Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc tại tỉnh Lai Châu
21:48, ngày 15-07-2016
Trong 2 ngày 14 và 15-7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc tại tỉnh Lai Châu, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII trên địa bàn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh chung với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu (Ảnh: TTXVN) |
Cùng đi với Tổng Bí thư có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc; các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Sáng 15-7, làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh, Tổng Bí thư hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu, sau hơn 10 năm thành lập đã đoàn kết, nỗ lực quyết tâm cao và đạt nhiều thành tích trên các lĩnh vực.
Là tỉnh đặc biệt khó khăn, điểm xuất phát thấp, đất rộng người thưa, địa hình chia cắt, 87% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng Lai Châu đang từng bước thực hiện mục tiêu thoát khỏi tỉnh đặc biệt khó khăn, phấn đấu trở thành tỉnh trung bình trong khu vực.
Bộ mặt Lai Châu có nhiều đổi mới, từ trung tâm thành phố đến nông thôn, cơ sở hạ tầng được quy hoạch, đầu tư xây dựng khang trang, thuận tiện cho sản xuất và đời sống của nhân dân. 96/96 xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã, 80% số bản có đường xe máy đi lại thuận lợi; 100% xã, phường, thị trấn, 84% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, 87% số dân đô thị, 75% số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trên 50% trạm y tế xã đạt chuẩn y tế quốc gia...
Toàn tỉnh hiện có hơn 6.700 phòng học, trong đó tỷ lệ phòng học kiên cố và bán kiên cố đạt 84,7%. Nhiều công trình thủy điện lớn đã được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh như thủy điện Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng,… đóng góp nguồn điện năng to lớn cho cả nước.
Đồng thời, Lai Châu đã phát triển kinh tế đúng hướng, hình thành các vùng chuyên canh lúa, chè... theo hướng sản lượng cao, chất lượng cao, công nghệ cao, với tư duy mới, cách làm mới. Nhờ vậy, đời sống nhân dân đã được cải thiện một bước.
Đặc biệt, Lai Châu đã làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư phục vụ các công trình thủy điện, tạo điều kiện để bà con ổn định sản xuất và đời sống, có đất ở, đất sản xuất, có việc làm. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu luôn đoàn kết, nhất trí, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, trong đó xác định 3 chương trình trọng điểm (về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở), 6 nghị quyết chuyên đề và 8 đề án cụ thể về công tác dân vận, phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phát triển du lịch, giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, hệ thống y tế cấp cơ sở, bảo đảm an ninh trật tự, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị tư tưởng...
Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2016. Trong phát triển sản xuất nông nghiệp, tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.
Đến nay, tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt ước đạt 45.000 ha, sản lượng ước đạt 38.890 tấn. Đồng thời, tỉnh quan tâm đầu tư phát triển cây cao su, cây chè, phát triển lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai đồng bộ, sâu rộng, quyết liệt, duy trì 15 xã chuẩn nông thôn mới, đến nay thực hiện tiêu chí nông thôn mới bình quân đạt 11,08 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt hơn 1.100 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu hàng địa phương ước đạt 2 triệu USD, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 768 tỷ đồng, bằng 51% dự toán, tăng 58% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, Lai Châu còn nhiều khó khăn, trong tổng số 108 xã, phường, thị trấn, toàn tỉnh có tới 75 xã đặc biệt khó khăn, 23 xã biên giới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng bức tranh Bác Hồ cho Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Lai Châu (Ảnh: TTXVN) |
Trong thời gian tới, Tổng Bí thư chỉ rõ Lai Châu cần tiếp tục bám sát, triển khai thực hiện thật tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra. Tổng Bí thư nhấn mạnh, tư tưởng chung là phải quyết tâm cao hơn nữa để phát triển mạnh hơn, toàn diện và bền vững hơn, cả công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa, giáo dục, chăm lo đời sống nhân dân. Lai Châu cần hết sức quan tâm phát triển nông, lâm nghiệp - điểm xuất phát đi lên của tỉnh, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trình độ cao, chất lượng cao, liên kết hợp tác, cả quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất.
Đồng thời, Lai Châu phải tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo, tiến tới xóa nghèo. Trong xây dựng cơ sở hạ tầng, tỉnh cần tính toán kỹ, sao cho hiệu quả, tránh tình trạng chỗ nào cũng xây dựng nhà văn hóa, câu lạc bộ, xây xong rồi không sử dụng...
Là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc anh em cùng sinh sống, Tổng Bí thư lưu ý Lai Châu cần hết sức coi trọng công tác dân tộc, công tác tôn giáo, chú ý giải quyết tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, đồng thời làm tốt công tác phòng, chống ma túy, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cảnh giác với âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Tổng Bí thư nhắc nhở Lai Châu cần tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, tiếp tục thực hiện thật tốt Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI về xây dựng Đảng, gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; không được lơ là, đặc biệt phải thường xuyên chăm lo, làm tốt công tác cán bộ, xây dựng phát triển nguồn nhân lực.
Tổng Bí thư căn dặn Lai Châu cần quan tâm làm tốt công tác đối ngoại, tăng cường giao lưu, hợp tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các tỉnh Bắc Lào, đồng thời với thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng an ninh.
Tổng Bí thư ghi nhận những kiến nghị chính đáng của tỉnh, xuất phát từ thực tế địa phương và mong muốn đưa Lai Châu tiếp tục phát triển đi lên, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đường nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai với thành phố Lai Châu; đề án đầu tư ổn định đời sống và sản xuất cho đồng bào tái định cư thủy điện Bản Chát và Huội Quảng...
Tổng Bí thư nhấn mạnh xây dựng và phát triển Lai Châu là trách nhiệm của Lai Châu, đồng thời cũng là trách nhiệm của Trung ương. Bên cạnh đó, cần quan tâm huy động các nguồn lực trong dân, huy động các doanh nghiệp cùng vào cuộc.
Trước đó, chiều 14-7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc tại xã Bản Bo, xã trọng điểm nông nghiệp của huyện Tam Đường.
Nói chuyện thân mật với cán bộ, đảng viên và bà con trong xã, Tổng Bí thư bày tỏ vui mừng đến thăm, làm việc tại Bản Bo, xã đạt chuẩn nông thôn mới và có nhiều tiến bộ, phát triển trên các lĩnh vực, giao thông thuận lợi, đồi núi được phủ xanh.
Xã Bản Bo có 16 bản, với 8 dân tộc anh em sinh sống. Tuy diện tích tự nhiên của xã rộng tới hơn 7.650 ha nhưng đất nông lâm nghiệp chỉ khoảng 4.000 ha. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường đầu tư thâm canh tăng vụ, xã đã hình thành các vùng sản xuất tập trung lúa, chè, rau quả, gắn với sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt gần 4.000 tấn, thu nhập bình quân đầu người là 23 triệu đồng/người/năm.
Tổng Bí thư hoan nghênh xã Bản Bo đã nắm chắc đặc điểm tình hình địa phương, chọn hướng đi đúng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển cây lúa, cây chè theo hướng sản lượng cao, chất lượng cao, công nghệ cao, gắn với doanh nghiệp để lo đầu vào, đầu ra, đồng thời mở rộng phát triển các loại cây ăn quả, cây cao su, thảo quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển du lịch dịch vụ.
Tổng Bí thư chia sẻ với những khó khăn trong sản xuất và đời sống của bà con các dân tộc trên địa bàn; bày tỏ đồng tình với những kiến nghị hợp lý, xác đáng của bà con về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút bác sỹ về làm việc tại xã...
Tổng Bí thư mong muốn bà con các dân tộc trên địa bàn tiếp tục đoàn kết thống nhất, vượt qua khó khăn, tập trung phát triển mạnh kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Tại xã Bản Bo, Tổng Bí thư đã thăm hỏi, tặng quà một số gia đình chính sách tiêu biểu; đến thăm Nhà máy chè San Cha - Công ty cổ phần đầu tư phát triển chè Tam Đường; khảo sát thực tế mô hình thâm canh sản xuất chè chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGap tại bản Cốc Phát.
Nhân chuyến thăm, làm việc tại tỉnh Lai Châu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dâng hoa tại Tượng đài Bác Hồ với Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu và trồng cây lưu niệm trong khuôn viên trước Tượng đài./.
Hội đồng bầu cử quốc gia họp Phiên thứ bảy  (15/07/2016)
Góp phần nâng tầm quan hệ đối tác Á - Âu, hướng tới cộng đồng ASEM năng động, gắn kết, tự cường  (15/07/2016)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 11  (15/07/2016)
Hà Nội: Các quận, huyện sẽ trực tiếp chỉ đạo thanh tra xây dựng  (15/07/2016)
Colombia coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu ở Đông Nam Á  (15/07/2016)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay