Hình thái chiến lược mới ở Trung Đông

Nguyễn Nhâm
21:58, ngày 22-09-2016

TCCSĐT - Theo giới quan sát, trong thời gian gần đây trên địa bàn Trung Đông đã xuất hiện những động thái chiến lược mới, không chỉ của hai cường quốc Mỹ - Nga mà còn có cả các nước khác trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, I-ran, Gioóc-đa-ni và I-rắc, khiến dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm.

Từ sự rạn nứt quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ

Ngay sau khi cuộc đảo chính bất thành, Thổ Nhĩ Kỳ đã ám chỉ Mỹ đứng sau vụ việc này và yêu cầu Oa-sinh-tơn dẫn độ giáo sỹ Phê-thu-la Gu-len (Fethullah Gulen). Khi phát biểu trước cuộc biểu tình phản đối đảo chính, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.T.Éc-đô-gan đã nói: “Tôi đồng thời nhắc lại rằng nếu Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ còn là đối tác thân cận của nhau, thì hãy thực hiện theo yêu cầu của đối tác”.

Thay vì phản ứng cứng rắn lúc ban đầu, ngày 07-8 vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết sẽ cử một đoàn đại diện tới Ankara để thảo luận vấn đề dẫn độ giáo sỹ Hồi giáo sống lưu vong tại Mỹ Phê-thu-la Gu-len, vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính bất thành đêm hôm 15-7. Ngay sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng quy chế an ninh đặc biệt tại căn cứ Không quân Incirlik. Nước này đã đóng cửa tất cả các hoạt động của Mỹ và NATO tại căn cứ không quân Incirlik, nơi có ít nhất 1.500 nhân viên Mỹ, cũng là trung tâm đầu não quan trọng trong chiến dịch không kích IS do Mỹ dẫn đầu.

Những bất ổn ở Thổ Nhĩ Kỳ lan rộng vào thời điểm mà EU đang cần Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện vai trò chốt chặn dòng người di cư, còn Mỹ cũng cần sự hợp tác của nước này trong rất nhiều vấn đề ở khu vực. Tuy nhiên, đảo chính bất thành đã đẩy Tổng thống R.T.Éc-đô-gan hành động theo hướng ngược lại. Do quan ngại về xu hướng xấu đi trong quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ, gần đây Mỹ đã bắt đầu rút dần kho vũ khí hạt nhân của nước này ra khỏi lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ và đưa sang căn cứ không quân ở Rô-man-ni.

Đến việc Nga mở rộng quan hệ đối tác khu vực

Kể từ sau khi ra ra đòn tấn công IS tại Xi-ry làm thay đổi cục diện chiến trường khu vực hồi tháng 9 năm ngoái, lần này Nga lại mở rộng không gian và quan hệ với nhiều đối tác hơn bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, I-ran, Gióoc-đa-ni, I-rắc, khiến cho Mỹ và phương Tây quan ngại.

Quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá là đã bước sang một chương mới sau khi Tổng thống V.Putin và Tổng thống R.T.Éc-đô-gan gặp nhau tại thành phố St.Petersburg và gọi nhau là “bạn thân mến của tôi”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.T.Éc-đô-gan khẳng định rằng, đây chính là cơ hội để mở ra “một trang mới” với quan hệ ngoại giao song phương khi nói: “Tôi coi đây là một chuyến thăm lịch sử, một khởi đầu mới. Ở cuộc nói chuyện với người bạn Pu-tin, tôi tin rằng, một trang mới của quan hệ ngoại giao hai nước có thể thiết lập. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm rất nhiều điều cho nhau”.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Hội đồng Quan hệ Quốc tế Nga, ông An-đrây Kô-tu-nốp lại cho rằng, cuộc đảo chính thất bại đã kéo Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga hơn và cuộc gặp giữa Tổng thống V.Pu-tin và Tổng thống R.T.Éc-đô-gan cho thấy dấu hiệu cả hai bên đều sẵn sàng thỏa hiệp.

Quan hệ Nga - I-ran cũng có một bước tiến quan trọng, lần đầu tiên, kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, I-ran cho phép không quân Nga - hiện diện trên lãnh thổ của mình. Về phía Nga, việc hợp tác với I-ran nhằm giúp tăng cường sự chủ động trong cuộc nội chiến tại Xi-ry. Giờ đây, Nga đã có thể sử dụng cả không phận I-ran và I-rắc để không kích IS. Quan trọng hơn, Nga muốn thể hiện vai trò dẫn dắt của mình trong các vấn đề “nóng” tại Trung Đông.

Tuy nhiên, từ góc nhìn chính trị, sau khi I-ran đạt thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1 vào tháng 7-2015, đến nay quốc gia này đang đi những bước tích cực để trở lại vũ đài quốc tế, nhằm tới các mục tiêu: (1) Khẳng định I-ran vẫn là một đồng minh đáng tin cậy của Nga; (2) I-ran cho rằng đã đến lúc cần phải có động thái mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống IS. (3) Cả I-ran và Nga đều muốn đưa ra thông điệp mạnh mẽ rằng, người Mỹ không thể trì hoãn hiệp định hạt nhân.

Trước đó, quan hệ Nga - Gioóc-đa-ni cũng đã có bước đột phá. Mát-xcơ-va và Am-man đã thỏa thuận về việc Nga thiết lập trung tâm chỉ huy tác chiến đặt tại Gioóc-đa-ni. Từ lâu Gioóc-đa-ni được cho là nước không ủng hộ chính quyền Tổng thống Xi-ry B.Át-sát, Quốc vương Áp-đu-la đã đồng ý để liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu lập Sở chỉ huy tiền tiêu ở phía bắc Am-man, đặt dưới quyền quản lý của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM)

Tuy nhiên, nay Gioóc-đa-ni đã thay đổi chính sách và đồng hành cùng Mát-xcơ-va tạo ra một cuộc chơi mới trong việc chia sẻ thông tin tình báo trên chiến trường Xi-ry. Sự song trùng hai trung tâm chỉ huy không quân chống IS, nhưng giờ đây Am-man sẽ hướng về trung tâm mới của Nga và được coi là “cơn địa chấn” ở khu vực.

Và hình thái chiến lược mới đang hình thành

Theo giới phân tích, cả Nga, I-ran, Thổ Nhĩ Kỳ và Gioóc-đa-ni đều có tham vọng củng cố và nâng cao vị thế cường quốc khu vực của mình. Tuy mục tiêu cụ thể của mỗi nước có sự khác nhau, thậm chí mâu thuẫn với nhau, nhưng những quan điểm lớn về khu vực và quốc tế đã có sự đồng nhất. Vì thế, những diễn biến bất ngờ, có tính bước ngoặt, trong nỗ lực khôi phục và cải thiện quan hệ giữa các bên đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Có chuyên gia còn nhận định, đã xuất hiện “trục chiến lược” mới, có thể làm xoay chuyển tình hình tại khu vực Trung Đông.

Theo giới quan sát, lần đầu tiên ba “ông lớn dầu khí” khu vực Caspi gồm Nga, A-déc-bai-gian và I-ran đã tổ chức Hội nghị cấp cao để khẳng định cam kết tăng cường hợp tác 3 bên về kinh tế và an ninh. Ba nước này đã nhất trí hợp tác thúc đẩy các cơ chế liên kết Trung Á và Trung Đông vì lợi ích chiến lược lâu dài.

Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Nga đã khôi phục, kết thúc giai đoạn căng thẳng nhất trong suốt 20 năm qua, cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước được đánh giá mang tính chất lịch sử có tác động mạnh đến quan hệ giữa Mát-xcơ-va, An-ca-ra, Tê-hê-ran và quan hệ Nga - Mỹ - phương Tây. Điều quan trọng hơn là các bên đã có sự đồng thuận trong cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng Xi-ry trong khuôn khổ cơ chế hợp tác, có sự tham gia của chính quyền Đa-mát. Điều bất ngờ nhất là Thổ Nhĩ Kỳ (trước đó là Gioóc-đa-ni) vốn được cho là ủng hộ các lực lượng chống Tổng thống Xi-ry B.Át-sát, nay lại chuyển hướng hợp tác với Nga và I-ran nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Hòa bình Trung Đông vốn nằm trong Liên minh quốc tế chống IS do Mỹ cầm đầu nay lại có thể về tay “bộ ba” trục chiến lược Nga - I-ran - Thổ Nhĩ Kỳ và thêm sự ủng hộ của Gioóc-đa-ni và I-rắc. Điều đó tạo nền tảng vững chắc để Mát-xcơ-va có thể kiên định bảo vệ lợi ích chiến lược của mình tại Trung Đông bằng biện pháp quân sự. Với việc xuất kích từ căn cứ không quân của I-ran, Nga đã rút ngắn quãng đường từ 2.150km xuống còn khoảng 1.290km để ném bom xuống căn cứ của IS ở Xi-ry, điều này đồng nghĩa với việc máy bay ném bom Nga tiêu tốn ít nhiên liệu hơn, mang nhiều bom hơn và cường độ không kích vào IS ở Xi-ry sẽ tăng lên.

Như vậy, những động thái chiến lược của hai cường quốc Nga - Mỹ và các nước trong khu vực (Thổ Nhĩ Kỳ, I-ran, Gioóc-đa-ni và I-rắc) liên quan đến cuộc chiến tại Xi-ry tạo nên hình thái mới mà buộc Mỹ phải “cân nhắc”, đặc biệt trong thời điểm các nước đồng minh phương Tây đều gặp phải những khó khăn. Tuy nhiên, theo giới phân tích sự nhượng bộ của Oa-sinh-tơn đối với Mát-xcơ-va cũng chỉ có giới hạn trong khuôn khổ “chia sẻ trách nhiệm, phân tán rủi ro” của chính sách Đại Trung Đông mới của Mỹ. Vì thế, cuộc cạnh tranh địa chiến lược tại khu vực vẫn chưa đến hồi kết./.