Góp phần nâng cao hiệu quả học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng
TCCSĐT - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã thành công tốt đẹp. Đây cũng là kỳ đại hội của đoàn kết, đổi mới, kỷ cương và dân chủ, đã đáp ứng kỳ vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, tạo ra không khí phấn khởi, vui mừng trong toàn xã hội.
Nhiệm vụ tiếp theo sau Đại hội XII của Đảng là phải nhanh chóng đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống. Vì vậy, việc học tập, nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng là khâu đầu tiên và rất quan trọng nhằm tạo ra sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, là tiền đề vững chắc bảo đảm cho sự thành công trong tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng.
Vừa qua, ngày 22-3-2016, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 01-CT/TW về học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Để đợt học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng ở cấp cơ sở đạt hiệu quả, thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt tạo sự chuyển biến về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu nhằm góp phần nâng cao hiệu quả việc tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết của Đảng như sau:
Một là, nghiên cứu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng bảo đảm khoa học, hiệu quả
Với mục đích giúp cán bộ, đảng viên nắm vững nội dung cơ bản, những điểm mới và các giải pháp được nêu trong văn kiện Đại hội, nhằm nâng cao nhận thức, phát huy năng lực, tính sáng tạo trong tổ chức thực hiện để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ chốt cần nghiên cứu và nắm vững các nội dung của Chỉ thị số 01-CT/TW ngày 22-3-2016 của Bộ Chính trị cũng như Hướng dẫn số 04-HD/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương về học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và có trách nhiệm triển khai kịp thời chỉ thị, hướng dẫn bảo đảm mỗi cán bộ, đảng viên đều quán triệt, nắm vững và thực hiện đúng chủ trương kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt sao cho phù hợp với đặc điểm tình hình và điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị mình từ đó xác định thái độ, trách nhiệm trong học tập, nghiên cứu Nghị quyết của Đảng, đồng thời phải coi đây không những là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ, đảng viên mà còn là nhu cầu của cán bộ, đảng viên.
Thực tế cho thấy, ở một số nơi, qua các lần quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương của Đảng ở cơ sở vì một số lý do khách quan và chủ quan nên việc học tập, quán triệt chưa thật sâu rộng và chưa thật sự đi vào đời sống. Nghị quyết có rồi, nhưng nội dung, hiệu quả triển khai lại chưa đáp ứng được nguyện vọng, mong muốn của quần chúng, làm cho Nghị quyết trở nên “xa lạ”, không có đất gieo mầm trong đời sống cơ sở, từ đó tạo ra tâm lý thực hiện Nghị quyết vì trách nhiệm chứ không phải bằng nhiệt huyết. Vì vậy, khi xây dựng kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cần phải xác định rõ mục đích, nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành; thời gian, địa điểm học tập, quán triệt, đối tượng tham gia, đồng thời phải gắn trách nhiệm của từng ban, ngành cơ quan, đơn vị trong quá trình tổ chức học tập, nghiên cứu.
Hai là, lựa chọn đội ngũ báo cáo viên và chuẩn bị chu đáo nội dung đề cương quán triệt, giới thiệu Nghị quyết
Theo quy định của Bộ Chính trị, việc quán triệt, giới thiệu truyền đạt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng phải là Bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Vì vậy, việc lựa chọn báo cáo viên phải là những người uy tín, có thâm niên trong nghề, nghiên cứu sâu, nắm vững Nghị quyết, có tư duy, quan điểm đúng đắn, có bản lĩnh, gương mẫu về đạo đức, lối sống và tác phong. Báo cáo viên phải là người tâm huyết và trách nhiệm với công việc, có kinh nghiệm, nghiệp vụ, kỹ năng, truyền đạt nội dung Nghị quyết sao cho phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Trên thực tế, cũng có nơi mời báo cáo viên để giới thiệu Nghị quyết, tuy nhiên không phải báo cáo viên nào cũng có trình độ, năng lực, sự am hiểu sâu sắc về vấn đề mình trình bày. Do vậy, cần phải nghiên cứu và tính toán kỹ lưỡng để lựa chọn báo cáo viên giới thiệu truyền đạt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng bảo đảm chất lượng và hiệu quả.
Việc chuẩn bị đề cương giới thiệu Nghị quyết cần bám sát hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, trong đó cần tập trung và làm rõ những nội dung, quan điểm cơ bản và mới trong các văn kiện như: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Trên cơ sở đó, căn cứ vào từng nội dung để chuẩn bị một cách chu đáo bảo đảm mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng trong quá trình học tập, nghiên cứu, nắm vững được các quan điểm, định hướng lớn, những vấn đề lý luận thực tiễn phát triển mới trong các văn kiện Đại hội XII của Đảng, từ đó xác định rõ nhiệm vụ chính trị trong học tập để nghiên cứu, cụ thể hóa trong xây dựng chương trình, hành động triển khai, thực hiện Nghị quyết của Đảng.
Ba là, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng
Đây là vấn đề trọng tâm trực tiếp quyết định chất lượng, hiệu quả của việc học tập, nghiên cứu. Trong quá trình tổ chức cần đổi mới việc học tập Nghị quyết của Đảng theo hướng nội dung nghị quyết được nêu gọn, cô đọng, dễ hiểu, phân tích, luận giải từng nội dung rõ ràng và gắn trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Cần tránh hô hào, khắc phục bệnh giáo điều trong giới thiệu Nghị quyết một cách máy móc, dẫn đến không nắm được bản chất những quan điểm, chủ trương của Đảng đã nêu ra trong Nghị quyết, mà nặng về diễn giải sách vở, thoát ly thực tiễn, không xem xét, tính đến điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, cụ thể để vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối vào đời sống thực tiễn ở cơ quan, đơn vị mình. Vì vậy, nội dung học tập, quán triệt cần tập trung vào những vấn đề hết sức cụ thể, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ thực hiện và coi trọng liên hệ tình hình nhiệm vụ ở cơ sở và giải đáp thắc mắc nhằm tạo sự thông suốt về nhận thức, tư tưởng.
Cần vận dụng linh hoạt trong tổ chức học tập, quán triệt và triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tới cán bộ, đảng viên và quần chúng, bảo đảm phong phú, hấp dẫn và phù hợp với từng đối tượng. Căn cứ vào điều kiện, tình hình cụ thể có thể giới thiệu tại hội trường, hoặc thông qua cầu truyền hình trực tuyến; đối với các cơ quan, đơn vị có cổng thông tin điện tử (hoặc mạng nội bộ) cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, nhanh chóng chuyển tải bằng việc mở các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề dưới dạng hỏi - đáp ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ triển khai thực hiện. Ngoài ra, nếu có thể tổ chức biên soạn tài liệu (chuyên đề) học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XII của Đảng bảo đảm đông đảo các tầng lớp nhân dân đều được tiếp cận và phổ biến, tuyên truyền về Nghị quyết Đại hội.
Đổi mới mạnh mẽ phương pháp quán triệt, giới thiệu Nghị quyết, bảo đảm phù hợp ở từng cấp, từng đối tượng. Kết hợp tự nghiên cứu với nghe phổ biến, giữa học tập, quán triệt với thảo luận của cấp ủy, tổ chức đảng; kết hợp chặt chẽ giữa thuyết trình với thảo luận, đối thoại giữa báo cáo viên và người học tập, quán triệt Nghị quyết. Quá trình giới thiệu, kết hợp với phương pháp thuyết trình với luận giải những vấn đề cơ bản, đồng thời gợi mở, định hướng thông tin, định hướng dư luận những vấn đề mang tính thời sự, nhạy cảm.
Để việc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng được thực hiện với tinh thần đổi mới, nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức, cần gắn với việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; đấu tranh với các luận điệu sai trái để vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động, thù địch cố tình xuyên tạc chủ trương, đường lối, quan điểm, nhất là những vấn đề mới trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Kịp thời định hướng chính trị đúng sẽ giúp cho người học nhận thức đầy đủ tính khách quan, khoa học, phù hợp của nội dung các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước giúp cán bộ, đảng viên nắm vững, hiểu rõ và thống nhất về tư tưởng và hành động, tránh sự mơ hồ, lệch lạc, duy ý chí dẫn đến thiếu niềm tin trong triển khai, thực hiện Nghị quyết.
Bốn là, nghiên cứu hình thức tổ chức kiểm tra nhận thức chính trị sau khi tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng
Sau khi tổ chức lớp học, cấp ủy, tổ chức đảng tổ chức thảo luận xoay quanh những vấn đề được quán triệt, đồng thời căn cứ vào tình hình cụ thể, có thể tiến hành kiểm tra nhận thức ngay sau buổi học hoặc sau một thời gian nhất định để tất cả cán bộ, đảng viên và quần chúng đều phải tham gia kiểm tra. Hình thức, phương pháp kiểm tra tùy theo từng đối tượng có thể vận dụng ngân hàng câu hỏi đã được xây dựng trước đó theo dạng trắc nghiệm. Tuy nhiên, riêng đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt cần vận dụng hình thức viết thu hoạch theo chủ đề đã xác định (hoặc tự chọn vấn đề mình quan tâm), trong đó nhấn mạnh việc liên hệ trách nhiệm bản thân, gắn với cương vị, chức năng, nhiệm vụ và chuyên môn công tác của mình. Bài thu hoạch phải được đánh giá kết quả cụ thể và được công bố trước hội nghị cán bộ, đảng viên; căn cứ vào ý thức thái độ, trách nhiệm trong quá trình học tập, nghiên cứu, quán triệt và kết quả kiểm tra nhận thức sau học tập Nghị quyết để đánh giá nhận xét, xếp loại cán bộ, đảng viên, công chức và bình xét thi đua khen thưởng hằng năm.
Việc tổ chức học tập, quán triệt và triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là nhiệm vụ quan trọng quyết định hiệu quả việc cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng vào cuộc sống. Vì vậy, đòi hỏi cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị ở cơ sở cần coi đây là một trong những hoạt động quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng. Với mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng, ý nghĩa của đợt sinh hoạt chính trị, đồng thời là nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm, tự giác học tập, nghiên cứu, quán triệt, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng sớm đi vào cuộc sống./.
Hội đồng bầu cử quốc gia họp Phiên thứ bảy  (15/07/2016)
Góp phần nâng tầm quan hệ đối tác Á - Âu, hướng tới cộng đồng ASEM năng động, gắn kết, tự cường  (15/07/2016)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 11  (15/07/2016)
Hà Nội: Các quận, huyện sẽ trực tiếp chỉ đạo thanh tra xây dựng  (15/07/2016)
Colombia coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu ở Đông Nam Á  (15/07/2016)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay