Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm phát triển theo chiều hướng tích cực
TCCSĐT - Chiều nay, 4-8, Văn phòng Chính phủ đã họp báo thông báo kết quả phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2010. Các đồng chí: Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Bắc Son, chủ trì họp báo.
Tại buổi họp báo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong hai ngày 3 và 4-8, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7-2010 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tập trung thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, điều hành kinh tế vĩ mô tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2010, dự báo tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, công tác cải cách hành chính tháng 7-2010 và việc tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Tại phiên họp, Chính phủ cũng xem xét, cho ý kiến đối với Đề án “Những giải pháp, chính sách để nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”; Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2010; Đề án đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông; tổng kết thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường; dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 25/2008/NĐ-CP ngày 4-3-2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm, Chính phủ nhận định tình hình kinh tế - xã hội đang phát triển theo chiều hướng tích cực: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7-2010 chỉ tăng 0,06% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Nhập siêu và lãi suất đang theo chiều hướng giảm. Giá trị sản xuất công nghiệp tính chung 7 tháng đầu năm tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2009 và cao hơn so với kế hoạch cả năm. Xuất khẩu trong cả nước tăng 17,5%, trong đó có 10 mặt hàng (dệt may, dầu thô, giày dép, thủy sản, gạo, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, máy tính và linh kiện, đá quý kim loại quý, cà phê) đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỉ USD. Nhập khẩu giảm so với tháng trước. Tổng phương tiện thanh toán tháng 7/2010 tăng 13% so với tháng 12/2009
Số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tháng 7-2010 ước đạt 7 nghìn doanh nghiệp, với số vốn đăng ký đạt gần 40 nghìn tỷ đồng. Tính chung 7 tháng đầu năm 2010, cả nước có gần 50 nghìn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, với tổng số vốn đăng ký 291 nghìn tỉ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Trong tháng 7-2010, cả nước giải quyết việc làm cho hơn 141 nghìn lượt người.
Chỉ số kinh tế đã đạt được trong 7 tháng đầu năm tạo tiền đề quan trọng để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2010, trong đó mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% đã đặt ra có thể đạt và vượt. Tổng kim ngạch xuất khẩu có thể tăng 17%, nhập siêu giảm xuống dưới 20%, CPI sẽ tăng khoảng 8% là mức tăng phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.
Các lĩnh vực an sinh xã hội, chính sách cho người có công, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, do nền kinh tế thế giới mặc dù đã phục hồi, nhưng vẫn chưa vững chắc, nền kinh tế trong nước còn một số khó khăn, hạn chế, như nhập siêu có xu hướng giảm nhưng vẫn còn khá cao; giá cả trên thị trường thế giới và giá vật tư đầu vào tăng gây áp lực đến mặt bằng giá cả trong nước; tình trạng thiếu vốn và lãi suất tín dụng cao vẫn là những khó khăn cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất công nghiệp; thiên tai, dịch bệnh vẫn có nguy cơ lây lan và diễn biến khá phức tạp..., vì thế, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong Phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu không được thỏa mãn, chủ quan mà cần nhận thức rõ nhiệm vụ thời gian tới rất nặng nề, còn nhiều khó khăn, thách thức, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu; nỗ lực đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra cho năm 2010, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, ổn định tỷ giá, giảm dần lãi suất tín dụng; phấn đấu giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 8% tạo tiền đề để thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những năm tiếp theo; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, kịp thời xử lý các vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực thi Luật Doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện quyết liệt giai đoạn 3 của Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính; chủ động các biện pháp phòng chống thiên tai, bão lũ và dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể gây ra. Bộ Tài chính phối hợp các bộ, ngành, địa phương nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không để xảy ra nạn đầu cơ, tăng giá; chú trọng kiểm soát giá thuốc chữa bệnh, giá sữa, trong đó tập trung kiểm soát giá thuốc ở các nhà thuốc bệnh viện. Bộ Công Thương và các bộ, ngành khác nghiên cứu biện pháp đồng bộ từ nhập khẩu, cung ứng đến bán lẻ để bảo đảm bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên cơ sở tôn trọng các cam kết tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thành kế hoạch đầu tư giai đoạn 2011-2015; tiếp túc thúc đẩy sản xuất công nghiệp thông qua tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy cổ phần hóa, đổi mới, nâng cao hiệu quả và phát triển doanh nghiệp.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần sớm phê chuẩn chuẩn nghèo. Tổng cục Thống kê công bố tỷ lệ hộ nghèo. Bộ Thông tin và Truyền thông siết chặt việc quản lý nội dung các trò chơi trực tuyến (game online). Các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp tốt để bảo đảm an ninh, an toàn cho các sự kiện lớn sẽ diễn ra từ nay đến cuối năm như các hội nghị quốc tế quan trọng, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng…
Các bộ, ngành thúc đẩy việc xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện các luật, pháp lệnh, nhất là các văn bản pháp hướng dẫn các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thi hành, đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông chủ động cung cấp thông tin, bảo đảm thông tin kịp thời, khách quan, trung thực, mang tính xây dựng, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đảng, Nhà nước đề ra.
Cũng tại buổi họp báo chiều nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo đánh giá của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 7 về tình hình hoạt động và chủ trương, giải pháp để ổn định, phát triển Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng trình bày phương án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và trả lời các câu hỏi của phóng viên xung quang vấn đề này./.
Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đến thăm và làm việc với Tạp chí Cộng sản  (04/08/2010)
Cảm nhận về những tháng năm làm Tạp chí Cộng sản  (04/08/2010)
Cảm nhận về những tháng năm làm Tạp chí Cộng sản  (04/08/2010)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên