Du lịch Cát Bà - Động lực phát triển du lịch đất cảng Hải Phòng
TCCSĐT - Quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng) - “chùm ngọc xanh giữa biển khơi” nổi tiếng là một điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Tiếp tục phát huy vị thế và tiềm năng vốn có của thành phố nơi cửa biển, Hải Phòng đang phấn đấu xây dựng Cát Bà trở thành điểm du lịch xanh đẳng cấp quốc tế, tạo điểm nhấn quan trọng và động lực trong phát triển du lịch đất cảng.
Những giá trị nổi bật của Di tích danh lam thắng cảnh đặc biệt quốc gia
Quần đảo Cát Bà thuộc huyện Cát Hải (thành phố Hải Phòng) bao gồm 367 đảo lớn, nhỏ nằm ở phía Nam vịnh Hạ Long, được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định xếp hạng là di tích danh lam thắng cảnh đặc biệt quốc gia vào tháng 12-2013. Cát Bà không chỉ có vị trí địa lý thuận lợi trong giao lưu kinh tế với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ mà còn ở vị trí cửa ngõ thông thương với vận tải biển quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần bảo đảm an ninh - quốc phòng, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đặc biệt, với tiềm năng du lịch phong phú, hấp dẫn và nổi bật, Cát Bà được đánh giá là hòn ngọc của vịnh Bắc Bộ, là điểm nhấn quan trọng trong phát triển du lịch của “thành phố hoa phượng đỏ”.
Thiên nhiên đã có nhiều ưu đãi với Cát Bà khi tạo dựng nên biết bao cảnh quan vừa hùng vĩ vừa thơ mộng với những dãy núi đá vôi xen lẫn những tùng áng, vũng vịnh (tiêu biểu vịnh Lan Hạ, vịnh Cái Giá…) và nhiều hang động kỳ thú, độc đáo (gồm cả hệ thống hang động trên cạn và dưới biển) cùng hàng trăm bãi tắm cát trắng mịn màng, làn nước trong xanh, khí hậu trong lành. Không những thế, Cát Bà còn mang trong mình những tiềm năng, giá trị sinh thái phong phú và quý hiếm. Là trung tâm đa dạng sinh học cao của thế giới có giá trị toàn cầu đã được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xếp loại, Cát Bà hiện có 3.860 loài thực vật và động vật trên cạn và dưới biển, 130 loài được xác định là quý hiếm, được đưa vào sách đỏ Việt Nam và thế giới, trong đó có 76 loài nằm trong danh mục quý hiếm của IUCN, 21 loài đặc hữu. Đặc biệt, Cát Bà hiện là nơi sinh sống của một quần thể voọc đặc hữu đầu vàng, voọc thân đen đầu vàng (voọc Cát Bà) duy nhất trên thế giới với 63 cá thể loài. Đây là loài linh trưởng rất quý hiếm, có tên trong danh sách 25 loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới và là dạng linh trưởng hiếm nhất ở châu Á. Ngoài ra, ở Cát Bà còn có nhiều nhóm động vật độc đáo khác, như 62 loài bò sát và lưỡng cư (trong đó có 12 loài quý hiếm và nguy cấp), 155 loài chim bản địa và chim di cư (với loài cốc đế quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và IUCN), khoảng 274 loài côn trùng đa dạng và nhiều sắc màu, nhiều loài thích nghi với các hang động đá vôi, như dơi, cua, thân mềm, nhện… (19 loài dơi, trong đó có 4 loài nằm trong danh mục sách đỏ IUCN, loài cua hang đặc hữu chỉ tìm thấy ở các một số hang động ở Cát Bà). Bên cạnh đó, khu hệ sinh vật biển của quần đảo Cát Bà cũng hết sức phong phú với khoảng 177 loài san hô (tập trung ở vùng Vạn Bội, Vạn Hà, Cát Dứa, Đầu Bê, Hang Trai, Hòn Mây, độ sâu từ 3 - 7m), 196 loài cá mang giá trị kinh tế cao (cá ngừ, cá hồng, cá chình…), 102 loài rong biển, 131 loài động vật phù du, 400 loài thực vật phù du và 658 loài động vật đáy… Nhờ sự đa dạng sinh học cao, quần đảo Cát Bà đã được UNESCO chính thức công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2004. Đây cũng chính là khu dự trữ sinh quyển lớn thứ 3 của nước ta với vùng phân bố các dạng sinh cảnh tự nhiên rộng lớn, bao gồm các bãi cỏ biển, rừng ngập mặn và rừng trên núi đá vôi ở các đảo, hệ sinh thái rạn san hô phát triển nhất Vịnh Bắc Bộ, hồ nước mặn đặc thù, hệ sinh thái đáy mềm được bao phủ dưới khối nước biển trong xanh đạt đến độ sâu 29m, phủ kín bởi thảm thực vật.
Ngoài ra, Cát Bà còn có nhiều di tích khảo cổ học thuộc thời kỳ đồ đá mới, những di tích văn hóa Hạ Long và dấu vết của người Việt cổ mà tiêu biểu là Cái Bèo - di tích khảo cổ thềm biển có quy mô lớn, địa tầng dày, với tổ hợp di vật phong phú. Theo khảo cứu của Viện Khảo cổ học Việt Nam, Cái Bèo là di chỉ khảo cổ học có giá trị quan trọng nhất hiện nay ở vùng ven biển và hải đảo Đông Bắc Việt Nam. Đến nay đã có 4 lần khảo sát, khai quật di chỉ này, trong đó lần khai quật thứ tư (năm 2006 - 2007) đã thu được 137 hiện vật đá, 1.424 mảnh gốm tiền sử và 568 tiêu bản di cốt động vật và vỏ nhuyễn thể biển. Những bằng chứng này cho thấy Cái Bèo là nơi cư trú của ngư dân cổ. Đây chính là một làng chài biển cổ có quy mô lớn nhất hiện được biết ở Việt Nam với gần 400 hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản… Có thể thấy, Cái Bèo không chỉ là một điểm đến hấp dẫn trong chiến lược xây dựng và phát triển du lịch Cát Bà mà còn thực sự là một bảo tàng văn hóa biển Việt Nam, mang đậm dấu ấn lịch sử thuở sơ khai của người dân huyện đảo Cát Hải.
Như vậy, chính cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, dấu ấn văn hóa độc đáo cùng với sự hiếu khách của người dân huyện đảo đã làm nên những giá trị nổi bật của Di tích quốc gia đặc biệt Cát Bà, tạo sức hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.
Nỗ lực định vị và phát triển thương hiệu du lịch
Với lợi thế của vùng đất cửa biển, Hải Phòng luôn xác định du lịch biển là thế mạnh với 8 nhóm sản phẩm liên quan đến hai trọng điểm du lịch là Cát Bà và Đồ Sơn trong số 10 sản phẩm du lịch đặc thù, trong đó điểm nhấn quan trọng là du lịch Cát Bà. Liên tục trong nhiều năm, Hải Phòng có những nỗ lực không ngừng và nhiều hành động tích cực để định vị và phát triển thương hiệu du lịch đảo ngọc Cát Bà. Huyện Cát Hải cũng đưa du lịch vào nội dung chủ đề và nhiệm vụ trọng tâm của nhiều năm.
Là địa bàn trọng điểm về du lịch của thành phố Hải Phòng, bám sát chủ đề của từng năm, huyện Cát Hải luôn tích cực và chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các ngày lễ lớn trên địa bàn huyện và thành phố, các hoạt động kỷ niệm ngày giải phóng Hải Phòng và Lễ hội Hoa phượng đỏ...; huy động mọi nguồn lực triển khai nhiều hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao, du lịch; phối hợp có hiệu quả của các cơ quan, đơn vị và cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân. Huyện Cát Hải thường xuyên ban hành nhiều kế hoạch về công tác du lịch trong từng năm, đặc biệt chú trọng thông qua hoạt động văn hóa, thể thao để quảng bá du lịch, như Chương trình Cầu truyền hình đêm giao thừa; Lễ hội nhân ngày Bác Hồ về thăm làng cá, ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam, cuộc thi “Tìm hiểu về giá trị và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quần đảo Cát Bà”; Liên hoan ẩm thực Cát Bà, Lễ hội Hoa phượng đỏ… Các hoạt động văn nghệ, thể thao diễn ra sôi động, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân địa phương, đồng thời cũng là sản phẩm phục vụ khách du lịch.
Thành phố Hải Phòng và huyện Cát Hải luôn tăng cường công tác quản lý du lịch, chú trọng nâng cao ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và chính quyền địa phương đối với quản lý nhà nước về du lịch, nhất là việc công khai niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch; bảo đảm môi trường, cảnh quan sạch đẹp; công khai số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ khách du lịch, phát hiện, xử lý kịp thời những vụ việc làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của khách du lịch; phối hợp thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về kinh doanh vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa. Công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch cũng được đẩy mạnh với nhiều hoạt động. Huyện Cát Hải bước đầu gắn quy hoạch phát triển du lịch trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tạo quỹ đất cho phát triển du lịch, tổ chức các hoạt động thông tin giới thiệu tiềm năng du lịch Cát Bà và đầu tư cải thiện môi trường, như việc di dời, sắp xếp lại lồng bè trên vịnh Lan Hạ. Đến nay, hoạt động này đã đạt được kết quả khá toàn diện, trả lại vẻ đẹp vốn có cho vịnh Lan Hạ, góp phần phục vụ khách du lịch tốt hơn, tạo đà cho phát triển ngành công nghiệp không khói nơi đây.
Trước nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch hiện nay, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch ở Cát Bà là rất cần thiết, gắn liền với việc bảo đảm yêu cầu về số lượng và chất lượng dịch vụ. Năm 2011 là thời điểm các nhà đầu tư đẩy mạnh, nâng cấp các nhà hàng, khách sạn (khách sạn Hùng Long Harbour, Sea Pearl…) và các phương tiện phục vụ ăn nghỉ, đi lại cho du khách ở Cát Bà. Năm 2013, các doanh nghiệp, cá nhân đã đầu tư nâng cấp 16 khách sạn, xây mới 7 khách sạn, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ khách. Năm 2014, trên địa bàn toàn huyện có 170 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với 3.247 phòng và 3.650 lao động phục vụ du lịch mùa cao điểm. Hệ thống đường, điện, cơ sở vật chất phục vụ du lịch được cải thiện rõ rệt. Năm 2013, khu hội nghị, hội thảo, nghỉ dưỡng tại Vườn quốc gia Cát Bà đã được hoàn thành. Nhiều dự án khác cũng được triển khai, như Dự án đầu tư nâng cấp mở rộng cầu cảng Cát Bà, xây dựng đường Tân Vũ nối Đình Vũ với Cát Hải, dự kiến đến năm 2018 sẽ hoàn thành.
Song song với việc đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, thành phố Hải Phòng chỉ đạo sát sao huyện Cát Hải xây dựng thương hiệu du lịch Cát Bà trên cơ sở phát huy tốt những lợi thế về cảnh quan, đa dạng sinh học để phát triển du lịch bền vững, nâng cao chất lượng phục vụ các tour, tuyến thăm quan, nhất là thăm quan vịnh Lan Hạ, Pháo đài Thần công, khu du lịch Suối Gôi, leo núi mạo hiểm tại xã Trân Châu, du lịch cộng đồng tại xã Việt Hải; nâng cao chất lượng các tuyến du lịch hiện có, mở thêm các tuyến du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch cộng đồng tại các xã Phù Long, Gia Luận, Trân Châu, Xuân Đám…; tham gia các sự kiện, hội thảo, hội chợ thương mại du lịch để quảng bá sản phẩm du lịch có thương hiệu truyền thống, như cá song, tu hài, cá thu một nắng, mật ong Cát Bà, nước mắm Cát Hải (được công nhận là một trong 10 loại nước chấm nổi tiếng Việt Nam). Đồng thời, để góp phần tạo dựng thương hiệu du lịch Cát Bà, Hải Phòng rất chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế. Thành phố khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú đầu tư đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lao động ngành du lịch, nhất là lao động du lịch ở Cát Bà, có cơ chế ưu đãi để thu hút nhân lực có tay nghề giỏi. Năm 2013, câu lạc bộ đầu bếp Cát Bà và đội tầu du lịch phát triển bền vững được thành lập, tạo điều kiện cho các lao động có điều kiện học hỏi kinh nghiệm và nâng cao chuyên môn; câu lạc bộ nhãn hiệu sinh quyển quần đảo Cát Bà hiện có 18 khách sạn, nhà hàng tham gia.
Đặc biệt, cuối năm 2014, Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch bền vững quần đảo Cát Bà đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 được Hải Phòng thông qua. Đây là một cú hích cho du lịch Cát Bà phát triển với mục tiêu đưa Cát Bà trở thành điểm du lịch xanh đẳng cấp quốc tế, xứng đáng với vị thế và tiềm năng của đảo ngọc; trong đó chú trọng đến chất lượng tăng trưởng du lịch, phát triển du lịch quần đảo Cát Bà trở thành động lực kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng và đồng bằng sông Hồng; khai thác có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế; phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng và dịch vụ đặc trưng; ưu tiên phát triển du lịch cao cấp kết hợp hài hòa với du lịch đại chúng để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường; bảo tồn và tôn tạo các giá trị tài nguyên; phát triển du lịch gắn liền với bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội… Thành phố Hải Phòng cũng đang triển khai nhiều dự án trọng điểm quốc gia liên quan đến huyện Cát Hải và du lịch Cát Bà, trong đó có cảng cửa ngõ quốc tế tại Lạch Huyện; đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; cầu Tân Vũ - Cát Hải....
Nhờ những nỗ lực của Hải Phòng mà du lịch Cát Bà thời gian qua liên tục tăng trưởng. Lượt khách du lịch đến với Cát Bà hằng năm từ 2009 đến nay đều đạt trên 1.200.000 lượt. Riêng năm 2014, Cát Bà đón và phục vụ 1.513.000 lượt khách (đạt 100,9% kế hoạch năm 2014 và tăng 14,3% so với năm 2013), trong đó khách quốc tế là 341.200 lượt (tăng 0,2% so với năm 2013), khách nội địa là 1.171.800 lượt (tăng 19,1% so với năm 2013). Tổng doanh thu từ du lịch - dịch vụ năm 2014 đạt 671,2 tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm 2013.
Để trở thành điểm du lịch xanh đẳng cấp quốc tế
Có thể nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch Cát Bà còn chưa phong phú, kinh phí hạn chế; sản phẩm mới về du lịch còn ít; công tác quản lý điều hành vận chuyển khách du lịch còn nhiều bất cập; tình trạng “chặt chém”, nâng giá dịch vụ vẫn tồn tại. Khu bảo tồn biển đảo Cát Bà hiện đang đối diện với nguy cơ ô nhiễm môi trường từ việc phát triển du lịch không bền vững. Kết cấu hạ tầng du lịch trên đảo còn thiếu đồng bộ; công tác cứu hộ, cứu nạn tại các bãi tắm còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn; lao động ngành du lịch còn thiếu tính chuyên nghiệp… Do vậy, để Cát Bà trở thành điểm du lịch xanh đẳng cấp quốc tế, Cát Hải cần tích cực thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về du lịch Cát Bà với nhiều hình thức đa dạng, phong phú qua các phương tiện thông tin truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về vai trò của du lịch - ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu phát triển kinh tế của địa phương. Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của huyện Cát Hải, chính quyền các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai, tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn hằng năm, qua đó góp phần quảng bá du lịch Cát Bà.
Hai là, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về du lịch, nhất là sự phối hợp của các cấp, các ngành trên địa bàn; đặc biệt là của đội kiểm tra liên ngành về lĩnh vực Văn hóa - Du lịch và lĩnh vực Môi trường - Đô thị. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc niêm yết giá, bán theo giá niêm yết. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời thông tin qua đường dây nóng, qua sự phản ánh của nhân dân và khách du lịch để các hoạt động du lịch - dịch vụ trên địa bàn tiếp tục đi vào nền nếp, bảo đảm hoạt động kinh doanh du lịch theo hướng văn minh, lịch sự; tạo sự an toàn, thân thiện cho khách du lịch.
Ba là, xây dựng kế hoạch triển khai Quyết định số 2732/QĐ-UBND, ngày 05-12-2014, của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch bền vững quần đảo Cát Bà đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, như triển lãm Quy hoạch, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về Quy hoạch, thu hút đầu tư cho phát triển du lịch Cát Bà… Các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương trên địa bàn huyện cần tập trung tham gia hướng dẫn, quản lý nhà nước về du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án du lịch triển khai đúng tiến độ.
Bốn là, có cơ chế, chính sách phù hợp thúc đẩy phát triển du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho Hiệp hội doanh nghiệp - doanh nhân huyện được trực tiếp tham gia các hoạt động quản lý, xúc tiến du lịch; phát huy tối đa khả năng của hiệp hội trong công tác xã hội hóa phục vụ phát triển du lịch. Khuyến khích các doanh nghiệp, các đơn vị đầu tư cho công tác đào tạo, đào tạo lại đội ngũ lao động và có cơ chế ưu đãi để thu hút nhân lực có tay nghề giỏi, làm việc gắn bó với cơ sở; tranh thủ các tổ chức, các nguồn tài trợ khác mở lớp bồi dưỡng ngắn ngày về giao tiếp và quản trị du lịch trong xu thế hội nhập.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường du lịch; phát triển các loại hình du lịch thân thiện với môi trường, đặc biệt là du lịch sinh thái ở Cát Bà; nâng cao chất lượng công tác xã hội hóa về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho khách du lịch; từng bước xây dựng thương hiệu du lịch Cát Bà.
Sáu là, tăng cường phối hợp liên ngành trong quản lý du lịch, liên kết đầu tư phát triển du lịch với các ngành, lĩnh vực khác; liên kết phát triển sản phẩm du lịch với các trọng điểm du lịch phụ cận; liên kết phát triển thị trường với các địa phương khác trong nước và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch./.
Việt Nam luôn luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng  (22/02/2016)
Tăng cường giao lưu, hợp tác giữa các nghị sỹ Việt Nam - Nhật Bản  (22/02/2016)
Trao tặng nhiều phim tài liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh  (22/02/2016)
28-8 là ngày Truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông  (22/02/2016)
Chính sách với công dân khi đăng ký nghĩa vụ quân sự  (22/02/2016)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển