Thị thực điện tử - Bước ngoặt thu hút khách quốc tế đến Việt Nam
Từ ngày 01-02, Việt Nam chính thức bắt đầu tiến hành thí điểm cấp thị thực điện tử (e-visa) cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trong hai năm (2017 - 2018).
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu khẳng định triển khai thị thực điện tử được coi là dấu ấn mới về chính sách của năm 2017, là bước ngoặt trong việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Chính sách này tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khi thực hiện thủ tục thị thực nhanh gọn, thuận tiện và thoải mái nhất.
Nhanh chóng và tiện lợi
Chính phủ đã ban hành Nghị định 07/2017/NĐ-CP trong đó Quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Theo đó, từ ngày 01-02, người nước ngoài là công dân của 40 quốc gia đến Việt Nam có thể xin cấp thị thực điện tử bằng cách truy cập trang thông tin cấp thị thực điện tử để khai thông tin đề nghị cấp, tải ảnh và trang nhân thân hộ chiếu theo mẫu.
Trong thời gian ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ thông tin đề nghị cấp thị thực điện tử và phí cấp thị thực, Cục Quản lý xuất nhập cảnh sẽ xem xét, giải quyết và trả lời cho người đề nghị cấp thị thực điện tử tại trang thông tin cấp thị thực điện tử.
Nghị định cũng quy định cụ thể danh sách 40 quốc gia có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử và danh sách 28 cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử...
Tổng cục Du lịch cho biết, thị thực điện tử sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khi muốn nhập cảnh vào Việt Nam. Với thị thực điện tử, khách quốc tế không cần phải có thư mời bảo lãnh từ Việt Nam như quy định trước đây.
Tất cả các du khách quốc tế, có hộ chiếu hợp pháp từ 40 nước trong danh mục ban hành kèm theo đều có thể đăng ký làm visa trực tiếp qua mạng. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Việt Nam có thể trực tiếp cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam mà không cần thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài như trước.
Điều này giúp giảm bớt các thủ tục, các khâu trung gian, thời gian cũng như tạo ra sự minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho những người muốn đến tham quan, tìm hiểu các cơ hội hợp tác kinh tế tại Việt Nam.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, những nút thắt cơ bản trong thủ tục thị thực của Việt Nam đã được gỡ bỏ, du khách có thể dễ dàng đến Việt Nam với chính sách mới này.
Tổng cục Du lịch sẽ truyền thông nhanh chóng về chính sách này đến với các đối tác quốc tế, các thị trường khách quốc tế của du lịch Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp du lịch cũng khẳng định Việt Nam áp dụng thị thực điện tử là một bước tiến quan trọng trong tiến trình thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Xu hướng phổ biến trên toàn thế giới
E-visa là viết tắt của từ electronic visa (thị thực điện tử). Đây là giấy phép hợp pháp cho phép người nước ngoài vào cửa khẩu và du lịch trong một nước. Hiện e-visa là hình thức mới nhất của thị thực.
Trên thế giới, Australia là nước đầu tiên áp dụng thị thực điện tử từ năm 1996. Hệ thống này đã phát huy vai trò quan trọng trong việc kiểm soát an ninh trước tình trạng gia tăng khách du lịch đột biến trong dịp diễn ra Thế vận hội Olympic Sydney năm 2000.
Sau thành công của Australia, thị thực điện tử tiếp tục được ứng dụng tại nhiều nước trên thế giới. Ấn Độ là nước ứng dụng rất tốt thị thực điện tử. Từ khi áp dụng vào tháng 11-2014, Bộ Du lịch nước này đã công bố lượng khách đăng ký e-visa tăng gấp 10 lần so với trước khi áp dụng thị thực điện tử. Tính đến nay, Ấn Độ đã thực hiện thị thực điện tử cho 150 quốc gia trên thế giới.
Theo nghiên cứu của Tổng cục Du lịch, thị thực điện tử là xu hướng toàn cầu nhằm đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh giữa các quốc gia, đảm bảo an ninh, an toàn, minh bạch thông tin và tài chính, dễ dàng quản lý và tạo điều kiện nhập cảnh thuận lợi cho khách du lịch.
Thị thực điện tử đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết hồ sơ đăng ký thị thực cho số lượng lớn khách du lịch trong thời gian ngắn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tiếp cận điểm đến, đồng thời tạo nguồn lực hỗ trợ ngành du lịch triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch đối với các thị trường trọng điểm.
Với mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu thế chung của toàn thế giới. Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch (ngày 09-8-2016 tại Hội An), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo áp dụng thị thực điện tử. Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã đề cập đến việc nới lỏng gia hạn chính sách miễn thị thực cho một số thị trường du lịch trọng điểm.
Tích cực quảng bá, nâng cao năng lực cạnh tranh
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay những người làm du lịch cả nước rất đồng tình, hoan nghênh đánh giá cao cố gắng của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao trong việc thực hiện visa điện tử.
Tuy vậy, theo ông Vũ Thế Bình, việc sử dụng visa điện tử không thay thế cho việc tiếp tục “mở cửa,” miễn visa cho các thị trường trọng điểm. Việt Nam vẫn cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về visa, tiếp tục nới rộng việc miễn visa cho các nước là thị trường trọng điểm, giúp Việt Nam hội nhập hiệu quả.
Ông Vũ Thế Bình cũng khẳng định thực hiện visa điện tử là một bước tiến nhưng cũng chưa thể giúp du lịch Việt Nam cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Ngay cả khi áp dụng visa điện tử thì mức độ cạnh tranh và thuận lợi của ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa thể so được với những quốc gia đã “mở toang” cửa để đón khách trước nước ta từ rất lâu. Để du lịch phát triển, vẫn phải còn nhiều việc cùng phải làm. Đó là cần có nhiều chính sách, giải pháp khác như miễn visa, tăng cường xúc tiến quảng bá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho hay hầu hết các quốc gia trên thế giới đều sử dụng e-visa, tạo điều kiện cho e-visa như một công cụ, một chính sách quan trọng đầu tiên để thu hút và tăng trưởng số lượng khách quốc tế.
Thực tế cho thấy năng lực cạnh tranh ngành du lịch Việt Nam mới xếp hạng 75/141, còn kém các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore. Về mức độ mở cửa với quốc tế, Việt Nam xếp hạng 89, trong đó yêu cầu về thị thực xếp hạng 119, chỉ hơn Myanmar (hạng 132).
Các nước là điểm đến cạnh tranh với du lịch Việt Nam có chính sách thị thực nhập cảnh rất thông thoáng, chính sách thị thực càng đơn giản, khả năng thu hút khách du lịch càng cao. Thái Lan miễn thị thực cho công dân 61 nước và vùng lãnh thổ; con số này ở Malaysia là 155, Singapore là 158, Indonesia là 169… Các nước cũng đều có chính sách cấp thị thực tại cửa khẩu và e-visa rất thuận lợi.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, năm 2017, du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng đi vào chiều sâu. Bên cạnh đó, ngành dần hướng tới hoàn thiện thể chế, thống nhất thông điệp của du lịch Việt Nam chuyển tải tới du khách trong nước và quốc tế, phấn đấu mỗi thị trường sẽ có một thông điệp riêng phù hợp.
Đặc biệt, APEC 2017 sẽ diễn ra tại Việt Nam với nhiều hoạt động, sự kiện. Đây là cơ hội lớn để du lịch Việt Nam quảng bá thương hiệu và khẳng định vị thế. Ngành du lịch sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị bàn tròn chính sách cao cấp về du lịch bền vững; xây dựng và tổ chức các chương trình tham quan du lịch phục vụ đại biểu; thiết kế không gian văn hóa; sản xuất các ấn phẩm quảng bá gửi tới các đại biểu; triển khai quầy thông tin du lịch tại các sân bay quốc tế và các địa điểm tổ chức các hoạt động của Năm APEC./.
Tự chủ đại học - Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo  (30/01/2017)
Xây dựng nông thôn mới: Tập trung bảo đảm các tiêu chí “mềm”  (30/01/2017)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 23 đến ngày 29-01-2017)  (30/01/2017)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển