TCCSĐT - Ngày 26-12-2015, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã phối hợp với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”. Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị tham dự Hội thảo.
Chủ trì Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: GS, TS. Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Võ Văn Thưởng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ chí Minh; cùng PGS, TS. Đỗ Lan Hiền, Viện trưởng, Viện nghiên cứu tôn giáo và tín ngưỡng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Báo cáo Đề dẫn tại Hội thảo, GS, TS. Tạ Ngọc Tấn khẳng định: Trên thế giới có nhiều tộc người, nhiều quốc gia thờ cúng tổ tiên ở các mức độ và dạng thức khác nhau, nhưng thờ cũng Hùng Vương dưới dạng thờ Quốc Tổ thì chỉ có ở người Việt và Việt Nam. Bởi, người Việt không chỉ nhớ ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên gia tộc theo huyết thống, mà còn tôn vinh những người có công trong khai làng, lập ấp; tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, dũng khí can trường bất khuất dấn thân vì mưu cầu quốc thái dân an của các bậc anh hùng đã đi vào tâm thức người Việt. Đặc biệt là, trong khu vực Kinh đô nước Văn Lang xưa, các Vua Hùng đã chọn Núi Nghĩa Lĩnh, ngọn núi cao nhất vùng để thực hiện các nghi lễ cúng tế theo tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp thời bấy giờ. Sau này, để ghi nhớ công lao to lớn của các Vua Hùng, người dân và triều đình đã lập đền thờ các Vua Hùng tại chính ngọn Núi Nghĩa Lĩnh đó. Hiện nay, theo thống kê ở Việt Nam có hơn 1.400 di tích thờ cúng Hùng Vương và các tướng lĩnh thời đại Hùng Vương.

GS, TS. Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh, dù nguồn gốc Hùng Vương có vương vấn với huyền thoại, thì cũng là sự phản ánh cách giải thích của người Việt trước đây về nguồn cội quốc gia của mình, đó là sức mạnh, sự cổ vũ tinh thần giúp người Việt quy tụ về một mối mỗi khi đất nước gặp thiên tai, địch họa. Vì vậy, để tiếp tục truyền bá tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với bạn bè quốc tế, Hội thảo sẽ đánh giá, làm rõ thêm các di tích đền thờ Hùng Vương trên phạm vi cả nước để có kế hoạch trùng tu, tôn tạo nơi thờ tự cho trang nghiêm và xứng tầm. Bên cạnh đó, tiếp tục sưu tầm, chuẩn hóa điển tích, trình tự nghi lễ thờ cúng Hùng Vương để tạo sự thống nhất; đồng thời, xây dựng các giải pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của nhân loại với trường hợp tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ.

Tiếp đó, các đại biểu, nhà nghiên cứu đã tập trung làm sáng tỏ những vấn đề cơ bản như: Lịch sử hình thành, ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam thông qua kho tàng di sản Hán Nôm, bản thư tịch cổ và kết quả nghiên cứu của ngành Khảo cổ học… để chứng minh sự tồn tại, chính thức hóa về thời gian lịch sử của thời đại Hùng Vương gắn với thời kỳ Văn hóa Phùng Nguyên. Làm rõ những giá trị đặc sắc của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, nhiều ý kiến đã đề xuất đưa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào chương trình giáo dục ở các cấp học; xây dựng hệ thống tượng thờ Hùng Vương ở các địa điểm văn hóa lịch sử. Đặc biệt, với việc UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại”, nhiều ý kiến đã đưa ra giải pháp nhằm bảo tồn tín ngưỡng phải thật sự khoa học, xứng tầm, nhất thiết phải xem đây như một bản sắc văn hóa truyền thống cần được kế tục, duy trì và phát huy.

Với việc dẫn chứng những cứ liệu lịch sử, PGS, TS. Đỗ Lan Hiền, Viện trưởng, Viện nghiên cứu tôn giáo và tín ngưỡng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã góp phần “giải mã” tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, thủy tổ người Việt với thời đại Hùng Vương dựng nước Văn Lang. PGS, TS. Đỗ Lan Hiền cho rằng, các truyền thuyết chính là phản ảnh khát vọng có chủ đích lịch sử, mang thông điệp tâm linh nhằm giáo dục cho đời sau ghi nhớ. 

Nhằm khẳng định về những giá trị đặc sắc của tín ngưỡng thời cúng Hùng Vương, GS, TS. Trương Quốc Bình, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng: Từ hàng ngàn đời nay, trong đời sống tâm linh của người Việt, vua Hùng luôn có vị trí quan trọng đặc biệt như một biểu tượng văn hóa cụ thể, một thực thể tâm linh thiêng liêng khác hẳn với những biểu tượng tín ngưỡng tôn giáo trên thế giới. Hiện nay, việc thờ Quốc Tổ Hùng Vương không những được duy trì mà còn được mở rộng cả về quy mô lẫn hình thức, nhất là trước nhu cầu hành hương tìm về cội nguồn của hàng triệu du khách trong và ngoài nước vào các dịp lễ hội Đề Hùng.

Đồng tình với quan điểm trên, thông qua việc dẫn chứng những cứ liệu lịch sử, GS, TS. Lê Hồng Lý, Viện nghiên cứu văn hóa thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam khẳng định tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã thực sự trở thành biểu tượng ở tầm quốc gia và quy tụ tất cả cộng đồng, kể cả kiều bào ở nước ngoài, đó là sự cố kết cộng đồng, đoàn kết cùng nhau hướng về Đất Tổ.

Ngoài ra, nhiều ý kiến tại Hội thảo còn khẳng định, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày nay đã trở thành bản sắc văn hóa đặc biệt của Việt Nam, như là động lực tinh thần gắn kết toàn dân tộc “thành cây một cội, thành con một nhà”, làm nên sức mạnh của truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Đó cũng là nền tảng tâm linh vững chắc để củng cố và phát triển phẩm chất, nhân cách của mỗi con người Việt Nam, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, thương nòi cho các thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau.

Để góp phần tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa quý báu của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong đời sống đương đại, nhiều đại biểu cho rằng cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng. Nhưng trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về Luật Di sản văn hóa tới các tầng lớp nhân dân, nhất là đối tượng thanh, thiếu niên, cùng với đó là việc thường xuyên rà soát, điều chỉnh chính sách, cơ chế về bảo vệ di sản, cải tiến nâng cao chất lượng giờ dạy về các truyền thuyết liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương trong chương trình các môn học lịch sử, ngữ văn ở các cấp học. Tiếp tục triển khai các chính sách đầu tư, chính sách sử dụng di sản, phát triển các nguồn lực kinh tế, du lịch, văn hóa một cách bền vững; tìm kiếm các phương thức để xây dựng các chương trình hoạt động một cách khoa học, sáng tạo, thiết thực và sinh động./.