Ngày 19-2, Công an tỉnh Điện Biên tổ chức ra quân tăng cường về cơ sở, đảm bảo an ninh trật tự năm 2016, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Trong đợt ra quân này, Công an tỉnh Điện Biên đặt ra 6 công tác trọng tâm gồm: Đẩy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ để chủ động nắm bắt và đấu tranh có hiệu quả với các thế lực thù địch; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác đảm bảo an ninh chính trị nội bộ; làm tốt công tác phòng ngừa nghiệp vụ, phòng ngừa xã hội kết hợp với liên tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm.

Công an tỉnh cũng tăng cường tuần tra kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đổi mới nội dung và phương pháp vận động quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; yêu cầu cán bộ chiến sĩ xác định tư tưởng trong việc đi tăng cường cơ sở, không ngại gian khổ để khẳng định mình, rèn luyện thử thách, trải nghiệm với thực tiễn cơ sở…

Tại tỉnh Quảng Trị, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Trị đã tổ chức hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất về cơ cấu thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021.

Theo thông báo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, số đại biểu Quốc hội khóa XIV của tỉnh Quảng Trị được bầu là 6 đại biểu; trong đó có 2 đại biểu do Trung ương giới thiệu, 4 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương. Tại hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, các đại biểu đã đề xuất điều chỉnh một số nội dung liên quan đến cơ cấu thành phần như: đại biểu nữ giảm từ 2 xuống còn 1; 1 đại biểu là Đoàn thanh niên hoặc Hội Liên hiệp phụ nữ, 1 đại biểu là dân tộc Bru Vân Kiều hoặc Tà Ôi; tổng số người được giới thiệu và ứng cử để bầu cử là 15.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Trị cũng đã thông qua số lượng, cơ cấu thành phần đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021.

Theo đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2016-2021 được bầu 50 đại biểu, trong đó có ít nhất số lượng nữ chiếm 35%, người được giới thiệu ngoài Đảng không dưới 10%, người được giới thiệu ứng cử dưới 35 tuổi từ 15% trở lên và phấn đấu có ít nhất 35% đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ trước được tái cử.

Số lượng, cơ cấu thành phần trên đã được Hội đồng bầu cử tỉnh tính đến đặc thù của từng địa phương, tăng đại biểu ở khối cơ quan dân cử và các đoàn thể, giảm đại biểu ở các cơ quan hành pháp so với nhiệm kỳ trước.

Tỉnh Đồng Tháp cũng đã ban hành quyết định thành lập Ủy ban bầu cử cấp tỉnh. Các huyện, xã trên toàn tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Ủy ban bầu cử. Tổng số thành viên Ủy ban bầu cử cấp huyện, xã là 1.780 người, trong đó cấp xã là gần 1.600 người.

Để thực hiện tốt công tác bầu cử, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan yêu cầu Sở Nội vụ tỉnh cùng các đơn vị tích cực triển khai nhiệm vụ được giao; hỗ trợ các địa phương thực hiện đúng công tác bầu cử; đảm bảo cơ chế tự ứng cử đúng luật đã ban hành; xây dựng chế độ thông tin, báo cáo về công tác bầu cử; lựa chọn những cán bộ có năng lực, kinh nghiệm tham gia Ủy ban bầu cử các cấp để công tác bầu cử đạt hiệu quả cao.

Qua Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã thống nhất giới thiệu 18 người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV (tổng số đại biểu Quốc hội được bầu tại tỉnh là 8 người; trong đó có 5 đại biểu làm việc tại địa phương, 3 đại biểu do Trung ương giới thiệu).

Hội nghị cũng thống nhất giới thiệu 126 người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2020, gấp đôi so với số lượng cần bầu cử là 63 đại biểu ./.