Tránh những khiếm khuyết khi vận động bầu cử

TS. Bùi Ngọc Thanh Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Tổng Thư ký cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII
23:06, ngày 17-05-2016

TCCSĐT - Trong một số cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trước đây, có một số ứng cử viên thường mắc phải những khiếm khuyết làm cho cử tri phân vân, kém phần tin tưởng. Trong cuộc bầu cử lần này, các ứng cử viên nên thận trọng và khắc phục tối đa các khiếm khuyết đó.

Điều 59 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định: “Chậm nhất là 20 ngày trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử phải niêm yết danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở khu vực bỏ phiếu”. Theo đó, trong công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, chậm nhất là ngày 02-5-2016, tất cả các khu vực bỏ phiếu trong cả nước phải niêm yết xong danh sách các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Và theo Điều 64 của Luật này, “Thời gian vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ”, nghĩa là các ứng cử viên chắc chắn có 20 ngày (tính đến 7 giờ ngày 21-5-2016) để vận động bầu cử. Cũng trong Luật này, Điều 65 và Điều 66 quy định: Có hai hình thức vận động bầu cử dành cho người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Một là, gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại các cuộc tiếp xúc ở địa phương nơi mình ứng cử; hai là, vận động thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Trong cả hai hình thức vận động, người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đều phải báo cáo với cử tri chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu. Riêng vận động theo hình thức tiếp xúc cử tri thì có công đoạn khá quan trọng là, cử tri nêu ý kiến, kiến nghị, đề đạt nguyện vọng với người ứng cử; cử tri và người ứng cử trao đổi ý kiến có tính chất đối thoại theo nguyên tắc dân chủ, thẳng thắn, cởi mở về những vấn đề cử tri quan tâm.

Qua một số cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trước đây, có thể thấy nổi lên một số khiếm khuyết mà ứng cử viên thường mắc phải khi vận động bầu cử là:

Trước hết, tư thế, phong cách của một số ứng cử viên chưa phù hợp: Do quan niệm buổi “ra mắt cử tri” phải trịnh trọng và do thói quen hễ là cuộc gặp gỡ thì phải “xiêm áo bảnh bao” nên có một số ít ứng cử viên xuất hiện trước cuộc tiếp xúc cử tri với tư thế như những diễn viên điện ảnh, sân khấu. Nữ ứng cử viên thì hai, ba vòng ngọc, dây chuyền ở cổ; ngón tay, cổ tay, nào nhẫn, nào vòng đủ kiểu; mặt mày kẻ vẽ thái quá. Nam ứng cử viên thì “quần gân áo hộp”, kính râm mắt to, đầu tóc bóng lộn, đi đứng bệ vệ. Sự xuất hiện của những ứng cử viên này rất xa lạ với công chúng cử tri ở những vùng nông thôn, nhất là những vùng xa xôi còn nghèo khó. Đã có nơi, các cử tri đàm tiếu với nhau rằng, họ ở lầu son, gác tía đi thăm thú, du lịch, chứ đâu phải là người đại diện giúp mình phương cách thoát nghèo, làm giàu! Dù số ứng cử viên này ngày càng ít, rất thiểu số, nhưng cũng phải lưu ý, rút kinh nghiệm. Ứng cử viên từ cấp huyện trở lên không phải lúc nào cũng có dịp gặp gỡ công chúng cử tri ở cơ sở, do vậy, hình ảnh ban đầu thiếu thiện cảm của những “người lạ” chuẩn bị làm người đại diện cho dân thường ghi dấu ấn rất sâu đậm trong tâm trí cử tri. Hơn nữa, một trong những mục đích, yêu cầu của tiếp xúc cử tri là nhằm tạo điều kiện cho cử tri hiểu rõ ứng cử viên, từ đó mà họ cân nhắc, lựa chọn bầu ai. Bởi vậy, ứng cử viên phải thể hiện mình là người thực sự chân thành, là người có cuộc sống giản dị, dễ gần gũi với công chúng, luôn luôn cầu thị, sẵn sàng trao đổi ý kiến, học hỏi nơi dân (không phải là cuộc trình diễn hình thức, mức độ sang giàu, ai hơn ai).

Thứ hai, thái độ chưa thật chuẩn mực của một vài ứng cử viên: Có ứng cử viên cho rằng, lúc nào bà con cũng chỉ la lối, kêu ca, như là “bài ca muôn thuở”, nghe mãi rồi. Từ đó, họ không thật tập trung nghe cử tri phát biểu, thậm chí còn có vẻ ngán ngẩm. Ngược lại, có ứng cử viên nức nở khen ý kiến của cử tri từ đầu đến cuối, ai nói gì cũng khen; cho rằng ý kiến nào cũng vô cùng quý báu (kể cả ý kiến thiếu tính xây dựng). Theo chúng tôi, dù chưa phải là đại biểu nhưng ứng cử viên phải thể hiện ngay tiêu chuẩn đầu tiên của đại biểu dân cử là trung thành, trung thực và chân thực. Phải nghe cho hết, suy nghĩ chín chắn, kỹ càng và trao đổi một cách khách quan, đúng mức, có trách nhiệm. Điều đó cũng là một khía cạnh thể hiện trình độ, năng lực, trí tuệ và phương pháp làm việc của ứng cử viên.

Thứ ba, có ứng cử viên phát biểu chưa thật đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của người đại biểu dân cử: Trong bộ máy nhà nước có ba loại cơ quan là lập pháp, hành pháp và tư pháp. Một số ứng cử viên (thường là ứng cử viên lần đầu tham gia ứng cử vào cơ quan dân cử) có thể chưa tìm hiểu kỹ luật định chức năng, nhiệm vụ của từng loại cơ quan nói trên nên đôi khi có sự lẫn lộn nhiệm vụ của đại biểu dân cử với nhiệm vụ của cán bộ cơ quan hành pháp và tư pháp. Ví dụ, có ứng cử viên trả lời cử tri: “Khi nhận được đơn khiếu nại, tố cáo, nếu chính xác như thế, tôi sẽ đề cao tinh thần trách nhiệm của người đại biểu, đến tận Bộ đó để giải quyết cho ra môn, ra khoai, rõ ràng, minh bạch...”. Thực ra, việc giải quyết một vụ việc cụ thể ở một cơ quan thuộc lĩnh vực hành pháp thì chủ yếu phải do cơ quan đó và cấp trên cơ quan đó xử lý; đại biểu chỉ có nhiệm vụ chuyển đơn, đôn đốc và giám sát việc giải quyết đến tận cùng. Từ ví dụ này, vấn đề được đặt ra là, mỗi ứng cử viên phải tìm hiểu và nắm tương đối vững quyền hạn và nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trước khi vận động bầu cử.

Thứ tư, do quá lo lắng mà có ứng cử viên lúng túng, không biết nói gì và thể hiện như thế nào cho thanh thoát: Khiếm khuyết này thường rơi vào một số ứng cử viên lần đầu được giới thiệu ứng cử, hoặc là chưa quen nói ở những nơi đông người, hoặc là có quá nhiều chuyện muốn nói mà chưa biết bắt đầu từ đâu cho hợp lý, hoặc là “quá ngợp” với vị thế mà mình sắp vươn tới, nhất là ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh,... Để khắc phục các tình huống này, có lẽ tốt nhất là rút kinh nghiệm từ việc chọn lọc một số vấn đề thiết thực nhất, sắp xếp theo một trình tự hợp lý nhất, vấn đề trước làm nền cho vấn đề sau và thực sự bình tĩnh, tự tin, trình bày mạch lạc, khúc chiết, rõ ràng bằng ngôn ngữ dễ hiểu. Có thể có những ví dụ minh họa nhằm làm sáng rõ vấn đề. Ngoài ra, cần lắng nghe và ghi chép đầy đủ ý kiến của cử tri, đồng thời trao đổi với cử tri một cách thẳng thắn, cởi mở, chân thành, cầu thị; hạn chế những ngôn từ “bay bướm”, không làm sáng rõ được nội hàm của vấn đề đang trao đổi. Luật quy định ứng cử viên được gặp gỡ, tiếp xúc cử tri có tổ chức, và qua đó, có cơ hội bộc lộ khả năng của mình, bởi vậy, ứng cử viên cần phải tỏ rõ năng lực, trí tuệ, phẩm chất đạo đức, nhưng lại phải thật sự khiêm tốn, hết sức tránh “bốc đồng”, khoe mẽ học thuật cao siêu, quyền cao chức trọng,...

Thứ năm, chương trình hành động của một số ứng cử viên không sát với thực tế địa phương nên cử tri càng nghe càng thờ ơ: Từng có ứng cử viên khi vận động bầu cử đã trình bày rất say sưa các chương trình biểu diễn một số loại hình nghệ thuật trong thời gian tới do chính mình quản lý; lại có ứng cử viên sa đà vào một chuyên môn hẹp của khoa học tự nhiên,..., trong khi địa bàn tiếp xúc là một vùng nông thôn xa xôi, chủ yếu làm nông nghiệp. Tại đó, nhiều cử tri nói: “Ai kiến nghị được các giải pháp tiêu thụ lúa gạo, củ, quả, cá, tôm, lợn, gà,... cho nông dân với giá phải chăng thì chúng tôi giơ cả hai tay bầu cho người đó”. Trong tình thế này, các ứng cử viên nói trên không đắc cử đã như là một lời cảnh báo trước. Từ “bài học” này, vấn đề quan trọng đặt ra là, ứng cử viên phải nắm bắt tương đối chắc chắn tình hình cơ bản về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước nói chung và của địa phương nơi mình ứng cử nói riêng. Từ đó, xây dựng một chương trình hành động ngắn gọn theo quy chuẩn nhưng bao hàm được những nét chủ yếu và tương thích, phù hợp với tình hình địa bàn nơi ứng cử, rồi trình bày và trao đổi với cử tri một cách rộng mở, thoải mái, tự tin. Trong chương trình hành động chỉ nên hứa những gì thiết thực, có đủ điều kiện thực thi, đem lại hiệu quả; hứa một, khả năng làm được hai càng tốt; không nên hứa những việc quá “xa tầm với”, thiếu khả năng thực hiện; càng không nên hứa lấy lòng, hứa suông, hứa cho xong chuyện.

Thứ sáu, một số ứng cử viên quá tin vào vị thế của mình mà thiếu sự tích cực vận động bầu cử: Ở các khóa trước, chỉ nói riêng ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã có không ít người đương kim lãnh đạo chủ chốt ở một số địa phương mà không trúng cử. Ngay cả ứng cử viên đại biểu Quốc hội do Trung ương giới thiệu từ khóa X đến khóa XIII cũng có trên dưới chục người (mỗi lần bầu) không đắc cử. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng thiếu sự tích cực khi vận động bầu cử là một nguyên nhân và cũng là một thiếu sót đáng tiếc. Biểu hiện cụ thể là, một số ứng cử viên chỉ tiếp xúc một hai cuộc rồi thôi, nói là quá bận việc; cá biệt, có người chỉ gặp gỡ chung với lãnh đạo địa phương, không có buổi tiếp xúc nào với cử tri ở đơn vị bầu cử. Có người còn ngộ nhận rằng, tiếng nói “cao đạo hào hùng” của mình là để giảng giải, giáo huấn chứ đâu phải để “vấn đáp” như thế này! Họ cố tình quên rằng, ngày nay, dân chủ được phát huy mạnh mẽ, cử tri rất muốn biết, rất muốn nghe để “đo đếm”, nắm bắt thực chất “đô lượng” tài, đức của ứng cử viên như thế nào. Vậy mà có ứng cử viên lại “lơ là”, coi vị thế, chức sắc đã nói lên tất cả “tài năng, đức độ” của mình rồi. Có cử tri thốt lên rằng: “Những bức xúc của địa phương, thậm chí là những bê bối, hy vọng lần này được trao đổi với ông ấy mà lại không thấy ông ấy đâu!”. Có một thực tế khác nữa là, không phải chức sắc lãnh đạo nào cũng thăng tiến bằng tài, đức, mà có khi bằng các kiểu “khác thường”, bởi vậy, tiếp xúc cử tri trong vận động bầu cử là một dịp để dân chúng “kiểm tra, giám sát” xem năng lực, trình độ thực sự của các chức sắc đó có xứng tầm đại diện cho dân không. Lẽ ra những ứng cử viên này nếu thực sự xứng đáng thì đây là dịp thể hiện tài năng, đức độ của mình, nhưng vì “lấn cấn” gì đó nên họ lại chưa tận tâm với cơ hội hiếm hoi này. Lần bầu cử tới đây, các ứng cử viên nên khắc phục tối đa thiếu sót nói trên, bởi đó cũng là “phép thử” xem các vị có đạt được tiêu chuẩn thứ 4 của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân không - đó là: “Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm” (Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 và Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015).

Thứ bảy, một số ứng cử viên “vô tình” lạm dụng phương tiện thông tin đại chúng: Trường hợp này thường rơi vào một số ứng cử viên có chức sắc, nhất là ở địa phương. Trước đó, nhược điểm vốn có ở họ là, khi nói trong các cuộc hội họp ở cơ quan hoặc nói trước nhân dân, họ thường nói một cách “ngẫu hứng”, không tính thời gian. Trong khi đó, hội nghị, chương trình tiếp xúc cử tri trong vận động bầu cử được luật định theo các công đoạn rất chặt chẽ, trong đó có thời gian cho từng người, từng việc, nhất là thời lượng ứng cử viên được nói trên đài phát thanh, đài truyền hình. Vì quen “ngẫu hứng”, một số ứng cử viên chức sắc cứ thế nói say sưa (đang lúc ghi âm, ghi hình để phát trực tiếp nên không ai dám lại gần, không ai dám nhắc),... Thực ra, tuân thủ giờ giấc, “giờ nào việc nấy” để sao cho với thời gian tối thiểu mà hàm lượng thông tin đạt tối đa cũng là một khía cạnh của cách làm việc khoa học, bởi vậy, các ứng cử viên phải rèn luyện và nên “chấp hành”. Khi đã trúng cử đại biểu thì phải tuân thủ nội quy kỳ họp (ở Quốc hội, phát biểu trong thảo luận về kinh tế - xã hội là những vấn đề rộng lớn nhưng định mức thời gian cho đại biểu chỉ 7 phút một lần phát biểu; nếu liên hệ xa hơn nữa, có thể thấy, trong các hội nghị của Hội đồng Dân ủy - Hội đồng Bộ trưởng ở Liên Xô trước kia, V. I. Lê-nin đưa ra quy định mỗi đại biểu được phát biểu lần đầu là 5 phút, lần thứ hai là 3 phút). Mắc phải nhược điểm nói trên, theo chúng tôi, không phải là do ứng cử viên cố tình, mà là do “quán tính” của họ. Tuy nhiên, đó lại là hành vi bị cấm, bởi vì, khoản 2, Điều 68 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định: Cấm “lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử”.

Thứ tám, một số ứng cử viên lấy lòng cử tri bằng cách làm từ thiện, tài trợ trá hình: Khuyết điểm này thường rơi vào một số ứng cử viên là doanh nhân, hoặc là người đứng đầu cơ quan có điều kiện tài chính, trong đó có người tự ứng cử. Họ tỏ ra “sốt sắng” quan tâm đến đồng bào nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, quan tâm đến xã, huyện có nguồn thu ngân sách quá hạn hẹp; “nhiệt thành” hưởng ứng các chương trình mục tiêu quốc gia. Họ tính toán (thời điểm nào làm gì, quan hệ với ai, kinh phí bao nhiêu,…), rồi làm những cuộc “hảo tâm” rầm rộ về bề rộng và nhỏ lẻ về chiều sâu,... Tuy nhiên, họ khó có thể qua được “tai mắt” nhân dân. Có trường hợp cá biệt “lọt” được thì cũng không thể tồn tại trước sự nghiêm minh của các cơ quan dân cử đại diện cho dân. Thiết nghĩ, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 nhất định phải tránh xa những vụ việc không mấy minh bạch đó, phải thực hiện nghiêm túc khoản 4, Điều 68 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015: Nghiêm cấm “sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri”.

Những khiếm khuyết nói trên, với mức độ khác nhau, đều có liên quan trực tiếp đến 5 tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội được quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 và 4 tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân được quy định tai Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Chúng ta tin rằng, với nỗ lực phấn đấu vươn đến tầm cao các tiêu chuẩn đó, các ứng cử viên của cuộc bầu cử lần này sẽ nghiêm túc hoàn thiện mình hơn nữa để trở thành những ứng cử viên sáng giá, đắc cử vào các cơ quan dân cử 4 cấp nhiệm kỳ mới./.