Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 11-4 đến ngày 17-4-2016)
TCCSĐT - Bất chấp đà phục hồi vào cuối tuần, song dư âm của ba phiên đi xuống trước đó vẫn khiến thị trường vàng chứng kiến tuần mất giá đầu tiên trong vòng ba tuần qua.
Quý I-2016 cả nước xuất siêu 1,36 tỷ USD
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong quý I-2016 cả nước xuất siêu 1,36 tỷ USD, gấp đôi con số ước tính trước đó của Tổng cục Thống kê.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 3 tháng đầu năm 2016 đạt 76,17 tỷ USD, tăng 1,1%, tương ứng tăng 817 triệu USD so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 38,77 tỷ USD, tăng 6,6%; trong khi giá trị nhập khẩu đạt 37,4 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2015. Như vậy, trong 3 tháng đầu năm 2016 cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư được 1,36 tỷ USD.
Cũng theo Cơ quan Hải quan, đóng góp cho việc xuất siêu này của Việt Nam trong quý vừa qua vẫn chủ yếu là ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong khi khu vực kinh tế trong nước cùng thời gian này tiếp tục nhập siêu. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI là 49,77 tỷ USD, tăng 3,3% (1,59 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm các doanh nghiệp khu vực này là 27,28 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 70,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Như vậy, doanh nghiệp của khu vực này trong quý vừa qua xuất siêu 4,79 tỷ USD. Trong khi đó, khu vực kinh tế trong nước ba tháng qua nhập siêu lên tới 6,15 tỷ USD.
Ra mắt Cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam về TPP
Ngày 14-4, tại hội thảo "Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), những điều doanh nghiệp cần biết", Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã giới thiệu Cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp về TPP đến các công ty, đơn vị sản xuất kinh doanh, hiệp hội ngành hàng khu vực phía Nam.
Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc VCCI Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp về TPP là tài liệu hướng dẫn chi tiết, cụ thể về các nội dung cốt lõi của TPP cho doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam do Trung tâm WTO và Hội nhập thực hiện với sự tư vấn của Đoàn đàm phán TPP của Chính phủ Việt Nam.
Đây là tài liệu tóm tắt các nội dung cốt lõi của TPP, lựa chọn trong số các cam kết có tác động trực tiếp nhất và dự kiến có ảnh hưởng nhiều nhất tới lợi ích của doanh nghiệp. Cẩm nang diễn giải các cam kết theo cách thức ngắn gọn, dễ hiểu, với các đánh giá ban đầu về những tác động đến doanh nghiệp, cũng như lưu ý doanh nghiệp về vấn đề cần quan tâm nhất.
Theo ông Trần Ngọc Liêm, trong hai năm tới là giai đoạn quan trọng để cả cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội chuẩn bị cho TPP. Do đó, VCCI sẽ nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp hiểu rõ và tận dụng hiệu quả TPP thông qua các giải pháp cũng như chương trình hành động có nội dung đa dạng, hình thức phong phú. Đặc biệt, VCCI sẽ phối hợp với các chuyên gia, tổ chức quốc tế, tiếp tục triển khai những nội dung quan trọng của TPP đến doanh nghiệp một cách sâu rộng.
Vàng giảm giá lần đầu tiên trong vòng ba tuần trong khi đồng USD chứng kiến mức tăng cao
Bất chấp đà phục hồi vào cuối tuần, song dư âm của ba phiên đi xuống trước đó vẫn khiến thị trường vàng chứng kiến tuần mất giá đầu tiên trong vòng ba tuần qua.
Giữa bối cảnh đồng USD nhích nhẹ từ mức thấp nhất trong gần 8 tháng so với các đồng tiền chủ chốt, giá vàng cũng diễn biến theo chiều ngược lại. Bỏ lại phiên tăng giá đầu tuần, kim loại quý ngày càng lùi sâu về cuối tuần, do các thị trường chứng khoán khởi sắc cùng sự mạnh lên của đồng USD.
Đáng chú ý, trong ngày 14-4, Quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Shares, cho biết lượng vàng do quỹ này nắm giữ giảm 5,05 tấn xuống mức thấp nhất trong một tháng. Tính tới sáng 16-4 (giờ Việt Nam), tại thị trường Mỹ, giá vàng giao ngay tăng 0,4%, lên 1.231,96 USD/ounce. Tuy nhiên, giá kim loại quý này vẫn giảm 0,6% trong cả tuần này, giữa bối cảnh chỉ số đồng USD - thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt trong rổ tiền tệ - lại tăng 0,5%, đánh dấu tuần tăng đầu tiên trong ba tuần qua.
Hiện giá vàng ổn định hơn sau khi ghi nhận quý tăng mạnh nhất trong vòng 30 năm qua vào quý I-2016, do những đồn đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tiến hành vài đợt nâng lãi suất trong năm nay. Chủ tịch Fed tại Chicago, Charles Evans, mới đây dự đoán rằng ngân hàng này sẽ tiến hành ít nhất hai đợt nâng lãi suất từ nay tới cuối năm.
Trong khi đó, diễn biến giá các kim loại quý khác cũng khá tích cực trong phiên cuối tuần. Giá bạc đạt mức tăng 5,8% trong cả tuần qua, mạnh nhất kể từ tháng 5-2015. Giá bạch kim cũng ghi nhận tuần tăng giá thứ ba liên tiếp, dù phiên cuối tuần mất 0,5%, xuống 983 USD/ounce.
Giám đốc hãng chuyên cung cấp các dịch vụ chứng khoán MKS Afshin Nabavi nhận định “các thị trường chứng khoán khởi sắc cùng sự mạnh lên của đồng USD đang là yếu tố gây sức ép lên giá vàng”. Chuyên gia này dự báo, trong bối cảnh nhu cầu mua vàng vật chất vẫn rất yếu, giá vàng sẽ chỉ dao động quanh mức 1.240 USD/ounce trong thời gian tới.
EU cảnh báo sẽ mạnh tay với các sản phẩm thép Trung Quốc giá rẻ
Ngày 13-4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Junker cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng áp đặt các biện pháp mạnh tay nếu phát hiện các dấu hiệu bán phá giá thép của các nhà sản xuất Trung Quốc.
Phát biểu trước nghị viện châu Âu, ông Junker khẳng định EU đang điều tra khả năng các nhà sản xuất thép Trung Quốc bán phá giá các sản phẩm của mình tại thị trường châu Âu và sẽ có những biện pháp trừng phạt trong trường hợp cần thiết.
Tháng 2 vừa qua, EC đã mở 3 cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc và đánh thuế đối với 2 sản phẩm thép khác. Mặc dù thừa nhận ngành công nghiệp thép của châu Âu đang tồn tại nhiều vấn đề, Chủ tịch Junker cho rằng với lượng lao động hơn 360.000 người, đây vẫn là ngành công nghiệp công nghệ cao cần được đầu tư và bảo vệ.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh ngành công nghiệp thép ở Anh đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng sau khi Tập đoàn Thép Tata (Ấn Độ) thông báo sẽ bán toàn bộ doanh nghiệp sản xuất thép tại quốc gia này sau gần một thập kỷ hoạt động, nguyên nhân do chi phí cao và sự cạnh tranh khốc liệt của thép giá rẻ Trung Quốc.
Nhiều người dân Anh cho rằng những khó khăn trong ngành công nghiệp thép là hậu quả của các chính sách kém hiệu quả từ EU, đe dọa trực tiếp tới việc làm của 10.000 lao động nước này và chính điều này đang được lấy làm lý do để vận động bỏ phiếu ủng hộ đưa Anh rời khỏi EU.
Châu Âu tuyên chiến với các hoạt động gian lận thuế
Với nỗ lực chung nhằm thắt chặt kiểm soát các hoạt động tài chính, Ủy ban châu Âu đang xem xét đề xuất một số biện pháp mới nhằm tăng cường tính minh bạch về tài chính và ngăn chặn hành vi trốn thuế của các công ty đa quốc gia. Động thái này được đưa ra sau khi tài liệu rò rỉ từ "Hồ sơ Panama" đang gây chấn động thế giới, cũng như tạo ra sức ép với nhiều chính phủ tại châu Âu.
Theo kế hoạch, Ủy ban châu Âu sẽ công bố một số quy định mới, bổ sung cho kế hoạch siết chặt kiểm soát thuế trước đó. Theo kế hoạch này, các công ty đa quốc gia, hoặc các doanh nghiệp lớn sẽ phải công khai số tiền và địa điểm nộp thuế tại từng quốc gia thành viên EU. Đây là một điểm khá khác biệt với các nước ngoài khối. EU muốn áp dụng các biện pháp này đối với tất cả các doanh nghiệp có doanh thu thường niên lớn hơn 750 triệu euro. Bên cạnh đó, các biện pháp mới cũng yêu cầu các công ty này công khai các hoạt động tài chính nằm ngoài phạm vi EU, nhất là tại các quốc gia bị các nước EU liệt vào danh sách "thiên đường trốn thuế". Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng kế hoạch trên sẽ vấp phải sự phản đối hoặc trì hoãn của không ít quốc gia thành viên, bởi các nước EU chưa thống nhất quan điểm chung về một danh sách những nước bị coi "thiên đường trốn thuế".
IMF và WB cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Tại Hội nghị Mùa Xuân 2016 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Washington (Mỹ), giữa bối cảnh những lo ngại kéo dài về tình trạng sa sút của kinh tế toàn cầu, các Bộ trưởng Tài chính thế giới cam kết sẽ chung tay thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Hội nghị kêu gọi các nước triển khai cách tiếp cận theo 3 hướng gồm: chính sách tiền tệ, chi tiêu tài chính và cải cách cơ cấu, để thúc đẩy các hoạt động kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, một số thành viên mong muốn WB và IMF triển khai kế hoạch dự phòng với nguồn lực tài chính khẩn cấp lớn hơn trong trường hợp thế giới rơi vào tình trạng suy thoái. Tuy nhiên, lời kêu gọi đã không được nhiều nước hưởng ứng.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều các quốc gia đang phát triển mong muốn IMF và WB giúp đối phó với tình trạng sụt giảm trên các thị trường hàng hóa và nguồn tín dụng ngày một siết chặt hơn, hội nghị lần này đã không có phản ứng rõ ràng trước lời kêu gọi thiết lập một kế hoạch hỗ trợ ở quy mô quốc tế nếu tăng trưởng bắt đầu chững lại.
Trước đó, IMF đã điều chỉnh hạ triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong năm nay xuống 3,2%, đồng thời cảnh báo dòng người tị nạn, những biến động trên thị trường tài chính, xu hướng vỡ nợ doanh nghiệp và khả năng Vương quốc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) là các mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu đang bấp bênh.
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đã miêu tả tuần qua như là một quá trình để "chuyển từ trạng thái tiêu cực mà chúng ta đang phải đối mặt sang cách tiếp cận lạc quan để xác định các giải pháp"./.
Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII  (19/04/2016)
Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII  (19/04/2016)
Dựa vào dân để nâng cao hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu  (19/04/2016)
Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội  (19/04/2016)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên