TCCSĐT - Ngày 17-8-2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức Hội nghị “Việt Nam: Hướng tới du lịch bền vững trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu” tại Hà Nội, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU-ESRT).

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2016, du lịch Việt Nam đón 5,55 triệu lượt khách quốc tế, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015, phục vụ 38,2 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 235 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2015. Mặc dù du lịch Việt Nam vẫn duy trì tốc độ phát triển tương đối nhanh, tuy nhiên tiềm ẩn nhiều thách thức đối với sự phát triển, đặc biệt là năng lực cạnh tranh của điểm đến và tính bền vững của phát triển du lịch.

Hiện nay, biến đổi khí hậu là một hiện tượng có phạm vi ảnh hưởng toàn cầu, biểu hiện thông qua sự tăng nhiệt độ trung bình của Trái đất, thay đổi lượng mưa và mực nước biển dâng, kèm theo đó là các thảm họa liên quan đến thời tiết diễn ra thường xuyên hơn. Ở Việt Nam, biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến các lĩnh vực như: nông nghiệp, ngư nghiệp, văn hóa, du lịch, thương mại và dịch vụ, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực gián tiếp đến các lĩnh vực khác, như: giao thông vận tải, xây dựng công nghiệp, y tế công cộng... Nước biển dâng gây ảnh hưởng đến các bãi biển, một số bãi biển có thể bị biến mất, những bãi biển khác bị xói lở sâu vào đất liền, ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên ở vùng đất thấp ven biển, làm hư hại các di sản văn hóa, các khu bảo tồn, các khu du lịch sinh thái… Một số kết cấu hạ tầng du lịch có thể bị ngập, buộc phải di chuyển hoặc bị đình trệ kinh doanh, làm tăng chi phí cho việc cải tạo, di chuyển và bảo trì. “Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao sáng kiến Hội nghị, qua đây nhằm tăng cường nhận thức về mối quan hệ hữu cơ giữa biến đổi khí hậu và phát triển du lịch bền vững, đồng thời tạo diễn đàn thu thập ý kiến đóng góp, đề xuất của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các cơ quan, tổ chức quốc tế và trong nước có liên quan, các viện nghiên cứu và doanh nghiệp du lịch về vấn đề này”, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cho biết.


Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam B. An-giơ-let (Bruno Angelet) nhấn mạnh: biến đổi khí hậu hiện là vấn đề nghiêm trọng mà Việt Nam phải đối mặt, trong đó ngành Du lịch cũng như Liên minh châu Âu đều đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó và giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Dự án EU-ESRT do Liên minh châu Âu tài trợ, thông qua hỗ trợ kỹ thuật, giúp nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cũng như tác động của nó đối với ngành Du lịch. Đó còn là yêu cầu đối với trách nhiệm quản lý điểm đến của Chính phủ và ngành Du lịch, để giảm thiểu tác động tiêu cực và nâng cao các yếu tố tích cực.


Thay mặt nhóm chuyên gia Dự án EU-ESRT, GS. P. Bơn (Peter Burns) trình bày về thực trạng công tác ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Dưới góc độ ngành, các sở văn hóa, thể thao và du lịch cấp tỉnh/thành phố đã có nhận thức về nguy cơ của biến đổi khí hậu, song lại thiếu kiến thức chuyên môn về thích ứng và giảm thiểu. Các biện pháp thích ứng thường dựa trên ứng phó của từng doanh nghiệp, ví như một khu nghỉ dưỡng cố gắng làm những việc trong khả năng của mình, thay vì những nỗ lực hợp tác được điều phối trong một kế hoạch tổng thể chung. “Do đó, việc trao đổi thông tin hiệu quả giữa các cơ quan Nhà nước là rất cần thiết để những người làm du lịch hiểu rõ về biến đổi khí hậu, theo đó những người làm khoa học cũng hiểu biết thêm về ngành du lịch” - GS. P. Bơn cho biết.


Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch và Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực du lịch và biến đổi khí hậu. Các nội dung hợp tác chính gồm: trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ và hợp tác trong việc lồng ghép biến đổi khí hậu vào chiến lược phát triển ngành Du lịch; cập nhật và thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện các chương trình, dự án có liên quan đến biến đổi khí hậu và các hoạt động nâng cao năng lực và truyền thông nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cho các đối tượng liên quan trong ngành du lịch./.