TCCSĐT - Từ Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986) đến nay, cùng với sự phát triển của công nhân thuộc các thành phần kinh tế, tổ chức nghiệp đoàn đã được thành lập ở một số doanh nghiệp dân doanh và có vốn đầu tư nước ngoài. Để các tổ chức nghiệp đoàn này có thể hoạt động tích cực trong khuôn khổ pháp luật, cần nhận thức rõ hơn vai trò của các tổ chức nghiệp đoàn trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Vị trí của nghiệp đoàn

Các nghiệp đoàn là những tổ chức xã hội - nghề nghiệp của những người lao động công nghiệp và dịch vụ cùng tham gia quản lý bằng phương pháp xã hội, chủ yếu dựa vào điều lệ hội do mình xây dựng. Là tổ chức tự nguyện của công nhân, các nghiệp đoàn trước hết chăm lo bồi dưỡng hội viên về chính trị, chuyên môn, và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của họ. Thông qua các hoạt động chuyên môn của đoàn viên, nghiệp đoàn có thể nâng cao tính tích cực xã hội, thúc đẩy tiến trình đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thông qua các nghiệp đoàn, Nhà nước có thể điều chỉnh được hoạt động quản lý nhà nước bằng pháp luật ở mọi thành phần kinh tế. Sự hoạt động tích cực của các nghiệp đoàn theo đúng luật pháp của Nhà nước là thước đo cho mức độ điều phối hài hòa giữa quản lý nhà nước với quản lý xã hội.

Trong những năm gần đây, công nhân nước ta có sự phân hóa thành các nhóm xã hội khác nhau. Xuất phát từ 4 tiêu chí trong định nghĩa của V.I.Lênin về giai cấp(1) có thể phân chia giai cấp công nhân nước ta thành những nhóm xã hội sau đây:

a. Về vị trí trong nền sản xuất xã hội, thực tế có thể phân thành các nhóm: công nhân công nghiệp dựa vào tri thức hiện đại, công nhân công nghiệp cơ khí, công nhân thủ công nghiệp và công nhân - nông dân (hay lao động công nghiệp nhập cư), công nhân thương nghiệp và lao động công nghiệp, dịch vụ làm việc theo hợp đồng thời vụ.

b. Về mối quan hệ đối với tư liệu sản xuất có thể có các nhóm xã hội sau: công nhân quốc doanh, công nhân các tổ hợp tác, công nhân trong thành phần kinh tế cá thể - tiểu chủ, trong đó một số người đã trở thành tiểu chủ nhỏ và vừa, và công nhân làm thuê trong các thành phần kinh tế.

c. Về vai trò trong tổ chức lao động xã hội: có thể kể đến các nhóm đốc công, đội trưởng, giám đốc, tổng giám đốc…; các nhóm công nhân trí thức gồm những công nhân có trình độ học vấn và tay nghề cao; nhóm công nhân không có tay nghề hay chuyên môn thấp, trực tiếp lao động cơ bắp…

d. Về mức sống, tức là phần của cải thu nhập, có thể phân thành giàu, khá, trung bình, nghèo đói.

Sự phân hóa đó kéo theo sự phân hóa về tâm lý xã hội, ý thức xã hội và chính trị. Công luận đã nêu rất nhiều khía cạnh tiêu cực của sự phân hóa xã hội nói chung. Một số người lãnh đạo trực tiếp công nhân, như đốc công, đội trưởng… đã tha hóa, biến chất, không còn tư cách giai cấp công nhân tiên tiến. Một số công nhân cũng tha hóa, biến chất, ăn cắp, lãn công… và về thực chất, họ đã phản bội lại lợi ích giai cấp.

Cần phải thấy rằng, trong quá trình phân hóa đó, số lượng nhóm công nhân doanh nghiệp tư nhân ngày càng tăng mạnh. Tuy có nguồn gốc, trình độ khác nhau, nhưng một bộ phận quan trọng công nhân trong các doanh nghiệp tư nhân là những công nhân có tay nghề cao từ khu vực quốc doanh chuyển sang. Những người này thường đã là đoàn viên công đoàn, và hiện là nòng cốt trong các doanh nghiệp tư nhân. Bộ phận khác, thường chiếm tỷ trọng lớn, là những thanh niên trẻ, khỏe, chưa có nghề nghiệp, chưa có việc làm ngoài xã hội được tuyển dụng vào doanh nghiệp để chủ yếu làm các công việc giản đơn.

Với những đặc điểm như vậy trong cơ cấu - xã hội giai cấp công nhân nước ta, rõ ràng không thể "quốc doanh hóa" công đoàn, và cũng khó có thể buộc tất cả công nhân phải gia nhập công đoàn vốn liên quan đến việc đồng nhất công nhân với biên chế nhà nước. Nghĩa là, trong nền kinh tế thị trường không thể không chú ý đến vị trí của các nghiệp đoàn.

Chức năng xã hội của các nghiệp đoàn

Trong cơ chế tập trung - bao cấp, khái niệm công nhân đồng nhất với biên chế nhà nước. Hệ quả tất yếu là những tổ chức xã hội của giai cấp công nhân, trước tiên là tổ chức công đoàn ở mức độ nhất định cũng có thuộc tính "Nhà nước hóa". Ngày nay, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các tổ chức nghiệp đoàn không dựa vào sự bao cấp của các tổ chức hành chính, nhất là tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Và không chỉ tại các doanh nghiệp tư nhân, mà tại các doanh nghiệp nhà nước cũng xuất hiện mâu thuẫn nào đó về lợi ích giữa công nhân với những người quản lý doanh nghiệp. Tổ chức công đoàn không thể trực tiếp can thiệp vào việc quản lý doanh nghiệp. Hơn thế, do sự phân hóa cơ cấu xã hội giai cấp công nhân ở mọi thành phần kinh tế, cho nên về khách quan cũng không thể "Nhà nước hóa" công đoàn, và cũng không thể yêu cầu tất cả công nhân phải gia nhập công đoàn. Nghĩa là hình thức tổ chức, nguyên tắc kết nạp đoàn viên, cơ chế hoạt động và chức năng của công đoàn cũng thay đổi một cách tất yếu khách quan.

Thứ nhất, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một hình thức tổ chức có hiệu quả là tổ chức nghiệp đoàn. Thông thường một hội nghề nghiệp bao giờ cũng tập hợp công nhân theo chuyên môn lớn hơn, và nhiều hơn so với lực lượng này ở một bộ phận hay một ngành của Nhà nước. Do tập hợp theo nghề nghiệp, các nghiệp đoàn có thể thu hút công nhân, ví dụ công nhân xây dựng hay dệt may, thuộc mọi thành phần kinh tế. Tổ chức nghiệp đoàn cũng không bị hoặc ít bị chi phối bởi ranh giới cấp bậc của chức vụ hành chính. Nghĩa là tính dân chủ, bình đẳng về nghề nghiệp ở các nghiệp đoàn cao hơn và có điều kiện biểu hiện rõ hơn so với các tổ chức công đoàn theo cơ quan hành chính. Uy tín trong nghiệp đoàn là uy tín về chuyên môn thực sự, uy tín trong đồng nghiệp.

Thứ hai, chức năng tập hợp và đoàn kết rộng rãi về nghề nghiệp. Các nghiệp đoàn có vai trò góp phần bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn cho công nhân. Nhu cầu bức thiết của công nhân trong nền kinh tế thị trường là phải có trình độ tay nghề cao, để bảo đảm có việc làm ổn định, lâu dài và có thu nhập. Các tổ chức nghiệp đoàn thông qua những quỹ phúc lợi, các hợp đồng với giới chủ và giám đốc các doanh nghiệp, có thể và cần phải tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho công nhân một cách thường xuyên.

Thứ ba, chức năng "tương thân, tương ái". Thực chất các nghiệp đoàn là tổ chức tương trợ giữa các đồng nghiệp với nhau. Hình thức tương trợ thường rất đa dạng, từ việc tổ chức ngày hội truyền thống các thợ bạn hay đồng nghiệp, hoặc tổ chức thăm hỏi, mừng thọ và mừng sinh nhật đoàn viên, cho đến trợ giúp những đoàn viên nghèo và đau ốm, tổ chức nhà nghỉ dưỡng sức cũng như cấp học bổng cho các đoàn viên trẻ bổ túc chuyên môn để nâng cao học vấn và tay nghề. Các hình thức giúp đỡ đó sẽ được khuyến khích và xây dựng thành truyền thống, để tập hợp đoàn viên không chỉ về chuyên môn, mà rộng hơn cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần.

Thứ tư, chức năng tư vấn, phản biện và giám định các hoạt động kinh doanh, văn hóa, xã hội để bảo vệ lợi ích công nhân. Có thể hiểu tư vấn là hình thức đề xuất ý kiến khác nhau, nên làm và cần phải làm để công nhân có thể tự tìm kiếm việc làm, bảo vệ việc làm khỏi bị sa thải bất công; phản biện là đánh giá những kế hoạch, chương trình hoạt động vì lợi ích của những người lao động; giám định xã hội là theo dõi việc thực hiện các kế hoạch, chương trình hoạt động tại các xí nghiệp. Để có được một cơ chế tư vấn, phản biện xã hội có hiệu quả cần có sự phối hợp định kỳ trong hoạt động của các tổ chức nghiệp đoàn, giới kinh doanh và các cấp chính quyền. Các đoàn viên là đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp có thể phát ngôn những vấn đề liên quan đến lợi ích nghiệp đoàn.

Thứ năm, chức năng điều phối giữa quản lý nhà nước và quản lý xã hội đối với công nhân. Trong quá trình từng bước xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chính sách xã hội là tác nhân quan trọng cho mỗi tương tác hài hòa giữa quản lý nhà nước và quản lý xã hội. Và ở đây các nghiệp đoàn có thể đóng được vai trò quan trọng, góp phần bảo đảm điều phối hài hòa giữa quản lý nhà nước với quản lý xã hội. Chức năng quan trọng này của các nghiệp đoàn có thể được lý giải từ những luận cứ sau đây:

- Các nhóm xã hội công nhân không chỉ làm chủ bằng Nhà nước, mà còn làm chủ bằng các tổ chức xã hội do mình lập ra. Trong nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta cần phải đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận công nhân muốn có tổ chức nghiệp đoàn của mình xuyên suốt các ngành kinh tế trong và ngoài quốc doanh.

- Thông qua các nghiệp đoàn, có thể giải phóng công nhân ra khỏi sự bao cấp về biên chế nhà nước, tức là bao cấp việc làm. Các tổ chức nghiệp đoàn có vai trò to lớn giúp công nhân sống được bằng lao động chuyên môn của mình; do đó giảm nhẹ gánh nặng tìm kiếm việc làm cho Nhà nước và cho cả những người công nhân riêng lẻ. Các tổ chức nghiệp đoàn có thể phối hợp với những tổ chức xã hội khác hình thành các trung tâm tư vấn và môi giới việc làm. Có thể đóng góp ý kiến với các cơ quan nhà nước, và cũng có thể chủ động xây dựng chương trình hay đề án việc làm cho từng nhóm nghề nghiệp trong giai cấp công nhân nước ta. Ví dụ chương trình việc làm cho những thợ xây dựng thủy điện, hay việc làm cho những thợ lắp ráp cơ khí hay điện tử...

- Trong nền kinh tế nhiều thành phần, trình độ phát triển không đồng đều, đặc biệt giữa các vùng miền… thì cùng với các tổ chức xã hội khác, các nghiệp đoàn sẽ góp phần không nhỏ vào việc giáp nối, liên kết tay nghề, chuyên môn của công nhân theo ngành, vùng lãnh thổ, thậm chí trên quy mô toàn quốc. Nói chung giai cấp công nhân nước ta như đã phân tích ở trên bị phân hóa thành nhiều nhóm, cả trong lẫn ngoài quốc doanh. Xu hướng phân tầng xã hội làm cho công nhân bị phân tán, chia cắt, không phát huy được sức mạnh tổng hợp, và kìm hãm quá trình phát triển tâm lý vô sản trong giai cấp công nhân. Vì thế, những thành tựu chuyên môn của ngành này, địa phương này, hay của mỗi nhóm công nhân đặc thù không được, hay chậm được truyền bá sang ngành khác, vũng lãnh thổ khác, và thành phần kinh tế khác. Các phúc lợi xã hội và điều kiện bảo đảm xã hội của công nhân có thể rất khác nhau ở mỗi thành phần kinh tế, cho dù chuyên môn và điều kiện lao động giống nhau hoặc tương đương nhau. Người ta có khuynh hướng giải quyết công việc của ngành mình, địa phương mình chỉ bằng lực lượng chuyên môn và tay nghề hiện có của mình, mặc dù nhiều khi người không phù hợp với việc. Sự thuyên chuyển tay nghề và chuyên môn ra khỏi ngành và địa phương vẫn rất khó khăn. Vì thế mức độ cơ động lao động, tức là mức độ thuyên chuyển lao động, di cư lao động phù hợp với sự năng động và biến động của kinh tế thị trường vẫn còn thấp. Nghĩa là tính thụ động về quan hệ cung - cầu lao động vẫn còn cao. Ngay trong nội bộ kinh tế quốc doanh khi cần tập hợp công nhân có tay nghề cao để giải quyết một việc nào đó thường rất khó khăn về thủ tục, chính sách, chế độ phúc lợi.

Tính khu biệt hóa đã tạo ra tính cục bộ, tính đặc thù, do đó kìm hãm quá trình phổ biến hóa sự tiến bộ với tính cách là chỉ báo về sự hài hòa giữa quản lý nhà nước và quản lý xã hội. Và đây cũng là một lực cản to lớn đối với việc thực hiện chính sách xã hội. Trong việc khắc phục lực cản kể trên, các nghiệp đoàn do khắc phục được sự chia cắt ranh giới hành chính, nên có thể liên kết giữa những người thợ bạn thuộc mọi thành phần kinh tế, vùng lãnh thổ…; có thể giải quyết nhiều vấn đề xã hội có tính liên ngành vì lợi ích của người lao động. Từ đó suy ra rằng, chính sách xã hội đối với công nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có một phần cơ bản có thể và cần được giải quyết thông qua và bằng các nghiệp đoàn.

- Cần phải thấy rằng, trình độ chuyên môn của công nhân nước ta còn yếu. Thợ bậc 5, 6 trở lên là hiếm, và có nguy cơ ngày càng giảm sút cả về lượng và chất. Ý thức về nghề nghiệp như một cứu cánh để tìm kiếm việc làm trong giai cấp công nhân nước ta chưa cao. Chúng ta chưa có truyền thống tôn trọng chuyên môn kỹ thuật để thực hành một nghề cụ thể, và để phấn đấu đạt đỉnh cao về chuyên môn nghề nghiệp. Không có trình độ chuyên môn cao, không có sự say mê nghề nghiệp thì không thể nói đến "gien công nghiệp", "tâm lý vô sản". Trong lịch sử chúng ta có những nghề thủ công nổi tiếng với những nghệ nhân và làng nghề thủ công nổi tiếng. Tuy rằng quá trình công nghiệp hóa đã được triển khai từ nhiều thập kỷ nay nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa có một đội ngũ thợ lành nghề đông đảo ở các ngành công nghiệp nặng vốn là trọng tâm của công nghiệp hóa. Trong cơ chế bao cấp, tâm lý nghề nghiệp chuyên môn bị lấn át, và mờ nhạt trước tâm lý biên chế và chức vụ hành chính văn phòng; còn trong cơ chế thị trường hiện nay tâm lý nghề nghiệp chuyên môn bị lấn át và lu mờ trước những tâm lý khác. Song một quy luật thép của kinh tế thị trường là không có chuyên môn thì không có việc làm, chứ đừng nói gì việc làm có thu nhập cao. Cùng với quá trình xóa bỏ cơ chế tập trung - bao cấp về việc làm thì vấn đề nổi lên hàng đầu đối với mỗi người lao động, là bằng mọi cách học lấy một nghề cụ thể, phải thường xuyên bồi dưỡng và nâng cao tay nghề. Và một tác nhân có hiệu quả cao trong chức năng tư vấn, đoàn kết giữa những người thợ bạn là các nghiệp đoàn. Ở đây, các nghiệp đoàn đóng vai trò điều phối giữa quản lý nhà nước với quản lý xã hội trong việc đào tạo và bồi dưỡng tay nghề cho đoàn viên nghiệp đoàn. Các nghiệp đoàn có thể và cần phải nắm bắt cụ thể những nguyện vọng của giới mình để không những bảo vệ có hiệu quả lợi ích của họ, mà còn giúp họ học một nghề cho chín hơn chín, mười nghề. Trên cơ sở đó, mỗi người và tất cả mọi người thuộc giai cấp công nhân đều có thể tự tìm kiếm việc làm, và sáng tạo việc làm ở tất cả các thành phần kinh tế nước ta.

Nếu mục tiêu cuối cùng và cao nhất của chính sách xã hội là bảo đảm xã hội và an sinh xã hội để mỗi người và mọi người đều có thể tự phát triển như một cá nhân - công dân và cá nhân - nhân cách thì, chính sách xã hội đối với giai cấp công nhân hiện nay, trước hết và cơ bản là bảo đảm cho mỗi người và mọi người hoạt động trong khu vực công nghiệp và dịch vụ, đều có thể tự tìm kiếm được việc làm và sáng tạo việc làm với thu nhập ngày càng cao. Nhờ đó, mà mỗi người và mọi người trong giai cấp công nhân đều có thể cải thiện không ngừng mức sống, và tiếp đó là lối sống, chất lượng sống, môi trường sống.

Vị trí và chức năng của các nghiệp đoàn quả thực rất xứng đáng được khai thác và đổi mới trong quá trình đổi mới chính sách xã hội đối với giai cấp công nhân thuộc mọi thành phần kinh tế ở nước ta. Vấn đề đặt ra là phải quản lý các nghiệp đoàn như thế nào trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật? và điều phối mối quan hệ giữa Nhà nước - nghiệp đoàn - giới doanh nhân như thế nào để thực hiện được định hướng xã hội chủ nghĩa đối với nền kinh tế thị trường ở nước ta./.

----------------------------------------------------------

(1) V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2006, T.39, tr17-18