Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững ở Đồng Nai
TCCS - Thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 41% cơ cấu kinh tế, 60% giá trị sản lượng công nghiệp và 90% kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm cho trên 370.000 lao động… đóng vai trò quan trọng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai.
Hội nhập kinh tế quốc tế hiện đang là xu thế tất yếu của nền kinh tế thế giới. Đối với nước ta, hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại là một bộ phận quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng. Trong đó, việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là nguồn lực rất quan trọng cho quá trình phát triển và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đồng Nai là địa phương sớm nắm bắt thời cơ, tận dụng tiềm năng, lợi thế so sánh để mở rộng kinh tế đối ngoại, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tạo bước đột phá trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Điều đó đã được thể hiện trong nhiều nghị quyết và chủ trương của Đảng bộ tỉnh, đặc biệt là trong Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VII thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 27-11-2001 của Bộ Chính trị khóa IX về hội nhập kinh tế quốc tế đã nhấn mạnh: tăng cường công tác vận động thu hút đầu tư trong và ngoài nước; huy động nguồn vốn đầu tư bằng nhiều kênh khác nhau, trong đó chú trọng nguồn vốn FDI, đồng thời tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là tạo điều kiện và môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút nguồn vốn FDI bằng các giải pháp cải tiến quy trình quy hoạch, kế hoạch; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp; rà soát các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư thích hợp.
Để chủ trương của tỉnh đi vào thực tiễn, ngay từ đầu những năm 90 thế kỷ XX, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức nhiều đoàn cán bộ đi khảo sát, học tập kinh nghiệm ở một số nước về thành lập khu chế xuất - khu công nghiệp; tổ chức công tác xúc tiến đầu tư tại nước ngoài, ban hành nhiều chính sách phù hợp, nhất là quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp tập trung nhằm tạo điều kiện để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Năm 1990, Đồng Nai thành lập Công ty Phát triển khu công nghiệp Biên Hòa (SONADEZI), quyết định giao đất cho Công ty SONADEZI và huy động vốn đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, sau đó cho các nhà đầu tư thuê lại với giá phù hợp. Đây là mô hình mang tính tiên phong trong giai đoạn này và được đánh giá là rất thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài tại Đồng Nai. Khu công nghiệp Biên Hòa 2 là khu công nghiệp đầu tiên của cả nước được thành lập trong thời kỳ đổi mới. Các mô hình ứng trước vốn của nhà đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, quy chế khu công nghiệp, cơ chế "một cửa" tại chỗ cũng đã hình thành đầu tiên tại Đồng Nai.
Hơn 20 năm qua, nhờ vận dụng một cách linh hoạt những chủ trương và chính sách của Nhà nước, Đồng Nai đã đạt được những kết quả nhất định, là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Số dự án đầu tư nước ngoài cùng với số vốn đăng ký không ngừng tăng lên qua các năm. Từ năm 1988 đến 1993 là giai đoạn đầu tiếp cận nguồn vốn đầu tư nước ngoài, Đồng Nai đã thu hút một số dự án đầu tư nước ngoài lớn (Công ty VEDAN, VMEP, Hualon), nhưng trong giai đoạn này kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh chưa rõ nét. Từ năm 1994 đến 1998 là giai đoạn phát triển đột phá trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tỉnh đã thu hút nhiều dự án của các nhà đầu tư lớn như: Fujitsu, Kao, Samsung, Kolon, Chrysler, CP, Cargill... Đây được xem là thời kỳ "làn sóng đầu tư nước ngoài" vào Đồng Nai. Từ năm 1999 đến 2000 là giai đoạn suy giảm, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực, thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn đã giảm sút. Từ năm 2001 đến nay là giai đoạn tăng trưởng nhanh và ổn định, tỉnh đã thu hút nhiều dự án quy mô lớn và chú trọng đến chất lượng các dự án; dự án đầu tư lớn nhất trong giai đoạn này thuộc Tập đoàn Formosa (Đài Loan) với vốn đầu tư 951 triệu USD.
Đến tháng 6-2009, tổng số giấy phép còn hiệu lực là 967 dự án, vốn đăng ký 15,17 tỉ USD, có 32 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai. Trong đó, các nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư cao tại Đồng Nai là Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN, châu Âu, châu Mỹ..., tổng vốn đã thực hiện khoảng 7,24 tỉ USD, đạt 47,6% tổng vốn đăng ký, đây là tỷ lệ vốn thực hiện cao so với các địa phương trong cả nước. Đầu tư nước ngoài đã phủ kín địa bàn toàn tỉnh, trong đó chủ yếu tập trung tại thành phố Biên Hòa và các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom. Các dự án đầu tư nước ngoài vào Đồng Nai đa dạng, với quy mô sản xuất và trình độ công nghệ rất khác nhau, chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến,dệt may, da giày, lắp ráp xe máy, cơ khí và điện tử...
Từ năm 2006 đến nay, tỉnh chủ trương nâng chất lượng thu hút các dự án đầu tư nước ngoài, tập trung thu hút những dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ, dự án có công nghệ cao và thân thiện với môi trường (năm 2006, thu hút dự án nhà ở, dịch vụ, công nghệ cao chiếm 29% tổng vốn đăng ký mới; đến năm 2008 số dự án này chiếm 84%, 6 tháng đầu năm 2009 chiếm 87,6%). Đầu tư nước ngoài cũng là nhân tố quan trọng để Đồng Nai phát triển các khu công nghiệp, ngược lại, việc quy hoạch phát triển khu công nghiệp là điều kiện cần thiết để thu hút các dự án đầu tư nước ngoài vào tỉnh Đồng Nai trong hơn 20 năm qua. Một số khu công nghiệp được quy hoạch theo hướng chuyên môn hóa theo ngành nghề, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Đồng Nai hiện có 29 khu công nghiệp đã được cấp phép thành lập với tổng diện tích 9.076 ha, diện tích đã cho thuê chiếm tỷ lệ trên 60% diện tích đất dùng cho thuê, thu hút 75% vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã thể hiện rất rõ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và trở thành một bộ phận không thể tách rời trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, chiếm 41% cơ cấu kinh tế, 60% giá trị sản lượng công nghiệp và 90% kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm cho trên 370.000 lao động; đã bổ sung nguồn vốn và công nghệ rất quan trọng cho phát triển, tạo điều kiện tiếp cận thị trường thế giới, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, góp phần tăng trưởng GDP, tăng thu ngân sách nhà nước. Đồng thời, đầu tư nước ngoài đã góp phần hình thành và phát triển các khu dân cư, khu đô thị mới; từng bước hình thành một đội ngũ cán bộ và công nhân lành nghề, đưa Đồng Nai từ một tỉnh có cơ cấu nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong GDP trở thành một tỉnh có cơ cấu công nghiệp cao (năm 1990 ngành nông - lâm - thủy sản chiếm 50,1% và ngành công nghiệp chiếm 20,7% trong GDP; đến năm 2008 ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 57,9% và ngành nông nghiệp còn 10,6%).
Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đánh giá cao sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh Đồng Nai trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh, nhất là về các lĩnh vực: cấp phép đầu tư, hỗ trợ triển khai thực hiện dự án, hỗ trợ triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Với khẩu hiệu hành động: "Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp" và "Chính quyền đối thoại với doanh nghiệp", tỉnh đã thể hiện ý chí trong thu hút và nuôi dưỡng sự phát triển các doanh nghiệp FDI trên địa bàn. Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp được thể hiện rõ qua việc rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, như việc cấp giấy phép đầu tư từ 15 ngày theo quy định được rút ngắn còn từ 3 - 5 ngày, cá biệt có một số dự án được cấp phép trong 1 ngày; cấp giấy chứng chỉ C/O Form D trong 2 giờ... Theo ý kiến chung của các nhà đầu tư, phần lớn các doanh nghiệp FDI có kế hoạch kinh doanh lâu dài tại Đồng Nai, trong quá trình hoạt động có trên 90% doanh nghiệp tăng vốn. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư thật sự tin tưởng vào chính quyền tỉnh Đồng Nai, nhất là các nhà đầu tư Đài Loan, Hàn Quốc đã khẳng định Đồng Nai là quê hương thứ hai của họ. Đây là tín hiệu khả quan về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Đồng Nai hiện tại cũng như trong tương lai.
Từ những thành quả thu hút đầu tư nước ngoài tại Đồng Nai trong những năm qua có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:
Thứ nhất, quy hoạch và đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng là cần thiết và phải đi trước một bước, nhằm tạo quỹ đất để bố trí dự án đầu tư. Trên cơ sở quy hoạch, triển khai công tác bồi thường giải tỏa, tạo quỹ đất sạch và đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu cho việc bố trí dự án đầu tư.
Thứ hai, về lựa chọn mô hình khu công nghiệp và lựa chọn dự án đầu tư, bên cạnh sự phát triển theo chiều rộng, tỉnh đã chú trọng phát triển theo chiều sâu, lựa chọn các dự án có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, nhằm từng bước nâng cao chất lượng các dự án đầu tư nước ngoài; đồng thời thông qua các giải pháp phát triển đa dạng các mô hình khu công nghiệp.
Thứ ba, tạo môi trường đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, chăm sóc tốt các nhà đầu tư chính là mở ra cơ hội để đón nhận các nhà đầu tư tiềm năng mới.
Thứ tư, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực (cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật cao, lành nghề) luôn được coi trọng, vì đó là nhân tố quyết định và là cầu nối cực kỳ quan trọng giữa nhà đầu tư với địa phương. Vì vậy, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đồng bộ với các mặt: giáo dục - đào tạo, sử dụng và tạo việc làm là yêu cầu không thể thiếu trong thu hút đầu tư.
Thứ năm, phát huy sức mạnh tổng hợp của địa phương. để hoạt động đầu tư nước ngoài có hiệu quả, địa phương hướng các hoạt động đầu tư vào những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, sử dụng linh hoạt các công cụ kinh tế hiện có và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tại địa phương.
Thứ sáu, về hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội, thành lập và phát triển các tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là tổ chức cơ sở đảng và công đoàn, sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển. Thực tế tại Đồng Nai cho thấy, không chỉ người lao động mà nhiều chủ doanh nghiệp cũng đã xem các tổ chức chính trị- xã hội là chỗ dựa tin cậy trong hoạt động của mình.
Từ hoạt động thực tiễn và những bài học kinh nghiệm về thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh trong những năm qua, hoạt động đầu tư nước ngoài giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020 được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xây dựng với mục tiêu: Phát huy tối đa các nguồn lực và lợi thế của tỉnh trong mối liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng, trong nước và hội nhập quốc tế, tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài tăng trưởng ổn định, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư từ các nước công nghiệp phát triển, các dự án quy mô lớn thân thiện với môi trường, có công nghệ kỹ thuật cao, các dự án trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư vào các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn của tỉnh, nhằm tiến tới mục tiêu phát triển bền vững.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, trong thời gian tới Đồng Nai tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:
Một là, chủ động xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể, phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương trong từng giai đoạn để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài hiệu quả và chất lượng. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, trong đó chú trọng quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghệ cao, các trung tâm thương mại - dịch vụ... làm tiền đề cho việc mời gọi đầu tư. Huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thu hút đầu tư và các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động, làm ăn lâu dài tại Đồng Nai. Tập trung thu hút đầu tư từ những tập đoàn kinh tế lớn, có tiềm lực về công nghệ, vốn, thị trường; các dự án đầu tư thuộc các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch và các dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao..., đặc biệt chú trọng thu hút đầu tư về vùng nông thôn, miền núi để người dân được thụ hưởng những thành quả từ hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài.
Hai là, tiếp tục hỗ trợ hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài theo phương châm "chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp", "chính quyền đối thoại với doanh nghiệp". Tập trung thực hiện công tác cải cách hành chính, hoàn thiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" với thủ tục rõ ràng, công khai, minh bạch.
Ba là, tập trung đào tạo đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng, đa dạng cho các nhà đầu tư; chú trọng bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ, luật pháp quốc tế đối với cán bộ làm công tác đối ngoại.
Bốn là, quan tâm đặc biệt đến công tác xử lý môi trường và bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp; nhất là tập trung đầu tư các nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp. Tạo thuận lợi về môi trường pháp lý để các nhà đầu tư nước ngoài triển khai xây dựng các hệ thống xử lý chất thải, nước thải, khí thải tại doanh nghiệp nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái.
Năm là, tăng cường đầu tư các dịch vụ phục vụ ăn, ở, đi lại, học hành, khám và điều trị bệnh, nhu cầu vui chơi, giải trí cho người lao động tại các khu công nghiệp. Trước mắt tập trung giải quyết hiệu quả vấn đề nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn nhằm ổn định lâu dài nguồn nhân lực cho các nhà đầu tư.
Sáu là, chủ động gặp gỡ các nhà đầu tư, qua đó nắm bắt các nhu cầu và tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. Tổ chức tuyên truyền, vận động, thuyết phục các nhà đầu tư đồng tình ủng hộ việc thành lập các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức này hoạt động. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động các tổ chức cơ sở đảng, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhằm góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển; bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, Nhà nước và người lao động.
Có thể khẳng định rằng, trong suốt quá trình thu hút vốn FDI hơn 20 năm qua, Đồng Nai là một trong những tỉnh sớm nắm bắt, tận dụng tiềm năng, lợi thế của mình để đón nhận dòng vốn đầu tư. Tuy còn những hạn chế và khó khăn nhất định, nhưng Đồng Nai đã luôn thể hiện những động thái tích cực, sáng tạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư nước ngoài. Tất cả những điều đó đã tạo cho Đồng Nai càng có uy tín và tạo ấn tượng tốt với đối tác, là tiền đề quan trọng để thu thút đầu tư, giúp cho Đồng Nai luôn nằm trong số các tỉnh dẫn đầu cả nước về họat động đầu tư nước ngoài trong những năm qua./.
Thông cáo số 10 Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XII  (02/11/2009)
Nguy cơ thiếu hụt lương thực và giá cả tăng ở các nước phát triển  (02/11/2009)
Lễ đón chính thức Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe II thăm Việt Nam  (02/11/2009)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam