Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu
TCCSĐT - Ngày 06-01-2016, tại Oa-sinh-tơn (Mỹ), Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu, theo đó, mức tăng trưởng chậm tại các thị trường mới nổi chính sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2016, nhưng hoạt động kinh tế vẫn sẽ tăng nhẹ từ mức 2,4% năm 2015 lên 2,9% năm 2016 nhờ các nền kinh tế phát triển đã lấy lại đà tăng trưởng.
Tăng trưởng chậm ở nhiều khu vực
Theo Báo cáo, tăng trưởng kém diễn ra đồng thời tại nhiều nền kinh tế mới nổi đã gây quan ngại đối với khả năng hoàn thành mục tiêu giảm nghèo và chia sẻ thành quả phát triển cho mọi đối tượng vì các nền kinh tế này từng là động lực thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu trong thập niên qua. Báo cáo cảnh báo, tác động lan tỏa từ các nền kinh tế mới nổi sẽ kéo theo hạn chế tăng trưởng tại các nước đang phát triển và đe dọa những thành quả giảm nghèo vốn rất khó khăn mới đạt được.
Chủ tịch Nhóm Ngân hàng thế giới (WBG) Jim Yong Kim nói: “Trên 40% số người nghèo trên thế giới sống tại các nước đang phát triển, nơi tăng trưởng đã bị chậm lại trong năm 2015. Các nước đang phát triển cần tập trung tăng cường năng lực ứng phó với môi trường kinh tế kém thuận lợi và bảo vệ nhóm người bị thiệt thòi nhất. Lợi ích của các biện pháp cải cách quản trị và cải thiện môi trường kinh doanh là rất lớn và chúng có thể bù đắp tác động do tăng trưởng tại các nền kinh tế lớn bị chậm lại”.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2015 không đạt mức mong muốn khi giá nguyên vật liệu giảm, dòng vốn và thương mại suy yếu và các đợt xáo động tài chính làm giảm nhịp độ tăng trưởng. Mức tăng trưởng trong tương lai sẽ phụ thuộc vào đà tăng trưởng tại các nền kinh tế thu nhập cao, mức độ ổn định giá nguyên vật liệu và sự dịch chuyển dần của nền kinh tế Trung Quốc theo mô hình tăng trưởng dựa trên tiêu thụ và dịch vụ.
Dự đoán các nước đang phát triển sẽ đạt mức tăng trưởng 4,8% năm 2016, thấp hơn mức dự báo trước đây nhưng vẫn cao hơn mức tăng trưởng 4,3% giai đoạn sau khủng hoảng. Trong năm 2016, tăng trưởng dự đoán sẽ tiếp tục giảm tại Trung Quốc; kinh tế Nga và Brazil sẽ tiếp tục suy thoái. Ấn Độ sẽ dẫn đầu khu vực Nam Á, nơi sẽ là điểm sáng về tăng trưởng. Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được ký kết dự kiến cũng sẽ góp phần làm bùng nổ thương mại.
Phó Chủ tịch WB Kaushik Basu nhận định: “Thành tích tăng trưởng giữa các nền kinh tế mới nổi sẽ ngày càng phân hóa rõ rệt. So với 6 tháng trước đây, mức độ rủi ro đã tăng lên, nhất là khả năng suy giảm tăng trưởng diễn ra một cách không trật tự tại một nền kinh tế mới nổi lớn. Cần phối hợp các chính sách tài khóa và chính sách của Ngân hàng Trung ương để giảm nhẹ các rủi ro này và hỗ trợ tăng trưởng”.
Tuy ít có khả năng xảy ra nhưng nếu các nền kinh tế mới nổi chủ chốt suy giảm nhanh hơn dự đoán thì nền kinh tế toàn cầu sẽ bị tác động. Trong số các rủi ro, cần kể đến căng thẳng tài chính liên quan đến chu kỳ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các căng thẳng địa - chính trị.
Theo Giám đốc Nhóm triển vọng kinh tế phát triển của WB Ayhan Kose, tăng trưởng mạnh lên tại các thị trường phát triển chỉ bù đắp phần nào các rủi ro do tăng trưởng tiếp tục suy giảm tại các thị trường mới nổi chính. Ngoài ra, còn phải kể đến rủi ro tài chính do chi phí vốn vay tăng lên.
Triển vọng khu vực
Đông Á Thái Bình Dương: Tăng trưởng trong khu vực dự kiến sẽ giảm nhẹ xuống còn 6,3% trong năm 2016 từ mức 6,4% trong năm 2015. Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục giảm tốc độ tăng trưởng xuống còn 6,7% trong năm 2016 so với mức 6,9% năm 2015. Không kể Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng khu vực năm 2015 là 4,6%, tương đương mức năm 2014, do tăng trưởng các nước xuất khẩu nguyên vật liệu, trong đó có Indonesia và Malaysia, bị chậm lại nhưng được bù lại bởi tăng trưởng nhanh tại Việt Nam và mức độ khôi phục phần nào tại Thái Lan. Rủi ro trong khu vực bao gồm suy giảm mạnh hơn dự kiến tại Trung Quốc, khả năng biến động thị trường tài chính có thể quay trở lại, và điều kiện tài chính bất ngờ bị thắt chặt.
Châu Âu và Trung Á: Tăng trưởng dự kiến sẽ đạt 3% năm 2016 so với mức 2,1% năm 2015 nhờ giá dầu giảm chậm hơn hoặc sẽ ổn định, nền kinh tế Nga mạnh lên và Ukraine hồi phục. Nền kinh tế Nga sẽ giảm 0,7% năm 2016, sau khi giảm 3,8% năm 2015. Tăng trưởng có thể phục hồi ở vùng miền Đông của khu vực, gồm Đông Âu, Nam Kavkaz và Trung Á, nếu giá nguyên vật liệu ổn định. Vùng phía Tây của khu vực, bao gồm Bungari, Rumani, Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Tây Balkan, sẽ đạt tốc độ tăng trưởng vừa phải nhờ phục hồi tăng trưởng tại khu vực đồng ơ-rô.
Các nước đang phát triển khu vực Mỹ Latinh và Caribe: Trong năm 2016 dự kiến sẽ phục hồi nhẹ sau giai đoạn suy thoái và đạt mức tăng trưởng 0,1% sau khi giảm 0,7% năm 2015 do khu vực phải đối phó với tình trạng giá nguyên vật liệu giảm trong thời gian dài và các nền kinh tế lớn nhất trong khu vực đang phải đối phó với các thách thức trong nước. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng khác nhau tại mỗi tiểu khu vực, như các tiểu khu vực Trung, Bắc Mỹ và Caribe tăng trưởng mạnh hơn và bù vào mức yếu kém của Nam Mỹ. Tình trạng suy thoái hiện nay tại Brazil dự kiến sẽ tiếp diễn trong năm 2016, thể hiện một chính sách kinh tế vĩ mô thắt chặt và người tiêu dùng và giới đầu tư mất niềm tin phần nào do bất ổn chính trị. Tại Mêxico, tuy bị ảnh hưởng bởi giá dầu thấp và các áp lực tài khoá đi kèm nhưng dự kiến tăng trưởng sẽ tăng nhờ thực hiện tái cơ cấu và tăng cầu tại thị trường Mỹ.
Trung Đông và Bắc Phi: Dự kiến tăng trưởng sẽ tăng tốc và đạt mức 5,1% trong năm 2016 so với với 2,5% năm 2015 do các biện pháp trừng phạt đối với Iran sẽ bị dừng hoặc bãi bỏ và giúp nước này giữ vai trò lớn hơn trên thị trường năng lượng toàn cầu. Tăng trưởng tại các nước xuất khẩu dầu khác dự kiến cũng sẽ tăng trên cơ sở giả định rằng giá dầu sẽ ổn định. Toàn bộ khu vực bị đe dọa bởi rủi ro leo thang xung đột, giá dầu tiếp tục giảm, và thất bại trong việc cải thiện điều kiện sống mà qua đó có thể dẫn đến bùng phát bất ổn xã hội.
Nam Á: sẽ là điểm sáng về tăng trưởng đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, theo đó tốc độ tăng trưởng sẽ đạt 7,3% năm 2016, sau khi đã đạt 7,0% năm 2015. So với các khu vực khác, Nam Á có ít quan hệ buôn bán với Trung Quốc và đây cũng là khu vực nhập khẩu ròng dầu lửa nên sẽ được hưởng lợi khi giá dầu toàn cầu giảm. Trong năm tài chính 2016 - 2017, Ấn Độ, nền kinh tế chủ đạo trong khu vực, dự kiến sẽ tăng tốc với mức tăng trưởng 7,8%, và Pakistan (tính trên chi phí yếu tố) sẽ tăng trưởng 4,5%.
Khu vực tiểu Sahara châu Phi: Dự đoán sẽ tăng trưởng 4,2% năm 2016 so với mức 3,4% năm 2015 nhờ giá nguyên vật liệu ổn định. Nhịp độ tăng trưởng tại mỗi nước trong khu vực sẽ khác nhau, mức tăng trưởng tiêu dùng tại các nước xuất khẩu dầu sẽ bị yếu do giá nhiên liệu tăng trong khi tỉ lệ lạm phát thấp tại các nước nhập khẩu dầu lại làm tăng chỉ số giá tiêu dùng. Dự đoán, Nigieria sẽ tăng trưởng 4,6% năm 2016 so với mức 3,3% năm 2015; Nam Phi: 1,4% năm 2016 so với mức 1,3% năm 2015./.
Chuyến hàng Tết Bính Thân đầu tiên đã tới huyện đảo Trường Sa  (07/01/2016)
Trực thăng phối hợp với dàn xe bọc thép tham gia bảo vệ Đại hội Đảng  (07/01/2016)
Phản ứng của Việt Nam trước việc Đại sứ quán Saudi Arabia bị tấn công  (07/01/2016)
Hơn 320 cuộc gọi, tin nhắn tố giác tham nhũng trong 25 ngày  (07/01/2016)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển