Quy chế đặc biệt có giữ được nước Anh ở lại EU
Anh được trao quy chế đặc biệt
Ngày 19-02, sau khi thỏa thuận nhằm giữ Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU) đã nhận được sự ủng hộ của tất cả 28 nhà lãnh đạo các nước thành viên tại Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels (Bỉ), Thủ tướng Anh David Cameron (Đa-vít Ca-mơ-rôn) khẳng định thỏa thuận cải cách ngôi nhà châu Âu sẽ trao cho London quy chế đặc biệt và ông sẽ đưa văn kiện này ra cuộc họp gồm các bộ trưởng hàng đầu của mình.
Phát biểu trên mạng Twitter, Thủ tướng Cameron nói: "Tôi đã đàm phán một thỏa thuận trao cho Anh quy chế đặc biệt trong EU. Tôi sẽ giới thiệu thỏa thuận này tới Nội các của mình trong cuộc họp ngày 20-02".
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (Đô-nan Tu-xcơ) cũng thông báo thỏa thuận nhằm giữ Anh ở lại EU đã nhận được sự ủng hộ của tất cả lãnh đạo các nước thành viên trong liên minh. Nhiệm vụ của Thủ tướng Cameron là phải tìm cách tranh thủ sự ủng hộ của những người theo quan điểm hoài nghi châu Âu trong đảng của mình và cả người dân Anh đối với thỏa thuận gây tranh cãi trên. Thăm dò dư luận cho thấy người dân Anh hiện đang chia rẽ trong việc liệu có ủng hộ Anh rời khỏi EU hay không.
Thỏa thuận mà Thủ tướng Cameron đạt được sau các cuộc thương lượng marathon với các nhà lãnh đạo EU đề cập hầu hết các yêu cầu cải cách mà London đặt ra trước đó, bao gồm vấn đề nhập cư, bảo vệ khu Tài chính London cũng như "miễn trừ" cho Anh bổn phận thực hiện cam kết về "một liên minh gần gũi hơn bao giờ hết". Tuy nhiên, đối mặt với sự phản đối từ Ba Lan và các nước thành viên Đông Âu khác, Thủ tướng Cameron đã buộc phải nhượng bộ kế hoạch hạn chế chi trả phúc lợi cho người lao động EU nhập cư và con cái của họ. Cụ thể, ý định của Anh "đóng băng" phúc lợi ngoài lương của người lao động EU nhập cư trong 4 năm đầu làm việc ở nước này sẽ chỉ thực hiện trong thời hạn 7 năm và sẽ chỉ áp dụng với những công dân EU nhập cư mới chứ không phải với những công dân EU hiện đã làm việc tại Anh. Bên cạnh đó, ông Cameron cũng không thể thực hiện được ý định chấm dứt tất cả các khoản thanh toán phúc lợi trẻ em mà công dân EU làm việc ở Anh nhận được để gửi cho con cái họ vẫn ở quê nhà. Thay vào đó, các khoản phúc lợi trẻ em sẽ được điều chỉnh phù hợp với mức sinh hoạt ở nơi mà đứa trẻ đó đang sống và quy định này cũng sẽ chỉ có hiệu lực từ ngày 01-01-2020.
Phát biểu trong cuộc họp báo sau hội nghị, Thủ tướng Cameron tuyên bố gói cải cách tổng thể sẽ mang đến cho Anh "những điều tốt đẹp nhất của cả hai thế giới", đảm bảo cách tiếp cận công bằng thị trường chung và Anh cũng không bị ràng buộc bởi sứ mệnh liên minh chặt chẽ hơn. Ông Cameron cũng nói ông từ lâu vẫn ủng hộ tư cách thành viên EU chừng nào mà liên minh này cải cách, đồng thời khẳng định sẽ vận động với cả "trái tim và tinh thần" để Anh ở lại EU.
Nội các Anh chia rẽ về thỏa thuận với EU
Ngày 20-02, Thủ tướng Anh David Cameron đã bắt đầu cuộc họp với các bộ trưởng hàng đầu của nước này nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của nội các về thỏa thuận với EU. Tại cuộc họp, Thủ tướng Anh đã thông báo cho các thành viên chủ chốt trong nội các về kết quả đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh EU kéo dài 2 ngày qua tại Brussels (Bỉ) và cho biết sẽ thông báo thời điểm tổ chức trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU của Anh ngay sau đó.
Thủ tướng Cameron tuyên bố sẽ tham gia chiến dịch vận động được cho là thách thức này với cả "trái tim và tinh thần" để giữ Anh ở lại trong EU, tổ chức mà mà London gia nhập từ năm 1973. Người đứng đầu Chính phủ Anh cũng bày tỏ hy vọng sẽ thuyết phục được cử tri Anh tán thành "quy chế thành viên đặc biệt" của Anh trong EU tại cuộc trưng cầu dân ý dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 6 tới. Trong khi một đồng minh thân cận của Thủ tướng Cameron là Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove (Mi-sen Gô-vơ) tuyên bố sẽ vận động cử tri Anh bỏ phiếu ra khỏi EU, Bộ trưởng Tài Chính George Osborne (Gioóc-giơ Ô-xbon) và Bộ trưởng Nội vụ Theresa May (Thê-rê-xa Mây) khẳng định sẽ ủng hộ ông Cameron. Bà May cho rằng Anh nên tiếp tục là thành viên của EU vì lý do an ninh, chống tội phạm và khủng bố, mậu dịch với EU và tiếp cận các thị trường trên toàn cầu là lợi ích quốc gia của Anh.
Những người vận động Anh rời khỏi EU nói rằng thỏa thuận trên chỉ "có những thay đổi rất nhỏ'". Thủ lĩnh Công Đảng Jeremy Corbyn (Giê-rê-mi Cô-bin) cho rằng những thay đổi mà Thủ tướng Cameron đã đàm phán được hầu như chẳng liên quan gì tới những vấn đề mà phần lớn người dân Anh đang gặp phải. Theo ông Corbyn, ông Cameron đã không làm gì để thúc đẩy việc làm cho người lao động, bảo vệ ngành sản xuất thép hoặc chấm dứt tình trạng trả lương thấp ở Anh.
Về phần mình, ông Nigel Farage (Ni-gen Pha-rên), Thủ lĩnh Đảng Độc lập Vương quốc Anh, cho rằng thỏa thuận với EU là không thỏa đáng. Ông này cho rằng nước Anh cần rời EU, kiểm soát chặt biên giới, tự điều hành đất nước và chấm dứt mỗi ngày phải đóng góp 55 triệu bảng cho EU.
Anh sẽ trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU vào ngày 23-6
Sau cuộc họp khẩn với nội các ngày 20-02, Thủ tướng Anh David Cameron thông báo nước này sẽ tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) của Anh vào ngày 23-6 tới. Câu hỏi trưng cầu ý kiến sẽ là liệu nước Anh "sẽ an toàn hơn, mạnh hơn và thịnh vượng hơn trong một châu Âu cải cách hay đứng ngoài một mình".
Thủ tướng Cameron cũng cho biết Nội các Anh đã thể hiện "tinh thần tập thể" khi thông qua lập trường của chính phủ muốn giữ Anh ở lại trong một EU cải cách.
Đây sẽ là lần thứ hai, Anh tiến hành trưng cầu dân ý về tư cách thành viên trong EU, sau cuộc trưng cầu đầu tiên vào năm 1975 dưới thời Công Đảng nắm quyền.
Số người Anh muốn nước này ở lại EU tăng mạnh
Số người dân Anh ủng hộ nước này ở lại Liên minh Châu Âu cao hơn nhiều số người mong muốn Anh rời khỏi EU khi điều này sẽ được quyết định trong cuộc trưng cầu ý dân, được ấn định vào ngày 23-6 tới.
Theo kết quả cuộc thăm dò ý kiến, được đăng tải trên tờ Mail on Sunday số ra ngày 21-02, có 48% số người được hỏi cho rằng nước Anh nên ở lại EU, trong khi 33% số người có ý kiến ngược lại. Bên cạnh đó, có tới 19% số người được hỏi chưa có sự lựa chọn cuối cùng.
Đây là cuộc thăm dò ý kiến đầu tiên kể từ sau khi Thủ tướng Anh David Cameron (Đê-vít Ca-mơ-rôn) thành công trong việc gây sức ép buộc EU chấp thuận các yêu cầu cải cách của mình. Con số mới này cho thấy số người Anh ủng hộ nước này ở lại EU tăng mạnh so với các cuộc thăm dò ý kiến được tiến hành trước khi thỏa thuận giữa Anh và EU được ngã ngũ.
Tuy nhiên, giới quan sát cũng cho rằng nội các Anh hiện đang chia rẽ sâu sắc về con đường tương lai của đất nước. Cả Thủ tướng Cameron cũng như những bộ trưởng phản đối Anh ở lại EU đều tuyên bố vận động mạnh mẽ cho kế hoạch của mình, khi cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên của Anh trong EU sẽ diễn ra sau 4 tháng nữa.
Phát biểu sau cuộc họp nội các khẩn cấp ngày 20-02, Thủ tướng Cameron nêu rõ nước Anh đang đứng trước một quyết định to lớn, trọng đại. Anh sẽ càng an toàn, tốt đẹp và mạnh mẽ hơn nếu là một thành viên trong liên minh 28 nước EU. Ông Cameron dự kiến sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội vào ngày mai 22-02 để khởi đầu cho chiến dịch vận động ủng hộ Anh ở lại EU. Trong khi đó, 6 bộ trưởng khác trong nội các Anh, trong đó có nhân vật thân cận của ông Cameron là Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove, cũng đã tuyên bố sẽ khởi động chiến dịch vận động để Anh rời khỏi EU. Những người phản đối Anh ở lại EU cho rằng nước này sẽ phát triển thịnh vượng hơn nếu rời khỏi EU - liên minh mà họ cho là đang bị một nước Đức phát triển mờ nhạt chi phối và cản trở.
Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu ủng hộ thỏa thuận Anh - EU
Sau khi Anh và EU đạt được thỏa thuận về việc giữ London ở lại liên minh này tại Hội nghị thượng đỉnh EU vừa diễn ra ở Brussels (Bỉ), nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã bày tỏ vui mừng đối với kết quả này.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (Đô-nan Tu-xcơ) bày tỏ tin tưởng sâu sắc rằng Anh cần EU và EU cũng cần Anh. EU sẵn sàng hy sinh một phần lợi ích riêng vì lợi ích chung, để chứng tỏ sự đoàn kết.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (Giăng Clốt Giăng-cơ) đánh giá thỏa thuận này công bằng cho cả Anh và các nước thành viên EU khác. Ông cho rằng thỏa thuận này không làm sâu thêm các rạn nứt trong liên minh mà là xây dựng các cầu nối.
Là đất nước có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những thay đổi liên quan phúc lợi trong thỏa thuận Anh-EU vì có rất đông công dân Ba Lan đang làm việc tại Anh, Thủ tướng Ba Lan Beata Szydło (Bê-ta Xít-lô) vẫn cho rằng "thỏa thuận vừa đạt được là tin tức tốt lành cho châu Âu".
Thủ tướng Italy Matteo Renzi (Mát-tê-ô Ren-di) bày tỏ hài lòng vì hội nghị đã kết thúc với một thỏa thuận. Trong khi đó, Thủ tướng Ireland Enda Kenny (En-đa Ken-ni) cho biết ông ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng Anh nên ở lại EU, nhưng cũng thận trọng rằng "đây mới chỉ là bước khởi đầu của một tiến trình" và chặng đường vận động trước mắt ở Anh sẽ đầy thách thức.
Thỏa thuận mà Thủ tướng Cameron đạt được sau các cuộc thương lượng marathon với các nhà lãnh đạo EU đề cập hầu hết các yêu cầu cải cách mà London đặt ra trước đó, bao gồm vấn đề nhập cư, bảo vệ Khu Tài chính London, cũng như "miễn trừ" cho Anh bổn phận thực hiện cam kết về "một liên minh gần gũi hơn bao giờ hết"./.
Tháng Thanh niên 2016: "Thanh niên hành động vì cộng đồng, xã hội, chăm lo, bồi dưỡng thanh niên"  (21/02/2016)
ECB có thể tung ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế  (20/02/2016)
Ký quyết định quản lý sử dụng phí cho vay lại tại Bộ Tài chính  (20/02/2016)
Kinh tế suy thoái khiến nhu cầu mua sắm máy bay giảm mạnh  (20/02/2016)
Hội nghị cấp cao kinh tế châu Phi 2016 khai mạc tại Ai Cập  (20/02/2016)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay