TCCSĐT - Sáng 03-6-2016, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã.

Các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Võ Kim Cự, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đọc Báo cáo sơ kết 01 năm thực hiện Chỉ thị số 19 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã. Báo cáo nêu rõ: Sau 1 năm thực hiện, công tác tuyên truyền thực hiện Luật Hợp tác xã và Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ đã từng bước làm thay đổi nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cả nước trong giai đoạn hiện nay. Kinh tế tập thể đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét cả về số lượng và chất lượng hoạt động.

Số tổ hợp tác và số hợp tác xã trên địa bàn cả nước đã phát triển nhanh, sản xuất - kinh doanh có hiệu quả. Hiện, cả nước có trên 20.000 hợp tác xã, 150.000 tổ hợp tác, gần 50 liên hiệp hợp tác xã, 1.148 quỹ tín dụng nhân dân và 43 quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Hoạt động của các hợp tác xã đã có những đóng góp quan trọng vào việc xóa đói, giảm nghèo, ổn định trật tự xã hội tại địa phương.

Với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cơ quan quản lý nhà nước, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của tập thể, thành viên hợp tác xã, kinh tế tập thể được củng cố, xây dựng và từng bước phát triển. Số lượng hợp tác xã được thành lập mới tăng đáng kể, từng bước đa dạng ngành, nghề, quy mô, trình độ sản xuất. Hiệu quả hoạt động được nâng lên, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho thành viên, tổ viên, khai thác được tiềm năng, thế mạnh sẵn có ở địa phương, đóng góp không nhỏ cho ngân sách nhà nước; khu vực kinh tế tập thể dần trở thành nhân tố quan trọng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xóa đói, giảm nghèo, nhất là ở vùng nông thôn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 19 đạt hiệu quả chưa cao, chưa tạo thành nền nếp. Việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt các văn bản, có nơi còn mang tính hình thức, phần lớn là lồng ghép với các nội dung khác và chỉ phổ biến đến đội ngũ cán bộ chủ chốt ở huyện, xã... Kết quả xây dựng mô hình hợp tác xã, liên kết sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế thời kỳ hội nhập, mà nguyên nhân là do đa phần các thành viên hợp tác xã là người lớn tuổi nên khả năng tiếp cận thị trường còn chậm; thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã, do đó, chưa tạo được động lực ưu tiên phát triển kinh tế hợp tác, nòng cốt là hợp tác xã. Hoạt động giám sát chưa thường xuyên, chưa phát huy được vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong góp ý, xây dựng, hoàn thiện chính sách nhằm hỗ trợ kinh tế hợp tác phát triển...

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Chưa bao giờ thời cơ và áp lực cạnh tranh với nền kinh tế lớn như hiện nay và điều này thực sự đang chi phối mạnh mẽ đến cuộc sống của hơn 60% dân số Việt Nam - những người làm nông nghiệp và liên quan đến nông nghiệp. Bên cạnh đó, nước ta lại chịu thêm ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán miền Trung, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Thách thức dài hạn của hội nhập quốc tế và thách thức ngắn hạn có thể lặp lại của biến đổi khí hậu làm cho sản xuất nông nghiệp dễ bị tổn thương.

Trong bối cảnh đó, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, cần đẩy mạnh thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về cơ cấu lại nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân… Trong giai đoạn 2015 - 2020, giải pháp hàng đầu tái cơ cấu nâng cao hiệu quả nông nghiệp chính là thay đổi mô hình sản xuất cơ bản từ cá thể sang liên kết thông qua hợp tác xã và liên kết doanh nghiệp. Việc thực hiện mô hình tập thể liên kết đã được nhắc đến mấy chục năm nhưng đã đến lúc phải thay đổi về chất trong quản lý nhà nước, liên kết, hành động. Sau cuộc họp này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ báo cáo Chính phủ về việc sơ kết thực hiện Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị các bộ, ngành sớm hoàn thành các văn bản còn nợ ngay trong quý IV-2016 để chậm nhất là tháng 11-2016 ban hành được sổ tay về các chính sách của Nhà nước về kinh tế hợp tác. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ đề nghị Chính phủ tổ chức hội nghị sơ kết, khen thưởng các địa phương làm tốt mô hình hợp tác xã; tổ chức các đoàn giám sát về việc thi hành Luật Hợp tác xã... Đồng thời, các địa phương cần căn cứ vào các ngành hàng chủ lực của mình đăng ký xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới; 5 tổ chức chính trị - xã hội lớn có thể đăng ký hướng dẫn và hình thành các hợp tác xã, làm sao để các mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả và có người chịu trách nhiệm về các mô hình này.../.