Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016

Tin, ảnh: Ngọc Huệ
22:04, ngày 18-05-2016

TCCSĐT - Chiều 18-5, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016 cho 3 nhà khoa học xuất sắc thuộc các lĩnh vực vật lý, khoa học trái đất và môi trường.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng của Bộ Khoa học và Công nghệ, được tổ chức hằng năm nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng và khoa học và công nghệ Việt Nam nói chung tiếp cận trình độ quốc tế, tạo tiền đề cho khoa học và công nghệ của đất nước hội nhập và phát triển. Đây là năm thứ ba xét tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Qua hai lần trao giải, Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã vinh danh 6 nhà khoa học với 6 công trình nghiên cứu đặc biệt xuất sắc. Năm 2016, Ban Tổ chức đã tiếp nhận 49 hồ sơ đăng ký tham gia Giải thưởng.

Theo GS, TSKH. Đinh Dũng - Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng, Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng trong nước đầu tiên vinh danh các nhà khoa học có công trình khoa học xuất sắc mang tầm thế giới. Các nhà khoa học được giải thưởng, một mặt, phải được không chỉ cộng đồng khoa học trong nước, mà cả cộng đồng khoa học thế giới công nhận là có đóng góp xuất sắc thật sự cho khoa học. Mặt khác, các công trình khoa học này phải được các nhà khoa học thực hiện ở Việt Nam, hoặc nếu có hợp tác quốc tế thì phần công việc được thực hiện ở Việt Nam phải là chủ yếu và đóng vai trò quyết định.

Điều đặc biệt là Giải thưởng này không được tặng vì thành tích nghiên cứu trong cả một quá trình, mà tặng cho nhà khoa học có đóng góp chính trong một công trình khoa học xuất sắc duy nhất. Chính vì thế, cơ hội được tặng giải thưởng đối với các nhà khoa học lão thành đã nổi tiếng và các nhà khoa học trẻ là như nhau…

Năm nay, 2 giải thưởng dành cho nhà khoa học là tác giả của công trình khoa học xuất sắc là: GS, TS. Nguyễn Văn Hiếu (sinh năm 1972), Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc lĩnh vực khoa học vật liệu (vật lý), đưa ra phương pháp mới chế tạo nano thứ cấp có khả năng mở rộng được ứng dụng không những trong nano cảm biến nhạy khí mà còn ở nhiều lĩnh vực khác, như linh kiện điện tử nano, pin năng lượng; PGS, TS. Nguyễn Ngọc Minh (sinh năm 1979), Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, thuộc lĩnh vực khoa học thổ nhưỡng và đất, nghiên cứu cấu trúc phytolith được hình thành trong quá trình kết tủa silic ở thân cây lúa, từ đó đề xuất ra quy trình xử lý rơm rạ, tránh ô nhiễm môi trường và tăng độ phì cho đất trồng trọt, có thể áp dụng được trên quy mô đại trà tại các vùng đồng bằng trồng lúa.

TS. Phùng Văn Đồng (sinh năm 1981), Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được nhận Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ là tác giả của công trình khoa học xuất sắc thuộc lĩnh vực thiên văn học và vật lý năng lượng cao, có ý nghĩa lý thuyết rất cao, góp phần vào việc giải thích cấu tạo vật chất và năng lượng của vũ trụ.

Ban Tổ chức cho biết, mỗi giải thưởng gồm: Bằng chứng nhận Giải thưởng của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và tiền thưởng 200 triệu đồng (đối với Giải thưởng dành cho tác giả của công trình khoa học) hoặc 50 triệu đồng (đối với Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ là tác giả của công trình khoa học).

GS, TSKH. Đinh Dũng cho biết, nét nổi bật của giải thưởng năm nay khác hai năm trước đây là, thứ nhất, cả hai giải thưởng chính đều thuộc về nhà khoa học có tuổi đời còn trẻ. Điều này một lần nữa khẳng định cơ hội được nhận giải thưởng chính là như nhau đối với các nhà khoa học “lão làng” đã có bề dày trong nghiên cứu khoa học và nhà khoa học trẻ. Thứ hai, các công trình khoa học mà tác giả chính được trao giải thưởng đều “đậm đà bản sắc Việt Nam”. Cả ba công trình đều được tài trợ và thực hiện trong khuôn khổ các đề tài nghiên cứu cơ bản thực hiện trong nước. Đặc biệt, công trình khoa học của GS, TS. Nguyễn Văn Hiếu và TS. Phùng Văn Đồng có đồng tác giả là đồng nghiệp Việt Nam và được thực hiện ở Việt Nam, không có yếu tố nước ngoài. Hai công trình này cũng được trích dẫn nhiều lần kể từ khi xuất bản… Điều này chứng tỏ các công trình khoa học đó được đồng nghiệp quốc tế rất quan tâm và có ảnh hưởng lớn đến các công trình cùng lĩnh vực nghiên cứu. Thứ ba, các công trình khoa học của hai giải thưởng chính đều thuộc lĩnh vực khoa học thực nghiệm, có ý nghĩa thực tiễn và khả năng ứng dụng rất lớn.

Phát biểu tại Lễ trao giải, PGS, TS. Nguyễn Ngọc Minh khẳng định: Học giả Bleiste (người Đức) có nói: “Mục đích duy nhất của khoa học là giảm bớt vất vả cho nhân loại”. Đây cũng chính là trách nhiệm và nghĩa vụ các nhà khoa học trong nước được giao phó. Là một người làm khoa học dù còn ít kinh nghiệm, tuy nhiên, tôi xin hứa sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu để góp phần nhỏ bé cho sự phát triển của nền khoa học và công nghệ nước nhà, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến rơm rạ và dòng tuần hoàn dinh dưỡng trong đất trồng lúa./.