Công bố Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”
TCCSĐT - Ngày 23-02-2016, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ, Bộ kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Lễ công bố Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”.
Quang cảnh lễ công bố báo cáo
Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, ông Jim Young Kim, Chủ tịch Nhóm ngân hàng thế giới (WBG), ông Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB), bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán một số nước tại Việt Nam, chuyên gia trong nước và quốc tế...
Ba trụ cột được tập trung phân tích trong Báo cáo là: Nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh khu vực kinh tế tư nhân; Thúc đẩy công bằng và hoà nhập xã hội: Nâng cao hiệu quả khu vực công.
Báo cáo là sáng kiến chung của Chính phủ Việt Nam và WB, được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch WBG Jim Young Kim chấp thuận vào tháng 7-2014, do nhóm chuyên gia của Việt Nam và WB soạn thảo dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, ông Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch WB, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam và ông Sudhir Shetty, Chuyên gia Kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Phát biểu tại lễ công bố, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” là báo cáo quan trọng về một Việt Nam trong 20 năm tới đây, một Việt Nam sau 50 năm thực hiện đổi mới. Những vấn đề vừa có tính thời sự vừa có tính chiến lược như: năng lực cạnh tranh, hệ thống sáng tạo, an sinh, môi trường, nông nghiệp, nông thôn, đô thị hóa, quản lý, quản trị… đã được các chuyên gia Việt Nam và WB nghiên cứu, trao đổi đưa ra những đánh giá, phân tích khuyến nghị có tính khoa học. Những khuyến nghị này sẽ được Chính phủ Việt Nam tham khảo trong quá trình hoạch định chính sách, trước hết là trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và nghiên cứu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2020 - 2030.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những điển hình về phát triển thành công. Từ một nước trong nhóm nghèo nhất thế giới, chỉ trong vòng một thế hệ, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước có thu nhập trung bình và đạt được nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội tương đương với các quốc gia có mức thu nhập trung bình cao hơn. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ đầu những năm 90 (thế kỷ XX) thuộc hàng cao nhất thế giới và tốc độ giảm nghèo cũng nhanh chưa từng có. Tuy nhiên, những gì đạt được chưa đáp ứng đầy đủ nguyện vọng, lơị ích của nhân dân, vì vẫn còn nhiều thách thức lớn cần giải quyết. Ví dụ, cấu trúc quản trị của Việt Nam đã đến lúc cần thay đổi. Các cơ chế phù hợp trong việc đưa đất nước trở thành một nước thu nhập trung bình thấp đến nay bộc lộ những nhược điểm, bất cập nếu không được đổi mới kịp thời sẽ ảnh hưởng đến quá trình đưa đất nước trở thành một nước thu nhập trung bình cao.
Để trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035, với mức thu nhập bình quân đầu người từ 15 nghìn đến 18 nghìn USD, Việt Nam phải có mức tăng trưởng cao và ổn định liên tục trong khoảng 20 năm tới, đạt tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm bằng 7%, tương đương với mức tăng trưởng GDP hàng năm là 8%.
Khát vọng chung của Việt Nam năm 2035 được thể hiện ở những điểm sau:
- Một xã hội thịnh vượng, có thu nhập ở mức trung bình cao của thế giới. Vị thế quốc gia được nâng cao. Phát triển các ngành kinh tế hiện đại và kinh tế tri thức trong mạng lưới các đô thị hiện đại kết nối tốt và hiệu quả sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
- Một xã hội hiện đại, sáng tạo và dân chủ đóng vai trò động lực thúc đẩy phát triển trong tương lai. Mọi người dân được bảo đảm bình đẳng về cơ hội phát triển, đồng thời phải hoàn thành trách nhiệm của mình, coi trọng lợi ích của cả dân tộc và cộng đồng.
- Một nhà nước pháp quyền hiệu quả và bảo đảm trách nhiệm giải trình. Trong đó, mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân và giữa Nhà nước với thị trường cần được làm rõ hơn. Nhà nước thiết lập các thể chế xã hội vững mạnh nhằm bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân, tăng cường trách nhiệm giải trình.
- Quốc hội sẽ bao gồm nhiều đại biểu chuyên trách với trình độ chuyên môn cao và có khả năng tự chủ về thể chế để đại diện cho nhân dân. Tư pháp sẽ có một vị trí phù hợp, với quyền tự chủ và năng lực mạnh mẽ hơn để giải quyết các tranh chấp trong một xã hội và một nền kinh tế đa dạng hơn. Bộ máy hành pháp sẽ được tổ chức tốt theo chiều dọc và chiều ngang với các chức năng rõ ràng từ Trung ương đến địa phương.
- Một xã hội văn minh, trong đó mỗi người dân và mỗi tổ chức chính trị - xã hội (toàn bộ hệ thống chính trị) được bình đẳng trước pháp luật.
- Một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng các quốc gia trên toàn cầu. Tham gia xây dựng các liên minh toàn cầu và hoàn thành các trách nhiệm toàn cầu, hướng tới hòa bình, an ninh và chủ động tìm kiếm các cơ hội hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu.
- Một môi trường bền vững. Lồng ghép vấn đề hình thành khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu vào quy hoạch kinh tế, chính sách xã hội và đầu tư hạ tầng để giảm thiểu rủi ro về biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng sẽ phát triển các nguồn năng lượng đa dạng, sạch và an toàn./.
Hộ nghèo và huyện nghèo  (23/02/2016)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ 15-2 đến 21-2-2016)  (23/02/2016)
Du lịch Cát Bà - Động lực phát triển du lịch đất cảng Hải Phòng  (22/02/2016)
Du lịch Cát Bà - Động lực phát triển du lịch đất cảng Hải Phòng  (22/02/2016)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay