TCCSĐT - Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 (VBF - 2016) đã khai mạc sáng 05-12 tại Hà Nội với chủ đề “Nâng cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân: Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vì sự phát triển hài hòa của kinh tế Việt Nam”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều thành viên Chính phủ đã tới dự các phiên thảo luận, có bài phát biểu trước đông đảo cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các doanh nghiệp FDI hãy đến với Việt Nam bằng khối óc và trái tim. Ảnh: baochinhphu.vn

VBF 2016 tập trung vào hai nội dung thảo luận chính là: Tăng cường liên kết giữa khu vực kinh tế tư nhân trong nước với đầu tư nước ngoài trong mọi lĩnh vực, ngành, nghề; thu hút đầu tư của khu vực tư nhân theo hướng phát triển xanh và bền vững

Bước tiến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh

Khai mạc diễn dàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, năm 2016 có thể coi là năm doanh nghiệp của Việt Nam, không chỉ đánh dấu một chặng đường vượt qua thách thức của cộng đồng doanh nghiệp, mà còn là năm cộng đồng doanh nghiệp nhận được nhiều sự quan tâm nhất của cả hệ thống chính trị và xã hội.

Theo Bộ trưởng, năm 2016, doanh nghiệp Việt Nam có bước khởi sắc, phát triển cả về số lượng và chất lượng, song đội ngũ này chưa đủ mạnh để hội nhập hiệu quả, còn thiếu doanh nghiệp mạnh đủ tầm để tham gia chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu. Nhấn mạnh vấn đề môi trường trong các dự án đầu tư là bài học không chỉ của Nhà nước mà còn là của các doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết, bảo vệ môi trường là ưu tiên của Chính phủ trong chiến lược phát triển xanh, bền vững và đề nghị các doanh nghiệp quan tâm sâu sắc vấn đề này.

Phát biểu tại Diễn đàn, các ý kiến đều đánh giá cao môi trường kinh doanh tại Việt Nam có những bước chuyển biến đột phá cũng như nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Tham luận tại diễn dàn, đại diện tổ chức tài chính quốc tế, ông Kyle F. Kelhofer, Giám đốc Khu vực Mê Kông của Tổ chức Tài chính Quốc tế đánh giá cao nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ Việt Nam trong bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giữ trần nợ công; đặc biệt là vai trò của kinh tế tư nhân trong nước đã được coi trọng hơn.

Kiến nghị tiếp tục sửa đổi mạnh mẽ về chính sách

Tại Diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch PhòngThương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước, đề nghị Chính phủ siết chặt kỷ cương thực hiện, tăng cường sự giám sát, phản biện của người dân và doanh nghiệp; chuẩn bị tích cực để có thể trình được ra Quốc hội dự luật Một luật sửa nhiều luật liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh và việc này phải được tiến hành thường xuyên vì tình hình đang thay đổi hết sức nhanh chóng. Ông Vũ Tiến Lộc kiến nghị Chính phủ xây dựng ngay Chương trình hành động hỗ trợ chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, sửa đổi những yêu cầu về thủ tục hành chính, chính sách thuế, tín dụng… không phù hợp. Khối doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi Bộ Luật Lao động hiện hành theo hướng sửa đổi các quy định về thời gian làm thêm một cách linh hoạt, điều chỉnh các chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội cho phù hợp, bảo đảm sức cạnh tranh của nền kinh tế…

Đại diện khối doanh nghiệp và nhà đầu tư Hoa Kỳ, Chủ tịch AmCham Virginia B.Foote đã gửi tới Chính phủ Việt Nam 5 vấn đề cần quan tâm cải thiện như: Khuyến khích và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân; phát triển nguồn lao động dồi dào hơn; giải quyết vấn đề an ninh mạng; thực hiện Hiệp định thuận lợi hóa thương mại (TFA); đảm bảo đi lại dễ dàng nhằm phát triển ngành du lịch và lữ hành.

Chính phủ luôn đối thoại và lắng nghe

Lắng nghe và hoan nghênh các ý kiến thảo luận, đặc biệt là chủ đề của Diễn đàn hết sức phù hợp với ưu tiên phát triển của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những nội dung trao đổi tại VBF 2016 giữa các doanh nghiệp và thành viên Chính phủ là biểu hiện sinh động cho tinh thần hợp tác của Chính phủ, luôn lắng nghe và đối thoại cởi mở thẳng thắn để cùng nhau tìm ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả nhất cho phát triển nhanh, bền vững, hài hòa của kinh tế Việt Nam.

Nêu bật thực tiễn 30 năm cải cách Đổi mới ở Việt Nam đã chứng minh một cách thuyết phục rằng, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, Thủ tướng cho biết, hiện nay, Việt Nam có gần 600 nghìn doanh nghiệp đăng ký, trong đó nhiều công ty tư nhân, cổ phần lớn trên thị trường trong nước và quốc tế. Năm 2016 là năm đầu tiên Việt Nam có hơn 100 nghìn doanh nghiệp được đăng ký thành lập trong một năm. Bình quân cứ 1 tiếng đồng có 12 doanh nghiệp ra đời.

Không quên nhắc đến vai trò của 3,5 triệu hộ kinh doanh cá thể trong cả nước - tiềm năng lớn trong mục tiêu hình thành 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 của Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt to lớn của 21 ngàn doanh nghiệp FDI với số vốn đầu tư gần 300 tỷ USD. Năm 2016 tuy có những khó khăn, biến động nhưng tổng mức đầu tư vào Việt Nam vẫn đạt trên 17 tỷ USD. Thủ tướng cho biết .

Thủ tướng nêu rõ, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020, Việt Nam xác định tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tự chủ cho nền kinh tế. Nhấn mạnh nội hàm khái niệm doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng cho biết cụm từ này bao gồm cả doanh nghiệp FDI có tư cách pháp nhân ở Việt Nam và doanh nghiệp trong nước. “Đây là định hướng lớn của Chính phủ trong hình thành cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam gắn kết, hiệu quả trong nền kinh tế quốc gia thống nhất”, Thủ tướng nói.

 
 Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: baochinhphu.vn

Nhắc lại bản Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 coi FDI là một thành phần kinh tế phát triển Việt Nam, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, chính sách pháp luật, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, phấn đấu các chỉ số cơ bản của Việt Nam về môi trường đầu tư theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới và năng lực cạnh tranh theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới đạt mức trung bình của các nước ASEAN 4.

Cũng tại Diễn đàn VBF 2016, Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chủ động, tích cực tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế thông qua đa dạng hóa các hoạt động đầu tư, trong đó chú trọng hình thức hợp tác công - tư (PPP); khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ; tăng cường hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển giữa khu vực kinh tế tư nhân trong nước và khu vực FDI trong nền kinh tế quốc gia.

Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp FDI kiên trì hợp tác đầu tư, đặt niềm tin vào các cải cách của Việt Nam, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm quản trị, có trách nhiệm với xã hội, chung tay cùng với Việt Nam bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tính bền vững của môi trường và sự trong lành của môi trường sống cho Việt Nam.

Thủ tướng truyền tải thông điệp: “Các bạn hãy đến với Việt Nam bằng khối óc (tức công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến) và trái tim (tức đề cao chuẩn mực, đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp)”. Thủ tướng bày tỏ và khẳng định, Việt Nam sẽ không đón chào những nhà đầu tư coi Việt Nam là nơi chuyển giá, là nơi để trốn trách nhiệm môi trường, đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản và giá trị cốt lõi mà nhà đầu tư đã cam kết.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tiếp thu, nghiên cứu những đề xuất, kiến nghị phù hợp của Diễn đàn để sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật liên quan trên tinh thần sửa đổi thể chế, chấn chỉnh một số việc bất cập, tồn tại kéo dài, sao cho luật pháp phải phù hợp với thông lệ quốc tế và tính thị trường. “Chính phủ sẽ nỗ lực hành động để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có thể gắn kết cùng nhau hợp tác, lớn mạnh trên sân nhà - trong nền kinh tế quốc gia Việt Nam và vươn ra thế giới thành công”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ tại Diễn đàn./.