TCCSĐT - Từ ngày 18 đến 19-02-2017, tại Phú Yên, Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, Đại học Văn hóa Quốc gia Mát-xcơ-va; Đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng năng lượng sinh học (Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) tổ chức Hội thảo quốc tế “Văn hóa với du lịch trong thế giới hội nhập”.
Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên; Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Hoàng Văn Trà, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Phú Yên; Ngài K.V. V-nu-cốp (Konstantin V. Vnukov), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa liên bang Nga tại Việt Nam, cùng các đại diện đến từ Đại học Văn hóa Quốc gia Mát-xcơ-va, Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng năng lượng sinh học (Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam), các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa, du lịch của 15 quốc gia và đại diện các tỉnh, thành phố trong cả nước, các doanh nghiệp du lịch cùng các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS,TS. Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông khẳng định, văn hóa là nền tảng, động lực đưa du lịch của phát triển lên tầm cao, trở thành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển bền vững ngành “công nghiệp không khói”. Văn hóa là nơi thể hiện rõ nhất tinh thần dân tộc, bản sắc dân tộc, đồng thời cũng là nơi thể hiện ý thức và những phương thức tiếp nhận những giá trị của các dân tộc khác theo tinh thần cùng tham dự và cùng chia sẻ. UNESCO xác định văn hóa là cội nguồn trực tiếp của phát triển xã hội, là trung tâm đóng vai trò điều tiết xã hội. Chính vì vậy, nghiên cứu văn hóa, văn minh là nghiên cứu mặt động của trí tuệ, của tâm thức con người. Đảng và Nhà nước ta luôn coi tầm quan trọng của văn hóa, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI xác định rõ xây dựng văn hóa phải lấy xây dựng phát triển con người có nhân cách, đạo đức, có lối sống tốt đẹp làm trọng tâm,…; xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Du lịch là một dạng nghỉ dưỡng, tham quan tích cực của con người ở ngoài nơi cư trú với mục đích nghỉ ngơi, giải trí, xem danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, nghệ thuật… Du lịch là một ngành kinh doanh tổng hợp có hiệu quả cao về nhiều mặt, nâng cao hiểu biết về thiên nhiên, truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc, từ đó góp phần làm tăng thêm tình yêu đất nước, đối với người nước ngoài là tình hữu nghị với dân tộc mình. Về mặt kinh tế, du lịch là lĩnh vực kinh doanh mang lại hiệu quả rất lớn, có thể coi là hình thức xuất khẩu hàng hóa và lao động dịch vụ tại chỗ. Nghị quyết 08/NQ/TW ngày 16-01-2017 của Bộ Chính trị về “phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” xác định, du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc, có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh, quốc phòng.

Trong du lịch có văn hóa, văn hóa hòa lẫn trong du lịch từ kiến trúc, mỹ thuật, cảnh quan đến các sản phẩm du lịch tham quan ăn, nghỉ, các dịch vụ và con người làm du lịch… Nơi nào, cơ sở du lịch nào biết coi trọng giá trị văn hóa trong các sản phẩm du lịch, nâng cao nhân cách của nhân viên thì cơ sở đó sẽ thu hút được đông đảo khách du lịch và để lại dấu ấn bền vững. Ngày nay trên toàn cầu, lượng khách du lịch hằng năm là 1,2 tỷ người, tăng gấp rưỡi trong vòng 10 năm (năm 2008, con số này mới là 800 triệu) và xu hướng này có gia tăng. Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) thì 60% trong số đó là khách du lịch văn hóa. Sức hấp dẫn du khách là bản sắc văn hóa, trình độ văn hóa của những nhà tổ chức du lịch chuyên nghiệp, ứng xử văn hóa của con người với con người, của con người đối với tự nhiên, đối với xã hội ở điểm đến du lịch, thể hiện chiều sâu tâm hồn, nhân cách của con người.

Nhìn từ tư duy của thời kỳ hội nhập, khi thế giới đang trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì văn hóa không chỉ là bản sắc của dân tộc mà còn là một ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận vật chất và tinh thần cho đất nước, là động lực góp phần phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Nga tại Việt Nam, Ngài K.V. V-nu-cốp nhấn mạnh, ngày nay du lịch không chỉ là một trong những loại hình nghỉ dưỡng phổ biến nhất, mà còn là một ngành quan trọng của nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới (kết quả của các tiến trình liên kết quốc tế và khu vực); đồng thời khẳng định, trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những bước đi quan trọng nhằm phát triển lĩnh vực du lịch, kết cấu hạ tầng được xây dựng và củng cố, chất lượng dịch vụ được nâng cao, đưa vào áp dụng những quy tắc thuận tiện nhất cho những khách du lịch (như thị thực điện tử). Nhờ thế, năm 2016 Việt Nam đã đón một số lượng du khách nước ngoài lớn nhất trong lịch sử - hơn 10 triệu người.

Đại sứ Nga K.V. V-nu-cốp bày tỏ sự vui mừng khi số lượng du khách Nga đến Việt Nam ngày càng tăng (vươn lên vị trí thứ sáu trong tổng số khách du lịch đến Việt Nam) và có những phản hồi tích cực về các điểm đến trên đất nước hình chữ S. Ngài Đại sứ cũng tin tưởng và bày tỏ mong muốn được thúc đẩy sự liên kết, hợp tác phát triển du lịch văn hóa giữa hai nước Việt - Nga trong tương lai.

Hơn 50 tham luận được gửi tới ban tổ chức và 24 ý kiến phát biểu tại hội thảo, với nhiều cách nhìn từ nhiều góc độ đã làm rõ các khía cạnh, nội dung của văn hóa và du lịch, nhấn mạnh mối quan hệ gắn bó mật thiết hữu cơ không thể tách rời của văn hóa và du lịch trong thế giới hội nhập. Văn hóa và du lịch có mối liên hệ biện chứng với nhau, cùng tồn tại và hỗ trợ, tương tác nhau để phát triển. Phát triển du lịch phải dựa trên giá trị đặc sắc văn hóa của mỗi vùng miền, mỗi quốc gia dân tộc và ngược lại vốn văn hóa độc đáo đó là tài nguyên, là sản phẩm của du lịch. Du lịch không gắn với di sản văn hóa là du lịch nghèo nàn và văn hóa không được phát huy trong hoạt động du lịch sẽ làm giảm sức sống của văn hóa. Du lịch là ngành kinh tế - văn hóa. Nếu du lịch có hàm lượng văn hóa cao thì vừa mang giá trị kinh tế vừa bảo đảm phát triển bền vững.

Các tham luận tại Hội thảo cũng đề cập đến hiện trạng, xu hướng, giải pháp phát triển du lịch văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới, trong đó nhấn mạnh về công tác quy hoạch không gian du lịch văn hóa (một hoạt động đòi hỏi cần có sự kết hợp của khoa học và nghệ thuật, có sự kết hợp giữa nhà lãnh đạo, quản lý, nhà văn hóa với tư duy khoa học, tầm nhìn chiến lược và cả người nghệ sĩ với tư duy sáng tạo); các chính sách thúc đẩy du lịch phát triển bền vững; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch - văn hóa có tính cạnh tranh cao để thu hút khách du lịch; tạo dựng thương hiệu du lịch; giải pháp đào tạo nhân lực làm du lịch văn hóa; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch văn hóa với các nước trên thế giới; giới thiệu tiềm năng du lịch văn hóa của Việt Nam nói chung và của tỉnh Phú Yên - một điểm đến đầy triển vọng của du lịch Việt Nam... Sau Hội thảo, những nội dung trọng tâm đã được bàn luận sẽ được chắt lọc và xã hội hóa, nhất là những giải pháp mang tính đột phá, góp phần phát triển văn hóa và du lịch Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.