Ngày 14-3-2016, các cuộc hòa đàm nhằm kết thúc cuộc nội chiến tại Syria do Liên hợp quốc bảo trợ đã bắt đầu diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ).

Các cuộc đàm phán được mong chờ này diễn ra đúng dịp 5 năm ngày bùng phát xung đột tại Syria, đánh dấu nỗ lực mới nhất nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu, vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 270.000 người và khiến hàng triệu người dân Syria mất nhà cửa.

Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura cho biết, cuộc hòa đàm lần này có thể kéo dài tới 10 ngày. Ông đã cảnh báo nếu đàm phán lần này thất bại thì sẽ chẳng có giải pháp thay thế nào để giải quyết xung đột tại Syria.

Mặc dù các nhà phân tích đánh giá đã có nhiều thay đổi kể từ vòng đàm phán trực tiếp cuối cùng bị đổ vỡ hồi tháng 2 vừa qua, trong đó có việc các bên đang thực thi thỏa thuận ngừng bắn tạm thời, song vấn đề tương lai của Tổng thống Bashar al Assad được cho là rào cản lớn khiến cuộc hòa đàm khó đạt đột phá. Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem tuyên bố kể cả ông Mistura cũng “không có quyền” bàn về các cuộc bầu cử tổng thống trong tương lai của Syria, mà quyền này chỉ dành cho người dân Syria mà thôi. Trong khi đó, Uỷ ban đàm phán cấp cao (HNC) - đại diện cho một liên minh rộng lớn gồm nhiều nhóm đối lập ở Syria, cho rằng cuộc đàm phán lần này cần tập trung vào việc thành lập một chính phủ quá độ và ông Assad phải từ bỏ quyền lực để bắt đầu giai đoạn quá độ này.

Theo dự kiến, các cuộc đàm phàn lần này cũng sẽ thảo luận về ý tưởng được Nga và Mỹ ủng hộ về một “nhà nước liên bang” cho Syria trong tương lai, coi đây là giải pháp khả thi nhất để duy trì sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Syria trong hoàn cảnh “chia năm xẻ bảy” như hiện nay. Theo ý tưởng này, Syria sẽ có ba “bang” cho ba thế lực mạnh nhất hiện nay gồm khu vực thuộc chính quyền Syria, thuộc phe đối lập và thuộc người Kurd Syria. Ý tưởng này còn tính đến phân chia địa bàn hiện do lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm đóng sau khi tổ chức khủng bố này bị xóa sổ. Theo đó, chính quyền Syria sẽ tiếp quản thành phố Raqqa - “thủ đô” hiện nay của IS. Phe đối lập tiếp quản phần lớn địa bàn của IS hiện tại. Tuy nhiên, cả Chính phủ Syria và một số nhóm đối lập vẫn chưa nhất trí với ý tưởng này./.