm dò trong cuộc đua vào Điện Élysée sẽ tranh luận trực tiếp trên Kênh truyền hình tư nhân Pháp TF1 vào ngày 20-3 tới. Các ứng cử viên này gồm: cựu Thủ tướng François Fillon - đại diện cánh hữu; cựu Bộ trưởng Giáo dục Benoît Hamon - đại diện cánh tả; bà Marine Le Pen - Chủ tịch đảng cực hữu “Mặt trận Quốc gia”; ứng cử viên trung dung - cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron và nhà lãnh đạo phong trào cực tả “Nước Pháp bất khuất” Jean-Luc Mélenchon.

TF1 cho biết, hình thức cuộc tranh luận sẽ khác với các cuộc tranh luận trong khuôn khổ vòng bầu cử sơ bộ của cánh hữu và cánh tả diễn ra trước đây. Trong khi đó, Kênh truyền hình quốc gia Pháp France Télévisions sẽ tổ chức tranh luận vào ngày 20-4, 3 ngày trước bầu cử tổng thống vòng 1. Điều này cho thấy, không chỉ các ứng cử viên tổng thống tăng tốc trong cuộc đua, mà các kênh truyền hình cũng cạnh tranh nhau tổ chức các sự kiện quan trọng, nhằm thu hút sự quan tâm của cử tri.

Theo Luật Hiện đại hóa các cuộc bầu cử được thông qua tháng 4-2016, cùng các hướng dẫn cụ thể của Hội đồng cấp cao Pháp về nghe nhìn (CSA), trong hai tuần cuối trước bầu cử, quy định về “bình đẳng” thời gian phát biểu cho các ứng cử viên không còn hiệu lực, mà các kênh truyền hình có thể dành nhiều thời gian hơn cho ứng cử viên “nặng ký” để họ có thêm cơ hội thuyết phục cử tri về chương trình tranh cử của mình. Thời gian phát biểu sẽ tỷ lệ với “ảnh hưởng và sức nặng chính trị” mà ứng cử viên đó có được, thể hiện qua các cuộc khảo sát và thăm dò.

Tới thời điểm hiện nay, theo kết quả cuộc thăm dò do hãng Kantar Sofres Onepoint tiến hành cho báo Le Figaro và các kênh truyền hình RTL và LCI công bố ngày 26-02 cho biết, hai ứng cử viên Marine Le Pen và Emmanuel Macron sẽ vượt lên dẫn đầu ở vòng 1 với tỷ lệ ủng hộ là 27% (tăng 2 điểm so với cuộc thăm dò hồi tháng 01) và 25% (tăng 4 điểm). Với việc mất 2 điểm, ứng cử viên cánh hữu - cựu Thủ tướng François Fillon chỉ nhận được 20% tỷ lệ ủng hộ, đứng ở vị trí thứ ba. Điều này đồng nghĩa với việc ông bị loại khỏi cuộc đua. Nếu điều này trở thành sự thật thì đây là lần đầu tiên trong lịch sử, cả hai ứng cử viên của đảng “Những người Cộng hòa” (LR) đại diện cho cánh hữu, cũng như ứng cử viên của đảng “Xã hội” (PS) đại diện cho cánh tả đều vắng mặt ở vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống. Hai ứng cử viên của cánh tả là cựu Bộ trưởng Giáo dục Benoît Hamon và ứng cử viên theo đường lối cực tả Jean-Luc Melenchon chỉ nhận được tỷ lệ ủng hộ tương ứng là 14% và 10%./.