Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 28-11 đến ngày 04-12-2016
Thừa Thiên - Huế: Thi đua thực hiện "5 hơn" trong cải cách hành chính
Thừa Thiên - Huế xác định, đẩy mạnh cải cách hành chính để thúc đẩy sự phát triển. Theo đó, các đơn vị trong tỉnh thực hiện phong trào thi đua "5 hơn" trong cải cách hành chính, đó là: Thủ tục đơn giản hơn; thái độ phục vụ thân thiện hơn; thời hạn đúng cam kết hơn; người dân hài lòng hơn; phương thức phục vụ hiện đại hơn.
Tỉnh xác định nhiệm vụ cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 là chú trọng xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông", hướng vào mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chỉ số cạnh tranh (PAPI) của tỉnh; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện hình thức liên thông trong các lĩnh vực quản lý nhà nước giữa các cơ quan cùng cấp và giữa cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; thường xuyên tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo các cấp với tổ chức, cá nhân về thủ tục hành chính nhằm nắm bắt yêu cầu, mong muốn của tổ chức, cá nhân để có những giải pháp cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công…
Tỉnh sẽ ban hành quy định hình thành các trung tâm hành chính công và phân định rõ chức năng các cơ quan nhằm tránh sự chồng chéo; gắn thủ tục hành chính với xây dựng, áp dụng và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008, tiến đến xây dựng cơ sở dữ liệu cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức công vụ của cán bộ công chức được coi là khâu then chốt trong cải cách hành chính, lấy thước đo "kỷ cương, trung thực, thạo việc" để đánh giá năng lực cán bộ.
Hiện nay, 100% các thủ tục hành chính của tỉnh đã được nâng lên thành dịch vụ công trực tuyến mức độ một, hai, ba, bốn và được cung cấp trên cổng thông tin điện tử Thừa Thiên - Huế với 1.963 dịch vụ; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến mức độ ba và bốn (nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua mạng, qua dịch vụ bưu chính). Tỉnh đổi mới phương thức hoạt động, điều hành gắn liền với hiện đại hóa công sở; hoàn thiện từng bước mục tiêu quản trị công sở tiên tiến trên cơ sở nhân rộng mô hình cơ quan hành chính kiểu mẫu hướng đến vận hành chính quyền điện tử đa cấp, liên thông tại Thừa Thiên - Huế vào năm 2018.
Thừa Thiên - Huế là địa phương xếp thứ 4/63 tỉnh, thành về chỉ số cải cách hành chính năm 2015. Đáng chú ý, tỉnh Thừa Thiên - Huế có tỷ lệ thủ tục hành chính đưa vào đưa vào thực hiện cơ chế "một cửa" đạt trên 80%. Đối với cải cách tổ chức bộ máy hành chính, từ năm 2011 đến 2015, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định thành lập, kiện toàn, đổi tên 125 đơn vị trực thuộc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế. Tỉnh cũng giải thể 3 tổ chức, sửa đổi bổ sung, quy định lại chức năng, nhiệm vụ của 12 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và tiến hành phân cấp nhiều hơn cho UBND các huyện, thị, thành phố và các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Đến năm 2015, 100% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và UBND cấp huyện có bản công bố ISO, 48 cơ quan, đơn vị xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001-2008.
Sóc Trăng kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả
Ngày 02-12, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị cải cách hành chính năm 2016 để đánh giá tình hình cải cách hành chính trên toàn tỉnh năm 2016 và đề ra giải pháp trong thời gian tới, công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2015 của tỉnh.
Trong năm 2016, công tác cải cách hành chính của tỉnh đã có kết quả nổi bật về rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện cơ chế một cửa tại 100% sở, ngành và UBND cấp huyện, xã; thực hiện liên thông “3 trong 1” trong đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi. Tổ chức thi tuyển công chức, thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh. Nhiều phần mềm được triển khai, đưa vào hoạt động có hiệu quả như: phần mềm một cửa điện tử, phần mềm quản lý đất đai, phần mềm quản lý văn bản, kế toán và quản lý tài sản; rà soát, bãi bỏ khoảng 500 thủ tục hành chính rườm rà, không phù hợp. Hiện nay, một số sở, ngành đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và mức độ 4.
Tính đến ngày 28-11-2016, toàn tỉnh đã tiếp nhận 853.793 hồ sơ thủ tục hành chính. Kết quả có 845.938/846.314 hồ sơ đã được giải quyết đúng hẹn, đạt tỷ lệ 89,39%. So với năm 2015, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trễ hẹn giảm rõ rệt; đây cũng là hiệu quả nổi bật của tỉnh trong việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông.
Theo kết quả phê duyệt của UBND tỉnh ngày 17-10-2016, chỉ số cải cách hành chính trên toàn tỉnh được công bố cho thấy: Đối với cấp tỉnh, có 14/22 sở, ban ngành có kết quả chỉ số Cải cách hành chính năm 2015 cao hơn năm 2014; trong đó Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông vận tải là 2 cơ quan có sự cải thiện chỉ số vượt bậc. Đối với cấp huyện, 7/11 đơn vị có chỉ số cải cách hành chính tăng bậc so với năm 2014, hai huyện Trần Đề và Mỹ Xuyên đã có bước đột phá, tăng 7 - 8 bậc.
Tại hội nghị, Sở Nội vụ đã công bố chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Sóc Trăng năm 2015, xếp hạng 27/63 tỉnh, thành phố trên cả nước; tiếp tục duy trì ở nhóm tốt và tăng 6 bậc so với năm 2014.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Văn Chuyện, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh, các ngành, địa phương, đơn vị phải tập trung khắc phục những hạn chế về cải cách hành chính trong giai đoạn 2011 - 2015; cắt giảm thành phần hồ sơ không cần thiết, giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; sớm cung cấp dịch vụ công trực tuyến tối thiểu mức độ 3. Đồng thời, kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tăng cường tuyên truyền cải cách hành chính và thanh, kiểm tra công vụ…
Đà Nẵng nhân rộng phần mềm quản lý nhân hộ khẩu
Thành phố Đà Nẵng đã triển khai thí điểm phần mềm quản lý nhân, hộ khẩu từ cuối năm 2014 tại phường Phước Ninh, quận Hải Châu (quận ở khu vực trung tâm của Đà Nẵng); đến tháng 7-2015, triển khai thí điểm trên toàn địa bàn quận Hải Châu và đã đạt được những kết quả khả quan. Hiện nay phần mềm quản lý nhân, hộ khẩu đã được nhân rộng trên toàn thành phố.
Thượng tá Nguyễn Ban, Phó trưởng Công an quận Hải Châu cho biết: Sau thời gian đưa phần mềm vào sử dụng trên nền tảng hệ thống thông tin chính quyền điện tử của thành phố, đến nay hệ thống hoạt động ổn định, tính bảo mật cao. Công tác nhập dữ liệu ban đầu đã được thực hiện xong, công tác cập nhật dữ liệu phát sinh về nhân hộ khẩu được thực hiện thường xuyên, kịp thời. Hoạt động tra cứu khai thác tại các đơn vị trực thuộc đã được thực hiện nghiêm, đúng quy trình, quy định của pháp luật, đáp ứng tốt nhu cầu chuyên môn nghiệp vụ và pháp luật; chưa xảy ra các sai sót do lỗi kỹ thuật và ý thức chủ quan của cán bộ sử dụng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý nhân hộ khẩu tại công an phường yếu trình độ tin học học nên gặp khó khăn trong việc vận hành, sử dụng phần mềm. Việc giao nhiệm vụ gắn với các cá nhân chưa cụ thể. Có phường chưa gắn trách nhiệm quản lý, nhập liệu cho cán bộ chuyên trách. Công tác nhập dữ liệu đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và phải thẩm định, điều chỉnh các thông tin mà chỉ có Cảnh sát khu vực mới đủ điều kiện. Tuy nhiên, lực lượng Cảnh sát khu vực bận nhiều việc nên phải nhờ lực lượng khác hỗ trợ dẫn đến công tác cập nhật thông tin có lúc có nơi chưa kịp thời, chính xác...
Theo Công an thành phố Đà Nẵng, sau khi triển khai thí điểm phần mềm quản lý nhân hộ khẩu tại quận Hải Châu, Công an thành phố Đà Nẵng đã triển khai trên toàn bộ 5 quận, 1 huyện, 32 phường còn lại của thành phố.
Vĩnh Phúc tập trung xây dựng chính quyền điện tử
Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động các cơ quan quản lý hành chính nhà nước; góp phần thúc đẩy cải cách, công khai minh bạch các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2016, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh hoàn thiện phủ sóng 3G, Internet cáp quang tốc độ cao toàn tỉnh, lập kế hoạch và triển khai hạ tầng 4G tại các trung tâm hành chính; giai đoạn 2017-2018 hoàn thiện phủ sóng 4G phục vụ việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đến các tổ chức, công dân. Đến 2017, 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, sử dụng mạng truyền dẫn số liệu chuyên dùng và dịch vụ Internet tốc độ cao trên đường truyền dữ liệu chuyên dùng. Giai đoạn 2016-2018, tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị bảo đảm: 100% cán bộ, công chức có máy tính làm việc, 100% cơ quan, đơn vị có hệ thống mạng nội bộ đồng bộ, hiện đại, an toàn thông tin, có tính tới các phương án dự phòng và kết nối mạng diện rộng của tỉnh. Ngoài ra, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức; gắn với việc sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ.
Đến hết năm 2016, 100% dịch vụ công được thực hiện ở mức độ 3 - mức độ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Đến hết năm 2017, các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 - mức độ cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng dịch vụ.
Hiện nay, toàn tỉnh bàn giao, cấp phát khoảng 7.900 hộp thư điện tử công vụ cho 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức. Phần mềm quản lý văn bản và điều hành được nâng cấp công nghệ, tích hợp hệ thống điện tử công vụ; hệ thống chữ ký điện tử được triển khai cài đặt cho 35 đơn vị, địa phương. Toàn tỉnh có 31 Cổng thông tin điện tử gồm 1 cổng thông tin giao tiếp điện tử tỉnh và 30 cổng thông tin thành phần đang hoạt động. Dịch vụ công trực tuyến hiện có trên cổng thông tin giao tiếp điện tử tỉnh hơn 1.600 thủ tục văn bản, trong đó có 3 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Hệ thống một cửa điện tử hiện đại quy mô toàn tỉnh đã triển khai xong giai đoạn 1 cho 25 đơn vị, địa phương.
Thủ tục biên phòng điện tử cảng biển tại Bà Rịa-Vũng Tàu
Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: việc thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển tại đơn vị thời gian qua là một bước tiến dài trong công tác cải cách thủ tục hành chính; giải phóng nhanh hàng hóa, hành khách của tàu thuyền vào cảng biển Việt Nam, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển đối với ngành vận tải biển Việt Nam.
Thủ tục biên phòng điện tử cảng biển được thực hiện thí điểm tại Biên phòng cửa khẩu Bà Rịa-Vũng Tàu từ tháng 5-2014 đến tháng 9-2014. Theo Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa-Vũng Tàu, tuy ban đầu có một số trục trặc (chủ yếu là phần mềm chương trình) nhưng đã được nhanh chóng khắc phục và đến nay đã hoàn thiện, hoạt động ổn định, đem lại nhiều lợi ích, thuận tiện cho cả Nhà nước và doanh nghiệp.
Cụ thể, đối với các công ty đại lý hàng hải, người làm thủ tục khai báo cho tàu nhập, xuất, quá cảnh, chuyển cảng có thể thực hiện ở bất cứ đâu (có phủ sóng internet) qua cổng thông tin điện tử. Trong vòng 1 giờ, nếu hồ sơ đó hợp lệ sẽ được xác báo hoàn thành thủ tục dù con tàu đó còn đang hành trình trên biển, chưa vào đến cảng. Ngay khi cập cảng, tàu thuyền được phép làm hàng ngay, không phải chờ đợi người làm thủ tục mang giấy tờ của tàu có liên quan và toàn bộ hộ chiếu của thuyền viên tới văn phòng cảng vụ để làm thủ tục như trước đây, không lãng phí thời gian, hạn chế nhiều thiệt hại.
Đối với doanh nghiệp cảng, việc thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng đã giúp rút ngắn thời gian tàu neo đậu tại cảng nên nhanh chóng quay vòng sử dụng cầu cảng, nâng cao khả năng giải phóng hàng hóa cho doanh nghiệp cảng, thu hút được nhiều tàu vào làm hàng. Bên cạnh đó, việc rút ngắn được thời gian chờ đợi dỡ hàng, xếp hàng đã giúp giảm nhiều chi phí thuê kho bãi, cầu cảng cho doanh nghiệp chủ hàng, người khai thác tàu, đồng thời giúp hàng hóa được lưu thông nhanh hơn. Thuyền viên được phép đi bờ ngay để giải quyết công việc cũng như thuyền viên mới xuống tàu thay ca cho thuyền viên khác rời tàu. Chủ tàu, đại diện chủ tàu, chủ hàng được phép xuống tàu ngay khi tàu cập cảng phục vụ cho việc kiểm tra, giám sát tàu, hàng hóa mà không phải chờ đợi như trước đây.
Đối với Biên phòng cửa khẩu cảng, thủ tục biên phòng điện tử cảng biển đã giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục, giảm đáng kể nhân lực, cán bộ làm thủ tục, không phải triển khai các tổ công tác trực tại các văn phòng cảng vụ. Trước đây, Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa-Vũng Tàu phải triển khai 3 tổ công tác hàng ngày trực tại văn phòng Cảng vụ Vũng Tàu, Văn phòng Cảng vụ Vũng Tàu tại Cái Mép và Văn phòng Cảng vụ Đồng Nai. Thủ tục biên phòng điện tử cảng biển cũng giúp Bộ đội Biên phòng chủ động nắm chắc tình hình người, phương tiện, hành khách, hàng hóa nhập, xuất, quá cảnh trên địa bàn, từ đó chủ động trong công tác kiểm tra, giám sát cũng như các biện pháp biên phòng khác. Ngoài ra, thủ tục biên phòng điện tử giúp Bộ đội biên phòng dễ dàng lưu trữ hồ sơ tài liệu, tra cứu hồ sơ tàu thuyền cũng như tra cứu đối tượng quản lý nghiệp vụ được dễ dàng, thuận tiện, chính xác hơn./.
Gửi tiền tại VietinBank đón lộc đầu năm  (05/12/2016)
Stratfor dự báo quan hệ Mỹ-Nga ấm lên, phương Tây bị chia rẽ  (04/12/2016)
Chủ tịch Quốc hội tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ  (04/12/2016)
Xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh gắn với khắc phục sự cố môi trường biển  (04/12/2016)
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tăng hợp tác với Chính hiệp Trung Quốc  (04/12/2016)
Thủ tướng đồng ý đề án xây dựng Việt Trì thành thành phố lễ hội  (04/12/2016)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên