Đại sứ Phạm Quang Vinh: Chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama sẽ làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ
Nhân chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Barack Obama từ ngày 23 đến ngày 25-5-2016, phóng viên TTXVN tại Washington đã phỏng vấn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh về chuyến thăm này.
Dưới đây là nội dung phỏng vấn:
Phóng viên: Xin Đại sứ đánh giá về tầm quan trọng của chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ B. Obama?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nếu chúng ta nhìn lại 20 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ và đặc biệt là 10 năm qua thì đây là chuyến thăm thứ ba của ba đời tổng thống liên tục của Hoa Kỳ. Trong 10 năm qua, quan hệ giữa hai nước đã có những phát triển vượt bậc. Thứ nhất, quan hệ thương mại song phương đã lên tới 45 tỷ USD, gấp 20 lần so với 20 năm trước. Thứ hai, trong nhiệm kỳ của Tổng thống B. Obama, hai nước đã hình thành được khuôn khổ quan hệ lâu dài, cụ thể là khuôn khổ Đối tác toàn diện được ký kết năm 2013 và đặc biệt là chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015 đã thông qua Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ hai nước. Đây là nền tảng và cơ hội để thúc đẩy quan hệ hai nước mạnh hơn nữa. Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã phát triển trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, an ninh, quốc phòng, khoa học - kỹ thuật, giáo dục, giao lưu nhân dân cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm. 10 năm qua, cho đến chuyến thăm sắp tới của Tổng thống B. Obama, quan hệ hai nước trong khuôn khổ đối tác toàn diện đã có những phát triển vượt bậc. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng chuyến thăm sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai bên.
Phóng viên: Theo Đại sứ, liệu tầm quan trọng của chuyến thăm có bị ảnh hưởng khi Tổng thống B. Obama sắp kết thúc nhiệm kỳ thứ hai?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nếu nhìn vào chiều dài quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ thì sự thúc đẩy từ lúc bình thường hóa cho đến mở rộng quan hệ, hình thành quan hệ Đối tác toàn diện đều có sự ủng hộ của cả hai đảng. Thực tế đã chứng minh rằng, trong 20 năm qua, các đời tổng thống của các đảng khác nhau ở Hoa Kỳ đều thúc đẩy mối quan hệ này ngày càng phát triển. Cá nhân Tổng thống B. Obama trong nhiệm kỳ của mình đã hướng tới quan hệ nhiều hơn với khu vực châu Á, với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà minh chứng là Hội nghị cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ vừa qua tại Sunnylands. Trong quan hệ với Việt Nam có hai dấu mốc lớn là khuôn khổ Đối tác toàn diện và chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Điều này sẽ tạo ra dấu ấn khẳng định chiều hướng phát triển ở một tầm cao hơn nữa trên tất cả các bình diện trong khuôn khổ đã đề ra của quan hệ đối tác toàn diện, đồng thời có tác dụng tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước không chỉ ở nhiệm kỳ này mà còn cả các nhiệm kỳ sau và tiếp tục có sự ủng hộ của cả hai đảng ở Hoa Kỳ.
Phóng viên: Theo Đại sứ, điểm nhấn trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống B. Obama là gì?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Điểm nhấn quan trọng nhất chắc chắn sẽ là sự tiếp nối chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015, đó là hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, trong đó có tôn trọng độc lập chủ quyền và thể chế chính trị của nhau. Giữa hai nước có rất nhiều tiềm năng hợp tác. Tôi cho rằng kinh tế chắc chắn sẽ phát triển hơn nữa. Đây vốn là một trụ cột và sẽ tiếp tục có cơ hội phát triển nhiều hơn nữa khi mà các doanh nghiệp Hoa Kỳ thấy một Việt Nam đổi mới, một môi trường ngày càng thuận lợi hơn khi đang có những hoạt động đầu tư và mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Thứ hai là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà hai bên đang tích cực cùng nhau đưa vào hoạt động, tạo động lực thúc đẩy thương mại trong khuôn khổ TPP nói chung và giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nói riêng. Thứ ba, chuyến thăm sẽ tạo thêm động lực cho hai nước tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, giáo dục vốn đã phát triển lâu nay. Giao lưu nhân dân hay hợp tác trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải, môi trường đều là những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Đó là những điểm nhấn rất lớn, nhưng sự tin cậy chính trị và phát triển kinh tế sẽ tạo động lực cho mối quan hệ tổng thể trong khuôn khổ Đối tác toàn diện.
Phóng viên: Đại sứ đánh giá như thế nào về khả năng Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam trong chuyến thăm của Tổng thống B. Obama?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Hiện hai bên đang rà soát tất cả các lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ Đối tác toàn diện cũng như những định hướng đã được đề ra trong Tuyên bố Tầm nhìn 2015 để có thể thúc đẩy hơn nữa các thỏa thuận hợp tác. Tôi tin rằng sẽ có những thỏa thuận lớn trong những vấn đề này, từ hợp tác kinh tế cho đến những lĩnh vực hợp tác khác. Quá trình chuẩn bị đang được tiếp tục và chúng ta sẽ chờ xem những kết quả sắp tới.
Về khả năng Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương, với tư cách là Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, tôi đã làm việc các cơ quan trong chính quyền và các nghị sĩ trong Quốc hội Hoa Kỳ. Tôi cho rằng, việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương là cần thiết và càng sớm càng tốt, đặc biệt là nếu đạt được trong chuyến thăm này thì đó là điều rất tốt cho quan hệ hai nước. Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí chứng tỏ rằng sau 20 năm, trở ngại cuối cùng sẽ được dỡ bỏ và quan hệ hai nước sẽ được bình thường hóa một cách hoàn toàn. Bên cạnh đó, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận sẽ giúp tăng thêm độ tin cậy giữa hai nước để mở ra các cơ hội hợp tác mới. Do đó, tôi đặt nhiều hy vọng vào điều này và Việt Nam cũng đã đề nghị Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí.
Phóng viên: Theo Đại sứ, đâu là triển vọng hợp tác cũng như trở ngại lớn trên cả bình diện song phương và đa phương?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nếu nói về hợp tác, nhìn lại khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện thì mỗi một nơi, mỗi một lĩnh vực đều có không gian rất lớn để hai nước tăng cường hợp tác. Về kinh tế - thương mại, trong 20 năm qua, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng 90 lần lên 45 tỷ USD, nhưng một khi TPP đi vào thực hiện thì đà gia tăng sẽ còn lớn hơn rất nhiều. Nhìn chung, trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ đều tăng khoảng 20%/năm và thời gian tới sẽ tăng mạnh cả về chất lượng và số lượng. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này vẫn còn những trở ngại như các hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ. Chúng tôi cho rằng, cùng với quá trình phát triển quan hệ giữa hai nước cũng như quá trình triển khai TPP, hai bên cần loại bỏ những trở ngại đó. Tôi lấy ví dụ vấn đề cá da trơn của Việt Nam, chúng ta đang đấu tranh rất mạnh. Phía Hoa Kỳ cũng phải thừa nhận rằng hai bên cần đẩy mạnh hợp tác để làm sao luồng “giao lưu - giao thông” của kinh tế - thương mại giữa hai nước ngày càng được tạo thuận lợi hơn nữa. Riêng về TPP, tôi cho rằng 12 quốc gia tham gia TPP đều có các lợi ích quốc gia của mình, trong đó lợi ích quốc gia lớn nhất của mỗi nước là làm sao tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thương mại giữa các thị trường quan trọng này với nhau và ở một chất lượng cao hơn. Tôi cho rằng Hoa Kỳ cũng có lợi ích đó, Việt Nam cũng có lợi ích đó. Do đó, TPP chắc chắn sẽ là một vấn đề được ưu tiên trao đổi.
Trong các lĩnh vực như khoa học - giáo dục cũng có rất nhiều cơ hội tăng cường hợp tác. Về giáo dục, 19.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Hoa Kỳ và chúng ta đang thảo luận với phía bạn để triển khai dự án trường Đại học Fulbright ở Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, các trường đại học của Việt Nam cũng đang có các thỏa thuận liên kết hợp tác với các trường đại học của Hoa Kỳ. Về vấn đề giao lưu nhân dân, hằng năm có khoảng 500.000 người Mỹ tới Việt Nam, bao gồm các du khách, doanh nghiệp hay lưu học sinh và những điều đó sẽ tạo ra các động lực mới cho hợp tác song phương. Trong các vấn đề toàn cầu, tôi cho rằng có rất nhiều lĩnh vực hợp tác như biến đổi khí hậu, môi trường, y tế hay an ninh - an toàn hàng hải.
Phóng viên: Đại sứ có thể cho biết vấn đề Biển Đông sẽ được hai bên bàn thảo như thế nào?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Tôi cho rằng cùng với các vấn đề song phương, hai bên cũng sẽ thảo luận các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có biến đổi khí hậu mà tình hình Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là vấn đề rất cần thiết để hai bên trao đổi hợp tác. Ngoài ra, các vấn đề như thiên tai, môi trường, y tế và an ninh y tế toàn cầu và an ninh hàng hải cũng là những vấn đề được hai bên đặc biệt quan tâm. Chúng tôi cho rằng, bảo đảm hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, bảo đảm không bên nào làm phức tạp tình hình, trái với luật pháp quốc tế, trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) là những nội dung không chỉ được Việt Nam và Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm, mà đây là mối quan tâm chung của cả khu vực, trong đó ASEAN cũng có tiếng nói trong vấn đề này.
Phóng viên: Nhân quyền là một vấn đề khá nhạy cảm trong quan hệ hai nước. Theo Đại sứ, vấn đề này sẽ được đề cập như thế nào trong chuyến thăm?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Trước hết, chúng ta cần phải khẳng định rằng, việc thúc đẩy phúc lợi, các quyền của người dân đã được Việt Nam chúng ta hết sức nỗ lực trong 3 thập niên đổi mới. Trong quá trình trao đổi với Hoa Kỳ hay với cộng đồng quốc tế, chúng ta đã chia sẻ các kinh nghiệm để bảo đảm tốt hơn mọi quyền lợi của người dân. Với Hoa Kỳ, lâu nay chúng ta vẫn có các kênh đối thoại để chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau cũng như hiểu được các quan tâm - quan ngại của nhau. Tôi cho rằng, với việc thúc đẩy đối thoại, tăng cường hiểu biết và trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, chúng ta sẽ càng làm tốt hơn việc cùng nhau phấn đấu vì lợi ích của người dân mỗi nước và của cả hai nước.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ./.
Việt Nam luôn bảo đảm các quyền, tự do cơ bản của người dân  (16/05/2016)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 09 đến 15-5-2016  (16/05/2016)
Hàn Quốc nối lại chương trình tiếp nhận lao động Việt Nam  (15/05/2016)
Ngành Công Thương cần nhanh chóng thể chế hóa các cam kết hội nhập  (15/05/2016)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Thủ tướng Lào  (15/05/2016)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên