Davos 2017: Đề cao “lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm”

Tuấn Phương (tổng hợp)
21:42, ngày 27-01-2017

TCCSĐT - Diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức ngày càng đa dạng và phức tạp, Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), còn gọi là Diễn đàn Davos, tổ chức vào trung tuần tháng 01-2017 ở Thụy Sỹ, được coi là sự kiện quốc tế có ý nghĩa lớn, góp phần đề ra những giải pháp bền vững giải quyết các vấn đề toàn cầu.

 

Davos 2017: hơn 400 phiên thảo luận, 3000 nhà lãnh đạo tham dự. Ảnh: weforum.org

Là diễn đàn toàn cầu uy tín bàn luận về những vấn đề kinh tế - phát triển và thời sự thế giới, Diễn đàn Davos 2017, diễn ra từ ngày 17 đến ngày 21-01 (theo giờ Việt Nam) tập trung vào chủ đề “Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm” nhằm đề cao vai trò quản trị toàn cầu trong việc đối phó với những thách thức trong thời kỳ mới. Thực tế cho thấy, trong vài năm trở lại đây, thế giới đã chứng kiến nhiều xu hướng tiêu cực, như bất bình đẳng kinh tế, phân cực xã hội và những hiểm họa môi trường khó lường, gây ảnh hưởng đến đời sống và kinh tế người dân, tác động tới sự gắn kết xã hội và uy tín của các nhà hoạch định chính sách.

Trong bối cảnh như vậy, Diễn đàn Davos năm nay thu hút sự tham gia của đông đảo lãnh đạo của các nước lớn, như Đức, Trung Quốc, Nhật Bản…, các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)..., cùng các tập đoàn, doanh nghiệp, học giả hàng đầu nhằm mở rộng thảo luận những vấn đề nổi cộm và thời sự toàn cầu, từ quản lý đến kinh tế và chính trị, xã hội. Nâng cao quản trị toàn cầu, ứng phó với các bất ổn an ninh và khủng hoảng, thúc đẩy phát triển kinh tế thế giới, phát triển các hệ thống công nghiệp và mô hình kinh doanh mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư... là những chủ đề nổi bật tại hơn 400 phiên thảo luận của Diễn đàn. Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng thảo luận về việc triển khai các sáng kiến của WEF trong các lĩnh vực tiêu dùng, kinh tế và xã hội số, năng lượng tài nguyên - môi trường, hệ thống tài chính - tiền tệ, an ninh lương thực và nông nghiệp, y tế, đầu tư và thương mại quốc tế...

Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư - cơ hội cùng thách thức

Năm 2016, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã là chủ đề chính tại Davos 2016. Khi đó, Chủ tịch WEF K. Schwab nêu rõ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, vốn tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới. Theo ông K. Schwab, tốc độ, quy mô và bản chất của cuộc cách mạng có khả năng làm thay đổi tất cả các lĩnh vực của đời sống con người. Do vậy, mục tiêu của Davos 2016 là xây dựng một nhận thức chung đối với những thay đổi nhanh chóng như trên, vốn là chìa khóa để định hình tương lai.

Tuy nhiên, đến Davos 2017, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được đánh giá là một thách thức lớn đối với thế giới hiện nay, do vấn đề “xã hội không tiến kịp sự phát triển của công nghệ”. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vốn là chủ đề chính của Diễn đàn Davos năm 2016, dù tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới, song cũng tiềm ẩn các mối đe dọa lớn, trong đó có mối đe dọa về việc làm khiến khoảng 5 triệu việc làm trên toàn thế giới có thể biến mất trong vòng 5 năm tới khi trong các nhà máy và trong tất cả các lĩnh vực, máy móc đang dần thay thế con người. Trong số 12 công nghệ mới nổi, theo các chuyên gia, trí thông minh nhân tạo và robot có nguy cơ mang lại những hậu quả tiêu cực đối với việc làm và sự ổn định của xã hội. Chính vì vậy, đào tạo, bảo vệ quyền riêng tư của con người, nâng cấp các kỹ năng và chuyên môn là những việc làm cần thiết. Và để đối đầu với thời đại của máy móc, chính con người cần phải được nâng cấp hơn cả.

Châu Âu cần “tin tưởng” vào tương lai

Trong bối cảnh châu Âu chưa tìm được một giải pháp bền vững cho vấn đề việc làm và tăng trưởng kinh tế, cuộc khủng hoảng di cư cộng với những vụ tấn công khủng bố đẫm máu gần đây đã đẩy Lục địa già tới tình trạng chia rẽ sâu sắc. Do đó, chủ đề “tự tin” vào tương lai của châu Âu đã xuyên suốt từ Davos 2016 đến hiện tại.

Bức tranh “khủng hoảng” châu Âu được đưa ra tại Davos 2016 là một khu vực đối mặt với hơn một triệu người di cư tới châu Âu trong năm 2015 và chỉ trong nửa đầu tháng 01-2016, số người di cư đến châu Âu bằng đường biển cao gấp 10 lần so với cả tháng 01-2015. Các quốc gia châu Âu đã phải vật lộn để đạt được một thỏa thuận nhằm ứng phó tốt nhất cho cuộc khủng hoảng được coi là lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tại Davos 2016, Chủ tịch Ủy ban Cứu hộ quốc tế D. Miliband cho rằng, năm 2015 là năm thử nghiệm lớn nhất cho năng lực quản lý khủng hoảng của châu Âu và năm 2016 đã trở nên khó khăn hơn nhiều. Trong khi đó, tỷ phú Mỹ G. Soros cảnh báo, EU “đang tan rã” thể hiện qua sự hoảng loạn trong chính sách tiếp nhận người di cư và số lượng người tị nạn đã vượt qua giới hạn mà các nước thành viên EU có thể tiếp nhận. Cuộc khủng hoảng người di cư cho thấy Hiệp định Schengen (miễn thị thực giữa các nước thành viên EU) đang dần mất hiệu lực. Có nước thành viên EU thì tạm ngừng thực thi hiệp ước Schengen, một số nước siết chặt đường biên giới nhằm kiểm soát người nhập cảnh vì lo ngại các nguy cơ mất an ninh do dòng người di cư ồ ạt.

Đến Davos 2017, trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại về sự rạn nứt khối, đặc biệt khi Anh quyết định rời EU (hay còn gọi là Brexit) trong khi những thách thức khác về vấn đề an ninh và người di cư tiếp tục gây mất đoàn kết trong khối, thông điệp EU cần “tin tưởng bản thân mình” đã được đưa ra trong Diễn đàn. Ngoại trưởng Mỹ J. Kerry cho rằng, EU cần ghi nhớ những lý do vì sao hình thành nên liên minh này cách đây gần 70 năm, sau Chiến tranh thế giới thứ hai; đồng thời, khẳng định không một khu vực và quốc gia nào trên thế giới lớn mạnh như EU. Vì vậy, EU hơn bao giờ hết phải đứng vững và “tự tin”, nhất là khi năm 2017 được dự báo không mấy suôn sẻ đối với chính trường của một số quốc gia chủ chốt của khu vực. Năm 2017, EU đứng trước thử thách lớn từ các cuộc bầu cử quan trọng tại Hà Lan, Pháp, Đức và Italia. Các cuộc chạy đua ở những nước này đang chứng kiến sự nổi lên của các chính khách và các đảng phái có tư tưởng hoài nghi châu Âu, phản đối hội nhập và muốn tổ chức trưng cầu dân ý rời khỏi EU. Việc đại diện đảng phái nào sẽ trở thành Tổng thống, Thủ tướng ở những nước này sẽ quyết định diện mạo của châu Âu thời gian tới. Chưa kể, bất bình đẳng trong thu nhập, khoảng cách giàu nghèo gia tăng cũng sẽ là một yếu tố tác động đến quyết định của cử tri.

Hố sâu phân cách giàu - nghèo ngày càng lớn

Kinh tế thế giới đã phục hồi sau thời gian dài suy thoái nhưng tăng trưởng còn chậm và mong manh. Bất ổn an ninh và nguy cơ khủng bố ngày càng hiện hữu và đe dọa mọi quốc gia. Đặc biệt, bất bình đẳng giàu - nghèo, vấn đề nóng hổi từ Diễn đàn Davos năm 2016, vẫn tiếp tục là thách thức toàn cầu khi nhóm 1% người giàu nhất thế giới hiện sở hữu khối tài sản có giá trị lớn hơn số tài sản của nhóm còn lại. Giới chuyên gia từng đưa ra khái niệm “Nền kinh tế của 1%”, bởi nhóm 62 người siêu giàu đang sở hữu khối tài sản tương đương với toàn bộ tài sản của nhóm 3,5 tỷ người (50% dân số thế giới) nghèo nhất. Tính từ năm 2010, tài sản của nhóm 62 người này tăng 44%, trong khi tài sản của nhóm còn lại giảm 41%. Điều này cho thấy, dù các nhà lãnh đạo trên thế giới đang ngày càng chú ý tới vấn đề bất bình đẳng thu nhập thì khoảng cách thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nhóm còn lại vẫn gia tăng một cách đáng kể. Nhất là khi Tổ chức vận động chống đói nghèo quốc tế Oxfam ngày 16-01 công bố báo cáo mới nhất cho biết, hiện 8 cá nhân đang sở hữu khối tài sản bằng tổng tài sản của một nửa dân số thế giới, bằng chứng rõ ràng cho thấy mức độ bất bình đẳng quá lớn về thu nhập đang kéo theo nguy cơ gây chia rẽ xã hội.

Báo cáo có tiêu đề “Nền kinh tế của 99%”, được đưa ra trước thời điểm khai mạc Davos 2017, theo đó, tổng tài sản của 3,6 tỷ người nghèo nhất thế giới chỉ tương đương với tổng giá trị tài sản ròng của 8 người gồm 6 công dân Mỹ, một doanh nhân Tây Ban Nha và một doanh nhân đến từ Mexico. Trong số này có những tỷ phú như Bill Gates - nhà sáng lập Tập đoàn Công nghệ danh tiếng Microsoft, Mark Zuckerberg - ông chủ trang mạng xã hội “đình đám” Facebook và Jeff Bezos, nhà sáng lập trang bán hàng trực tuyến Amazon. Ước tính, giá trị tài sản của nhóm người giàu nhất này tăng trung bình 11% mỗi năm kể từ 2009. Theo Oxfam, kết quả thống kê mới đã được điều chỉnh so với báo cáo năm 2016 do tính tới lượng tài sản từ các nước như Ấn Độ và Trung Quốc. Trong báo cáo năm 2016 mang tên “Nền kinh tế của 1%”, Oxfam cho biết, tổng tài sản của 3,6 tỷ người nghèo trên thế giới cộng lại bằng lượng tài sản của 62 người giàu nhất. Tuy nhiên, theo cách tính toán mới của Oxfam, con số của năm 2016 là 9 người giàu nhất và 3,6 tỷ người nghèo nhất, còn năm 2017, con số này là 8 và 3,6 tỷ.

Phát biểu ngày 18-01 tại Davos 2017, Tổng Giám đốc IMF C. Lagarde thừa nhận rằng, IMF đã chậm ý thức về những nguy cơ tiềm ẩn từ bất bình đẳng thu nhập trên phạm vi toàn thế giới và hiện là thời điểm thích hợp để các chuyên gia đi tìm câu trả lời cho vấn đề này. Bà C. Lagarde cho biết, từng có nhiều ý kiến phản đối các chuyên gia kinh tế cho rằng, họ thực sự không cần lo lắng về các vấn đề này, nhất là trong nội bộ IMF. Tuy nhiên, giờ đây, thể chế tài chính đa phương lớn nhất toàn cầu này đã thay đổi và quan tâm hơn đến khoảng cách giàu nghèo, nghiên cứu và đưa ra các chính sách để đối phó.

Tạo dựng được sức hấp dẫn không ngừng trong bối cảnh thế giới hiện nay

Diễn đàn Davos 2017 được kỳ vọng là nơi để các nhà lãnh đạo trên thế giới phối hợp tìm ra các hình thức quản lý quốc gia, quản trị khu vực và quản trị toàn cầu linh hoạt hơn, nhanh chóng thích ứng với mọi thay đổi và ứng phó được với những thách thức toàn cầu. Chính vì vậy, để tiếp tục tạo dựng sức hấp dẫn của Diễn đàn, Davos 2017 đã đưa ra những thỏa thuận hiệu quả, như:

Một quỹ mới được hỗ trợ bởi chính phủ Na Uy đã được khởi động, tăng thêm 400 triệu USD cho các quỹ bảo vệ 5.000.000 ha rừng ở các nước trong chiến dịch giảm nạn phá rừng và suy thoái rừng. Các quỹ này có thể tài trợ 1,6 tỷ USD trong đầu tư nông nghiệp chống phá rừng, cũng như tạo thêm việc làm và góp phần vào tăng trưởng kinh tế.

Liên minh sáng chế chuẩn bị ứng phó sẵn sàng với dịch bệnh (CEPI) chính thức được đưa ra tại Diễn đàn với mục đích nhanh chóng phản ứng với dịch bệnh bằng cách tạo ra vaccine có thể được phân phát một cách nhanh chóng khi một ổ dịch bệnh xảy ra.

Thành lập diễn đàn hợp tác với trường Đại học Viện Khoa học biển California Santa Barbara để xây dựng một liên kết bảo vệ các đại dương trên thế giới và nguồn tài nguyên biển trên nền tảng một quỹ chung toàn cầu mang tên Quỹ Động vật hoang dã thế giới trị giá 2,5 nghìn tỷ USD.

Diễn đàn đã thúc đẩy sự hợp tác công - tư nhằm xây dựng một chuỗi sản xuất cung ứng năng lượng pin. Thị trường pin lithium-ion dự kiến sẽ có giá trị 70 tỷ USD năm 2024, bên cạnh giải quyết các vấn đề liên quan như mối nguy hiểm đối với lao động trẻ em, sức khỏe và an toàn cho người lao động, tác động môi trường và vòng đời bền vững,…

“Sáng kiến nền kinh tế nhựa mới” vì môi trường. Bốn mươi trong số những công ty hàng đầu thế giới tham dự Davos 2017 nhất trí đưa ra những cách thức sản xuất và tiêu thụ nhựa an toàn hơn đối với môi trường, trong bối cảnh rác thải nhựa đang đe dọa hệ sinh thái toàn cầu, đặc biệt là các đại dương. Davos 2017 đưa ra nhận thức, nếu không có hành động khẩn cấp, đến năm 2050, các đại dương bị ô nhiễm nặng nề của Trái đất sẽ có nhiều rác thải nhựa hơn cả cá. Hiện khoảng 20% sản phẩm nhựa trên thế giới có thể được tái sử dụng và khoảng 50% có thể được tái chế với chi phí thấp. Tuy nhiên, nếu không có những thay đổi “căn bản” về thiết kế và sản xuất, thì 30% sản phẩm nhựa còn lại sẽ không bao giờ được tái chế, tương đương với 10 tỷ rúi rác nhựa một năm bị chôn vào đất, đổ ra biển hoặc thiêu hủy.

Tựu trung lại, muốn cùng giải quyết hiệu quả các vấn đề toàn cầu cần sự hợp tác giữa các quốc gia, nhất là trong việc trợ giúp sự tăng trưởng nền thương mại, kinh tế thế giới. Phát biểu tại Diễn đàn, ông Philipp Roesler, Ban điều hành WEF nói: “Chúng ta thấy chiều hướng của chủ nghĩa bảo hộ ngày càng phát triển. Chúng ta cần có lập trường vững chắc trong thương mại toàn cầu, thị trường mở, thương mại tự do và cạnh tranh công bằng. Cách tốt nhất vẫn là hợp tác toàn cầu”. Người sáng lập WEF, ông Klaus Schwab cho rằng, nền kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn các mối đe dọa lớn, trong đó có mối đe dọa về việc làm khiến khoảng 5 triệu người có thể mất việc trong vòng 5 năm tới. Vì vậy, “chúng ta cần tập trung vào việc tạo việc làm cho giới trẻ. Chúng ta phải tạo dựng lại niềm tin và tin tưởng vào tương lai”. Như vậy, Diễn đàn Davos 2017 hay các diễn đàn tiếp theo ngày càng phải chứng tỏ hoạt động hiệu quả, tin tưởng vào tương lai./.