Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 09 đến ngày 15-5-2016)

Nhân Hòa (Tổng hợp theo TTXVN, TCCSĐT)
00:35, ngày 19-05-2016
TCCSĐT - Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân giám sát, kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại tỉnh An Giang; Tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Công bố quyết định của Bộ Chính trị chỉ định Quân ủy Trung ương; Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm; Khởi công Hợp phần B Dự án Cảng container quốc tế Hải Phòng; Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai thăm các tổ chức, chức sắc tôn giáo tiêu biểu Phía Nam;… là những sự kiện trong nước nổi bật tuần qua.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Lắng nghe ý kiến nguyện vọng chính đáng của cử tri để xây dựng đất nước giàu mạnh

Ngày 09-5-2016, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV đã có buổi tiếp xúc với các cử tri quận 1, quận 3 và quận 4 thuộc Tổ đại biểu Quốc hội - Đơn vị số 1.

Với tư cách là ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV tại Thành phố, tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết: Nếu được đắc cử, đó là vinh dự lớn, song cũng là trách nhiệm rất nặng nề trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Đồng thời, sẽ nỗ lực hết mình hoàn thành tốt nhiệm vụ là đại biểu Quốc hội.

Với việc nêu lên chương trình hành động của mình, đồng chí Trần Đại Quang cho biết, khi được đắc cử đại biểu Quốc hội, đồng chí sẽ tích cực đấu tranh và làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Vấn đề được Chủ tịch nước ưu tiên hàng đầu trong chương trình hành động của mình là xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Hiến pháp năm 2013. Đặc biệt là hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Đối với những vấn đề thiết thực, bức xúc của cử tri, người dân, Chủ tịch nước xác định nhiệm vụ thường xuyên là tiếp xúc, lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng và đưa tiếng nói của cử tri đến Quốc hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân một cách tốt nhất, góp phần xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh.

Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân giám sát, kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại tỉnh An Giang

Tiếp tục chương trình giám sát, kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, ngày 09-5-2016, Đoàn giám sát, kiểm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử Quốc gia do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đã làm việc tại tỉnh An Giang.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc với Ủy ban bầu cử tỉnh An Giang, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá An Giang đã chuẩn bị cho bầu cử nghiêm túc, đúng pháp luật và đảm bảo tiến độ thời gian. Hiện nay đang trong những bước chuẩn bị cuối cùng cho ngày bầu cử 22-5 tới, hướng đến ngày toàn dân đi bầu cử, An Giang tiếp tục làm tốt, đúng luật để các ứng cử viên gặp gỡ, tiếp xúc lắng nghe được tâm tư nguyện vọng của cử tri cũng như trình bày chương trình hành động của mình. Chủ tịch Quốc hội lưu ý về quyền vận động bầu cử của mỗi ứng cử viên là bình đẳng, công bằng như nhau trong việc tiếp xúc nhân dân, cũng như tuyên truyền trên các phương tiện đại chúng … An Giang cũng cần tiếp tục chú trọng tới công tác tuyên truyền trong thời gian tới cần đi vào chiều sâu và bảo đảm đúng pháp luật quy định. Tỉnh đã thực hiện niêm yết danh sách cử tri, cần tiếp tục rà soát, chú ý cập nhật danh sách cử tri đi làm ăn xa để bà con có thể về nhà bỏ phiếu đúng ngày bầu cử.

Tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Ngày 09-5-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị 13/CT-TTg về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Chỉ thị nêu rõ: An toàn thực phẩm là vấn đề ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến sức khỏe con người, được xã hội quan tâm. Trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm. Từ khi có Luật An toàn thực phẩm năm 2010, các bộ, ngành đã thực hiện quản lý an toàn theo chuỗi đối với từng ngành hàng, phù hợp thông lệ quốc tế và khắc phục được tình trạng cắt lát, chồng chéo.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là nhiều địa phương chưa quan tâm và thiếu tập trung trong quản lý an toàn thực phẩm, chậm phát hiện và không kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm đối với ngành hàng được phân công, quản lý chặt chẽ các vật tư liên quan đến an toàn thực phẩm, giải quyết kịp thời các sự cố mất an toàn thực phẩm; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm và các cơ quan, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý an toàn thực phẩm.

Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an các địa phương nắm chắc tình hình các tuyến, địa bàn trọng điểm về vi phạm an toàn thực phẩm, điều tra, xử lý hình sự các vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

Công bố quyết định của Bộ Chính trị chỉ định Quân ủy Trung ương

Thực hiện Quyết định của Bộ Chính trị, ngày 10-5, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương tổ chức công bố Quyết định số 186-QĐ/TW ngày 29-4-2016 của Bộ Chính trị chỉ định Quân ủy Trung ương, Thường vụ Quân ủy Trung ương và các chức danh Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Theo quyết định của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2015 - 2020 gồm 23 người.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam giữ chức Bí thư Quân ủy Trung ương.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, giữ chức Phó Bí thư Quân ủy Trung ương.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm

Tiếp tục buổi tiếp xúc cử tri tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10-5-2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV thuộc Tổ đại biểu Quốc hội - Đơn vị số 1 đã có buổi tiếp xúc với cử tri và các lực lượng vũ trang của quận 3.

Đồng cảm, chia sẻ với những tâm tư của cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, nâng cao vị thế của đất nước, phục vụ mục tiêu cao nhất là bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, tranh thủ tối đa các nguồn lực để phát triển đất nước. Đồng chí Trần Đại Quang nhấn mạnh, chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm, chủ trương của chúng ta là phải kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng việc sử dụng sức mạnh tổng hợp với các biện pháp chính trị, ngoại giao, pháp luật trên cơ sở tôn trọng pháp luật quốc tế.

Chủ tịch nước cho rằng, khi đắc cử đại biểu Quốc hội, bản thân sẽ nỗ lực đề cao trách nhiệm và nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước để bảo đảm lợi ích chung của Tổ quốc, đáp ứng đúng ý chí, nguyện vọng chính đáng của người dân cả nước. Chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chủ tịch nước khẳng định, với chức trách nhiệm vụ của mình được Đảng và Nhà nước giao phó, sẽ tham gia động viên mọi nguồn lực và khả năng của đất nước để bảo vệ Tổ quốc; đồng thời sẽ nghiên cứu, đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội cụ thể hóa nhiệm vụ thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân và cơ chế tổ chức, hoạt động của Hội đồng quốc phòng và an ninh.

Khởi công Hợp phần B Dự án Cảng container quốc tế Hải Phòng

Chiều 12-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công dự án Cảng container quốc tế Hải Phòng (HICT) hợp phần B tại cửa Lạch Huyện (sông Chanh), thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải, Hải Phòng.

Hai bến container đầu tiên trong hợp phần B có chiều dài 750m, 40 ha/bãi, tổng mức đầu tư 321 triệu USD, khi hoàn thành, đi vào khai thác, Cảng container quốc tế Hải Phòng sẽ là cảng nước sâu đầu tiên của miền Bắc, tiếp nhận tàu container, tàu tổng hợp có trọng tải 100.000DTW hoạt động phía trên tuyến vận tải biển xa, không chỉ đáp ứng yêu cầu phục vụ cho khách hàng xuất nhập khẩu phía Bắc mà còn là điểm kết nối quan trọng với cụm cảng nước sâu trung chuyển quốc tế tại Cái Mép - Thị Vải, cho phép đưa hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự vui mừng khi Hợp phần B của dự án được khởi công theo đúng kế hoạch, đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu giữa liên doanh Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, liên danh MOLNYKIT (Nhật Bản) cùng pháp nhân liên doanh là Công ty trách nhiệm hữu hạn cảng container quốc tế Hải Phòng, các bộ, ngành cùng thành phố Hải Phòng đã vượt qua nhiều khó khăn, thực hiện khối lượng công việc lớn để có thể triển khai dự án.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, qua ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Fukada Hiroshi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và trân trọng cảm ơn Chính phủ Nhật Bản đã tích cực ủng hộ, tạo mọi điều kiện để liên danh MOLNYKIT thực hiện công việc.

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai thăm các tổ chức, chức sắc tôn giáo tiêu biểu Phía Nam

Nhân dịp lễ Phật Đản, sáng 14-5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương đến thăm và chúc mừng Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại phía Nam.

Đến thăm Ban Trị sự Trung ương Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao các hoạt động từ thiện xã hội, khám và điều trị bệnh, giúp đỡ hàng triệu lượt người, nhất là người nghèo của Giáo hội. Điều này rất phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong công tác đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ các đối tượng khó khăn.

Đồng chí Trương Thị Mai mong muốn, các chức sắc, chức việc, tín đồ của Giáo hội tiếp tục phát huy, nỗ lực vượt qua khó khăn, thống nhất và tăng cường mối quan hệ đồng đạo, đoàn kết các tôn giáo để đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Giảng sư Nguyễn Phương Hiếu, Chánh Hội trưởng Ban Trị sự Trung ương Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam cám ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Tôn giáo Chính phủ và các ban ngành tạo điều kiện cho giáo hội hoạt động, thực hiện công tác của mình; cho biết trong thời gian tới sẽ cố gắng làm hết sức mình để thực hiện tốt công tác phật sự, từ thiện xã hội, chữa bệnh cho các đối tượng, đúng với phương châm Tu học - Hành thiện - Ích nước - Lợi dân.

Ngành Công Thương cần nhanh chóng thể chế hóa các cam kết hội nhập

Chiều 15-5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh.

Trong diễn văn kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ôn lại truyền thống vẻ vang của ngành công thương 65 năm qua.

Trước yêu cầu của bối cảnh mới, ngành công thương cũng đã chủ động nghiên cứu, đề xuất với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước các định hướng, chính sách và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế hợp lý, tích cực chủ trì, tham gia các tổ chức quốc tế và ký kết các Hiệp định hợp tác đa phương và song phương trong lĩnh vực kinh tế, công nghiệp và thương mại.

Tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho ngành công thương, nhằm ghi nhận đóng góp to lớn trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, những thành tích của ngành công thương đạt được trong 65 năm qua đã đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.

Thủ tướng mong muốn ngành công thương cần tập trung chỉ đạo vượt mức chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu và giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016; tiếp tục chủ trì thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đạt kết quả tốt hơn nữa.

Thủ tướng chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công thương gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng giá trị gia tăng, đa dạng hóa sản phẩm phát triển theo chiều sâu; nâng cao năng lực, năng suất lao động, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp Việt Nam.

Thủ tướng chỉ đạo ngành công thương đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình và thủ tục, giảm mạnh thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ hành chính; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp và người dân, tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng lãng phí…